KI-TÔ HỮU SỐNG ĐẠO TỪ TRONG THÁNH LỄ
Mọi Ki-tô hữu đều biết rằng Thánh lễ Mi-sa là tột đỉnh của Phụng vụ Ki-tô giáo. Thánh lễ là bữa tiệc thánh nhờ đó chúng ta được hiệp thông vào Mình Máu Chúa. Vì thế, cộng đoàn dân Chúa phải tham dự tích cực và sinh động, lãnh nhận lương thực thần linh nuôi dưỡng đời sống Ki-tô hữu và đời sống cộng đoàn. Nhờ Thánh lễ mà công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện. Do đó nhờ nhận thức được ý nghĩa cao cả của Thánh lễ mà mỗi lần chúng ta đến nhà thờ để cử hành mầu nhiệm thánh, chúng ta vui mừng hân hoan và luôn có một tâm tình sốt sắng, thích hợp. Đây cũng là lúc Ki-tô hữu chúng ta biểu lộ một thái độ sống đạo nghiêm túc và xứng hợp.
Chúng ta cũng biết rắng sống đạo là cách thế biểu lộ đức tin và lòng mến qua những việc làm và cách sống cụ thể bên ngoài. Có thể là những việc bổn phận hằng ngày trong gia đình. Có thể là những trách nhiệm mà chúng ta phải thi hành tại những nơi chúng ta làm việc, phục vụ. Có thể chúng ta chu toàn bổn phận đạo đức của mình, hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng, như đọc kinh, cầu nguyện, suy gẫm, tham dự Thánh lễ, rước lễ, xưng tội, làm việc bác ái, hi sinh hãm mình vv… Ngay cả việc nhỏ bé như làm dấu Thánh giá và đọc kinh tạ ơn trước khi ăn chúng ta cũng không thể lơ là quên sót. Đó là biểu hiện chúng ta sống đạo một cách cụ thể.
Vậy để chứng tỏ mình quan tâm việc sống đạo từ trong Thánh lễ, mỗi người tín hữu chúng ta tự hỏi cần phải có thái độ và tâm tình nào khi đến nhà thờ tham dự Thánh lễ. Nói cách khác, chúng ta sẽ tham dự Thánh lễ làm sao cho đẹp lòng Chúa và đúng ý Hội thánh.
* THÁI ĐỘ TÍCH CỰC
Trước tiên, người ta nhận thấy rằng nhiều giáo dân đến tham dự Thánh lễ với một tâm thế lơ là, thụ động và gượng ép. Xem ra họ đi lễ vì luật buộc hơn là do đức tin và lòng mến. Không đi thì phạm tội trọng, lương tâm áy náy. Có người đi lễ do ép buộc, như cha mẹ ép con cái, vợ chồng thúc đẩy nhau, anh chị em lôi kéo nhau vv. Có những người đi lễ vì thấy nhà-nhà đi lễ, người-người đi lễ, chẳng lẽ mình không đi, thế là họ nhập vào đoàn người đi đến nhà thờ như một thói quen vô thức. Đi tham dự Thánh lễ, vì thế, đối với nhiều người như trả một món nợ.
Người Ki-tô hữu chân chính, khi đến nhà thờ dâng Thánh lễ, luôn mang tâm tình yêu mến, tạ ơn và biểu lộ một thái độ sốt sắng tích cực. Họ ý thức rằng Thánh lễ là Hy tế cảm tạ Chúa Cha, là lời chúc tụng Hội thánh dâng lên bày tỏ lòng biết ơn vì tất cả những phúc lành Thiên Chúa ban, tất cả những gì Người đã thực hiện qua việc sáng tạo, cứu chuộc và thánh hoá con người.
Trong bài giáo lý ngày 22-11-2017, ĐTC Phan-xi-cô đã giải thích rằng Thánh lễ không phải là tưởng niệm một kỷ niệm lu mờ của quá khứ, nhưng còn hơn thế nữa, là tham dự vào sự chiến thắng vĩnh viễn của Chúa Ki-tô trên cái chết, một chiến thắng mang lại cho đời sống Ki-tô hữu trọn ý nghĩa của mình. ĐTC Phan-xi-cô cũng nhắc lại sự quan trọng phải đi lễ ngày Chúa Nhật, không biến Thánh lễ thành buổi trình diễn và phải thinh lặng để sống và hiệp thông sự thương khó, cái chết, sự sống lại và lên trời của Chúa Giê-su.
Do đó, Hội thánh luôn mời gọi các tín hữu phải tham dự Thánh lễ một cách tích cực và nghiêm túc.
Tham dự tích cực là khi đi lễ, phải tìm mọi cách vào bên trong nhà thờ thay vì đứng xa bên ngoài. Vì chỉ khi nào ta hiện diện tích cực với vị chủ tế và với cộng đoàn Phụng vụ, lúc đó Thánh lễ mới có ý nghĩa và đem lại lợi ích thiêng liêng cho ta.
Nhiều người mang danh nghĩa có đạo đến dự Thánh lễ nhưng thay vì cố gắng tìm một chỗ thích hợp trong nhà thờ, thì lại đi kiếm một chỗ mát bên ngoài nhà thờ, đứng hoặc ngồi mơ mộng từ đầu đến cuối, xác một nơi hồn một nẻo. Có người hút thuốc, nói chuyện, lướt web hoặc chat trên điện thoại di động. Đây là hành động thiếu ý thức của một số người đi lễ cho có lệ, không để tâm hồn vào việc lắng nghe Lời Chúa và dự phần vào Tiệc Thánh Thể. Việc làm như thế được kể là không tham dự Thánh lễ buộc ngày Chúa Nhật và đương nhiên là mắc tội trọng. Thậm chí, có cặp đôi ngồi trên xe gắn máy tâm sự suốt buổi lễ, cứ như là đang ở công viên, chờ đến khi vị chủ tế ban phép lành xong là rồ máy “biến”…
Tham dự tích cực là thực hành cách chu đáo và trang nghiêm từ những việc nhỏ nhất, như cúi đầu, làm dấu thánh giá, quỳ gối, đứng ngồi, chúc bình an, câu thưa câu đáp… Thực tế thấy có nhiều tín hữu vừa bước vào nhà thờ, ngồi “phịch” xuống ghế ngay, chẳng cúi đầu, làm dấu, quỳ gối thờ lạy Thánh Thể. Họ nhìn ngang nhìn dọc, thỉnh thoảng rút điện thoại ra trả lời hoặc nhắn tin cho ai đó, cứ như là họ đang ở trong một nơi trình diễn nào đó …
Thiết nghĩ cũng nên nói qua về việc sử dụng điện thoại để quay phim, chụp hình trong Thánh lễ. ĐTC Phan-xi-cô gay gắt phê phán việc này. Ngài đau buồn nói rằng: “Đây là một chuyện rất xấu! Và tôi rất buồn, khi tôi dâng Thánh lễ ở đây, ngoài quảng trường thánh Phê-rô hay trong đền thờ thánh Phê-rô, tôi thấy bao nhiêu là máy điện thoại cầm tay đưa lên, không phải chỉ có tín hữu mà cả một số linh mục và giám mục. Thánh lễ không phải là một buổi trình diễn. Đó là đến với sự thương khó và sống lại của Chúa. Vì thế vị linh mục nói: ‘Hãy nâng tâm hồn lên’. Điều này có nghĩa là gì? Anh chị em nhớ: không nâng máy điện thoại cầm tay lên”.
Tham dự tích cực cũng đòi buộc ta phải đi lễ đúng giờ, không đi trễ về sớm. Nhiều tín hữu có thói quen khi đi lễ, đợi khi nào ca đoàn hát nhập lễ mới đến nhà thờ. Lúc đó thường thì không vào được bên trong nhà thờ và phải tìm một chỗ bên ngoài. Đối với họ, lúc đó là Thánh lễ “từ xa”, không còn ý nghĩa tham dự hay hiệp thông gì nữa, mà chỉ là có mặt để yên tâm là mình đã đi lễ. Ngoài ra, cũng có một số người có thói quen “đi trễ về sớm”, họ ra về khi vị chủ tế chưa ban phép lành cuối lễ và chúc bình an. Chúng ta tự hỏi, đi lễ kiểu này thì có xứng hợp với ý Chúa và Hội thánh không, có đúng với danh nghĩa Ki-tô hữu không, có phải là nêu gương sống đạo đích thực không…
* TÂM TÌNH SỐT SẮNG
Bên cạnh thái độ tích cực và nghiêm túc khi tham dự Thánh lễ, tín hữu chúng ta còn cần có tâm tình sốt sắng, trang nghiêm nữa. Đây là nói về nội tâm toát ra bên ngoài. Trước hết đó là sự im lặng và cung kính cần thiết của người tham dự.
ĐTC Phan-xi-cô đã nhắc nhở: “Thánh lễ là ‘lời cầu nguyện tiêu biểu’. Vì thế, phải thinh lặng ngay từ đầu Thánh lễ để chuẩn bị vào trong ‘quan hệ mật thiết của mình với tình yêu của Chúa’. Vì chỉ trong thinh lặng mới giúp chúng ta đón nhận sâu xa, giúp chúng ta ‘ý thức vì sao chúng ta có mặt ở đây’ trong Thánh lễ này. Đây là giây phút mở lòng ra với Chúa. Trong thinh lặng chúng ta nghe tiếng nói của Thần Khí”.
Trong Thánh lễ, sự im lặng của chúng ta là cần thiết để hiệp thông trong bầu khí linh thánh của cộng đoàn, không lo ra chia trí, không nói chuyện riêng tư, không ngáp vặt, không hắt xì một cách vô ý tứ, không để điện thoại reo vô tư, thoải mái… Nhờ có sự tập trung cao độ trong khoảng thời gian tham dự Thánh lễ, chúng ta mới có được tâm tình sốt sắng xứng hợp.
Tham dự sốt sang là khi chúng ta ý thức mình đến nhà thờ để làm gì, mục đích của việc tham dự Thánh lễ là gì. Vì Thánh lễ không phải là một buổi trình diễn nên ta đến không phải là để “xem”, để “cười”, để “vỗ tay”, để “múa hát” vv. Tín hữu được mời đến tham dự Bàn tiệc thánh, đến hiệp thông Hy lễ của Chúa Giêsu được tái hiện, đến để cầu nguyện, thờ phượng và dâng lễ cùng với chủ tế và cộng đoàn Phụng vụ. Chúng ta hãy luôn tự hỏi như sau: Tôi đi lễ để gặp Chúa hay để giải trí? Tôi đi lễ để nói chuyện tào lao hay để nguyện cầu? Khi đi lễ tôi có gặp được Chúa trong Lời hằng sống và Mình Máu Ngài không? vv.
Tham dự sốt sắng là khi chúng ta thực hiện những cử chỉ đạo đức một cách nghiêm trang và đúng đắn, từ việc cúi đầu, làm dấu thánh giá, bái quỳ, cho đến những cách ta thưa đáp các lời nguyện do chủ tế xướng hay đọc. Thực tế cho thấy nhiều người đi lễ nhưng là “Lễ câm”. Vì hầu như chẳng thấy họ mở miệng đọc kinh, thưa đáp gì cả. Chúng ta biết, Thánh lễ là lễ của cộng đoàn, cho cộng đoàn, vì cộng đoàn. Cho nên mọi thành viên phải cùng thưa, cùng hát, cùng đọc. Đó là sự hiệp thông. Tại nhiều nơi, nhiều tín hữu tham dự Thánh lễ nhưng lười hát, lười đọc, lười thưa. Họ im lặng suốt từ đầu lễ đến cuối lễ. Một cách tham dự thiếu sốt sắng và xem ra thụ động như thế chắc chắn sẽ không đem lại lợi ích thiêng liêng gì nhiều.
Trong Thánh lễ, ngoài việc sốt sắng cầu nguyện, thưa đáp, hát thánh ca, nghe giảng giải, còn có một việc quan trọng nhất mà chúng ta không thể không quan tâm, đó là việc rước lễ. Có nhiều tín hữu đi lễ thường xuyên, nhưng lại không siêng năng rước Mình Thánh Chúa. Về việc này, ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh: “Người tín hữu trở nên một với Đấng mình đón nhận”. Ngài nhắc lại khi ngài nói đến điều kỳ diệu của việc rước lễ: “Mỗi lần chúng ta rước lễ là mỗi lần chúng ta gần với Chúa Giêsu hơn, chúng ta được biến đổi tốt hơn trong Chúa Giêsu”. Chúng ta đã biết, Thánh lễ là Bữa tiệc thánh nhờ đó chúng ta được hiệp thông vào Mình Máu Chúa. Do đó, đoàn dân Chúa phải tham dự tích cực và sinh động, lãnh nhận lương thực thần linh nuôi dưỡng đời sống Ki-tô hữu và đời sống cộng đoàn. Vì vậy. khi đến tham dự Thánh lễ, chúng ta ý thức rằng mình đến để thông hiệp, để chia sẻ, để lãnh nhận, để được nên một với Chúa Ki-tô.
Tóm lại, nếu tín hữu chúng ta tham dự Thánh lễ với thái độ tích cực và tâm tình sốt sắng nêu trên, thì chắc chắn đời sống nội tâm sẽ dần dần lớn mạnh và nhờ đó chúng ta có nhiều ơn thánh để chu toàn bổn phận sống đạo của mình một cách tốt đẹp.
Ngày 4-4-2018, trong bài giáo lý cuối cùng về Thánh lễ, ĐTC Phan-xi-cô nhắc lại, người Ki-tô hữu không nên đi lễ vì phải làm cho xong “bổn phận” trong tuần, nhưng phải ra về trong xác tín rằng “Thánh lễ chưa xong”, họ phải đem những gì họ sống trong Thánh lễ ra đời sống: trong các sinh hoạt hàng ngày, ở nhà, nơi làm việc, trong mọi quyết định cụ thể họ phải làm trong đời sống hàng ngày. Đó là sống đạo từ Thánh lễ đến cuộc sống ./.
Aug. Trần Cao Khải