Tôi đặc biệt thích các câu chuyện tiểu sử. Ngoại trừ các câu chuyện rẻ tiền của những người giàu và nổi tiếng, các câu chuyện ghi lại cuộc sống của con người là một hình thức đặc biệt của văn chương. Một câu chuyện hay rọi ánh sáng lên từng đời mỗi người, như Villa Cather nói, “chỉ có hai hay ba câu chuyện đời người, và chúng tiếp tục lặp đi lặp lại một cách mãnh liệt như chưa bao giờ xảy ra.”
Điều này còn đúng hơn khi chúng ta nói về người cùng thời, người mà, dù cuộc đời họ khác với chúng ta, nhưng cảm nhận các thay đổi của thế giới cùng thời điểm như chúng ta. Có một mối tương quan, lòng trắc ẩn, và ngay cả là một điều huyền bí nào đó, giữa những người trải nghiệm cùng một chuyện ở cùng thời điểm.
Bạn ở đâu khi tổng thống Kennedy bị ám sát? Bạn có nhớ cuộc chiến tranh lạnh, những nơi trú ẩn bị sụp đổ, các mong chờ Elvis Presley, ban Beatles, nhạc rock, các loại ma túy nặng, liên hoan nhạc rock Woodstock, cuộc chiến tranh Việt Nam, thế giới đảo điên năm 1968 không?
Bạn có nhớ thời kỳ trước cuộc cách mạng tình dục, công đồng Vatican II, sự trượt dốc của hôn nhân và đời sống gia đình, kiến thức phức đoạn một cách vô vọng, làn sóng giận dữ, phân cực, phong trào yuppy của những năm 80?
Các sự kiện này là axit, chúng ta là giấy quỳ. Tôi nghi, đa số chúng ta đều đổi màu như nhau.
Đưa ra mối tương quan này, tôi muốn chia sẻ câu chuyện của chính tôi. Không phải vì nó có gì đó khác thường, mà vì nó quá bình thường và đặc trưng. Tôi muốn phác họa một vài màu mà tôi đã đổi và vẫn còn đang đổi. Có thể nó sẽ giúp bạn giải quyết với câu chuyện của bạn vì chúng ta cùng chia sẻ một nơi chốn chung trong lịch sử. Chúng ta cùng bị rót vào cùng một ống nghiệm.
Tôi là đứa trẻ của thời đại, và vì lý do này, tôi đứng giữa hai nền văn hóa và là đối tượng cho cả hai tiếng nói. Tiếng nói sớm nhất đến với tôi là tiếng nói và nền văn hóa của cha mẹ. Cha mẹ tôi là di dân nghèo, mộ đạo và là ki-tô hữu. Đó là nền văn hóa của họ.
Tiếng nói của họ: Thành công ở trần thế không quan trọng. Những gì quan trọng là gia đình, Đức Ki-tô, Giáo Hội. Bổn phận và hy sinh quan trọng hơn là hoàn thiện cá nhân. Cuộc đời ở thế gian này không quá quan trọng. Chúng ta có thể sống trong bất mãn và hụt hẫng vì, trước khi chết, chúng ta sống trong thung lũng nước mắt, nơi mà bản giao hưởng có thể không bao giờ xong. Say sưa ngây ngất phải dành cho đời sau. Đạo đức cá nhân, nhất là vấn đề dục tính, là một việc lớn. Điều đó cũng đúng với đời sống cầu nguyện riêng. Phải có đức ái với người nghèo. (Công bình xã hội ít được nói đến vì chúng tôi đã là những người nghèo.) Thế gian là nơi lạnh lẽo và tà đạo, chống lại Giáo Hội. Tiếng nói là: Nghi ngờ, luôn luôn nghi ngờ thế gian và các phương diện của nó.
Nhưng tôi cũng là đứa con của thời đại, có một tiếng nói và một nền văn hóa khác thấm nhập vào tôi. Tôi đọc báo, nghe đài, xem phim, xem truyền hình, xem các quảng cáo du lịch, và bắt đầu đọc một nền văn chương có tiếng nói khác. Mỗi năm tôi theo dõi các sự kiện đã làm thay đổi vĩnh viễn cuộc sống và nền văn hóa chúng ta.
Tiếng nói mới này vang lên: Bây giờ bạn nghèo, nhưng bạn có thể đi từ nghèo qua giàu. Bạn sinh ra là người nhập cư, nhưng bạn có thể sống như bất cứ ai khác. Gia đình, nhà thờ, Đức Ki-tô là quan trọng, nhưng thành công, nghề nghiệp cũng không kém phần quan trọng. Tự làm cho mình một cái gì đó. Được ngưỡng phục. Để được hoàn thiện cá nhân, đôi khi cũng cần bỏ qua bổn phận và hy sinh; rốt cùng, bạn chỉ có một đời để sống, cuộc đời từ khi sinh ra (cũng như đời sau). Đời sống cầu nguyện riêng và đạo đức cá nhân, kể cả đạo đức tình dục, không phải là một cái gì quá to tát. Đừng nghi ngờ thế gian. Nó khẳng định cuộc sống, nơi mà Giáo Hội không làm được. Thay vào đó nên nghi ngờ Giáo Hội và các bứt rứt, dè dặt, sợ hãi của Giáo Hội. Nhìn xem Giáo Hội đã cản trở cuộc sống ở đâu.
Phần lớn đời mình tôi bị mắc kẹt giữa hai tiếng nói này – xáo trộn, căng thẳng, hoài nghi, dằng co, kiểm nghiệm cái này đến cái kia.
Giữa hai tiếng nói này thì, tiếng nói của cha mẹ tôi lấn lướt hơn. Nhưng lấn lướt ấy vẫn còn tranh luận một cách cay chua, chưa được trọn vẹn và rõ rệt.
Một số phần trong tôi thuộc về nền văn hóa không phải của cha mẹ tôi và thỉnh thoảng chiếm ưu thế. Ngoài ra trong tâm trí tôi, thường không phân định rõ ràng đâu là tiếng nói của cha mẹ tôi, tiếng nói đồng nhất với Đức Ki-tô và tiếng nói kia, tiếng nói đồng nhất với thế gian.
Nền văn hóa của cha mẹ tôi có thể có những sai lầm của nó – phân biệt chủng tộc, tin yêu mù quáng, định kiến, hẹp hòi, dè dặt và sợ hãi không lành mạnh. Bất di bất dịch, đó là nỗi sợ của người nhập cư, thiên lệch của những người sống trong chung cư chật hẹp, “chúng ta phải chống lại họ,” “giữ lối sống của mình,” “đừng bao giờ cố gắng yêu thương những gì bên ngoài.”
Cũng thế, tiếng nói kia, dù có thiên lệch về thế gian, nhưng nó nói về một thuyết phổ quát, một cởi mở, một thách đố vượt lên nỗi sợ hãi và dè dặt, vọng lại tiếng nói Phúc Âm còn tốt hơn tiếng nói cũ.
Vậy chuyện này để lại trong tôi điều gì?
Sống với một câu hỏi. Không chắc chắn trên nhiều vấn đề. Kiên định với vài xác quyết, nghẹt thở vì vài chuyện khác. Tin chắc rằng tín ngưỡng thời xưa và chính thống quá khích không phải là câu trả lời, nhưng lại nghi ngờ rằng có lẽ tôi, chúng tôi, cách này hay cách khác cần được là những người nhập cư thầm lặng.
Tuy nhiên, ngoài những vấn đề này, dù là không đủ, nhưng càng ngày càng có một niềm an ủi, chắc chắn rằng, mình được Chúa yêu thương, tôi cũng như mọi người.
Được niềm an ủi này, tôi không còn hoảng sợ với hai tiếng nói này nữa. Giằng co giữa hai tiếng nói này là một cuộc phiêu lưu.
Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser
Nguyễn Kim An dịch