Phần đông Ki-tô hữu chúng ta coi việc cầu nguyện như một việc đạo đức tùy hứng, tùy hoàn cảnh, tùy tâm trạng… và sự cầu nguyện của chúng ta thường chỉ tập trung vào việc “xin xỏ” là chính! Mặt khác, chúng ta lại đồng hoá “đọc kinh” với “cầu nguyện”. Thực ra đọc kinh là một cách cầu nguyện, nhưng có nhiều người đọc kinh mà không cầu nguyện vì chỉ đọc một cách máy móc mà không đạt được sự hiệp thông với Thiên Chúa. Trong một ngày, có thể chúng ta đọc nhiều kinh, nhưng lại ít cầu nguyện. Có thể khi cầu nguyện chúng ta quy hướng về mình nhiều hơn là hướng tâm hồn lên với Chúa, ca tụng Chúa, kết hợp với Chúa hoặc cầu cho tha nhân…
Thực vậy, “Cầu nguyện là hiệp thông. Trong Tân Ước, cầu nguyện là sự hiệp thông của con cái với Thiên Chúa Ba Ngôi. Sống đời cầu nguyện là luôn hiện diện trước nhan Thiên Chúa và hiệp thông với Ngài. Lời cầu nguyện mang đặc tính Kitô giáo khi được hiệp thông với lời cầu nguyện của Đức Kitô, và được triển khai trong Hội thánh là Nhiệm Thể Người. Nâng tâm hồn lên là nâng sự hiểu biết từ việc đặt mình làm trọng tâm đến mức đặt Thiên Chúa làm trọng tâm. Nâng tâm hồn lên là kết hợp với Thiên Chúa, là hiệp thông với Ngài” (x. “Cầu nguyện là gì?”, giaoly.org).
Như vậy, việc cầu nguyện của người Ki-tô hữu không dừng lại như những việc đạo đức lẻ tẻ, nhất thời, mà đó là một đời sống đích thực. Lúc đó việc cầu nguyện bao trùm, ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống chúng ta. Nó chính là sự sống và hơi thở của ta vậy. Đức Cố HY Phx Nguyễn Văn Thuận đã viết như sau: “Bí quyết nuôi dưỡng đời sống Ki-tô hữu là cầu nguyện. Ai không cầu nguyện, dù có làm phép lạ, con cũng đừng tin” (Sách Đường Hy Vọng, đề mục Cầu Nguyện). Thánh An-phong-sô cũng đã nói như sau: “Sự giàu có của ta là cầu nguyện và ngày nào không cầu nguyện là ngày vất bỏ. Bỏ cầu nguyện là tự dìm mình vào hoả ngục”.
NHỮNG HÌNH THỨC CẦU NGUYỆN THÍCH HỢP
Khi cầu nguyện, Chúng ta thường có thói quen cầu xin những ơn cần thiết cho mình và cho người khác. Điều đó không có gì là sai. Nhưng đôi khi những ý cầu xin của chúng ta lại quá tập trung vào những điều vật chất, tầm thường, vụ lợi…như thi đậu, trúng số, có công ăn việc làm, phỏng vấn có kết quả, trả được nợ, chữa lành bệnh vv. Bên cạnh đó, miệng lưỡi chúng ta lải nhải cầu xin một cách máy móc, trong khi lòng chúng ta lại không hướng về Chúa, không kết hợp với Chúa. Đây cũng chính là điều mà Chúa Giê-su lên án mạnh mẽ, “Dân này thờ Ta ngoài môi ngoài miệng nhưng lòng nó thì xa Ta” (Mc 7,6; x. Is 29,13).
Về những hình thức cầu nguyện chính thống và phổ biến nhất, Hội thánh đã dạy, “Chúa Thánh Thần là Đấng dạy dỗ và nhắc lại cho Hội thánh tất cả những gì Đức Giê-su đã nói, chính Người dạy Hội thánh cầu nguyện bằng cách khơi lên những cách diễn tả mới cho các hình thức kinh nguyện quen thuộc: Chúc tụng, Khẩn cầu, Chuyển cầu, Tạ ơn và Ca ngợi” (x. GLHTCG 2644).
Thực vậy, “Sự gặp gỡ huyền nhiệm của cầu nguyện bao gồm 5 hình thức cơ bản, đó là thờ lạy, cầu xin, cầu bầu, cảm tạ, và ngợi khen.
Thờ lạy tuyên xưng sự cao cả của Chúa, Đấng Tạo Hóa và Nuôi Dưỡng ta, trong tinh thần khiêm tốn và tôn kính. Lòng khoan dung vô biên của Chúa khiến ta chúc tụng Đấng là nguồn mọi ơn phúc trong đời sống của ta.
Lời cầu nguyện cầu xin thừa nhận sự lệ thuộc của ta vào Thiên Chúa là Cha, đặc biệt nó nhắc nhớ ta quay về với Ngài với lòng ăn năn, sám hối và cầu xin ơn tha thứ.
Qua lời cầu nguyện cầu bầu, ta đặt niềm tin của mình vào lòng thương xót của Thiên Chúa, đặc biệt là vào Cha là Đấng luôn quan tâm đến nhu cầu của con người.
Lời cầu nguyện cảm tạ nói lên sự biết ơn mà thích hợp với mọi người trưởng thành và thật thà, đặc biệt là nó kêu gọi ta chú ý đến việc Chúa Giêsu cứu chuộc và làm cho ta được trở nên tự do.
Cuối cùng, lời cầu nguyện ngợi khen ca hát Chúa vì chính bản thân Ngài, tôn vinh Ngài không những vì các kỳ công của Ngài, mà còn vì Ngài là Ngài.
Tóm lại, 5 hình thức cầu nguyện cho phép ta yêu mến Chúa vì những kỳ công Ngài đã tạo dựng, yêu mến Chúa vì lòng thương xót của Ngài, yêu mến Chúa vì sự hiện diện và giúp đỡ của Ngài trong cuộc sống ta, yêu mến Chúa vì sự cứu chuộc dịu dàng của Ngài, và yêu mến Chúa vì chính bản thân Ngài.” (x. “Cầu nguyện”, web simonhoadalat.com)
THÁI ĐỘ VÀ TÂM TÌNH KHI CẦU NGUYỆN
Hơn ai hết, chính Chúa Giê-su đã nói và làm gương cho chúng ta về những thái độ và tâm tình cần có khi cầu nguyện. Trước hết, Ngài thúc giục các môn đệ phải cầu nguyện luôn, không nản chí (x. Lc 18,1-8). Khi cầu nguyện, tránh thái độ giả dối, phô trương. Tốt nhất là vào nơi kín đáo để cầu nguyện (x. Mt 6, 5-6). Khi cầu nguyện, các môn đệ của Chúa cũng đừng bắt chước dân ngoại, họ lải nhải vì họ nghĩ rằng cứ nói nhiều là được nhận lời (x. Mt 6, 7). Một điểm đặc biệt khác mà Chúa muốn nhắc nhở các môn đệ, đó là khi cầu nguyện, phải tuyệt đối vâng theo thánh ý Chúa. Ngài phán, “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7, 21).
Hội thánh cũng dạy rằng, “Khi cầu nguyện, chúng ta bắt đầu với tâm tình nào? Với lòng kiêu hãnh và ý riêng ta, hay với tâm tình khiêm nhường và thống hối ‘thẳm sâu’? (Tv 130,14); ‘Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên’ (x. Lc 18,14). Khiêm nhường là tâm tình căn bản của cầu nguyện, ‘vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải’ (Rm 8,26). Khiêm nhường là tâm tình phải có để đón nhận được ơn cầu nguyện: trước mặt Thiên Chúa, con người chỉ là kẻ van xin ” (GLHTCG 2559).
Thánh Phao-lô nhắc nhở tín hữu phải cầu nguyện luôn với tâm tình vui mừng cảm tạ. Ngài viết: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su” (1Tx 16-18). Riêng thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su thì tâm sự rằng, “Đối với tôi, cầu nguyện là sự hứng khởi của tâm hồn, là cái nhìn đơn sơ hướng về trời, là lời kinh tri ân và yêu mến giữa cơn thử thách cũng như lúc hân hoan ” (Sách Tự Truyện).
Khi cầu nguyện, dù là dưới hình thức riêng tư nhưng chúng ta không cô đơn, lẻ loi. Chúng ta được hiệp nhất với Thiên Chúa Cha trong Đức Giê-su Ki-tô, được nung đốt bởi Chúa Thánh Thần, được chan hòa trong tình hiệp thông với anh em trong cùng một Nhiệm Thể. Quả vậy, “Cầu nguyện nhắc nhở rằng ta không cô đơn trong đời sống đức tin. Cầu nguyện không chỉ kéo ta đến gần Chúa, nhưng nó còn kết hợp ta với từng người thánh thiện khác mà có lòng yêu mến Chúa giống như ta” (x. “Cầu Nguyện”, web simonhoadalat.com).
Tóm lại, “Khi cầu nguyện, chúng ta không những chỉ xin ơn, mà đến cùng Thiên Chúa như con thảo để tỏ lòng biết ơn Cha nhân lành vì muôn hồng ân Người đã ban.Đồng thời vui hưởng tình yêu của Chúa Ba Ngôi dành cho chúng ta và cùng Đức Mẹ, các Thánh và các tín hữu khác chia sẻ tình yêu ấy . Thực ra xin ơn không cần thiết bằng đạt được sự hiệp thông này, vì một khi hiệp thông như thế, chúng ta được tất cả những gì tốt đẹp nhất mà Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta” (x. “Cầu nguyện là gì?”, giaoly.org)./.
Aug. Trần Cao Khải