>> Một trang sử thảm: Chủng viện và Địa sở Làng Sông năm 1885
Việc cấm đạo vốn đã có từ thời các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, đến thời Tự Đức lại càng dữ dội, khắc nghiệt hơn. Nhưng sách vở truyền đạo vẫn tiếp tục ra đời, chữ Quốc ngữ vẫn cứ thế phát triển theo quy luật tất yếu của ngôn ngữ. Hậu bán thế kỷ XIX, nhu cầu của cuộc sống đòi phải có nhà in. Do đó, một số nhà in của các giáo phận được thành lập. Các loại sách, bao gồm các loại kinh sách, truyện, giáo khoa… bằng chữ quốc ngữ được in và lan truyền nhiều hơn.
Ba nhà in sách quốc ngữ đầu tiên ở Việt nam là: Nhà in của giáo phận Tây Đàng Trong – nhà in Tân Định (Sài Gòn), nhà in Ninh Phú, Tây Đàng Ngoài (Hà Nội) và nhà in Làng Sông (Qui Nhơn) của giáo phận Đông Đàng Trong được đặt tại Tiểu Chủng Viện Làng Sông, ngày nay thuộc thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Đi cùng sự phát triển của chữ Quốc ngữ
Nghề in đúc (typô) đầu tiên du nhập vào Việt Nam tại Sài Gòn Năm 1861, tất cả máy, chữ, mực in, giấy và công nhân kỹ thuật được đưa từ Paris (Pháp) sang [1]. Tại địa phận Tây Đàng Trong (Sài Gòn), nhà in được xây dựng năm 1865 (có tài liệu viết 1863 hoặc 1867) tại sở quản lý Nhà Chung, dưới thời Giám mục Jean Clause Miche, do Linh mục Donatien Eveillard thực hiện. Đến năm 1874, Linh mục Donatien Eveillard chuyển nhà in về Tân Định [3]. Quyển sách sớm nhất hiện biết của nhà in Sài Gòn (Tân Định) bằng tiếng Pháp: ABC ABCD (Vần An Nam để đọc tiếng Latin), in năm 1867 và quyển sách Quốc ngữ Bổn dạy ABCD, của D. Eveillard, in năm 1868 [4]. Ở Đàng Ngoài, ngoài Từ điển An Nam – La Tinh (Dictionarium Annamatico – Latium) của J.S. Theurel, nhà in Ninh Phú,1887, quyển sách Quốc ngữ in sớm nhất hiện còn là Bổn giảng về bảy phép cực trọng chúa Jesu đã lập, Nhà in địa phận Tây Đàng Ngoài, năm 1882. Theo báo cáo năm 1873 của Giám mục Puginier, địa phận Tây Đàng Ngoài có một nhà in thạch bản và hai nhà in đúc typô, một dành cho các sách Latinh, một dành cho các sách Việt Nam (Quốc ngữ).
Tiểu chủng viện Làng Sông được xây dựng vào thập niên 40, thế kỷ XIX. Sau đó, Tòa giám mục và Nhà in của địa phận Đông Đàng Trong (từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây Nguyên) cũng được xây dựng tại Chủng viện nầy.
Trong Báo cáo hiện tình giáo phận Đông Đàng Trong năm 1885 của Giám mục Van Camelbeck Hân, về những thiệt hại nhân sự và cơ sở vật chất có đoạn: “…hỏng 1 nhà in,…” [5]. Và Báo cáo tình hình giáo phận Đông Đàng Trong năm 1873 của Giám mục Charbonnier được viết năm 1872 có ghi: giáo phận có 3 nhà thuốc và 1 nhà in [6].
Căn cứ các báo cáo này, nhà in của giáo phận Đông Đàng Trong – nhà in Làng Sông có trước thời điểm năm 1872, bị phá hỏng năm 1885. Và có thể nhà in Làng Sông được xây dựng cùng thời với nhà in của giáo phận Tây Đàng Trong (Sài Gòn) và nhà in của địa phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội). Như vậy có thể tin rằng sự phát triển của chữ Quốc ngữ có phần đóng góp của các nhà in nầy rất lớn.
Năm 1904, nhà in Làng Sông được Giám mục Damien Grangeon Mẫn cho tái thiết và giao cho Linh mục Paul Maheu làm giám đốc [7]. Linh mục Paul Maheu rất thông thạo về kỹ thuật in ấn, và đây là thời kỳ cực thịnh của nhà in Làng Sông . Với hệ thống máy in mới, khổ rộng và hiện đại nhất lúc bấy giờ, một số lượng sách, báo rất lớn đã được nhà in xuất bản.
Riêng trong năm 1922, nhà in Làng Sông đã in 18.000 tờ báo định kỳ, 1.000 bản sách các loại, 32.000 ấn phẩm khác, riêng tờ Lời Thăm được 1.500 bản (mỗi tháng 02 số) phát hành cả Đông Dương, tổng cộng ấn phẩm của nhà in Làng Sông (Qui Nhơn) trong năm lên đến 63.185 ấn phẩm với 3.407.000 trang in [8].
Đáng chú ý, nhà in Làng Sông đã in nhiều loại sách của các cây bút Quốc ngữ nổi tiếng ở Nam Bộ lúc bấy giờ như: Chuyện đời xưa (tái bản lần thứ 2) của Trương Vĩnh Ký, Chuyện giải buồn (2 tập) của Pierre Lục, 30 đầu sách của Lê Văn Đức (một trí thức nổi tiếng, thế hệ sau Trương Vĩnh Ký) gồm nhiều thể loại hiện còn lưu giữ ở thư viện Quốc gia (Hà Nội): Tây hành lược Ký, Đi bắt ăn cướp (tuồng), Tìm của báu (tiểu thuyết), Chúa Hài Nhi ở thành Nadarét (kịch), Du lịch Xiêm….
Imprimerie de Làng Sông, Imprimerie de la Mission de Qui Nhơn hoặc Imprimerie de Qui Nhơn cùng là ấn quán của giáo phận Đông Đàng Trong. Ngoài sách tiếng Latin và tiếng Pháp, nhà in Làng Sông (Qui Nhơn) đã in một số lượng lớn sách Quốc ngữ đa dạng về thể loại như: Giáo lý, kinh thánh, giáo dục ấu học, trung học, truyện, tiểu thuyết, kịch, tạp chí, tuồng, lịch, sách dịch… Những ấn phẩm của Làng Sông được thống kê trong Mémorial – Bản thông tin hàng tháng của địa phận và được tổng kết vào trang cuối năm, bằng tiếng Pháp xen với tiếng Việt (Quốc ngữ).
Một trang Mémorial thống kê sách đã in của nhà in Làng Sông năm 1910 có 36 đầu sách, trong đó 25 đầu sách chữ Quốc ngữ, số còn lại là tiếng Pháp. Chia thành 4 nội dung: Sách trường học, sách giáo lý, sách cầu nguyện – đạo đức và sách các khác. Sách học được xếp mục đầu tiên với những loại sách như: Phép đánh vần (tái bản lần thứ 5), Con nít học nói (tái bản lần thứ 3), Ấu học (tái bản lần thứ 3), Trung học, Địa dư Sơ lược. Bản kê có ghi giá tiền từng đầu sách.
Tháng 11 năm 1933, nhà in Làng Sông bị bão đánh sập. Một nhà in mới của giáo phận được khởi công xây dựng vào năm 1934 tại Qui Nhơn (trong khuôn viên chủng viện Qui Nhơn). Năm 1935, nhà in Qui Nhơn hoạt động song song với nhà in Làng Sông (đã được tu sửa sau cơn bão). Ít lâu sau, nhà in Làng Sông sát nhập về nhà in Qui Nhơn.
Tham gia phục vụ kháng chiến
Trong chính sách tiêu thổ kháng chiến (1946-1947), cơ sở nhà in Qui Nhơn được tháo dỡ, chuyển về giáo xứ Nam Bình (Phước Hòa, Tuy Phước) do thầy Paul Định làm giám đốc. Tại đây thầy Paul Định đã mở dạy kỹ thuật sắp chữ in cho đội ngũ công nhân mới. Nhà in nầy được sử dụng để in tài liệu phục vụ kháng chiến, sách giáo khoa phục vụ giáo dục.
Một thời gian sau, theo yêu cầu của kháng chiến, máy in được chuyển ra Đại An (Cát Nhơn, Phù Cát), rồi lên Ân Thường (Ân Thạnh, Hoài Ân), năm 1955 đưa về Kim Châu (phường Bình Định, Thị xã An Nhơn) và cuối cùng chuyển vào Nha Trang năm 1957.
Trong thời gian này, một số lượng lớn ấn phẩm của nhà in phục vụ kháng chiến, sản xuất và giáo dục cho các tỉnh Liên khu 5 (từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây Nguyên). Rất nhiều ấn phẩm ra đời trong giai đoạn nầy nay còn được lưu giữ ở Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định như: Báo Tin Tức, Báo Dân Chúng, Bản tin, Tập San, Đặc san, thơ và sách văn, toán, lý, hóa trung học, tiểu học (lý và hóa của Đoàn Nhật Tấn, toán của Đinh Thành Chương, Việt ngữ chính tả của Nguyễn Châu, Chiều biên khu (thơ) của Nguyễn Tiểu Đào, Miền Trung khói lửa (thơ) của Nguyễn Đình …).
Mémorial Mission de Qui Nhơn, ấn phẩm của Nhà in ra số cuối cùng tháng 12 năm 1953. Như vậy, đến năm 1954 nhà in Làng Sông-Qui Nhơn, sau gần một thế kỷ hoạt động đã giải thể. Toàn bộ máy móc nhà in được chuyển vào Nha Trang.
Làng Sông, một địa danh lịch sử
Từ sau năm 1865, chữ Quốc ngữ được sử dụng rộng rãi trong các loại sách đạo, sách đời, riêng loại sách giáo dục chữ Quốc ngữ được tái bản nhiều nhất. Số lượng ấn phẩm chữ Quốc ngữ từ năm 1865 đến những thập niên đầu thế kỷ XX lên đến hàng ngàn. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến cố lịch sử, một số lượng lớn sách Quốc ngữ của các nhà in đầu tiên đã bị thất lạc.
Hiện nay, tại thư viện Quốc gia (Hà Nội) còn lưu giữ 241 đầu sách Quốc ngữ của nhà in Qui Nhơn (Làng Sông) như: Lưu tình (tâm lý tiểu thuyết), Nguyễn Vân Trai; Thiệt phận thuyền quyên (tiểu thuyết), Đinh Văn Sắt; Hai chị em lưu lạc (tiểu thuyết trẻ nhỏ), Pierre Lục; Nghề trồng rau, Mai hữu Tưởng; Con nít học nói cho nhằm lễ nghi, Simon Chính; Địa dư tỉnh Phú Yên, Nguyễn Cầm; Địa dư nông học Bình Định, Bùi Văn Lăng …
Nhà in Tây Đàng Trong – Tân Định (Sài Gòn), nhà in Tây Đàng Ngoài (Hà Nội), nhà in Làng Sông (Qui Nhơn) – Đông Đàng Trong là ba cơ sở in sách Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam, đã có những đóng góp đáng kể trong việc phát triển chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ hậu bán thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
Ngày nay, Tiểu chủng viện Làng Sông phần lớn được biết đến ở góc độ là nơi có công trình kiến trúc đẹp, lâu đời. Rất ít người biết rằng nơi đây từng tồn tại một nhà in có nhiều đóng góp cho sự phát triển của chữ Quốc ngữ.
Nguyễn Thanh Quang
Bảo tàng Bình Định
Chú thích:
[1] Hoàng Xuân Việt, Tìm hiểu Lịch sử chữ Quốc ngữ, Nxb Văn hóa-Thông tin, 2007.
[2] Hoàng Xuân Việt, sđd.
[3] http://archives.mepasie.org, Rapport des Évêques, Rapport n°8, MGR ISIDORE COLOMBERT, Cochinchine Occidentale, le 15 octobre 1893.
[4] http://archives.mepasie.org, Donatien ÉVEILLARD (1835-1883) Fiche Individuelle , la fiche biographique, Numéro : 795
[5] http://archives.mepasie.org, Rapport des Évêques, Rapport n° 288, MGR. VAN CAMELBECKE, Cochinchine Orientale, 1885.
[6] http://archives.mepasie.org. Rapport des Évêques, Rapport n0 41, Mgr Charbonnier, Cochinchine Orientale, 1873.
[7] GÉRARD MOUSSAY et BRIGITTE, Répertoire des Membres de la societé des MEP 1659-2004, Paris 2004, Maheu Paul André (2170), p.320
[8] http:// archives.mepasie.org. Rapport des Évêques, Rapport n0 553, MGR. GALLIOZ, Chapitre VI, Groupe des Missions de Cochinchine et du Cambodge