Làm thế nào chỉ một tách càphê đã cứu một đời người!

Casey Fischer - Làm thế nào chỉ một tách càphê đã cứu một đời người!
“Tôi muốn tự tử hôm nay. Nhưng nhờ cô, một cô gái tuyệt vời,
tôi không còn muốn tự tử. Xin cám ơn”.

Cô Casey Fisher, một sinh viên đại học gặp một người vô gia cư xin tiền để uống càphê. Khi thấy người này, cô cảm thấy một bức bách trong lòng là mình phải nói chuyện với ông:

“Khi tôi đến tiệm Dunkin’ Donuts thì tôi thấy một người vô gia cư ngồi trên lề đường đang đếm từng đồng xu. Vài phút sau tôi thấy ông vào tiệm. Khi ông đang đếm tiền để mua càphê, tôi đến gần để nói chuyện nhưng thật sự ông không muốn nói chuyện với tôi. Ông chỉ có một đồng và vài xu, tôi cho ông tiền mua cà phê và bánh mì, tôi xin ông ngồi xuống bàn với tôi. Ông kể, người ta thường dữ với tôi vì tôi vô gia cư. Cuộc sống của ông không dễ dàng: mẹ mất vì ung thư, cha có cũng như không, nghiện ngập… Ông không chịu đựng nổi con người của mình bây giờ”.

Tên của anh là gì?

Cô Casey hỏi tên của ông. Một việc tưởng như bình thường nhưng thật sự quan trọng: hỏi tên một người là chứng tỏ cho họ biết họ có thật dưới mắt mình. Cảm thấy mình tồn tại là điều căn bản nhất để cảm nhận mình được thương. Bởi vì chính trong thâm tâm mỗi người, tất cả những gì chúng ta đi tìm là tìm tình thương.

Cô Casey Fischer kể câu chuyện của mình với Chris trên Facebook. Cô nhắc lại cảm giác lạ lùng đã thúc đẩy cô phải nói chuyện với ông và cô đăng một tấm hình của ông: “Người đàn ông đáng yêu này tên là Chris và đó là một trong những người đàn ông thẳng thắn và chân thành nhất tôi chưa hề gặp. Sau khi biết tôi phải về lớp học, ông đã viết cho tôi vài chữ gì đó trên một mẫu giấy. Ông xin lỗi vì chữ viết của mình run rẩy, rồi ông đưa cho tôi mẫu giấy biên lai nhăn nheo, ông cười rồi ra đi. Tôi đọc mấy chữ của ông và đây là nội dung: “Tôi muốn tự tử hôm nay. Nhưng nhờ cô, một cô gái tuyệt vời, tôi không còn muốn tự tử. Xin cám ơn”.

Một bài học của cuộc sống

Đây là bài học mà chúng ta phải học lui học tới hoài: lòng tốt chúng ta đối với nhau làm thay đổi mọi sự, nó có thể làm thay đổi tất cả. Chúng ta không ý thức được tầm quan trọng đến mức nào khi chúng ta chú ý đến người khác, nó nhắc cho chúng ta nhớ, tất cả chúng ta là đồng loại với nhau. Chúng ta tất cả đều cần được quan tâm, dù hoàn cảnh vật chất của chúng ta có như thế nào.


Như Đức Phanxicô đã tuyên bố ngày 6 tháng 7-2015: “Biết bao nhiêu người cảm thấy mình bị loại ra khỏi các ngày lễ của gia đình, bị gạt ra bên ngoài, hy vọng ‘trong tuyệt vọng’ một ngày nào đó mình tìm được một chút yêu thương?”.

(Marta An Nguyễn chuyển dịch, phanxico.vn 16.01.2017/

fr.aleteia.org, Elizabeth Scalia, 2017-01-15)


Exit mobile version