Lạy Chúa! Xin đừng bỏ con lúc tuổi đà xế bóng…

Những bức ảnh của người đó post trên trang mạng chính là ghi lại hình ảnh của cuộc viếng thăm các nữ tu già đau bệnh. Những nụ cười, những cái ôm và bắt tay thân thiện được ghi lại như muốn chia sẻ chút tình người giữa chợ đời ồn ào và náo nhiệt cũng như nơi cõi lặng thinh của tuổi già.


Trên những chiếc bàn ngày xưa trong căn phòng tôi đến có khác xưa một chút là trên đó hiện diện những hộp bánh và hộp kẹo nhãn mác đắt tiền. Ngược lại, ngày xưa khi Mẹ dẫn tôi vào thăm các ngoại ở cái thời bao cấp đó chỉ là mấy cục kẹo sữa và vài cân đường.

Hình ảnh của những nữ tu già nua tuổi tác không còn đủ sức để gánh vác “giang san” nữa nay trở về với cái cõi lặng của cuộc đời để chờ ngày về với Chúa từ bé vẫn con in đậm trong tâm trí tôi mãi đến bây giờ.

Giờ thì không còn thời gian cũng như cũng chả tiện để ghé vào thăm nhiều như trước nhưng thi thoảng vẫn còn đâu đó có dịp bước vào nhà hưu dưỡng của các hội dòng ở mãi tận miền Tây sông nước. Cũng chả khá gì hơn vì tất cả đều nằm trong căn phòng của người hưu dưỡng.

Thế đó ! Cuộc đời, cái vòng bôn ba loanh quanh luẩn quẩn nó khép kín con người hay trói buộc con người không cho con người ra khỏi đó : sinh – bệnh – lão và cuối cùng là tử.

Có những cuộc ra đi xem chừng ra là sớm nhưng lại là hay. Lại có những cuộc ra đi sau nhiều ngày tháng đau lâu ốm dài quả là điều trăn trở. Chả ai có quyền chọn lựa cho mình con đường chết bởi chỉ mình Chúa mới là Đấng làm chủ không gian, thời gian cũng như vận mạng của con người.

Mỗi tháng, may mắn được tiếp cận những mảnh đời nằm yên bất động trên chiếc giường có khi là xi măng lạnh ngắt bởi gia cảnh không thể nào khá hơn thấy thương thay cho thân phận con người. Nhiều năm tháng bôn ba với cuộc sống nay cứ phải cạn dần cạn dần hơi sức để rồi chờ đợi đến ngày phải ra đi.

Nhờ những lần thăm viếng như vậy cũng như những con người sau cánh cửa nhà hưu chợt nhận ra thân phận chua xót của con người.

Khi còn chức còn quyền hay còn lực còn tiếng thì kẻ đón người đưa và thậm chí người ta còn bu quanh để tâng bốc. Thế nhưng rồi những ngày đời tàn tạ sau cánh cửa nhà hưu thì được mấy kẻ đón người đưa ?

Sự thật vẫn là sự thật và sự thật ấy lại gói ghém trong 2 câu chữ “phũ phàng”.

Ngày Lễ khánh thành nghĩa trang các linh mục của Giáo Phận, không ngần ngại, không giấu diếm thân phận của cuộc đời tận hiến, Đức Giám Mục Emma đã nói thẳng với mọi người hiện diện : “… Đời linh mục là thế đó ! Khi còn ở giữa anh chị em thì anh chị em còn nhớ nhưng khi mất rồi, mấy ai nhớ đến và có khi người ta đùa gọi các linh mục đã qua đời thuộc diện các linh hồn mồ côi. Và, trong khi hành xử, có khi anh chị em chính là nguyên do để cho các ngài phải ở trong luyện ngục lâu ngày hơn …”

Thế đó ! Cứ tưởng chừng tu là đơn giản như đang giỡn nhưng không ! Đời tu vẫn phải đối diện với những thăng trầm của cuộc sống.

Đời tu dù có thể nhìn bên ngoài lung linh và lộng lẫy lắm nhưng sau khi cánh cổng nhà thờ khép lại thì chỉ còn mình ta với Chúa và chỉ mình Chúa với ta.

Và, khi tuổi đà già, hơi đã cạn thì cuộc đời cô quạnh ôm chầm lấy ta.

Thế cho nên, khi còn chức còn quyền và khi còn tiền còn sức ta hãy năng chạy đến và chịu khó nhìn những mảnh đời sau cánh cổng nhà hưu dưỡng để ta nhớ đến một ngày nào đó rồi ta cũng sẽ phải vào đây. Lần lượt không manh động. Có khi chưa kịp về hưu thì ta đã khuất như bao nhiêu người ra đi đột ngột.

Tiếc thay có những người sống nhưng không bao giờ nghĩ rằng mình phải chết !

Thương thay cho những kẻ cứ nghĩ mình trẻ mãi chứ không già !

Cười thay cho những ai nghĩ rằng mình ngồi trên đỉnh vinh quang mãi mãi chứ không bao giờ xuống thấp !

Và rồi, ta lại nài van xin Chúa : “Lạy Chúa ! Xin đừng bỏ rơi con khi tuổi đà xế bóng” vì lẽ khi đó nhân gian đã bỏ con đi hết rồi. Và, lạy Chúa, xin Chúa cứ ở mãi bên con và bồng bế con trên tay Chúa nhé !

Người Giồng Trôm

Exit mobile version