Kinh Thánh và khao khát chân lý

“Thanh Trinh là người Công Giáo, thích tìm hiểu và có quan điểm độc lập. Ngoài Kinh Thánh, Thanh Trinh còn đọc và tìm hiểu nhiều đạo khác: Phật, Cao Đài, Hòa Hảo… Nhưng khi đọc Kinh Thánh, có rất nhiều vấn đề mà Thanh Trinh không thể hiểu mà chỉ có thể dùng đức tin. Thanh Trinh muốn mọi thứ phải rõ ràng. Trong những thứ Thanh Trinh tìm hiểu thì thấy những lời Phật dạy luôn rất rõ ràng, không gây khúc mắc, không yêu cầu phải dùng “lòng tin”, mặt khác những lời Phật dạy được kiểm chứng qua thời gian lâu dài bằng khoa học thì vẫn không sai.”

Bạn thân mến!

Tôi cảm thấy “nể phục” sự khao khát chân lý của bạn. Khi đọc vài dòng tâm sự của bạn, lòng tôi trải rộng và trước mắt tôi là một không gian vô cùng tận. Chủ đề mà bạn “thắc mắc” là chủ đề rất lớn. Khi bạn đối chiếu các tôn giáo khác nhau, chúng ta gặp phải lĩnh vực đối thoại liên tôn. Khi bạn đối chiếu các nền văn hóa, các lối nghĩ khác nhau, chúng ta cần đi vào sự bao la của sự biến chuyển và giao thoa giữa các nền văn hóa trong lịch sử nhân loại. Khi bạn đề cập đến niềm tin trong các tôn giáo, và sự minh bạch rõ ràng, có lẽ chúng ta đụng phải chủ đề bao trùm hàng chục thế kỷ: lý trí và đức tin; đụng phải chủ đề của thời hiện đại: niềm tin và khoa học…

Hơn thế nữa, khoa học ngày nay cũng phân cực trong nhiều phương pháp và lối tiếp cận. Không phải khoa học nào cũng có được sự rõ ràng và đồng thuận. Có nhiều giả thuyết, nhiều trường phái khác nhau. Nếu thuyết tương đối của Einstein có được thừa nhận rộng rãi chăng nữa, thực lòng mà nói, mấy ai thực sự hiểu được học thuyết ấy. Có những thứ, về nguyên tắc là ai cũng có thể hiểu được, vậy mà thực tế là ít người hiểu; huống gì, có những thứ về nguyên tắc, khó có thể nói là ai cũng hiểu được. Nếu bạn là người đã tin vào Kinh Thánh và Thầy Giêsu, bạn cũng thấy có nhiều nhánh khác nhau trong Ki-tô giáo: Công Giáo, Chính Thống, Tinh Lành, Anh Giáo. Mỗi nhánh có nhiều nhánh nhỏ nữa. Nếu bạn là một người Công Giáo sùng đạo, bạn lại thấy có nhiều dòng tu và nhiều nhóm khác nhau trong Giáo Hội. Sự khác biệt và phong phú không phải luôn rõ ràng. Bên Phật giáo cũng có nhiều tông phái.

Trực tiếp hơn vào chủ đề Kinh Thánh, vào khoa chú giải Kinh Thánh. Chỉ xin đơn cử bốn sách Tin Mừng. Có thể nói rằng, chẳng ai thân thiết và hiểu Thầy Giêsu cho bằng chính các môn đệ cùng sống với Thầy, được Thầy tuyển chọn và huấn luyện. Thế mà, mỗi sách Tin Mừng đều có nét riêng mà chúng ta không thể cào bằng, cũng như không phải dễ hiểu. Ngày nay, việc nghiên cứu, giải thích Kinh Thánh vẫn được tiếp diễn, và thường được trao cho những người “có khả năng nhất về tri thức”; việc sống Kinh Thánh vẫn được trắc nghiệm, được thách đố, được sáng tỏ trên đời sống của các thánh, của các dòng tu cách riêng, và bởi đời sống của mọi thành phần trong Hội Thánh cách chung.

Nếu bạn hiểu được những điều tốt đẹp từ Đức Phật, điều ấy thật đáng quý, vì những người thiện tâm luôn có duyên với nhau. Nếu khoa học có kiểm chứng lời Phật dạy, thì điều ấy đáng trân trọng, vì đó là giao điểm có thể thấy giữa các khung trời tưởng chừng khác nhau trong con người. Tôi nghĩ rằng, sự gặp gỡ này là tất nhiên, tuy không phải lúc nào cũng có thể thấy; bởi lẽ khoa học không là gì khác ngoài trí khôn của con người, và lời Đức Phật là lời của con người ở bậc thánh nhân. Vậy chẳng lẽ, trí khôn của con người lại có thể mâu thuẫn với chính con người hay sao. Hơn thế, niềm tin không mâu thuẫn với trí khôn, nhưng để hiểu niềm tin, trí khôn cần rộng mở. Tôi thấy, không một nhà khoa học nào mà lại không có niềm tin, vì nếu không tin vào một điều gì đó chưa rõ, họ không thể bắt đầu sự khám phá của mình. Trở lại cuộc sống đời thường hơn, khoa học, hoặc sự minh bạch, không phải là chìa khóa vạn năng. Trong tình bạn, tôi phải có niềm tin hơn là kiểm chứng. Bằng cách nào, tôi có thể có tình yêu mà không tin người mình yêu. Chẳng thể đo hết lòng người. Tương quan người với người, hầu như là sử dụng niềm tin. Cho dù có kinh nghiệm bị phản bội, bị chơi xấu… nhưng nếu mất hẳn niềm tin vào bản thân, vào người khác, vào cuộc đời, con người không thể sống nổi, hoặc sống mà khổ hơn là chết.

Khi người ta chơi xấu nhau, người ta dễ đối xử “mắt đền mắt, răng đền răng”, hoặc báo thù. Nhiều khi báo thù cho gia đình, cho người thân còn được coi là một việc có hiếu. Có những người tệ hơn chuyện chơi xấu; họ còn lấy oán báo ân. Trong một cuộc sống như thế, người cao thượng cùng lắm là không thèm chấp, hoặc tha chết cho đối thủ… Cách sống tha thứ của Thầy Giêsu không hề dễ hiểu, không tự nhiên mà hiểu được. Kiểu yêu thương kẻ thù của Thầy Giêsu không hề dễ hiểu. Mối liên hệ giữa Thầy Giêsu với một Đấng trên Trời mà Người gọi là Cha, không hề dễ hiểu. Tình bạn giữa Thầy Giêsu và các môn đệ của Người cũng không phải dễ hiểu. Thánh Anselm có câu nổi tiếng: đức tin tìm kiếm sự hiểu biết. Ngài từng cầu nguyện: Lạy Chúa, vì con tin nên con mới hiểu.

Có nhiều khía cạnh khác nhau khi đọc và tìm hiểu Kinh Thánh: lịch sử, khảo cổ, văn chương, tâm lý, ngôn ngữ, xã hội, chính trị, đạo đức, thần học… Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, chắc chắn Kinh Thánh không phải là cuốn sách thuần túy triết học, hay thuần túy lịch sử, hay thuần túy khoa học theo nghĩa khoa học tự nhiên, cũng không phải là thuần túy niềm tin… Thật buồn cười khi lấy toán học để phân tích cái hay của một bài thơ; thật lạc lõng khi đòi tính chính xác kiểu nhà báo trong cuộc nói chuyện giữa những người bạn tri kỷ. Cũng không thích hợp khi đòi Đức Phật nói về Chúa Trời, vì Ngài “không biết” hoặc không nói. Còn với Chúa Giêsu, chẳng phải thời nay, mà ngay cả thời đại Ngài sống, người ta cũng “chia năm sẻ bảy” khi nhìn nhận Ngài là thế này hay thế nọ, tin hay không tin Ngài, theo hay không theo Ngài.

Nếu bạn muốn đề cao sự mạch lạc và rõ ràng, bạn có thể tìm hiểu kiểu hoài nghi có phương pháp của triết gia Decartes hay phương phương pháp hiện tượng luận của triết gia Husserl. Ngay cả nhà ngôn ngữ học, triết học thiên tài Wittgenstein, vốn một thời đề cao tính chính xác và mạch lạc trong ngôn ngữ khoa học, khi dạy học cho học sinh, ông đã phải thay đổi quan niệm của mình, rằng ngôn ngữ thật đa dạng và có nhiều games khác nhau, không chỉ là khoa học. Một số cuốn sách tôi nghĩ là ích lợi cho bạn, nếu bạn muốn đọc: Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ của nhà vật lý thiên văn Hawking (cuộc truy tìm của các nhà khoa học có niềm tin vào Chúa với nhiều nét khác nhau), Điều bất khả của Barrow (giới hạn của khoa học và khoa học của giới hạn), Những con đường của ánh sáng của Trịnh Xuân Thuận (câu chuyện hấp dẫn của ánh sáng, thứ ánh sáng của niềm tin, của khoa học, của triết học), Mere Christianity của C.S. Lewis (một lối mở từ cuộc sống, triết lý vào niềm tin), Ngôn ngữ của Chúa của nhà hóa sinh Collins (bàn đến nhiều chủ đề hấp dẫn: thuyết tiến hóa và Kinh Thánh, niềm tin và khoa học: xung đột hay hòa hợp; ông từ một nhà khoa học chưa tin Chúa trở thành một người có niềm tin), Đức Giêsu thành Nazaret của Đức Giáo Hoàng Benedic 16 (tác phẩm rất lý trí và cũng rất niềm tin). Nếu bạn muốn thử tài trí khôn của mình với những nét tinh tế và hóc búa của niềm tin, bạn có thể đọc Tổng luận Thần học của thánh Thomas Aquinas. Nếu bạn muốn có kinh nghiệm trực tiếp cách nào đó về Kinh Thánh, bạn có thể tham dự một khóa Linh Thao theo phương pháp của thánh Inhã.

Còn nếu bạn thực sự muốn đào sâu bao nhiêu có thể về kho tàng Kinh Thánh, về những lời Đức Phật dạy, về khoa học, tại sao bạn không trở thành một nhà khoa học tự nhiên có niềm tin Công Giáo và đối thoại với lời dạy của Đức Phật. Bạn có thể hình thành trong đời mình một cuộc đối thoại ba chiều như thế: đức tin Công Giáo, khoa học, và giáo lý nhà Phật. Nếu bạn có thể làm điều ấy, thật tuyệt vời cho bạn và cho người khác.

Trong nhiều lẽ khác nhau, tôi thích nhất kiểu đọc Kinh Thánh của các vị thánh, vì các ngài đọc Lời Chúa bằng cả cuộc đời của mình. Tôi có thể nhờ các nhà chú giải, nhờ các nhà thần học, dựa vào kinh nghiệm cá nhân hoặc từ người khác, nhưng tôi nhờ nhiều nhất vào các thánh và cuộc sống các ngài. Nhờ các ngài, tôi có thể hiểu điều niềm tin muốn nói, có thể sống niềm tin với trí khôn sáng suốt; từ đó tôi có thể gặp được Chúa Giêsu trong niềm tin sống động. Tôi nghĩ, Chúa đòi hỏi niềm tin, đơn giản vì cứ nghĩ theo nếp nghĩ đã khuôn đúc sẵn, con người không thể ngạc nhiên nhận ra điều kì diệu mà Ngài sắp cho người tin được thấy.

Mỗi vị thánh cũng chỉ tỏ lộ được nét nào đó của Thầy Giêsu. Bạn có thể đọc Tự thuật của thánh Augustine. Tôi nghĩ bạn sẽ cảm thấy ngài đồng cảm sâu sắc với niềm khao khát của bạn khi đi tìm chân lý và tình yêu. Nếu ai đó nói rằng, họ hiểu hết Kinh Thánh, hoặc Kinh Thánh chẳng có gì để hiểu, tôi cho là họ đang nói dối, hoặc đó chỉ là ý kiến riêng tư của họ. Tôi nhìn nhận rằng, từ đầu tới giờ tôi tỏ ra hiểu bạn, tỏ ra cố gắng hiểu bạn, nhưng sự thực tôi nghĩ, tôi có thể hiểu bạn được chút ít nào đó thôi. Tôi thấy, nỗi khao khát của bạn thật lớn, tôi mời bạn hãy bắt đầu với điểm khởi phát cụ thể nào đó, mà bạn cho là quan trọng nhất. Tôi “không dám” gọi là “trả lời” bạn. Tôi chỉ muốn cùng chia sẻ về mối bận tâm của bạn. Trên đường theo Chúa, trên đường tìm hiểu về thiên nhiên, về con người, tôi cũng chỉ đang dò dẫm từng bước. Cám ơn bạn vì những thao thức tuyệt vời!

“Đừng sợ đặt câu hỏi!” – Đức Giáo Hoàng Phanxico.

Vinhsơn Vũ Tứ Quyết, S.J.

Exit mobile version