Lắng nghe và giữ lời

LoiChua - Lắng nghe và giữ lời

Đây có lẽ là bài Tin mừng ngắn nhất được đọc trong Phụng vụ Thánh lễ. Bài Tin mừng chỉ có hai câu, Luca 11, 27-28; Câu trước là lời khen tặng rất hồn nhiên, bộc trực của một người phụ nữ trước hình ảnh nổi bật của Chúa Giêsu: “Phúc thay lòng dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú”. Đáp lại lời của người phụ nữ, Chúa Giêsu mạc khải lý do sâu xa hơn căn cứ trên nền tảng siêu nhiên là “lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành”.

Nhận thấy quyền năng và sự khôn ngoan nơi các phép lạ cũng như lời nói và việc làm của Chúa Giêsu, một người phụ nữ trong đám đông không thể cầm mình được. Bà đã lên tiếng ca ngợi Chúa Giêsu cách gián tiếp bằng cách ca ngợi người mẹ đã cưu mang Ngài: “Hạnh phúc thay bà mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm”. Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Ðúng hơn phải nói rằng: “Hạnh phúc thay kẻ lắng nghe và giữ Lời Thiên Chúa”.

Trước quan niệm này, Chúa Giêsu không phủ nhận, nhưng còn đi xa hơn nữa, Ngài muốn chúng ta còn nhìn ra phúc đức của cha mẹ không chỉ để lại cho con cái những giá trị chóng qua, những ân lộc trần gian tạm bợ, nhưng phúc đức của cha mẹ phải đạt tới giá trị vĩnh cửu nên Ngài mới đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”

Chúa Giêsu thực là tuyệt vời khi đưa ra mạc khải đó. Vì theo các nhà tâm lý học, tự kỷ ám thị là một phương pháp tự giáo dục vừa đơn giản, dễ dàng lại vừa hữu hiệu. Không nói tới những ơn ích siêu nhiên, chỉ bàn tới khía cạnh tâm lý tự nhiên thì việc đọc Lời Chúa, suy niệm sẽ tự dẫn tới việc thực hành theo Lời Chúa dạy, đây vốn là một phương pháp tự kỷ ám thị rất khôn ngoan, có khả năng biến đổi bên trong con người một cách từ từ nhưng hữu hiệu. Điều quan trọng là có một khuôn mẫu tốt đẹp nào đó để tưởng tượng và nghĩ tới thường xuyên. Ngày này qua ngày khác, con người làm như thế sẽ được biến đổi giống y như khuôn mẫu ấy.

Chúa Giêsu không có ý phủ nhận vai trò của Mẹ Maria trong việc cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Ngài; nhưng qua những lời trên đây, Ngài mạc khải mối tương quan sâu xa giữa Ngài và Mẹ Maria; mối tương quan ấy không chỉ dừng lại ở huyết nhục, nhưng hơn ai hết, Mẹ là người đã triệt để lắng nghe và giữ Lời Thiên Chúa: cả cuộc đời Mẹ, từ biến cố Truyền tin cho đến khi đứng dưới chân Thập giá, Mẹ đã đón nhận Lời Chúa, qua tiếng Xin Vâng.

Chúa Giê-su đã tôn vinh Mẹ khi tuyên bố những ai nghe và giữ Lời Chúa thì có phúc hơn những người có tương quan máu huyết với Chúa. Thực vậy, có ai nghe và giữ Lời Chúa cho bằng Mẹ Ma-ri-a? Thánh An-sen-mô đã nói: “Mẹ lắng nghe Ngôi Lời Thiên Chúa đến nỗi để Ngôi Lời làm người trong lòng Mẹ.” Giáo phụ Ô-ri-gien còn khẳng định: “Không ai hiểu ý nghĩa của Tin Mừng, nếu họ không áp vào ngực Chúa và không nhận Mẹ Ma-ri-a được Chúa trao làm mẹ mình.”

Vì thế, Mẹ trở nên gương mẫu cho mọi Ki-tô hữu trong việc lắng nghe và giữ Lời Chúa. Lắng nghe đòi hỏi thinh lặng và chú tâm và đó là thái độ phải có của người môn đệ Chúa. Tại sao phải lắng nghe Lời Chúa? Thưa, vì Thiên Chúa luôn nói với chúng ta. Thánh Kinh cho biết Thiên Chúa thường xuyên nói với dân Ngài, nên mối tương quan của con người đối với Thiên Chúa là mối tương quan từ môi-đến-tai. Vì thế, mỗi sáng, dân Do Thái thường nhắc lại cho nhau lời Chúa: “Hãy nghe đây hỡi Ít-ra-en!” Khởi đầu các dụ ngôn, Chúa Giê-su cũng kêu gọi dân chúng lắng nghe như thế.

Tin Mừng Luca diễn tả Đức Maria luôn lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa. Mẹ Maria lắng nghe lời Thiên Chúa qua sứ thần truyền tin ( Lc 1, 26-38). Mẹ Maria luôn lắng nghe sứ điệp của Thiên Chúa trong mọi biến cố cuộc đời và “suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19.51). Dù khi mừng vui hay lúc buồn khổ, Mẹ Maria luôn đáp lại lời Thiên Chúa bằng tiếng “xin vâng” đầy phó thác với cả trọn cuộc đời Mẹ. Theo gương Mẹ, chúng ta cũng được mời gọi để biết thưa xin vâng với ý muốn của Chúa trong mỗi biến cố cuộc đời.

Người chăm chỉ đọc Lời Chúa thì sẽ nghĩ đến ai, chắc chắn phải nghĩ đến Chúa, đến những lời dạy và những hành động của Chúa, mà tất cả lời dạy và hành động của Chúa đều là khuôn mẫu hướng con người đến một cách sống đầy yêu thương, thế nên họ sẽ được biến đổi giống y như khuôn mẫu ấy một cách vô thức, không cần phải cố gắng nhiều. Đó là giá trị con người có thể biến đổi việc “Lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành” là bình diện tự nhiên vượt lên đến siêu nhiên trong cách sống của mình.

Một trong những người đã thành công trong việc này phải đáng kể nhất chính là Mẹ Maria. Mẹ Maria cao trọng không những vì Mẹ đã cưu mang Chúa và cho Chúa bú mớm, mà còn là vì Mẹ đã lắng nghe và thực thi Lời Chúa, nhờ vậy Mẹ luôn nhận ra được thánh ý Chúa muốn nơi cuộc đời mình để rồi cộng tác hết mình với Chúa, với khuôn mẫu mà Mẹ ước ao. Đó chính là sự cao trọng mà Chúa Giesu đã đề cao nơi Mẹ.

Một đời sống đạo đức gương mẫu vẫn luôn là một hấp lực và tác động người khác hơn cả những gì được viết trong sách vở. Mẹ Maria đã nêu gương cho chúng ta trong việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Ðó là mối phúc mà ai trong chúng ta cũng có thể đạt được. Ước gì chúng ta tìm được hạnh phúc trong việc cưu mang Lời Chúa: cưu mang bằng cách lắng nghe, đón nhận và tuân giữ, để rồi một khi Lời Chúa đã trở thành sức sống, chúng ta có thể đem sự sống đó đến cho những người xung quanh.

Ta đang sống trong tháng mười, tháng mân côi kính Đức Mẹ. Lời Chúa hôm nay hẳn cũng là sứ điệp đang mời gọi chúng ta trong việc siêng năng lần chuỗi mân côi. Việc lần chuỗi mân côi cũng là lập đi lập lại việc vừa lần hạt vừa đọc lời kinh kính Đức Mẹ. Lời kinh ấy rất đơn giản, nhưng dù chuỗi mân côi trên tay vị chủ chăn hay trên tay người mẹ, dù trên tay trong sạch của một vị thánh hay trên tay sám hối của người tội lỗi, sẽ luôn mang lại sức biến đổi tự việc tự nhiên thành ân sủng thiêng liêng cho tất cả mọi người.

Huệ Minh

Exit mobile version