Tước hiệu Camêlô gắn liền với một dòng tu được thành lập trên núi Carmel trong vùng Galilea bên Palestina. Nó diễn tả một trong những hình thức phổ biến nhất về lòng sùng kính Đức Mẹ trong lịch sử Giáo Hội. Trong lịch phụng vụ cải tổ sau Công Đồng Chung Vaticăng II lễ này được mừng vào ngày 16 tháng 7, và là lễ nhớ không bắt buộc.
Carmel là một dẫy núi dài hơn 25 cây số, trải dài từ vịnh Haifa trên biển Địa Trung Hải cho tới đồng bằng Esdrelon. Chỗ cao nhất là 546 mét. Núi Carmel hay được Thánh Kinh nhắc tới vì cây cối xanh tươi của nó; và nói tới Carmel là nói tới vẻ đẹp và sự phong phú phì nhiêu. Chẳng hạn trong chương 35 ngôn sứ Isaia khích lệ thiên nhiên vui lên vì Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ sắp tới: ”Vui lên nào hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang hãy mừng rỡ trổ bông, hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ, và hân hoan múa nhảy reo hò. Sa mạc được tặng ban ánh huy hoàng của núi Libăng, vẻ rực rỡ của núi Carmel và đồng bằng Sharon. Thiên hạ sẽ nhìn thấy ánh huy hoàng của Giavê và vẻ rực rỡ của Thiên Chúa chúng ta” (Is 35,1-2).
Trong chương 7 sách Diễm Ca chàng là phu quân dùng hình ảnh núi Carmel để tả cái đẹp của nàng là hiền thê: ”Trên thân mình, đầu em đỉnh núi Carmel, tóc em một giải lụa hồng, bềnh bồng sóng nước, xiềng xích quân vương” (Dc 7,6).
Nói về ngày Thiên Chúa đánh phạt Israel ngôn sứ Amos viết ở ngay đầu chương 1: ”… đồng cỏ của mục tử nhuốm mầu tang tóc, đỉnh núi Carmel nay đã héo tàn” (Am 1,2).
Truyền thống gằn liền núi Carmel với ngôn sứ Elia, mặc dù Thánh Kinh Cựu Ước chỉ nhắc tới ngôn sứ một lần duy nhất. Ngày nay người A rập vẫn gọi núi Carmel là ”Gebel Mar Elyas” ”Núi thánh Elia”. Chương 18 sách các Vua I kể rằng hồi thế kỷ thứ IX trước công nguyên, vua Akháp nghe lời hoàng hậu Dêdabel cùng với dân Israel thuộc vương quốc miền Bắc bỏ Giavê Thiên Chúa để tôn thờ thần Baal và các thần ngoại. Trong các ngôn sứ của Thiên Chúa chỉ còn lại một mình Elia. Nhưng ngôn sứ can đảm dám thách đố 450 ngôn sứ giả của hoàng hậu Dêdabel trong một hy lễ toàn thiêu trên núi Carmel để chứng minh cho dân Israel thấy ai là Thiên Chúa thật.
Vì phía các ngôn sứ giả của hoàng hậu Dêdabel đông hơn, Elia nhường cho họ dâng lễ tế trước. Họ nhảy múa và dùng gươm giáo rạch mình từ sáng tới trưa mà không thấy các thần trả lời. Tới phiên ngôn sứ Elia, ông xếp củi, sát tế bò để lên trên, rồi sai người tưới nước ba lần ướt đầm đìa cả rãnh chung quanh bàn thờ, sau đó ngôn sứ cầu nguyện và lửa từ trời xuống thiêu rụi của lễ sát tế, củi, đá và bụi, và làm khô nước trong rãnh. Dân chúng phủ phục sát đất và tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa. Ngôn sứ đã sai dân bắt 450 ngôn sứ giả và giết hết tại suối Kison (1 V 18,20-40). Từ đó núi Carmel được gắn liền với ngôn sứ Elia và cũng được gọi là ”núi của ngôn sứ Elia”.
Vào hậu bán thế kỷ XII có một vài vị ẩn tu đã tới sống trên núi Carmel. Họ là những tín hữu tây phương đạo đức hành hương Thánh Địa, chắc hẳn là đi theo các đạo binh Thánh Giá cuối cùng của thời đó sang Palestina để bảo vệ các nơi thánh của Kitô giáo. Họ đã được Đức Alberto Avogadro, Thượng Phụ Giêrusalem giữa các năm 1206-1214, tụ họp lại với nhau thành nhóm, và viết cho họ một Quy luật sống. Trong Quy luật ấy có nói rằng ”họ được thiết lập gần nguồn suối của ngôn sứ Elia, trong thung lũng Es-siah”, nơi lộ trình ”Các khu vực của Giêrusalem”, là cuốn sách hướng dẫn hành hương biên soạn giữa các năm 1220-1229, chỉ cho thấy ”các tu sĩ Carmel” sống bên cạnh một ”nhà thờ nhỏ của Đức Bà”. Người ta không biết nhà thờ này đã được xây khi nào, nhưng xem ra đó là ”ngôi nhà thờ nhỏ rất đẹp” được sách hướng dẫn ”Các nẻo đường và các cuộc hành hương Thánh Địa” nói tới. Trong khi chúng ta không biết gì về một ngôi nhà thờ khác như là ”công trình rất sang trọng”, được Đức Giáo Hoàng Urbano IV nói tới trong bức thư ”Quoniam – Thấy rằng” đề ngày 19 tháng Hai năm 1263.
Có điều chắc chắn là lúc đó nhóm các ”tu huynh” đã di cư sang cả tây phương và có tên gọi là ”Dòng Đức Thánh Maria núi Carmel” theo tước hiệu chắc chắn đã là thói quen. Và tước hiệu này đã xuất hiện lần đầu tiên trong một tài liệu của Đức Giáo Hoàng Innocenzo IV đề ngày 13 tháng Giêng năm 1252. Và điều hoàn toàn chính xác đó là vào tiền bán thế kỷ XIII dòng này đã được thành lập dâng kính Đức Trinh Nữ Maria, và các tu sĩ khấn tận hiến cho Mẹ Thiên Chúa. Việc tận hiến này được diễn tả ra một cách nền tảng qua sự lựa chọn Đức Maria như là ”Bà Chủ” của ”nơi” đầu tiên trên núi Carmel. Theo ý niệm pháp lý thời trung cổ sự kiện này khiến cho các tu sĩ của dòng là những người hoàn toàn phục vụ Bà Chủ, với một sự tôn sùng đặc biệt. Lời khấn đối với Đức Maria được diễn tả ra trong cuộc sống của các tu huynh với nhiều dấu chỉ, kể cả các dấu chỉ phụng vụ, và lòng sùng mộ có tính cách cộng đoàn và cá nhân.
Chúng ta có thể nói rằng Đức Trinh Nữ Maria của núi Carmel được cảm nghiệm, tôn sùng và chiêm ngắm bởi các tu huynh và tất cả những ai sau này sẽ chia sẻ cuộc sống của các vị, chẳng hạn như các nữ tu, các huynh đoàn và các giáo dân dòng ba Đức Bà Camêlô. Đức Bà Camêlô là trung tâm kinh nghiệm tinh thần của nhóm được thành lập bên Thánh Địa với mục đích sống đời hoàn thiện theo tinh thần Phúc Âm, trong sự cô tịch chiêm niệm, tập trung nơi lời cầu nguyện liên lỉ, việc lắng nghe Lời Chúa, trong một bầu khí đơn sơ, nghèo nàn và trong công việc lao động, noi gương đời sống của Đức Maria tại Nagiarét.
Việc quy chiếu núi Carmel gắn liền với tên Đức Maria, chỉ đơn thuần có tính cách địa lý lịch sử, để ám chỉ nơi dòng đã khai sinh và có các tu huynh sống. Vì thế trong nguồn gốc của nó tước hiệu ”Đức Thánh Maria của núi Camêlô” không ám chỉ một hình ảnh đặc biệt hay một khía cạnh mới của việc tôn sùng. Đây là điều xác đáng, vì trong việc biểu lộ cụ thể lòng sùng mộ được diễn tả ra với các tước hiệu của các nhà thờ khác nhau, các tu sĩ Camêlô nêu bật những khía cạnh khác nhau trong cuộc đời của Đức Maria như: chức làm Mẹ Thiên Chúa, sự đồng trinh, việc được thụ thai vô nhiễm nguyên tội, biến cố truyền tin. Vì vậy trong truyền thống tiên khởi ”Đức Thánh Maria của núi Camêlô” chỉ đơn sơ là Đức Mẹ như thấy trong bối cảnh của Tin Mừng, là Đức Trinh Nữ Maria rất trong trắng, Đấng tiếp nhận lời Chúa, và với tiếng ”xin vâng” của Người đã trở thành Mẹ của Con Thiên Chúa nhập thể làm người.
Không cần nhấn mạnh nhiều qúa, chúng ta có thể nói rằng các ”tu huynh Camêlô” nhìn Đức Maria thành Nagiarét, ”Nữ tỳ của Chúa”, như là Đấng gợi hứng, hướng dẫn, là chủ cuộc sống của họ, tập trung nơi việc giữ gìn, chiêm niệm lời Chúa. Chính vì thế các tu sĩ Camêlô cảm nghiệm Đức Maria như vừa là Mẹ vừa là Chị trên đường thiêng liêng, trong một bầu khí thân tình quy hướng về việc bước theo Mẹ và sống tràn đầy cuộc sống hướng thần ”trong việc phụng sự Chúa Kitô”, trong một bầu khí đơn sơ và khổ hạnh. Đó là điều được diễn tả trong ”Quy luật sống”, mà ngay từ thế kỷ XIV các tác giả của Dòng đã mau chóng trông thấy nhập thể nơi Mẹ Maria.
Trong các thánh truyện nảy sinh sau đó, có một vài truyện đã hiện diện ngay trong các bút tích đầu tiên của dòng còn được truyền tụng cho tới chúng ta. Chúng cho thấy việc đọc hiểu trong nhãn quan thánh mẫu ”đám mây nhỏ của núi Carmel” do ngôn sứ Elia làm và đề nghị với các đồ đệ của mình. Chương 18 sách các Vua I kể rằng ngôn sứ Elia mời vua Akháp lên ăn uống vì ông nghe có tiếng mưa rào. Trong khi nhà vua ăn uống, thì ngôn sứ Elia lên đỉnh núi Carmel, cúi xuống đất gục mặt vào hai đầu gối. Rồi ông bảo đứa tiểu đồng đi lên và nhìn về phía biển. Nó đi lên nhìn và nói không có gì cả. Lần thứ bẩy nó nói: ”Kìa, có một đám mây nhỏ bằng bàn tay người đang từ biển bốc lên. Ngôn sứ Elia nói: ”Con hãy lên thưa với vua Akháp thắng xe mà xuống kẻo bị kẹt mưa”. Lập tức trời kéo mây đen nghịt và nổi gió rồi trút mưa lớn. Vua Akháp cỡi xe đi Izreel. Tay Giavê đặt trên Elia; ông thắt lưng và chạy trước vua Akháp cho tới lúc vào Izreel” (1 V 18,41-46).
Đám mây nhỏ ấy của núi Carmel là dấu chỉ chấm dứt cuộc hạn hán kéo dài ba năm, được các tu sĩ Camelô coi như hình ảnh diễn tả Đức Maria, đem mưa đến cho thế giới sau thời hạn hán. Mưa ấy là ân sủng của Thiên Chúa chấm dứt thời gian khó khăn khô cằn cho dân Israel. Mưa ân sủng ấy là Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế, Nước và Bánh hằng sống Thiên Chúa ban cho nhân loại.
Rồi còn có truyện Đức Maria nhiều lần đến thăm cộng đoàn các tu sĩ Camêlô cùng với cha mẹ là thánh Gioakim và thánh Anna. Rồi việc sùng kính Đức Maria của các tu sĩ được coi là đã có từ thời xa xưa, hay ít nhất từ thời các tông đồ. Ngoài loại văn thể đạo đức đặc biệt của thời đó khiến nảy sinh ra các tác phẩm nghệ thuật, một cách tích cực các câu truyện thánh này diễn tả ý niệm sự thân tình theo tinh thần tin mừng đối với Mẹ Maria, Đấng đã tiếp nhận tu sĩ Camêlô vào ”nhà của Mẹ”, và trợ giúp tu sĩ sống dấn thân theo Chúa Cứu Thế duy nhất là Đức Giêsu Kitô Con Mẹ.
(Thánh Mẫu Học bài 343)
Linh Tiến Khải