Kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa” có thể hát kéo dài thành bài ca Hiệp lễ không?

Hỏi: Con luôn hiểu rằng kinh lạy Chiên Thiên Chúa (Agnus Dei) là một phần thiết định của Thánh Lễ, bao gồm hát hai lần “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con”; và kết thúc với “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin ban bình an cho chúng con”. Tuy nhiên, trong Thánh Lễ mà con tham dự trong giáo xứ của con, kinh này được sử dụng như một cơ hội để thể hiện sự sáng tạo, với xướng viên hát các câu như “Lạy Hoàng tử hòa bình”, “Lạy Chúa các Chúa,” và các câu khác khác, cho điệp khúc mỗi câu của cộng đoàn là “Xin thương xót chúng con” cho đến khi kết thúc phần rước Mình Thánh đến nhà tạm, lúc đó ca đoàn mới kết thúc với câu “xin ban bình an cho chúng con”. Trong khi việc ca hát như thế là có thể rất xây dựng và làm hài lòng nhiều người, con lại xem nó dường như không đáp ứng các yêu cầu của qui chế phụng vụ. Thưa cha, cha nghĩ sao? – C. C., Dallas, Texas. Mỹ.

Đáp: Các qui chế về việc hát kinh Lạy Chiên Thiên Chúa được tìm thấy trong Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), số 83: “… Ðang khi vị tư tế bẻ bánh và bỏ một phần vào chén thánh thì ca đoàn hay ca viên hát đối đáp hay đọc lớn tiếng kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa”, và giáo dân đáp lại. Kinh này có thể được lặp đi lặp lại, bao lâu còn cần để kèm theo việc bẻ bánh. Lần cuối cùng được kết thúc bằng câu: “Xin ban bình an cho chúng con” (bản dịch Việt Ngữ của linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Do đó, như một quy chế, các lời khần cầu có thể được lặp lại nếu như nghi thức bẻ bánh kéo dài. Nhưng không có đề cập đến việc chèn các lời khẩn cầu khác, hoặc việc kéo dài Kinh lạy Chiên Thiên Chúa như một bài ca Hiệp lễ. Do đó, lời khẩn cầu “Xin ban bình an cho chúng con” sẽ được hát khi gần kết thúc việc bẻ bánh, và sau đó không đưa thêm các lời khẩn cầu khác nữa.

Sau khi hát xong rồi, giai điệu được sử dụng trong Kinh lạy Chiên Thiên Chúa có thể được hát lại, sau khi đọc xong “Lạy Chúa, con không đáng…”, và được sử dụng như một bài hát Hiệp lễ. Trong trường hợp này, không có gì trở ngại để đưa các lời khẩn cầu khác vào, như được mô tả ở trên.

Đây có thể là một cách sử dụng một số phiên bản đa âm cổ điển, vốn sẽ là quá dài đối với nghi thức hiện nay. Một hệ thống tương tự như hệ thống được mô tả bởi độc giả trên của chúng ta, là một tập tục lâu đời ở một số nhà nhà thờ chính tòa châu Âu.

Hồng Y Joseph Ratzinger khi ấy (nay là Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI) xem sự thực hành này là hợp pháp trong một hội nghị tại Regensburg, nhân dịp linh mục bào huynh của ngài thôi chức giám đốc âm nhạc của nhà thờ chánh tòa của thành phố này.

(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 14-6-2007)

Exit mobile version