Làm sao để khỏi lầm đường lạc lối?

Bài đọc: 1 Jn 3:7-10; Jn 1:35-42.

Ai trong chúng ta cũng đều có những kinh nghiệm bị lạc đường và phải gánh chịu những nguy hiểm do lạc đường mang tới; chẳng hạn, bỏ lỡ một lối ra có thể làm chúng ta mất hàng giờ để vòng lại. Để tránh bị lạc đường, chúng ta cần coi bản đồ cách chi tiết, và hỏi những người có kinh nghiệm về những trở ngại nếu có trên đường.

Các bài đọc hôm nay giúp chúng ta học những kinh nghiệm để tránh bị lạc đường trên con đường đi tới đích điểm của cuộc đời. Trong bài đọc I, thánh Gioan dạy chúng ta hai điều: Thứ nhất, người chúng ta cần học hỏi hơn cả là Đức Kitô. Ngài có khôn ngoan của Thiên Chúa và kinh nghiệm của cuộc đời để chỉ cho chúng ta đường lối hoàn hảo và chắc chắn nhất tới Thiên Chúa. Thứ hai, phải tránh con đường đầy bóng tối tội lỗi của quỉ thần và thế gian. Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả chỉ đường cho hai môn đệ của ông đến với Đức Kitô để được học hỏi. Chúa Giêsu khuyến khích các ông “đến và xem” cách sống và hành xử của ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ai sống công chính, kẻ ấy là người công chính, như Đức Giêsu là Đấng Công Chính.

1.1/ Hai con đường: sống công chính hay sống tội lỗi. Theo Gioan, chỉ có hai con đường chính trong cuộc đời: con đường ánh sáng của Thiên Chúa và con đường bóng tối của quỉ thần. Đi theo con đường ánh sáng là đi trong sự thật, một người sẽ tìm được niềm vui, sự bình an và đạt được cuộc sống đời đời. Đi theo con đường bóng tối là đi trong sự gian trá của quỉ thần và thế gian, người chọn đi con đường này sẽ phải chịu buồn sầu, bất an, và sẽ không đạt được đích điểm của cuộc đời. Trong trình thuật hôm nay, Gioan đưa ra hai người lãnh đạo của hai con đường.

(1) Chúa Kitô là nhà lãnh đạo của con đường ánh sáng: Gioan khuyên các tín hữu đến cùng Đức Giêsu vì ngài là Đấng Công Chính: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, đừng để ai làm cho anh em đi lạc đường. Ai sống công chính, kẻ ấy là người công chính, như Đức Giêsu là Đấng Công Chính.” Chúa Giêsu xuống trần để xóa bỏ tội lỗi cho con người; trong khi công việc của ma quỉ làm là gây ra tội lỗi.

(2) Quỉ thần là kẻ gây ra tội và cám dỗ con người theo chúng: Theo thánh sư Thomas Aquinas, Lucifer phải sa ngã trước ông Adam và bà Evà. Chính Lucifer và đồng bọn, vì ghen tương, đã cám dỗ hai ông bà phạm tội và họ đã rơi vào bẫy của chúng. Gioan dường như có cùng quan niệm với Thomas, khi ông nói: “Ai phạm tội, kẻ ấy là người của ma quỷ, vì ma quỷ phạm tội từ lúc khởi đầu.”

1.2/ Làm sao để sống công chính và từ bỏ tội lỗi?

(1) Phải được tái sinh bởi Thiên Chúa: Chắc chắn Gioan không có ý muốn nói người Kitô hữu không thể phạm tội; vì ngài đã phân biệt tội mang đến cái chết và tội không mang đến cái chết. Điều Gioan có lẽ muốn nói tới ở đây là tội mang đến cái chết. Nếu một Kitô hữu tin tưởng hoàn toàn nơi Thiên Chúa, tội mang đến cái chết sẽ không đụng tới được ông; vì “mầm sống của Thiên Chúa” là Đức Kitô đã ở trong người tín hữu ấy. Hơn nữa, ông chỉ cần vào tòa cáo giải thú nhận tội của mình, là tất cả mọi tội đều được Thiên Chúa tha thứ.

(2) Phải tuân giữ giới luật yêu thương: Ai yêu thương anh em, người đó là con cái Thiên Chúa; ai không yêu thương anh em mình là con cái ma quỉ.

2/ Phúc Âm: Người bảo họ: “Đến mà xem!”

3.1/ Gioan giới thiệu Đức Kitô cho 2 môn đệ của ông: “Hôm sau, ông Gioan lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Khi một người giới thiệu môn đệ của mình với một Thầy hay hơn mình là chấp nhận mất môn đệ. Gioan không giữ môn đệ cho mình, ông chỉ cho hai môn đệ đi theo Thầy tốt hơn; vì ông quan tâm đến lợi ích cho môn đệ chứ không giữ lợi ích cho mình. Mấy ai trong chúng ta có được thái độ như của Gioan? Chúng ta đã đề cập đến nguồn gốc lịch sử của câu “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Chúa Giêsu chính là Con Chiên, lễ vật hy sinh để đền tội cho con người.

3.2/ Phản ứng của hai môn đệ: Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Hai môn đệ của Gioan có lẽ ngượng ngùng không biết mở lời làm sao, nên cứ tiếp tục theo đàng sau Chúa Giêsu. Để dễ dàng cho họ phản ứng, Chúa Giêsu mở lời trước: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Rabbi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?”

Chúng ta có thể nhận ra cả 3 yếu tố quan trọng đều có ở đây: (1) Gioan, người trung gian chỉ đường cho hai ông đến với Chúa; (2) chính hai ông phải vượt qua xấu hổ, ngượng ngùng để đi theo Ngài; và (3), Chúa Giêsu mở lời trước để đánh tan ngượng ngùng lúc ban đầu, và mời gọi hai ông đến và xem. Câu hỏi Chúa đặt cho hai ông: “Các anh tìm gì thế?” là câu hỏi nền tảng nhất trong đời sống con người. Câu trả lời cho câu hỏi này sẽ giúp chúng ta nhận ra tại sao chúng ta đi tìm hay không đi tìm Thiên Chúa. Nếu câu trả lời là đi tìm của cải, danh vọng, chức quyền; chúng ta đừng đến với Chúa, vì Ngài sẽ không thỏa mãn khát vọng của ta. Nếu câu trả lời như của người thanh niên trẻ: “Tôi phải làm gì để đạt được cuộc sống đời đời?” Hãy đến với Chúa, Ngài sẽ giúp chúng ta tìm ra câu trả lời.

3.3/ Lời mời gọi của Đức Kitô: Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.

Người khác có thể nói về Chúa cho chúng ta nghe, hay giới thiệu chúng ta đến với Chúa; nhưng để nhận ra Chúa là ai, chúng ta cần kinh nghiệm của cá nhân chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta có được kinh nghiệm cá nhân biết Chúa, lúc đó Chúa mới thực sự thuyết phục chúng ta. Các môn đệ đáp trả lời mời của Chúa Giêsu; họ đến và ở với Ngài suốt ngày hôm đó. Giờ thứ mười của Do-Thái là khỏang 4 giờ chiều của chúng ta.

3.4/ Người nhận ra tiếng gọi theo Chúa trở thành người mời gọi: “Ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Đức Giêsu. Trước hết, ông gặp em mình là ông Simon và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messiah” (nghĩa là Đấng Kitô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. Đức Giêsu nhìn ông Simon và nói: “Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” (tức là Phêrô).” Yêu ai thực sự là muốn điều tốt nhất cho người ấy. Anrê đã gặp Đấng Thiên Sai, và đây là Tin Mừng quan trọng nhất cho những người Do-Thái. Thương em, Anrê dắt em mình tới giới thiệu với Đức Kitô. Tuy mới gặp ông lần đầu, Chúa Giêsu đã biết rõ con người Phêrô là ai, và Ngài đã có sẵn cho ông một sứ vụ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta cần phải tìm đường để đi tới đích. Nếu không biết đường, cần hỏi người biết đường.

– Con đường đó Đức Kitô đã đi qua và đã chỉ cho chúng ta. Chúng ta hãy can đảm đi theo con đường đó, và tuyệt đối tránh đi con đường bóng tối của ma quỉ.

Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Exit mobile version