Giáo luật đ. 1097, 1098,1099 có nói đến trường hợp lầm lẫn khi ưng thuận kết hôn và sự lầm lẫn nầy có thể là yếu tố làm cho hôn nhân vô hiệu và Toà Án Hôn Phối cũng có thể căn cứ vào đó để tuyên bố hôn nhân vô hiệu (x. Nguyễn Công Vinh, Tìm Hiểu Giáo Luật Về Hôn Nhân Và Gia Đình Q.1, Hà Nội 2006, NXB Tôn Giáo, tr. 23).
Sự lầm lẫn phát xuất do việc thiếu hiểu biết, đưa đến việc đánh giá sai đối tượng và ảnh hưởng đến ý muốn khi quyết định. Giáo luật phân biệt các trường hợp như sau:
1/ Lầm lẫn về người, cũng gọi là lầm lẫn sự việc
Giáo luật đ.1097,1 –Hôn phối bất thành khi lầm lẫn về người.
Lầm lẫn về người là lầm lẫn về nhân thân người đó: tôi muốn kết hôn với người nầy, nhưng vì lầm lẫn nên lại kết hôn với người khác (vd. Kết hôn với người anh cả, nhưng trong khi đó lại là người em). Trường hợp lầm lẫn nầy làm cho hôn phối bất thành, vì đối tượng của sự ưng thuận không có và như thế không có sự ưng thuận.
2/ Lầm lẫn về phẩm cách của người phối ngẫu (lầm lẫn sự việc)
Giáo Luật đ.1097,2-Lầm lẫn về phẩm cách của người mình kết hôn không làm cho hôn phối bất thành cho dù lầm lẫn ấy là lý do của việc kết ước, trừ khi phẩm cách đó được nhắm tới một cách trực tiếp và chính yếu.
Để hiểu rõ về sự lầm lẫn nầy, cần lưu ý:
a/ Đối tượng đích thực của sự ưng thuận kết hôn là con người, chứ không phải là những phẩm cách của người ấy.
b/ Lầm lẫn là tình trạng thiếu hiểu biết của lý trí mà trên nguyên tắc không phải lúc nào cũng là yếu tố quyết định cho sự ưng thuận (ý muốn).
c/ Sự lầm lẫn về phẩm cách của người phối ngẫu chỉ ảnh hưởng đến sự ưng thuận và có thể làm cho việc kết ước không thành, khi phẩm cách đó được nhắm tới một cách trực tiếp và chính yếu để ưng thuận: Tôi ưng thuận kết hôn với người nầy vì tôi tin người nầy tốt, không cờ bạc hư hỏng, tôi ràng buộc sự tin tưởng nầy vào sự ưng thuận của tôi. Trường hợp nầy, phẩm cách của người phối ngẫu được nhắm tới cách trực tiếp và chính yếu, vì thế sự lầm lẫn có thể làm cho việc kết ước không thành.
3/ Lầm lẫn về phẩm cách của người phối ngẫu do lừa gạt
Giáo luật đ.1098 – Người kết hôn do bị lừa gạt về một tư cách nào đó của phía bên kia, với chủ ý để mình ưng thuận, và nếu tư cách ấy, tự bản chất, có thể làm xáo trộn nghiêm trọng đời sống chung vợ chồng, thì hôn nhân bất thành.
Lầm lẫn và lừa gạt khác nhau. Lầm lẫn là do sự phán đoán sai lầm của chủ thể về sự việc; còn lừa gạt là do người khác dùng mưu gian để tạo nên một thực tế sai, khiến cho chủ thể chấp nhận thực tế ấy như là thật. Sự lừa gạt ảnh hưởng đến sự phán đoán và ý muốn của chủ thể, như thế có thể làm cho việc kết hôn bất thành. Toà Án Hôn Phối có trách nhiệm xem xét mức độ và hậu qủa nghiêm trọng của việc lừa gạt để quyết định xem đó có phải là nguyên nhân làm cho hôn nhân bất thành hay không. Nói chung, sự lừa gạt không phải là nguyên nhân làm cho hôn nhân bất thành, trừ khi có những yếu tố sau đây:
a/ Sự lầm lẫn về phẩm cách của người phối ngẫu kia là kết quả trực tiếp của việc lừa gạt. Việc lừa gạt được thực hiện cách có chủ ý để tạo nên sai lầm chứ không phải vô tình.
b/ Việc lừa gạt được thực hiện với chủ đích tranh thủ sự ưng thuận kết hôn của một trong hai người phối ngẫu nhắm tới.
c/ Đối tượng của sự lường gạt phải là một phẩm cách của người phối ngẫu kia, mà tự bản chất, phẩm cách nầy có thể làm xáo trộn cách nghiêm trọng đời sống chung vợ chồng.
4/ Lầm lẫn về Luật
Giáo luật đ.1099 – Sự lầm lẫn về tính đơn nhất hay tính bất khả phân ly hoặc về phẩm giá bí tích của hôn nhân không làm cho sự ưng thuận hôn nhân bị hà tỳ, miễn là sự lầm lẫn ấy không chi phối ý chí.
Giáo luật xác định: nếu sự lầm lẫn về những đặc tính cốt yếu của hôn nhân chi phối ý chí của người phối ngẫu thì sự ưng thuận bị thương tổn và việc kết ước không thành. Sự lầm lẫn nầy khởi đầu từ lý trí rồi ảnh hưởng tới ý muốn, khiến người phối ngẫu, vì sự lầm lẫn nầy, quyết định kết hôn mà không kể tới những đặc tính cốt yếu của hôn nhân. Ngược lại, sự lầm lẫn, nếu không chi phối ý chí, thì chỉ là sự lầm lẫn thông thường, không làm cho sự ưng thuận bị thương tổn và như thế việc kết hôn vẫn hữu hiệu.
Trường hợp của chị Hoa nêu làm ví dụ ở trên là trường hợp lầm lẫn thông thường, vì ai cũng muốn người phối ngẫu của mình là người tốt, về sau mới biết mình lầm. Vì thế, sự lầm lẫn nầy không làm vô hiệu việc kết hôn của chị. Nhưng nếu quả thực, khuyết điểm của anh Thanh khiến cho đời sống chung vợ chồng cực khổ và không thể tiếp tục, thì Toà Án Giáo Hội có thể xem xét và tìm hướng giải quyết hôn phối theo luật Giáo Hội.
Lm. Anphong Nguyễn Công Vinh,
WGP.Qui Nhơn 21.10.2015