CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN – NĂM C
Bài đọc 1: Gv 1,2;2,21-23 ; Bài đọc 2: Cl 3,1-5.9-11 ; Phúc Âm: Lc 12,13-21
Hầu hết ai cũng đều biết và hiểu rằng, có tiền không phải là có tất cả. Nhưng thực tế không ít người lại vẫn đang sống theo quan niệm “có tiền mua tiên cũng được”, nên họ cố gắng sao cho kiếm được thật nhiều tiền. Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay nhắc cho chúng ta biết đâu là điều chính yếu phải tìm kiếm. Và chắc chắn đó không phải là có thật nhiều tiền, vì “không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12,15b).
Kiếm tiền để sống hay sống để kiếm tiền?
Không phủ nhận, tiền của cần thiết cho cuộc sống. Nhất là trong thời đại hôm nay, khi nhu cầu cuộc sống của con người ngày càng cao và dường như vô tận thì việc kiếm tiền trở nên một áp lực không nhỏ đối với mỗi người. Cha mẹ mong kiếm được nhiều tiền để lo cho con cái được học ở những trường tốt nhất; người trẻ cố gắng kiếm tiền để có thể đáp ứng những nhu cầu của mình và sống tự lập… Chúng ta lao động kiếm tiền vì muốn có một cuộc sống no đủ và hạnh phúc, đó là điều chính đáng. Thế nhưng tiền của luôn có sức hấp dẫn và quyến rũ, nó có thể khiến chúng ta quên đi mục đích ban đầu của mình. Khi có một, lại muốn có hai, có ít lại muốn có nhiều hơn, có đủ lại muốn dư giả… Và thế là bị cuốn vào vòng xoáy lo làm giàu, thậm chí cách bất chính, mà không biết. Chính vì thế, Chúa Giêsu lên tiếng cảnh báo : “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam” (Lc 12,15a). Bao lâu chúng ta chưa biết đủ thì bấy lâu có nguy cơ rơi vào sự tham lam mà Chúa Giêsu nói tới. Sự tham lam được trá hình dưới những mục đích và nhu cầu giả tạo, rồi sẽ khiến ta đánh mất rất nhiều thứ: gia đình, bạn bè, tình thân, thậm chí chính cả cuộc sống khi cuộc sống dường như chỉ để kiếm tiền thay vì kiếm tiền để sống.
Làm giàu trước mặt Thiên Chúa
Rất nhiều lần trong Tin Mừng, Chúa Giêsu lên tiếng về mối nguy của tiền của. Tiền bạc tự nó không xấu nhưng có thể khiến con người quên đi cùng đích cuộc đời, như trong dụ ngôn người phú hộ giàu có mà Chúa Giêsu kể hôm nay. Ông có thật nhiều của cải và yên tâm rằng, cuộc đời mình đã được đảm bảo, được an toàn, bây giờ chỉ việc nghỉ ngơi và hưởng thụ. Nhưng Chúa Giêsu nhắc đến một thực tế rằng “đêm nay, người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai ?” (Lc 12,20), và Chúa gọi ông là “kẻ ngu dại”. Ngu dại vì trong sự sung túc, ông chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ đến tha nhân: “tôi sẽ làm gì đây… tôi sẽ làm thế này… tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng...”. Ông ngu dại khi quên rằng rồi có ngày ông cũng sẽ chết. Suy nghĩ về cái chết của mình sẽ khiến chúng ta tránh được sự ngu dại của người phú hộ trong Tin Mừng hôm nay. Thật vậy, cùng đích cuộc đời không phải là những gì tạm bợ và chóng qua nơi trần gian này. Tất cả những gì ta tìm kiếm và tích lũy rồi cũng sẽ có ngày phải để lại tất cả, ra đi với hai bàn tay trắng. Ðể không trở thành “kẻ ngu dại”, Chúa Giêsu mời gọi hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa. Nghĩa là hãy đến với Thiên Chúa để kín múc và tích trữ cho mình sự giàu có của Người, nhờ đó cũng trở nên những con người giàu có: giàu tình yêu thương bác ái, giàu lòng thương xót, giàu ơn tha thứ…
Tiền của vật chất là những phương tiện Thiên Chúa ban để phục vụ sự sống con người. Nhưng nếu biến những phương tiện này thành mục đích của cuộc đời mình thì sẽ đánh mất mục đích tạo dựng của Thiên Chúa, đó là muốn con người được sống và sống hạnh phúc, không chỉ đời này mà cả đời sau.
Nữ tu M. Paul Trần Thị kiều thu, Dòng Chị Em Con Ðức Mẹ Mân Cô