Lời nguyện thứ I
Lời nguyện thứ II
Lời nguyện thứ III
Lời nguyện thứ IV
Lời nguyện thứ V
“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”
“Lời cầu xin này xuất phát từ điều trước, vì tội lỗi của chúng ta là kết quả của sự ưng theo cám dỗ… ‘Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu và chính Người cũng không cám dỗ ai’ (Gc 1,13), trái lại Người muốn giải thoát chúng ta khỏi cơn cám dỗ. Chúng ta cầu xin Người đừng để ta đi vào con đường dẫn đến tội lỗi”.[1] Khi chúng ta đọc: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”, chúng ta tự nhủ mình xin điều đó, kẻo vì thiếu ơn Người trợ giúp, chúng ta hoặc bị lừa mà chiều theo cơn cám dỗ, hoặc vì sầu khổ mà chịu thua.
1. VỮNG TIN TRONG THỬ THÁCH
Trần gian mà chúng ta đang sống thường được coi như xa vời với những gì đức tin tuyên xưng; những kinh nghiệm về sự dữ và đau khổ, về những bất công và cái chết, dường như mâu thuẫn với Tin Mừng; những điều đó có thể làm cho đức tin bị nao núng và trở thành một cám dỗ đối với đức tin. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết phân định đâu là thử thách, vốn cần thiết để con người nội tâm tăng trưởng (x. Lc 8,13-15; Cv 14,22; 2Tm 3,12) và nhằm “thử thách nhân đức” (x. Rm 5,3-5), và đâu là cám dỗ dẫn đến tội lỗi và sự chết (x. Ga 1,14-15). Chúng ta còn phải biết phân định giữa “bị cám dỗ” và “thuận theo cám dỗ”. Con người cần được thử thách để trưởng thành. Thiên Chúa cho phép ma quỉ cám dỗ con người để thử thách họ và thanh luyện họ.
Sở dĩ Thiên Chúa để chúng ta bị cám dỗ là để phạt chúng ta vì những lỗi phạm, để chỉnh đốn sự kiêu ngạo của chúng ta, để chúng ta khám phá sự yếu kém của đức tin, của hy vọng và tình yêu của chúng ta, và để ngăn cản chúng ta khỏi những ảo tưởng cho rằng chúng ta vĩ đại nhờ vào những phương tiện của chúng ta.
“Cám dỗ cũng có cái lợi. Ngoại trừ Thiên Chúa, không ai biết được những gì tâm hồn chúng ta đã lãnh nhận, kể cả chính chúng ta, những điều đó được bộc lộ ra nhờ các cơn cám dỗ, kẻo chúng ta vẫn không biết mình cách đúng đắn, nhưng khi đã biết mình, chúng ta sẽ nhận ra tình trạng tệ hại của mình, và chúng ta phải tạ ơn Chúa vì những ơn lành được bộc lộ ra cho chúng ta nhờ các cơn cám dỗ”.[2]
Chúng ta không xin cho khỏi bị cám dỗ. Cám dỗ có một mục đích sư phạm: nó khiến chúng ta cầu nguyện liên lỉ không ngừng. Có thể nói chính ma quỉ dạy ta cầu nguyện. Tuy nhiên, bị cám dỗ cũng là một trong những thử thách của con người. Đời sống chúng ta trong cuộc lữ hành trần thế không thể không có thử thách. Phải qua thử thách ta mới tiến bộ, và không bị thử thách thì chẳng ai biết mình. Thử thách là điều kiện để được sống trong Đức Kitô (2 Tm 3,12), để đức tin tăng trưởng và trở nên vững mạnh, để biết khiêm nhượng (x. 1Cr 10,12), và để chân lý được biểu lộ (x. 1Cr 11,19),. Tắt một lời, đó là quãng đường của cuộc Vượt Qua nội tâm.
Trong lời cầu xin thứ sáu này, một mặt chúng ta nói lên sự sẵn sàng đón nhận gánh nặng của những thử thách vừa sức chúng ta. Mặt khác chúng ta cầu xin Thiên Chúa đừng để chúng ta bị thử thách quá sức và đừng để chúng ta lìa xa bàn tay từ ái của Người. Chúng ta nói lên lời cầu xin này trong sự tin tưởng mà thánh Phaolô đã động viên chúng ta: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1Cr 10,13).
Trong tự sắc Porta fidei, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã viết: “Những lời thánh Phêrô tông đồ chiếu dọi một tia sáng cuối cùng trên đức tin: ‘Trong thời ấy anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dù còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quí hơn vàng gấp bội – vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự’ (1Pr 1,6-7)”.[3]
2. LINH MỤC VÀ NHỮNG CÁM DỖ
“Thư gửi tín hữu Do-thái khẳng định rõ ràng bản tính con người nơi thừa tác viên của Thiên Chúa: từ loài người mà đến và phục vụ loài người, noi gương Chúa Giêsu Kitô là Đấng ‘đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội’ (Dt 4,15)”.[4]
Cám dỗ là sự xúi giục của kẻ thù nhằm tách lìa chúng ta khỏi Chúa Cha, mặc dù tên cám đỗ không nói rõ.như thế. Trong hoang địa ma quỉ không cám dỗ Chúa Giêsu vi phạm một điều luật nào đặc biệt. Nó chỉ muốn tách Người khỏi Cha Người, khỏi sứ mệnh mà Cha Người đã giao. Trong vườn cây dầu Chúa cũng không bị cám dỗ lẩn tránh cái chết, nhưng bị cám dỗ không tuân hành ý muốn của Chúa Cha. Ma quỉ không cám dỗ Chúa Giêsu làm điều xấu, vì như thế là quá vụng về thô thiển. Nó chỉ cám dỗ Người làm điều tốt theo kiểu trần gian, chứ không theo ý Chúa Cha và không phù hợp với sứ mạng của Người.
Đó là những cám dỗ mà Đức Giêsu đã trải qua với tư cách là Đấng Mêsia, là người lãnh đạo. Chúng thường được gặp thấy nơi các cám dỗ mà các linh mục gặp phải trên con đường thi hành sứ vụ mà Đức Kitô đã giao phó. Chúng ta thử xem xét các cơn cám dỗ tiêu biểu của các linh mục theo lược đồ các cơn cám dỗ của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Luca (x. Lc 4,1-13).
Cám dỗ thứ nhất: thi hành sứ vụ thiên sai bằng cách chỉ quan tâm đến các nhu cầu vật chất của con người và tìm hưởng thụ cá nhân. Trong thông điệp Centesimus annus, Đức Gioan Phaolô II đã viết: “Ước muốn có một cuộc sống tốt hơn không phải là xấu, nhưng điều xấu chính là lối sống tự cho là tốt hơn khi nó hướng tới ‘cái có’ (như của cải, tiện nghi, phương tiện máy móc), thay vì hướng tới ‘cái là’ (như nhân phẩm, lương thiện, trách nhiệm, tình bạn, tình liên đới) và khi người ta muốn có nhiều hơn không phải để ‘là’ nhiều hơn, nhưng là để hoàn thành cuộc sống bằng hưởng thụ, coi đó như mục đích của cuộc đời”.[5]
Trong tông huấn Pastores dabo vobis ngài cũng viết: “Quan niệm ‘sống thoải mái’ hiểu theo nghĩa vật chất có khuynh hướng trở thành lý tưởng độc nhất của cuộc đời, một lối ‘sống thoải mái’ phải đạt được với bất cứ điều kiện nào và với bất cứ giá nào. Hậu quả là từ chối mọi hy sinh, vứt bỏ mọi nỗ lực tìm kiếm và sống những giá trị tinh thần và tôn giáo”.[6]
Theo thánh Gioan Maria Vianney, không thể có chuyện linh mục làm việc cầm chừng, làm việc vừa đủ với bổn phận thôi, để đời sống được dễ dãi thoải mái. Cám dỗ bằng lòng với cái tối thiểu là cám dỗ rất nguy hiểm, nó hạ thấp lý tưởng linh mục, làm nguội nhiệt tình và người linh mục rảnh rỗi dễ bị sa vào những điều không tốt.
Cám dỗ thứ hai: thực hiện sứ vụ thiên sai bằng con đường quyền bính theo kiểu chính trị các nước. Độc đoán, chuyên quyền, có lẽ là cám dỗ lớn đối với hàng linh mục, bởi vì quyền bính của các ngài còn mang thêm một hào quang thần thánh. Các ngài dễ bị cám dỗ đưa cả quyền bính thiêng liêng vào những lĩnh vực không có gì liên quan đến quyền bính đó, để rồi dễ dàng áp đặt ý kiến và sở thích của mình cho giáo dân.
Trong 1Tm 5,1-2, thánh Phaolô đã nhắn nhủ môn đệ mình: “Đừng nặng lời với cụ già, nhưng khi khuyên nhủ, hãy coi cụ như cha, hãy coi các thanh niên như anh em, các cụ bà như mẹ, các thiếu nữ như chị em với tấm lòng hoàn toàn trong sạch”.
Cám dỗ thứ ba: thi hành sứ vụ thiên sai bằng con đường ngoạn mục, bằng những hành động nổi trội để được tiếng khen. Đây cũng là cám dỗ của chủ nghĩa duy hoạt động: “Cám dỗ đưa thừa tác vụ của mình đến chỗ lấy chủ trương duy hoạt động làm cùng đích, để cho thừa tác vụ bị xâm chiếm một cách vô ngã bởi đủ loại sự việc, cho dẫu có thiêng liêng và linh thánh đến đâu, hoặc còn giản lược thừa tác vụ thành một thứ việc làm của công chức phục vụ cho tổ chức giáo sĩ”.[7] Người theo chủ nghĩa duy hoạt động sẽ không biết đến cầu nguyện. Trong các cám dỗ, cám dỗ không cầu nguyện là căn bản và đáng sợ nhất.
3. NHỮNG PHƯƠNG THẾ CHIẾN THẮNG CÁM DỖ
1. Cầu nguyện
Phương thế tốt nhất để khỏi sa chước cám dỗ là cầu nguyện, tức là gắn bó với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ trong vườn cây dầu: “Hãy cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ” (Mt 26,41). “Đối với các môn đệ, cầu nguyện là một cuộc chiến đấu trong sự hiệp thông với Thầy mình, và chính nhờ tỉnh thức trong cầu nguyện mà ta không sa chước cám dỗ (x. Lc 22,40-46)”.[8]
Thiếu cầu nguyện là lý do hàng đầu xét theo thời gian cũng như tầm quan trọng trong việc sa ngã của Phêrô và của các linh mục. Đời sống thiêng liêng của linh mục sa sút thì thế nào hành động cũng đến thay thế việc cầu nguyện. Phêrô không cầu nguyện mà chỉ biết tuốt gươm, một việc mà Chúa Giêsu không khen chút nào.
2. Hãm mình
Khi bỏ việc hãm mình và chỉ biết thỏa mãn những sở thích, cảm xúc, tiện nghi, linh mục sẽ dần dần xuống dốc và rồi sẽ rơi vào tình trạng nguội lạnh. Phêrô tìm một chỗ ấm áp gần bếp lửa, lúc đầu ông còn đứng, sau ông ngồi (Mc 14,54).
3. Trung thành với nhiệm vụ
Linh mục sẽ sa ngã hoàn toàn nếu ngài để mình rơi từ chểnh mảng này đến chểnh mảng khác: lôi thôi trong đời sống kinh nguyện, xa dần Chúa Giêsu Thánh Thể, không đề phòng dịp tội và sau cùng đem tạo vật vào thế chỗ của Chúa Kitô.
4. Khôn ngoan
Cám dỗ là một sự lừa dối của ma quỉ. Để chiến thắng, cần có sự khôn ngoan.
5. Sức mạnh của trái tim
Để khỏi sa chước cám dỗ, cần phải có một sự cương quyết của trái tim. “Can đảm là nhân đức luân lý giúp chúng ta kiên trì và quyết tâm theo đuổi điều thiện giữa những khó khăn trong đời. Nó củng cố sự quyết tâm chống lại các cám dỗ và vượt qua các chướng ngại trong đời sống luân lý”.[9]
ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi
CÁC ĐỀ TÀI THẢO LUẬN
1. Ngoài những cám dỗ làm điều xấu mà chúng ta có thể dễ dàng nhận ra và tránh được, nhiều lúc chúng ta cũng bị cám dỗ làm điều tốt theo ý mình. Những cám dỗ loại ấy thường xuất hiện dưới hình thức nào? Phương thế thắng vượt?
2. Cám dỗ về đức khiết tịnh mặc dù chỉ là một trong những cám dỗ mà ai ai cũng gặp phải, tuy nhiên các tín hữu Việt Nam thường khó chấp nhận các linh mục sa ngã trong lãnh vực này. Vì vậy các linh mục cần phải làm gì để có thể giữ mình trong sạch?
3. Khi một linh mục sa ngã hay mang tiếng xấu về một vấn đề nào đó, chúng ta phải giúp đỡ hoặc đối xử với người ấy như thế nào cho phù hợp với tình huynh đệ linh mục?
4. Ngoài những chước cám dỗ, đâu là những thử thách lớn trong cuộc đời linh mục? Làm cách nào để vượt qua?
[1]Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, số 2846.
[2]Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, số 2847.
[3] BÊNÊĐICTÔ XVI, Porta fidei, số 15.
[4] GIOAN PHAOLÔ II, Pastores dabo vobis, số 5.
[5] GIOAN PHAOLÔ II, Centesimus annus, số 41.
[6] GIOAN PHAOLÔ II, Pastores dabo vobis, số 8.
[7] GIOAN PHAOLÔ II, Pastores dabo vobis, số 72.
[8]Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, số 2612.
[9]Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, số 1808.