Lắng nghe tiếng lòng

heart hands - Lắng nghe tiếng lòng

Chính tiếng lòng mà một nửa kia cần phải dùng cả con người và cả đời người để học nghệ thuật lắng nghe. Nếu đôi tai thể lý chỉ có thể tiếp nhận âm thanh vật lý thì có một đôi tai tinh thần khả dĩ lắng nghe tiếng lòng của người yêu.

Để có thể lắng nghe tiếng lòng với cả con người mình, người ta cần phải trải qua một giai đoạn quan trọng: lắng đọng. Chính thiên nhiên sẽ dạy chúng ta đi sâu vào thực tại này. Một khi mặt hồ nước đã lọc đi mọi bơn nhơ tồn đọng trên bề mặt, cuốn trôi mọi chiếc lá vô tình rụng rơi và êm dịu dần sau đợt sóng ồn ào biến động. Mặt hồ đã trở nên phẳng lặng khả dĩ phản chiếu trung thực những gì được tô điểm trên nền trời xanh. Cũng vậy, một khi tâm hồn người yêu chấp nhận buông bỏ mọi lo toan ngày sống, dẹp đi mọi thành kiến về người mình yêu trong quá khứ và vượt thoát mọi nói năng hay suy tư vọng động, khi ấy, họ dễ dàng thấy rõ hình ảnh trung thực bản thân và tình trạng yêu đương mà chính họ đang dấn thân xây dựng. Nếu như nguyên tắc lắng đọng này cần thiết cho mọi đời sống thì trong tình yêu, nó lại trở nên khẩn thiết và mang tính quyết định cho phẩm chất của một cuộc tình.

Lẽ thường, con người chỉ thích nghe những gì bản thân quan tâm nhưng trong tình yêu, họ phải buông bỏ những bận tâm cá nhân, những nhu cầu cái tôi để lắng nghe tiếng lòng của một nửa kia đang thổn thức. Một con tim biết lắng nghe sẽ giúp cho tình yêu triển nở. Một điều nàng nói, chàng nghe được hai điều, nghĩa là nghe những gì chính nàng nói và nghe cả những gì nàng muốn nói mà không thể nói ra. Chính vì ý thức ngôn từ không thể diễn tả hết tiếng tơ lòng mà chàng dần dà nhạy cảm với tình yêu. Có một thứ sóng vượt khỏi mọi giới hạn không gian thời gian mà chỉ có những tâm hồn đang yêu mới cảm nhận được. Khi ấy, những biểu tượng trong tình yêu: một cái hôn chào buổi sáng, một sự quan tâm tế nhị, một lời khen ngợi đúng lúc…sẽ giúp sưởi ấm tình yêu và xóa tan mọi khoảng cách.

Quá quen với sự có mặt của ai đó trong cuộc đời mình, chắc chắn rằng họ đã thuộc về mình mà quên mất việc thể hiện những cử chỉ yêu thương, đó là một sai lầm lớn. Đôi khi sự gần gũi nhau dài giờ trong một ngày sống có thể làm cho hai người chai dần cảm xúc yêu thương thì việc tạo tình huống bất ngờ sẽ làm người kia ngạc nhiên đến thú vị. Bỗng nhiên, chàng đưa đến cho nàng một món ăn nàng ưa thích, thế là bầu khí trở nên sinh động vì đầy ắp tiếng cười và niềm vui yêu thương. Một hôm đẹp trời nào đó, chàng xuống bếp giúp nàng chuẩn bị một bữa ăn, khi ấy, chàng đã làm nàng đỏ mặt trước mặt bạn bè nhưng niềm vui lại lan tỏa trong cả ngày sống. Đây không còn là để tai lắng nghe nhưng là bước hành động sau khi cảm nhận được ước muốn của người mình yêu. Quả thật, một sự quan tâm tế nhị và đúng cách biểu hiện một con tim biết lắng nghe.

Làm sao có thể yêu thương nếu không đạt đến sự hiểu biết lẫn nhau ? Làm sao hiểu biết lẫn nhau nếu không biết lắng nghe nhau ? Lắng nghe là cả nghệ thuật trong khoa tâm lý. Lịch sử của khoa tâm lý trị liệu cho chúng ta một khẳng định: sau một thời gian lắng nghe nhau (nghĩa là người tư vấn tâm lý lắng nghe thân chủ trình bày tình trạng của mình), họ đạt đến mức độ đồng cảm, rồi quyết định lấy nhau. Ban đầu họ chỉ là những đối tác (bác sĩ và bệnh nhân) nhưng với thời gian việc lắng nghe nảy sinh tình cảm. Thật vậy, trước tiên vị tư vấn cố gắng lắng nghe nhưbổn phận của một người chữa lành bệnh tâm lý, nhưng rồi mục đích ấy đã được “thăng hoa”, đến mức độ họ lắng nghe để rồi hiểu biết và thấu cảm. Có thế, chúng ta mới hiểu ý nghĩa và giá trị của việc lắng nghe với tất cả con người. Một khi đã chấp nhận lắng nghe nhau, họ đón nhận đi vào cuộc đời nhau và yêu nhau như chưa bao giờ nghĩ đến.

Thế nên, ngay cả những lúc chỉ dừng lại ở việc bàn thảo kế hoạch tương lai, hay kể nhau nghe một câu chuyện vô thưởng vô phạt cũng ngầm chứa một thông điệp tình yêu nào đó. Những bữa cơm gia đình lắm khi lại mang đến một bước ngoặt mới cho tình yêu tương lai. Và những giờ đọc kinh tối trước khi ngủ sẽ là những phút nhìn lại thật chân thành trước mặt Chúa. Có Chúa hiện diện và chúc lành, họ sẽ cảm nhận rõ ràng những ơn được lãnh nhận trong Bí tích Hôn nhân. Đọc một đoạn Lời Chúa giúp soi sáng cho từng thành viên trong gia đình bộc bạch những tâm tình và thao thức của bản thân qua lời nguyện tự phát, nhờ đó, mọi người sẽ hiểu nhau hơn mà đánh tan mọi nghi ngờ có thể phát sinh trong một ngày sống.

Tuy nhiên, có những tiếng lòng bị chôn chặt trong một con tim đến lúc nhắm mắt lìa đời. Chắc hẳn, đây không phải là tình trạng bỏ mặc người mình yêu. Nhưng vì tình yêu quá lớn đến nỗi, người này quyết định ôm trọn nỗi đau để cho người khác được yên vui hạnh phúc. Chuyện kể về một người đàn ông sau một thời gian làm việc không ngừng và yêu thương tận tâm phục vụ mọi người trong tư cách người chồng và người cha, ông phát hiện mình bị ung thư giai đoạn cuối. Nỗi giằng co quá lớn hầu thực hiện một cuộc phân định vì hạnh phúc gia đình. Ông quyết định không cho ai trong gia đình biết tin này ngoài ông và vị bác sĩ điều trị (đây là một cam kết ngầm giữa bệnh nhân và bác sĩ điều trị). Mỗi lần điều trị dài ngày ông lấy cớ đi làm xa khiến không ai nghi ngờ. Đến một ngày mọi người trong gia đình phát hiện thì vợ ông vừa sinh một bé trai và đứa con lớn được tin đậu đại học. Tình yêu ấy đã được trả giá bằng những niềm vui hạnh phúc của mọi người trong gia đình.

“Có một không gian riêng mà không ai được bước vào kể cả người mình yêu. Nơi đó, tôi sống đích thực là mình. Nơi đó, tôi sống hết mình với con người của tôi. Cũng nơi đó, tôi được sống như Đấng đã sống và chết vì tôi. Sự hiện diện của Đức Kitô trong cuộc đời tôi và gia đình tôi, là động lực giúp tôi vượt qua mọi sự với một niễm hãnh diện lớn lao vì là một kitô hữu”.

Bức thư này đã được vị bác sĩ trao cho mọi người trong gia đình. Nó như một tiếng lòng ngân vang vượt không gian thời gian. Chỉ có những ai thao thức muốn xây dựng một gia đình với tất cả tình yêu quên mình mới khả dĩ lắng nghe.

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.

Exit mobile version