Một ngày trong tháng 3 năm 2003, được báo có kẻ dùng súng hăm dọa người, cảnh sát thành phố Houston, Texas, đã đột nhập vào một căn hộ và bắt gặp tại trận hai người đàn ông đang giao tình với nhau.
Mặc dù hành động này là do đồng tình và diễn ra tại tư gia, cả hai đều bị buộc tội đã vi phạm đạo luật của Texas cấm giao hợp với người cùng phái tính. Cả hai đã bị giam một đêm và phạt 200 đô la. Hai thanh niên này đã kháng cáo lên Toà Thượng Thẩm Hoa Kỳ cho rằng Texas đã vi phạm quyền hiến định của những người đồng phái vì đã buộc tội họ khi họ đang thực hiện hành vi không trái phép theo luật Texas nếu được thực hiện bởi cặp khác phái.
Sự kiện kể trên đã không còn là một điều gây ngạc nhiên cho người dân sống trên vùng Bắc Mỹ tự do và phồn thịnh này nữa. Những người đồng phái yêu nhau, chung sống với nhau, và đòi chính quyền phải công nhận mối giây liên hệ của họ như ràng buộc hôn nhân có đủ mọi quyền lợi như những cặp vợ chồng trước pháp luật, đã trở thành điều xuất hiện hằng ngày trên báo chí, truyền thanh, truyền hình hoặc từ kinh nghiệm cá nhân.
Vào giữa năm 2004, khi thị trưởng của thành phố San Francisco, California, ủng hộ và đồng ý cấp giấy hôn thú cho người đồng phái, đã có hằng ngàn cặp tuôn đến thành phố này để làm thủ tục kết hôn!
Riêng tại Canada, hơn một năm vừa qua, dân chúng đã quen thuộc với tiếng Hôn phối đồng phái (same-sex marriage) và trong những tháng đầu năm 2005, cụm từ này đã trở thành chảo dầu sôi trên mảnh đất giá lạnh này.
Ðầu tháng 2 năm 2005, tôi có gởi thư đến các cấp chính quyền địa phương, tỉnh bang và liên bang để xin họ xét lại quyết định thay đổi định nghĩa về hôn phối là một khế ước kết hợp giữa một người nam và một người nữ và chỉ hai người mà thôi. Một tháng sau, tôi đã được ông Jim Prentice, M.P. của vùng trung bắc Calgary, viết thư trả lời và cho biết lập trường của ông là ủng hộ hôn phối đồng phái. Ðối với ông, hôn phối thuộc về tự do của cá nhân và như vậy là tự do được hiến pháp xác định. Ông viết: “Dựa trên quyền gì mà xã hội của chúng ta từ chối cho người công dân đồng tính, điều mà mọi người dân được hưởng: đó là giấy hôn-thú dân sự“.
Châm ngôn mà ông Prentice dựa vào là: “Một cá nhân có toàn quyền trên bản thân của hắn, thể xác và trí óc.” (Over himself, over his own body and mind, the individual is sovereign – câu nói của John Stuart Mill ). Nguyên tắc này đã trở thành nền tảng cho lối sống theo chủ nghĩa cá nhân cực độ (extreme individualism) mà theo đó, quyền lợi của cá nhân nên được ưu tiên đối với bất cứ quan tâm nào của xã hội và đời sống riêng tư của một cá nhân là việc riêng của cá nhân đó, không ai có quyền xía vào.
Hôn phối đồng phái trên thế giới
Tính cho đến đầu năm 2005, trên toàn thế giới chỉ có hai quốc gia của Âu Châu chấp nhận cho người đồng phái được cấp giấy hôn thú dân sự nếu họ muốn.
Hiệp Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị (International Covenant on Civil and Political Rights, Dec. 16, 1966), số 23, 1 & 2, xác định gia đình là yếu tố tự nhiên và nền tảng của xã hội và phải được xã hội cũng như quốc gia bảo vệ; đồng thời, quyền người nam và người nữ kết hôn và xây dựng một gia đình phải được công nhận. Ðiều khoản này đã được đưa ra hầu toà ở New Zealand vào năm 1997 bởi vì nó không cho người đồng phái cưới nhau, nhưng đã bị Toà Thượng Thẩm của nước này bác bỏ.
Một đơn kiện tương tự về cùng một điều khoản này cũng bị Ủy Ban Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc (UNHRC) bác bỏ năm 2002.
Tháng 4 năm 2001, Hòa Lan đã nới rộng định nghĩa hôn phối (từ sự cam kết sống chung ) giữa một người nam và một người nữ, bằng giữa hai người (không phân biệt nam hay nữ). Như thế, Hòa Lan đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới lập luật cho phép hai người đồng phái cưới nhau.
Tháng 1 năm 2003, nước Bỉ trở thành nước thứ hai cho phép hôn phối đồng phái.
Tháng 7 năm 2003, tỉnh bang Ontario và British Columbia của Canada đã chấp nhận hôn phối đồng phái trong ranh giới của họ.
Tháng 9 năm 2003, Nghị Viện của Canada đã đồng ý xác định lại ý nghĩa của hôn phối với chiều hướng muốn nới rộng ra cho cả những cặp đồng phái. Tự điển Oxford của Canada, xuất bản năm 2004, định nghĩa hôn phối là sự hiệp nhất về mặt tôn giáo hay pháp luật của hai người (two persons) mà định nghĩa trước đây của cùng một tự điển này là “sự hiệp nhất về mặt tôn giáo hay pháp luật của một người nam và một người nữ.”
Dù muốn hay không, chúng ta không thể tránh khỏi việc đương đầu với trào lưu của những người đồng phái mà trong những ngày gần đây, họ đã vượt qua tình trạng sống trong sợ hãi và lén lút, đến tình trạng tự hào và cổ võ cho lối sống ấy qua những cuộc biểu tình và diễn hành với tên Pride Day hoặc Pride Parade. Theo tôi, đó là hai thái cực cần phải tránh. Giáo Hội Công Giáo luôn luôn phân biệt con người với khuynh hướng tình dục, nhân vị với hành vi, tội nhân với tội lỗi. Ngay năm 1986, Thánh Bộ Ðức Tin đã chính thức nhắc nhở các Giám Mục phải chăm sóc mục vụ cho những người có khuynh hướng đồng tính.
Sau đây, chúng tôi xin trình bày một vài chủ trương căn bản của những người đấu tranh cho tự do và quyền sống chung của những người đồng phái, lưỡng phái và đổi phái (gay, lesbian, bisexual and transgender được viết tắt là GLBT ). Kế đó, chúng tôi sẽ đưa ra một vài nhận định và kết luận với cái nhìn của Giáo Hội trên hiện trạng và trào lưu đồng phái tính này.
Lập luận của những người đồng-lưỡng-đổi phái đòi cưới nhau
Không kể đến những quyền lợi một gia đình được hưởng và được chính phủ bảo vệ do hôn phối đem lại (có khoảng 1.049 đặc quyền khác nhau) mà những người đồng-lưỡng-đổi phái cố gắng để đấu tranh đòi sửa đổi định nghĩa về hôn phối sao cho họ có quyền được cưới nhau trước pháp luật, thì sau đây là 3 lý do chính họ dựa vào:
1. Bản chất của hôn phối đã từng thay đổi trong quá khứ – đã có thời người khác chủng tộc, người khác mầu da không được lấy nhau, nhưng xã hội hiện hành đã chấp nhận tất cả những sự khác biệt này. Nếu bản chất của hôn phối đã được thay đổi thì giờ đây cũng nên được thay đổi để chấp nhận cả những người đồng phái yêu nhau được cưới nhau.
2. Vào năm 1955, Sammy Cahn viết một bài hát có lời lẽ về tình yêu như sau: “Tình yêu và hôn phối, theo nhau như bóng với hình. Ta được hoàn toàn tự do vì cầu vòng tình yêu này. Tình yêu biến ta thành bất cứ điều gì ta muốn“. Theo đó, nền tảng của hôn phối, chính là tình yêu.
Hôn nhân chỉ là mối tương quan thân mật giữa hai người, tất cả những gì khác, đều là lỗi thời và không cần thiết. Và đây là lập luận của những người ủng hộ hôn phối đồng phái: Hôn phối được thiết lập do tình yêu của hai người, mà không phải tất cả những người yêu nhau đều là những cặp khác phái; do đó, hôn phối không được phép giới hạn cho người nam và người nữ.
3. Khi định nghĩa hôn phối là mối giây ràng buộc giữa một nam và một nữ, thì định nghĩa này đã loại trừ người cùng phái yêu nhau, được lấy nhau; sự loại trừ này cần phải được bãi bỏ vì nó cho thấy có sự đối xử không bình đẳng. Ðịnh nghĩa về hôn phối như hiện nay, vi phạm đến quyền lợi của người cùng phái.
Ðối xử không bình đẳng và một điều luật vi phạm đến quyền lợi của một người công dân, là điều mâu thuẫn có tính hiến định, và như vậy, không thể chấp nhận được. Khi xếp những đôi đồng phái vào một thể chế khác với thể chế hôn nhân hiện hành, thì vẫn là chưa thực sự có bình đẳng. Cư xử khác biệt không phải là bình đẳng.
Nhận định
1. Sự thực thi và sự hiểu biết về hôn phối có phát triển theo thời gian, nhưng bản chất của hôn phối không thay đổi vì vẫn luôn luôn là giữa một nam và một nữ. Ðiều này không chỉ đúng trong một quốc gia, một châu lục, một thời đại nào đó, nhưng là phổ quát cho mọi nơi và mọi thời. Những thay đổi về hôn phối trong qua khứ, chỉ là những thay đổi phụ thuộc, chứ không nằm trong bản chất của thể chế hôn nhân. Thể chế hôn nhân vẫn là dành cho một nam và một nữ và chỉ giữa hai người mà thôi. Chính quyền dân sự không lập ra hôn phối, mà chỉ là công nhận một thể chế đã được thực thi ngay từ khi con người sống thành xã hội. Nói cách khác, thể chế hôn nhân không thuộc quyền hiến định của chính quyền. Không ai có quyền trên những gì không thuộc quyền mình hoặc cao hơn quyền mình.
2. Hôn phối mà chỉ dựa trên tình yêu thì thật nguy hiểm không thể lường được. Tình yêu rất cần thiết cho đời sống hôn nhân, nhưng nó lại là một điều thường xuyên thay đổi. Sự thay đổi có thể về cường độ và cả về đối tượng. Sự thay đổi về cường độ của tình yêu diễn ra theo dòng thời gian, lúc mới yêu khác với lúc đã yêu vài ba năm, lúc chưa sống chung khác lúc đã sống với nhau… Vậy khi tình yêu phu phụ bị nhạt phai, hay hết đi, thì hai người không còn là chồng vợ hay sao ? Ðối tượng của tình yêu cũng có thể thay đổi, và thay đổi rất thường xuyên. Ðiều ấy cũng dễ hiểu bởi lẽ con người không ai hoàn toàn. Nếu nguồn gốc tình yêu chồng vợ bắt nguồn từ công, từ dung, từ ngôn, từ hạnh, thì đương nhiên sẽ có một người (hay nhiều người) giỏi hơn, đẹp hơn, ăn nói khéo hơn, và đạo hạnh hơn thì chẳng lẽ đối tượng của tình yêu không thay đổi sao? Nếu tình yêu vợ chồng bắt nguồn từ nhân, từ nghĩa, từ lễ, từ trí, từ tín, thì chắc chắn trong tương lai, cũng sẽ có người nhân từ hơn, hiểu lẽ sống hơn, biết qui củ hơn, thông thái khôn ngoan hơn, tín cẩn hơn, chẳng lẽ tình yêu không thay đổi đối tượng sao?
Thêm vào đó, tự nhiên mà nói, chúng ta có khuynh hướng và có khả năng yêu nhiều người khác nhau trong một lúc? Nếu hôn phối chỉ đặt căn bản trên tình yêu mà thôi, thì đa thê hoặc đa phu là điều không thể tránh! Con người có một nhu cầu rất căn bản, là cần sự thân mật với người khác. Trong những quan hệ của con người, chúng ta thấy ít nhất có 8 hình thức thân mật khác nhau: tình cảm, trí thức, thẩm mỹ, sáng tạo, giải trí, khủng hoảng, tình dục và tinh thần. Không một cá nhân nào có thể thoả mãn tất cả những hình thức thân mật đó nơi một người. Chúng ta luôn cần đến một số những tương quan thân tình trong đời sống chúng ta, đồng phái và khác phái. Thật là sai lầm khi đồng hoá thân mật với việc giao hợp tính dục. Trên thực tế, rất nhiều khi giao hợp tính dục mà lại không chia sẻ sự thân mật với nhau một tí nào cả. Tình dục là một cách thế diễn tả sự thân mật, chứ không bao giờ lại là phương tiện để đạt đến sự thân mật ấy.
3. Ðiều trở thành tiêu chuẩn để phân định các thể chế khác biệt nhưng bình đẳng trong luật pháp, bắt nguồn từ phiên toà Brown The Board of Education vào năm 1954 ở Toà Thượng Thẩm Hoa Kỳ. Phiên toà này đã tuyên bố trong lãnh vực giáo dục công cộng, việc đối xử khác biệt nhưng bình đẳng dựa trên cơ sở da màu là không hợp pháp. Ðiều phán quyết của toà này dựa trên sự đối xử khác nhau theo màu da, và được áp dụng trên tiêu chuẩn này, chứ không áp dụng trên các tiêu chuẩn khác; bởi vì phán quyết này không phù hợp với hệ thống giáo dục của trường học chỉ nhận học sinh của một phái tính mà thôi, như những trường dành cho nam sinh và những trường dành cho nữ sinh.
Lấy sự phân chia phòng cho bệnh nhân trong bệnh viện làm thí dụ. Nếu phân chia phòng ốc dựa trên sự khác biệt về da màu hay chủng tộc, như vậy là kỳ thị; nhưng nếu phân chia dựa trên sự khác biệt về phái tính thì không phải là kỳ thị; mà trên thực tế, sự phân chia này là cần thiết. Vậy sự khác biệt giữa hôn phối hiện hành (một nam một nữ) và hôn phối đang được những người đồng phái đòi hỏi là gì? Hôn phối là một sự phối hợp của hai người thành một xác thể được hoàn hợp và hiện thực hoá bởi những hành vi mà tự bản chất của chúng là truyền sinh bất kể hiệu quả của những hành vi ấy có truyền sinh hay không (trường hợp những cặp lớn tuổi hay những cặp bất lực).
Sự kết hợp xác thể của hai người phối ngẫu trong hành vi giao hợp là một kết hợp sinh học liên kết hai ngườit hành một hữu thể. Và chỉ qua hành vi giao hợp của hai vợ chồng mà thôi – không có người thứ ba – việc thụ thai và hình thành một mầm sống mới được thực hiện. Cùng đích tự nhiên nơi cơ thể của người nam và người nữ là để có khả năng thụ thai, hình thành một mầm sống, nuôi dưỡng một sự sống và cho chào đời một con người.
Sự kết hợp về thể lý của những cặp cùng phái không thể hiện sự liên kết một xác thể như trên và càng không phải là một sự liên kết sinh học có khả năng tạo nên sự sống mới. Phân biệt đối xử và kỳ thị chỉ thực sự xảy ra khi hai thực thể tự bản chất giống nhau nhưng lại được đối xử khác nhau. Dành cho hai thực thể tự bản chất khác nhau, những cư xử khác nhau thì không phải là kỳ thị hoặc đối xử không công bằng.
Con người khi sinh ra, là đã được phân định là nam hoặc nữ. Phái tính là thành tố phân định trong bản chất của con người. Hoặc bạn là phái nam, hoặc bạn là phái nữ. Phẩm giá con người là một hữu thể nhân linh, chứ không phải là nam phái hay nữ phái. Khi những người đồng phái đấu tranh cho quyền lợi riêng của họ thì họ không xếp nhân loại thành nam hay nữ, nhưng là theo tiêu chuẩn người thích giao hợp với người khác phái (heterosexual) và người thích giao hợp với người cùng phái (homosexual).
Ngay sự phân chia và xếp loại này đã có sự trục trặc. Thay vì dựa trên tiêu chuẩn khách quan và cụ thể hiển hiện trên cơ thể con người – nam hay nữ – thì những người đấu tranh cho người đồng phái tính lại dựa trên tiêu chuẩn tâm lý và khuynh hướng dấu ẩn trong đầu óc con người. Tiêu chuẩn chủ quan như thế không thể làm nền tảng cho sự phân loại được. Ðiều nguy hiểm hơn cả, là họ dựa vào đời sống tình dục làm tiêu chuẩn phân định con người; như thế, họ mặc nhiên tuyên bố tình dục làm nên bản chất con người; và đối với họ, có lẽ trẻ nít và các cụ cao niên không có chỗ đứng!
Những nguy hiểm có thể gây ra cho xã hội nếu hôn phối đồng phái được chấp nhận
1. Nguy hiểm đối với con cái:
Một điều hiển nhiên trong trào lưu đấu tranh cho người đồng phái cưới nhau, đó là họ chỉ chú trọng đến quyền và lợi của người trưởng thành, chứ không hề nghĩ đến quyền và lợi của con cái. Họ cho rằng quyền lợi của con cái là thứ yếu so với quyền lợi của người lớn; chính điều này đi ngược với nguyên tắc luật pháp phải bênh vực kẻ yếu; vì con trẻ là những người yếu thế nhất, nên phải được ưu tiên hơn. Người đấu tranh cho đồng phái giả định rằng con trẻ không có quyền đòi hỏi có cả cha và mẹ tự nhiên. Những nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng có cả cha và mẹ thì tốt cho con cái hơn là chỉ có một cha hay một mẹ, và cha mẹ ruột thường bảo vệ và chăm sóc con kỹ lưỡng hơn là cha mẹ nuôi.
2. Nguy hiểm đối với xã hội:
Trọng tâm của phong trào đấu tranh cho người đồng phái là chủ nghĩa cá nhân cực độ (extreme) hay tận căn (radical). Ðối với họ, quyền cá nhân là trên hết và tự do cá nhân là tối thượng, tự do này chối bỏ trách nhiệm chung. Châm ngôn của thứ tự do cá nhân tận căn này, là: Anh mặc kệ tôi, tôi mặc xác anh. Tôi có quyền và phải được tôn trọng tuyệt đối. Chủ nghĩa cá nhân này, cộng thêm với sự khoan nhượng của xã hội với chủ trương đa văn hoá: Nhiều tốt hơn ít, dẫn đến thái độ “Sao cũng được” và chủ trương: “Ai sao, tôi vậy; ai bậy, tôi theo!” Sự dửng dưng và ba phải như thế, sẽ giết chết những thế hệ tương lai và cuối cùng, không còn một nguyên tắc luân lý khách quan nào nữa cả.
Thái độ sống của chủ nghĩa cá nhân cực độ này là chủ nghĩa khoái lạc, khoái lạc trong chính nó. Và như thế, tất cả có thể trở thành phương tiện để cho cá nhân được hưởng lạc. Thuốc phiện không phát xuất từ bần cùng và dốt nát, nhưng nó đã trở thành một lối sống, hay một thứ giống như thời trang. Các ngôi sao màn bạc ra vào những trung tâm cai nghiện thường xuyên như họ ra vào đời sống hôn nhân. Anthony Giddens, một lý thuyết gia về xã hội, cho rằng nền văn hoá hiện đại đang chuyển từ văn hóa hôn nhân đến văn hoá thuần túy quan hệ. Thuần túy quan hệ loại bỏ mọi mục đích vượt khỏi sự thoả mãn tính dục, tâm lý và tình cảm mà quan hệ ấy đem lại.
3. Nguy hiểm đối với các cộng đồng tôn giáo:
Mặc dù chính phủ Canada an ủi những nhà lãnh đạo tôn giáo không phải làm đám cưới cho những cặp đồng phái nếu điều này đi ngược lại lương tâm và thực hành Ðức Tin của họ. Tuy nhiên, khi chấp nhận bản chất hôn nhân chỉ là giữa hai người và tình yêu của họ, chính phủ cũng đã mặc nhiên cho rằng tôn giáo sai lầm khi hiểu và giải thích hôn phối là khác phái và không thuần túy là tình yêu. Sự lầm lẫn này có thể bị kết vào tội kỳ thị và như vậy, họ sẽ trở thành bị cáo của nhiều vụ kiện trong tương lai.
Hiện nay, đang có vụ kiện của một đôi đồng phái đã cưới nhau theo nghi thức dân sự ở British Columbia và đã mượn một hội trường của Công Giáo để tổ chức tiệc cưới. Sau khi biết được người mướn là một cặp đồng phái, người ta đã liên lạc và hủy bỏ lần mướn ấy. Kết quả là cặp đồng phái này đã đệ đơn kiện chủ nhân hội trường là đã đối xử bất công và đã kỳ thị! Những nhân viên được ủy quyền chứng hôn dân sự tại B.C. cũng đã nhận được đề nghị nên từ nhiệm nếu họ không sẵn lòng chứng hôn cho các cặp đồng phái.
4. Nguy hiểm đối với việc giáo dục:
Surrey School District # 36 đã từ chối nhận thêm 3 quyển sách vào trong số các sách giáo khoa của lớp học sơ cấp; lý do vì 3 cuốn sách này đều trình bày một gia đình mà chủ nhà là hai bố hoặc hai mẹ (đồng phái). School District này đã bị đưa ra toà và quan toà đã bắt phải sửa đổi lại chương trình học sao cho bao gồm mọi lối sống và phải cổ võ cho bình quyền.
Cứ tình trạng này thì chẳng bao lâu, chúng ta sẽ thấy xuất hiện những sách giáo khoa nói về gia đình và hôn phối đồng phái cho trẻ em 6 tuổi; và đương nhiên, những giáo viên nào không đồng ý với lối trình bày này, cũng sẽ bị kết án là kỳ thị và cố chấp. Nếu thế thì tự do ngôn luận ở đâu, tự do tín ngưỡng ở đâu, tự do diễn tả tư tưởng ở đâu và như thế, ta thực sự có tự do hay không? Ðiều này chỉ sẽ dẫn đến một xã hội độc tài được điều khiển bởi một ý thức hệ được chính phủ ủng hộ và như thế, là tạo ra một thứ quốc giáo!
Lập trường của Giáo Hội Công Giáo
Giáo Hội Công Giáo luôn luôn dạy về sự thánh thiện của đời sống hôn nhân, và tình dục là hồng ân Chúa ban cho đời sống phu phụ.
Giáo Hội Công Giáo luôn chống đối Hôn Phối Ðồng Phái dưới mọi hình thức.
Ðối với các giáo phái Tin Lành, lập trường của họ không đồng nhất với nhau, có giáo phái chống, có giáo phái ủng hộ. United Church ở Canada là nhóm cho thấy lập trường ủng hộ rõ ràng và toàn bộ nhất. Ðối với họ, những phần nào trong Kinh Thánh làm thương tổn nhân phẩm của con người, như phụ nữ, người Do-thái, người đồng phái, người bị bỏ rơi, phải được giải thích lại và phải là thứ yếu so với giáo huấn trọng tâm của Kinh Thánh, đó là mọi người đều bình đẳng trước Thiên Chúa và tình yêu của Chúa là phổ quát cho mọi người.
Thực ra, lập trường của Giáo Hội Công Giáo về mặt luân lý rất rõ ràng và xuyên suốt từ những thế kỷ đầu. Giáo Hội Công Giáo không phân biệt người với người (người thánh thiện với kẻ tội nhân).
Với tư cách là người, mọi người đều có phẩm giá như nhau. Ðiều làm cho con người khác nhau, là lối sống của họ, hành động của họ. Hành động yêu thương, vị tha, quảng đại là những gì luôn được mọi người ca tụng và trân trọng; hành động hiểm ác, thù hằn, ích kỷ luôn luôn là những gì bị lên án, bị khinh dễ. Giáo Hội Công Giáo phân biệt rõ ràng giữa con người và lối sống, giữa tác nhân và hành động, giữa tội nhân và tội. Giáo Hội không bao giờ lên án con người chỉ vì họ có khuynh hướng này hay khuynh hướng kia, nhưng Giáo Hội luôn lên tiếng chống lại sự dữ được dấu ẩn sau những hành vi ích kỷ và hiểm ác.
Trong thư của Thánh Bộ Ðức Tin về hôn phối đồng phái, Ðức Hồng Y Ratzinger có nói: “Những người nam và người nữ có xu hướng đồng tính luyến ái ‘phải được đón nhận với lòng tôn trọng, thông cảm và tế nhị, tránh đối xử bất công.” Cũng như mọi Ki-tô hữu khác, họ được mời gọi để sống khiết tịnh. Tuy nhiên, khuynh hướng đồng tính là ‘lệch lạc về mặt khách quan’ và những hành vi đồng tính là ‘các tội nghịch với đức khiết tịnh.”
Ðức Hồng Y chủ tịch cũng đã đưa ra những lý do sau đây để chống đối việc luật pháp ủng hộ cho hôn phối đồng phái:
1/ lý của lẽ phải (right reason): lề luật do con người lập ra, không thể đi ngược lại luật tự nhiên (natural law), là luật dựa trên chính lý, hay lẽ phải;
2/ lý sinh học và nhân chủng học: sự kết hợp của hai người đồng phái, thiếu đi những yếu tố sinh học và nhân chủng học, và như vậy, không có giá trị truyền sinh để đóng góp vào sự tồn vong của nhân loại; tình dục là hành động nhân linh khi nó thực sự diễn đạt và cổ võ cho sự nâng đỡ hỗ tương giữa hai phái và sẵn sàng cho việc truyền sinh;
3/ lý xã hội: xã hội tồn tại được là do gia đình, mà gia đình được xây trên Hôn Phối; chấp nhận đồng phái lấy nhau là làm tan biến đi giá trị căn bản của hôn nhân khác phái: truyền sinh và dưỡng nuôi con cái; chính phủ ủng hộ đồng phái hôn phối và đặt thể chế này ngang hàng với thể chế hôn phối khác phái, tức là đã hành động không công bằng, và như thế, là đi ngược lại với nguyên tắc nền tảng của quyền bính;
4/ pháp lý: hôn phối một nam một nữ được xã hội công nhận và bảo vệ vì thể chế này bảo đảm cho sự liên tục của các thế hệ; những cặp đồng phái không nên được chú ý như vậy vì nó không thực thi điều này cho công ích. Thực là một bất công nghiêm trọng khi hy sinh công ích và công luật cho gia đình để chỉ bảo vệ lợi ích cá nhân mà xã hội có thể làm điều đó bằng cách khác.
LỜI KẾT
Một thanh niên hối hả chạy vào phòng của cha xứ, vừa thở hổn hển, vừa nói: “Cha ơi, con có điều này muốn nói cho cha hay.”
Cha xứ ngắt lời: “Khoan đã, thế anh đã gạn lọc điều anh muốn nói với tôi qua ba cái sàng của tôi chưa?”
– “Ba cái sàng gì, thưa cha?”
– “Cái sàng thứ nhất, là cái sàng sự thật. Ðiều anh muốn nói có thật không?”
– “Dạ không, nó chỉ là lời đồn thôi.”
– “Cái sàng thứ hai, là cái sàng sự thiện. Ðiều anh muốn nói có tốt lành không?”
– “Thưa cha không, nó là điều xấu.”
– “Vậy chắc nó phải được gạn lọc qua cái sàng thứ ba, là cái sàng của sự cần thiết. Ðiều đó có cần thiết không? Tôi có cần phải nghe điều đó không?”
– “Con nghĩ vì nó chẳng liên quan đến cha và Giáo Xứ, nên chắc cha không cần phải nghe.”
Cha xứ kết luận: “Vậy thì cám ơn anh. Nhưng hãy nhớ ba cái sàng: sự thật, sự thiện, và sự cần thiết để khi muốn nói điều gì, hãy sàng nó trước nhé. Lý tưởng là điều ta muốn nói lọt được cả ba sàng, nhưng nếu không được, thì một cái cũng đủ.”
Giáo Hội Công Giáo nói chung, và các Hội Ðồng Giám Mục địa phương nói riêng, đều lên tiếng mạnh mẽ chống đối việc chính phủ sửa lại hiến pháp để cho phép hôn phối đồng phái vì đây là một điều sai lầm, một sự xấu và không cần thiết.
Giáo Hội lên tiếng nói cho sự THẬT, sự THIỆN và sự CẦN. Ðiều phải, Giáo Hội phải nói; điều tốt, Giáo Hội đáng nói; điều cần, Giáo Hội cần nói.
Nguyên tắc sống của Kitô giáo đã được Thánh Augustino cô đọng lại như sau: “Trong những điều quan yếu, phải hiệp nhất; trong những gì còn đang tranh luận, nên có tự do; nhưng trong tất cả mọi sự, phải có đức ái.” (In essentials, unity; in doubtful matters, liberty; in everything, charity).
Giáo Hội lên tiếng chống đối và ngăn cản xã hội lập luật cho phép những người đồng phái cưới nhau vì đây là điều quan yếu mà mọi tín hữu đều phải hiệp nhất. Biết rằng con đường này sẽ đưa nhân loại đến diệt vong, nên Giáo Hội có bổn phận phải ngăn cản. Giả như trước mặt tôi, là một ly thuốc độc, tôi không biết đó là thuốc độc và tôi uống vào, tôi có bị nguy hiểm không? Ðương nhiên là tôi sẽ bị ngộ độc! Nếu bạn biết đó là ly thuốc độc và bạn cản tôi uống vào, vậy bạn có tước đi sự tự do của tôi hay không? Câu trả lời đương nhiên là không; và còn hơn thế nữa, bạn chính là cứu tinh của tôi. Giáo Hội có là cứu tinh của xã hội hiện đại không?
Trong tình hình hiện nay, con người đang bưng tai để không nghe tiếng cảnh tỉnh của Giáo Hội và bịt mắt để không muốn nhìn thấy cái hố mà con người ngày nay đang đào sẵn cho mình.
Thật thảm thay!
Bi thảm thay!
Linh mục TRẦN TRUNG LIÊM
(Dòng Ðaminh, Calgary, Canada)