Làm phép Tro và Xức tro như thế nào?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.


Hỏi 1: Trong các Thánh Lễ Thứ Tư Lễ Tro, tro được xức trên đầu của tất cả những ai đến nhận tro. Nhưng trong một thánh lễ như thế, tôi nhận thấy cái được xức trên đầu mỗi người là một hỗn hợp lỏng sệt của tro và nước. Điều này được phép không? Hơn nữa, ngoài các linh mục và nữ tu, một giáo dân của cộng đoàn cũng tiến lên và giúp xức tro lòng sệt ấy. Việc này có là thích thích đáng không, thưa cha? – D. O, Mombasa, Kenya.

Hỏi 2: Có cách thức đúng về việc xức tro không? Tôi nhận thấy tại Rôma tro được xức lên trên đỉnh đầu của mỗi người, nhưng ở các nơi khác trên thế giới, tro được xức lên trán. – M. F., Oxford, Anh.

Đáp: Các câu hỏi này và câu hỏi tương tự thường được hỏi vào thời điểm trước mùa Chay. Tôi nghĩ rằng việc nhắc lại một số điều là đáng giá, mặc dù chúng tôi đã trả lời vấn đề này vào nhiều dịp khác.

Trong lịch sử, việc sử dụng tro như một dấu hiệu của sự sám hối đã được tìm thấy trong Cựu Ước, và thậm chí Chúa Giêsu nói về sự cần thiết cho một số người tội lỗi để làm việc đền tội, là mang áo nhặm và xức tro (Mt 11, 21). Tertulianô, thánh Xyprianô, thánh Ambrôxiô, thánh Giêrônimô, thánh Âutinh, và nhiều Giáo Phụ khác thường nhắc đến việc thực hành này, đặc biệt là trong tương quan với việc thực hành để khởi đầu một giai đoạn của sự sám hối công khai cho các tội trọng.

Ngoài một số ít người đền tội công khai, nhiều Kitô hữu đạo đức khác xưng tội vào đầu Mùa Chay, để có thể rước lễ hàng ngày trong suốt mùa này, và họ yêu cầu được xức tro như một dấu hiệu của đức khiêm nhường, sau khi đã được giải tội. Năm 1091, Đức Giáo Hoàng Urban II đề nghị việc thực hành xức tro cho cả giáo sĩ và giáo dân.

Do đó, nghi thức làm phép tro và xức tro trở nên được phổ biến khắp nơi, và nhanh chóng được thừa nhận là quan trọng trong đời sống phụng vụ của các tín hữu. Lúc đầu, nghi thức được thực hiện ngoài Thánh lễ, nhưng rồi được đưa vào Thánh lể khoảng thế kỷ XII.

Lúc đầu, đàn ông được xức tro trên đỉnh đầu, trong khi tro được xức thành hình Thánh giá trên trán người phụ nữ. Sự khác biệt này có lẽ xuất phát từ thực tế đơn giản rằng phụ nữ buộc phải che đầu bằng khăn trong nhà thờ.

Về tính thiêng liêng của việc được xức tro, Giáo Hội nêu ra một số điểm hữu ích. Số 125 của Hướng dẫn về Lòng Đạo Bình dân nói:

“Việc xức tro tượng trưng cho sự mong manh yếu đuối và tính phải chết của con người, và cần được cứu độ bởi lòng thương xót của Chúa. Ngoài việc chỉ là thuần túy một cử chỉ bề ngoài, Giáo Hội duy trì việc xức tro để tượng trưng thái độ sám hối nội tâm, mà mọi người đã được rửa tội được mời gọi trong Mùa Chay. Các tín hữu đến nhận tro sẽ được hỗ trợ trong việc nhận thức tầm quan trọng nội tâm tiềm ẩn của cử chỉ này, vốn làm cho họ sẵn sàng hướng đến sự hoán cải và sự cam kết đổi mới cho mùa Phục Sinh”.

Thánh Bộ Phượng Tự đã công bố một thư luân lưu về các việc cử hành mùa Phục Sinh năm 1988. Về thứ Tư Lễ Tro, thư nói:

“21. Vào thứ Tư trước Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, các tín hữu được xức tro, do đó đi vào thời gian được qui định cho việc thanh luyện linh hồn họ. Dấu hiệu sám hối này, một truyền thống Kinh Thánh, đã được duy trì trong số các tập tục của Giáo Hội cho đến ngày nay. Nó diễn tả thân phận nhân linh của người tội lỗi, là người đang tìm bày tỏ cảm thức tội lỗi của mình trước mặt Chúa một cách bề ngoài, và khi làm như vậy, là diễn tả sự hoán cải nội tâm của mình, được hướng dẫn bởi niềm cậy trông rằng Chúa sẽ xót thương mình. Cử chỉ này đánh dấu sự khởi đầu của con đường hoán cải, vốn được triển khai qua việc cử hành bí tích sám hối trong thời gian trước lễ Phục Sinh.

“Việc làm phép tro và xức tro có thể diễn ra trong Thánh Lễ hoặc ngoài Thánh Lễ. Trong trường hợp ngoài Thánh lễ, nó là một phần của phụng vụ lời Chúa và kết thúc với lời nguyện các tín hữu”.

Với các lời trên đây, chúng tôi có thể trả lời rằng về cách thức xức tro, có nhiều tập tục hợp pháp khác nhau.

Trong hầu hết các nước nói tiếng Anh, tập tục chính yếu là linh mục rảy ít nước vào tro làm cho tro trở nên bột sền sệt. Tro được xức thành hình Thánh giá trên trán tín hữu. Chỉ cần một chút nước thôi, để cho tro không trở thành quá lỏng.

Nhiều người Công Giáo thấy việc xức tro như là một cách công khai bày rỏ đức tin của mình, và cứ để tro trên trán mình suốt cả ngày Thứ Tư Lễ Tro, mà không rửa.

Trong nhiều miền nước Ý và ở một số nước nói ngôn ngữ Romance, người ta không cho thêm nước vào tro. Thay vào đó, tro khô được xức thành hình Thánh giá trên đỉnh đấu của tín hữu, như tro rơi trên tóc họ. Cách thức này có lợi điểm là hiểu được ý nghĩa của tro như là bụi đất, nhưng không để lại một dấu chỉ hữu hình suốt cả ngày hôm ấy, trừ các người hói đầu. Có thể có các tập tục hợp pháp khác nữa về xức tro.

Một đổi mới gần đây ở một số nơi là làm một con tem để tro được dính lên trán của tín hữu. Tôi cho rằng bản chất cơ học của quá trình này làm giảm đáng kể ý nghĩa của tro được xức trên đầu chúng ta.

Chữ đỏ về việc xức tro nói rằng linh mục, sau khi xức tro, sẽ rửa tay sạch, như thế hàm ý rằng ngài phải dùng tay mà xức tro chứ không dùng con tem.

Việc dùng con tem dường như bị tác động bởi ước muốn kéo dài dấu chỉ xức tro suốt cả ngày, mặc dù đây chỉ là một khía cạnh ngẫu nhiên, mặc dù tích cực, của một cách thức xức tro. Sự nguy hiểm là rằng quá trình này có thể làm giảm đi điều gì là cần thiết cho cử chỉ nghi thức, bởi vì việc được xức tro phải là một dấu chỉ của sự sám hối cá nhân và sự hoán cải.

Về việc ai có thể xức tro, Sách Các Phép có một nghi thức làm phép và xức tro ngoài Thánh lễ. Số 1062 của Sách này nói như sau:

“Nghi thức này có thể được cử hành bởi một linh mục hay phó tế, và có thể được trợ giúp bởi các thừa tác viên giáo dân trong việc xức tro. Tuy nhiên, việc làm phép tro được dành cho linh mục hay phó tế”.

Một thừa tác viên giáo dân cũng có thể cử hành một phiên bản hơi khác của việc xức tro, vốn đã được linh mục hay phó tế làm phép trước, chẳng hạn khi xức tro cho người bệnh.

Sách Lễ Rôma không đề cập rõ ràng đến việc sử dụng các thừa tác viên giáo dân để giúp xức tro đã làm phép trong thánh lễ. Tuy nhiên, tôi tin rằng hướng dẫn của Sách Các Phép cũng áp dụng cho tình huống này, khi mà một sự giúp đỡ như vậy cho thấy là cần thiết do thiếu linh mục và phó tế.

Nguyễn Trọng Đa

Exit mobile version