Lễ Giỗ Đức Hồng YTrịnh Văn Căn

Cách đây đúng một năm, tất cả chúng con và giáo hữu Việt Nam thương tiếc đưa tiễn Đức Hồng Y khả kính của chúng ta đến nơi an nghỉ cuối cùng. Chúng con được vinh dự là những chủng sinh cuối cùng của Ngài, được gần gũi, nghe lời dạy bảo của Ngài, và thấy được nhiều đức tính tốt nơi Ngài. Chắc chúng con sẽ được nghe Đức Giám Quản (Phaolô Phạm Đình Tụng) nói về Đức Hồng Y, bây giờ Cha chỉ nhắc lại một vài đức tính của Ngài để chúng con noi theo.

Đức Hồng Y là môt mục tử nhân lành, vì Ngài rất yêu thương kẻ nghèo khó. Ngài yêu thương một cách kín đáo. Ai đến xin giúp đỡ, Ngài đều không từ chối. Ai bị mắc ngăn trở gì, Ngài cố gắng tìm cách tháo gỡ. Ai buồn phiền thất vọng, Ngài an ủi và khuyên bảo. Ai đau khổ, Ngài như cùng đau khổ với họ.

Thứ hai là Ngài yêu mến Lời Chúa. Ngài tìm mọi cách để có đủ sách hát, sách dâng hoa, sách kinh cho giáo dân. Chính Ngài cũng đặt thêm nhiều kinh để giáo dân dễ cầu nguyện, và nhất là Ngài cố công hợp tác với một vài người dịch cuốn Kinh Thánh rồi phổ biến rộng rãi để mọi người có thể đọc và tìm hiểu cũng như sống Lời Chúa.

Thứ ba là Ngài có lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt. Ngài luôn cổ võ giáo dân yêu mến và phó thác trong tay Mẹ.

Có một lần Cha hỏi các linh mục ở Địa Phận Hà Nội: “Đố các cha biết được trong phòng Đức Hồng Y có bao nhiêu ảnh tượng Đức Mẹ?“ Các cha trả lời: “Chỉ biết là nhiều chứ không biết bao nhiêu“. Cha mới nói: “Trong phòng Đức Hồng Y, tôi đếm được tất cả 13 tượng Đức Mẹ, vừa bằng đất, vừa bằng giấy“. Điều này chứng tỏ Đức Hồng Y rất có lòng kính mến Đức Mẹ đặc biệt. Giáo dân dâng cho Ngài ảnh Đức Mẹ, Ngài đều vui lòng nhận và để giáo dân khỏi buồn, Ngài treo tất cả ở trong phòng. Hình như đối với Ngài, Đức Mẹ bao nhiêu cũng không đủ. Những lúc gặp khó khăn, Ngài đều đến kêu cầu và phó thác mọi sự trong tay Đức Mẹ. Các người đến thăm Ngài, trước khi ra về, đều được Ngài mời cùng đọc chung một Kinh Kính Mừng. Còn các cô hội hát trước khi về được Ngài mời quỳ xuống đọc một Kinh Kính Mừng dâng cho Mẹ. Và những ngày lễ Đức Mẹ, Ngài có thói quen đến cầu nguyện với Đức Mẹ tại hang đá.

Cha nhắc lại một vài điểm như vậy để cho chúng con thấy Đức Hồng Y thật là một mục tử nhân lành với con chiên của mình. Và trong những thời kỳ khó khăn, Ngài đã làm hết khả năng và hy sinh hết mình để phục vụ Chúa. Một lát nữa, khi đứng bên mộ của Ngài, chúng con hãy hứa thực hiện lời dạy của Ngài trong đời sống hằng ngày để tỏ lòng biết ơn những công lao và yêu thương Ngài đã dành cho chúng con. Amen.

Giỗ Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn

Thánh lễ trưa cùng ngày.

Đức Giám Quản đồng tế với Đức Phó Tổng, 7 Đức Cha và 53 linh mục trong các giáo phận.

Kính thưa quý Đức Cha, quý cha, quý nam nữ tu sĩ và toàn thể tín hữu.

Đúng ngày này năm trước, chúng ta về đây để đưa tiễn Đức Hồng Y kính mến đến nơi an nghỉ cuối cùng. Ngày ấy, theo tiếng Chúa gọi, Đức Hồng Y đã ra đi một cách đột ngột, làm cho mọi người chúng ta không khỏi ngậm ngùi đau xót. Nỗi đau đớn ấy chỉ có Thiên Chúa mới có thể xoa dịu được. Đức Hồng Y mất đi, Giáo Triều Roma thiếu mất một cộng sự viên; Giáo Tỉnh nói chung, và Giáo Phận Hà Nội nói riêng, mất người lãnh đạo hiền lành và mẫu mực. Đứng trước sự ra đi của Đức Hồng Y, chúng ta nghĩ gì ?

Tất cả mọi hành động, sáng kiến của con người đều chung một mục đích là để duy trì và bảo vệ sự sống. Tăng gia sản xuất là để phục vụ cho sự sống con người. Uống thuốc, chích thuốc là để kéo dài tuổi thọ, kéo dài thời gian của cuộc sống. Nhưng mặc dầu khoa học đã đi được những bước dài, y học đã thành công nhiều mặt, nhưng không ai có thể sống trường sinh. Sự chết vẫn tồn tại như một luật định. Đứng trước việc người thân yêu ra đi, người ta khóc than để nói lên nỗi tiếc thương của mình, nhưng sự thương khóc đó cũng cho thấy sự bất lực của mình trước cái chết. Nhưng chết không phải là hết. Công Đồng Vatican trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng có viết: “Đứng trước cái chết, con người tỏ rõ sự bất lực của thân phận làm người, nhưng con người cũng tin vào một cuộc sống vĩnh cửu mai sau“.


Giáo Hội chấp nhận cái chết là một thực tại không thể chối cãi, nhưng đồng thời Giáo Hội cũng mở ra hy vọng về sự sống lại mai sau. Chúng ta tin rằng chết chỉ là một giấc ngủ ngàn năm. Giấc ngủ dù chỉ mấy tiếng hay dài ngàn năm cũng chỉ là một giấc ngủ. Và chúng ta tất cả sẽ được sống lại để chịu xét xử theo công tội ở trần thế một cách công minh.


Chúng ta tin tưởng rằng, các việc bác ái chúng ta thi hành, việc giữ đạo, đọc kinh, dâng lễ mà chúng ta lập được, các hy sinh chúng ta cam chịu vì danh Đức Kitô sẽ không mai một, và không bị quên lãng. Đúng vậy, ngày sống lại chúng ta sẽ thấy rõ về mình, và sẽ thấy những công khó của chúng ta ta không uổng công vô ích. Vì thế, cuộc sống ở trần gian chính là thời gian chúng ta gieo trồng để mai sau chúng ta gặt hái, thu hoạch. Thánh Phaolô nói: “Ai gieo nhiều thì gặt nhiều. Ai gieo ít thì gặt ít“. Chúa phán: “Ai tin Ta sẽ không bao giờ chết và kẻ nào chết mà tin Ta sẽ sống lại và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày tận thế“. Đó là lý do nền tảng để chúng ta tin tưởng vào Chúa, và sống điều Chúa dạy, vì một khi đã sống yêu thương, chu toàn bổn phận của mình, chúng ta hy vọng chắc chắn sẽ được Chúa cho sống lại ngày tận thế và chung hưởng vinh phúc với Ngài cùng với tất cả những tôi trung của Chúa. Lúc đó, chúng ta sẽ hân hoan nhìn thẳng vào sự chết và nói một cách hùng hồn: “Hỡi sự chết, chiến thắng của ngươi ở đâu ? Hỡi tử thần, nọc độc của ngươi ở đâu?“


Trong một nghĩa địa, người ta đọc thấy dòng chữ sau đây: “Tôi nằm xuống cùng với mặt trời lặn“. Một câu nói thật thâm thúy, vì không ai lại ngồi khóc mặt trời lặn vào lúc hoàng hôn. Mặt trời phải lặn đi để một ngày mới được bắt đầu. Cũng thế, đức tin không cho phép chúng ta quá đau khổ thất vọng trước cái chết. Mỗi người chúng ta với thân xác của mình sẽ có ngày nằm xuống, sẽ vùi trong lòng đất, nhưng nếu chúng ta tin vào Chúa và sống trọn vẹn niềm tin này, chúng ta chắc chắn sẽ sống lại vinh quang.

Như thế, trong khi con người lo âu và thất vọng trước sự chết, Giáo Hội đã mở cho con cái mình một lối thoát nhờ niềm tin tưởng và hy vọng vào sự phục sinh vinh hiển của Đức Kitô.

Hôm nay, tôi hết lòng tạ ơn quý Đức Cha, quý cha, quý nam nữ tu sĩ và anh chị em giáo dân trong ba miền đất nước, đã không quản đường xá xa xôi, vất vả khó nhọc, và công việc bề bộn, để về đây dâng lễ cầu cho Đức Cố Hồng Y của chúng ta. Sự có mặt của quý Đức Cha, quý cha, quý nam nữ tu sĩ và anh chị em, đã nói lên tấm lòng biết ơn người Cha hiền của mình và đồng thời diễn đạt được tính cách duy nhất của Giáo Hội Công Giáo. Hơn nữa, sự hiện diện này cũng nói lên được niềm tin và sự bác ái yêu thương dành những người đã khuất. Thánh lễ mà tất cả chúng ta dâng lên Chúa hôm nay sẽ là niềm an ủi không nhỏ cho Đức Hồng Y của chúng ta. Tưởng nhớ đến Ngài, chúng ta quyết hứa sống theo lời Người khuyên bảo, dặn dò là luôn tin tưởng, quan tâm, yêu thương, và hy sinh cho người khác như lời Chúa dạy bảo, để mai này tất cả chúng ta cùng được chung hưởng hạnh phúc muôn đời với Chúa.

Lạy Chúa, xin cho linh hồn Đức Hồng Y Giuse Maria của chúng con được toại nguyện trong niềm tin của mình. Xin Chúa rất nhân từ đón nhận Đức Hồng Y vào vương quốc vĩnh cửu mà Chúa đã hứa ban cho các tôi trung của Chúa.


Xin cho chúng con biết sống theo lời dạy bảo của Đức Hồng Y, dấn thân hy sinh và phục vụ để sau này chúng con cũng được đoàn tụ trong đại gia đình Chúa trên Nước Trời. Sau cùng, chúng con cùng hợp ý dâng lời tạ ơn Chúa, vì Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

ĐHY. F.X Nguyễn Văn Thuận

Exit mobile version