Kinh Lạy Cha của Linh mục trong Năm Đức Tin – Lời nguyện thứ IV

our daily bread - Kinh Lạy Cha của Linh mục trong Năm Đức Tin - Lời nguyện thứ IV
Lời nguyện thứ I
Lời nguyện thứ II
Lời nguyện thứ III
“Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”

Lời cầu xin thứ tư trong kinh Lạy Cha có lẽ là lời cầu xin mang tính nhân bản nhất trong các lời cầu xin: Đức Kitô, Đấng giúp chúng ta nhìn vào điều chính yếu, vào “một điều cần thiết mà thôi”, cũng biết đến nhu cầu trần thế của chúng ta và công nhận chúng. Người nói với các môn đệ: “Đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc” (Mt 6,25), bây giờ lại mời chúng ta cầu xin lương thực và trao ưu tư của chúng ta vào tay Chúa Cha. Bánh là hoa quả của trái đất và công lao của con người, nhưng trái đất sẽ không mang lại hoa trái nào, nếu không đón nhận mặt trời và mưa từ trên cao.

Đức Kitô đã nói: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34). Như thế tấm bánh mà chúng ta tìm kiếm cũng là thánh ý Thiên Chúa. Ở đây chúng ta thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa lời cầu xin này với lời cầu xin cho “ý Cha thể hiện”.

1. TIN VÀO SỰ QUAN PHÒNG CỦA CHÚA

“Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”. Lời cầu xin thứ tư này mở đầu cho những lời cầu xin ở phần thứ hai của kinh Lạy Cha, nhằm đến những nhu cầu của thể xác và linh hồn của con người. Đối với các Kitô hữu ngày xưa, lương thực hằng ngày là một thí dụ rất sống động để nói lên những ân huệ Thiên Chúa ban cho con người.

Đây là một lời nguyện bày tỏ niềm tin vào sự quan phòng chăm sóc của Cha trên trời. Chúng ta tin như thế là vì chính Chúa Giêsu đã dạy như thế (x. Mt 6,25-34; Lc 12,22-31). Và Người còn thêm: “Cha anh em biết rõ anh em cần gì trước khi anh em cầu xin” (Mt 6,8), điều đó cho thấy rằng Chúa Cha luôn quan tâm đến mọi nhu cầu của chúng ta, Người chăm sóc chúng ta còn hơn chúng ta chăm sóc chính mình, Người biết rõ điều chúng ta cần hơn là chúng ta, vì chính Người đã tạo dựng nên chúng ta.

“Đẹp thay lòng tin tưởng của con cái trông chờ Cha ban mọi sự… Chúa Giêsu dạy chúng ta lời cầu xin này: đây là lời tôn vinh Cha chúng ta, bởi vì lời cầu xin này nhận biết Cha là Đấng quá tốt lành, vượt xa mọi lòng tốt.[1]

Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến lòng tín thác con thảo, cùng cộng tác với sự quan phòng của Cha chúng ta (x. Mt 6,25-34). Người không muốn chúng ta làm biếng (x. 2Tx 3,6-13), nhưng muốn giải phóng chúng ta khỏi mọi lo âu và bận tâm. Đó là sự phó thác đầy tình hiếu thảo của con cái Thiên Chúa.

Ngoài ra, con người gồm xác và hồn, vừa cần đến lương thực cho cuộc sống trần thế, vừa cần đến lương thực cho cuộc sống vĩnh cửu. Vì thế, lương thực mà chúng ta tin tưởng cầu xin trong kinh Lạy Cha không chỉ là của ăn vật chất, nhưng còn là của ăn thiêng liêng.

Các giáo phụ đều đồng ý xem lời cầu xin thứ tư này là lời cầu xin bí tích Thánh Thể. Trong nghĩa này kinh Lạy Cha được xem như lời kinh cầu nguyện nơi bàn tiệc Thánh Thể. Điều này không có nghĩa là người ta bỏ qua ý nghĩa trần thế của lời cầu xin của các môn đệ, theo ý nghĩa trực tiếp của bản văn.

Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể làm lương thực nuôi dưỡng cộng đoàn những kẻ tin trên đường tiến về Nước Trời. Cử hành thánh lễ đối với linh mục là một hành vi nói lên sự mong chờ Nước Trời mau hiển trị. Trong ý nghĩa đó lời cầu xin lương thực hằng ngày gắn liền với lời cầu xin cho Nước Cha trị đến.

Cùng với bí tích Thánh Thể, lương thực hằng ngày của người Kitô hữu là Lời Chúa. Khi rao giảng về sự đói khát Lời Chúa, ngôn sứ Amos (8,11) so sánh bánh với lời. Isaia cũng thế (x. Is 55,1-3). Đối với Chúa Giêsu cũng vậy, bánh biểu tượng Lời của Thiên Chúa mà nhờ đó người ta phải sống mỗi ngày (x. Mt 4,4). Là lương thực cần thiết và ân huệ Chúa ban, bánh mà người tín hữu xin Chúa mỗi ngày với đà phát triển của đức tin có thể biểu thị Lời Thiên Chúa và chính Ngôi Lời chịu hiến tế (x. Ga 6,32.35.51).

Trong tự sắc Porta fidei, Đức Thánh Cha Bênêđictô đã nhắn nhủ: “Chúng ta phải tìm lại sở thích nuôi dưỡng mình bằng Lời Chúa được Giáo Hội trung thành truyền lại, và bằng Bánh Sự Sống, được trao ban để nâng đỡ các môn đệ của Chúa (x. Ga 6,51). Thực vậy, giáo huấn của Chúa Giêsu vẫn còn vang dội mạnh mẽ ngày nay cũng như trước đây: ‘Các con hãy cố gắng làm việc không phải để được lương thực mau qua, nhưng là lương thực tồn tại mãi mãi’ (Ga 6,27)”.[2]

2. LINH MỤC VÀ ĐỨC KHÓ NGHÈO

Trong ngày cuối cùng của tuần tĩnh tâm năm, các linh mục thường lặp lại lời tuyên hứa: “Lạy Chúa, Chúa là phần gia nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con, số mạng con chính Ngài nắm giữ” (Tv 16,5).

Theo thánh Cyprianô, ai cầu xin hôm nay cho có lương thực, thì người đó là người nghèo. Lời cầu xin giả thiết sự nghèo khó của các môn đệ. Trong Hội Thánh phải luôn có những người dám từ bỏ tất cả để bước theo Chúa, những người con hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa Cha.

Mọi Kitô hữu đều phải có tinh thần nghèo khó, huống chi là người linh mục của Chúa. Tuy sống giữa thế gian nhưng các ngài phải biết rằng mình không thuộc về thế gian (x. Ga 17,14-16). Các ngài sử dụng của cải trần gian như không sử dụng (x. 1Cr 7,31), và như thế các ngài được tự do, được giải thoát khỏi mọi lo lắng hỗn loạn để có thể ngoan ngoãn nghe theo tiếng Chúa trong đời sống hằng ngày. Từ sự tự do và ngoan ngoãn đó sẽ nảy sinh khả năng biện biệt thiêng liêng để nhờ đó tìm ra thái độ đúng đắn đối với thế gian và của cải trần thế. Các ngài phải phân biệt dưới ánh sáng đức tin tất cả những gì các ngài gặp thấy, để một đàng biết sử dụng một cách thích đáng những của cải theo ý muốn của Thiên Chúa, đàng khác biết gạt bỏ những gì phương hại đến sứ mệnh của mình.

Vì nhận Chúa là ‘phần gia nghiệp’ của mình (Ds 18,23), nên các linh mục chỉ được sử dụng những của cải trần gian vào những mục đích mà giáo lý Chúa Kitô và qui luật của Giáo Hội ấn định. Người ta vẫn thường nói: linh mục tốt sống ơn gọi của mình, linh mục ham của sống bằng ơn gọi ấy.

Hơn nữa, các linh mục được mời gọi tình nguyện sống nghèo khó để nên giống Chúa Kitô một cách rõ ràng hơn và tận tụy hơn với chức vụ thánh. Thật vậy, dù giàu có, Chúa Kitô đã trở nên nghèo khó vì chúng ta, để nhờ sự nghèo khó của Người mà chúng ta trở nên giàu có (x. 2Cr 8,9). Nhờ noi gương và sống gắn bó với Đức Kitô, thánh Phaolô đã có thể nói: “Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4,12-13).

Và tác giả thư Do-thái đã dạy: “Trong cách ăn nết ở, anh em đừng có ham tiền, hãy coi những gì mình đang có là đủ, vì Thiên Chúa đã phán: “Ta sẽ không bỏ rơi ngươi, Ta sẽ không ruồng bỏ ngươi!” (Dt 13,5).

“Vì thế, các linh mục cũng như giám mục… phải tránh tất cả những gì bằng cách này hay cách khác có thể làm mình xa cách người nghèo khó, và hơn các môn đệ khác của Chúa Kitô, các ngài phải loại bỏ mọi thứ khoe khoang trong các đồ dùng của mình. Các ngài phải xếp đặt chỗ ở thế nào để không ai coi đó là nơi bất khả xâm phạm, và để không ai dù nghèo hèn đến đâu phải sợ hãi không bao giờ dám lui tới”.[3]

Thời giờ cũng có thể là đối tượng của tính hà tiện cũng như những tài sản khác. Nhân đức khó nghèo không chỉ giới hạn nơi tiền bạc, vì thời giờ cũng là vàng bạc, người ta thường nói như vậy. Chúa Giêsu luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ kẻ khác ngay cả khi Người cần nghỉ ngơi hay đang mệt.

3. LINH MỤC: TẤM BÁNH ĐƯỢC BẺ RA CHO MỌI NGƯỜI

Bánh không phải chỉ là một nhu cầu sinh tồn, nó phải được chia sẻ. Nó là dấu chỉ của sự hiệp thông, của bác ái huynh đệ. Thánh Phaolô đã dạy: “Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu. Như thế sẽ có sự đồng đều, hợp với lời đã chép: kẻ được nhiều thì không dư, mà người được ít thì không thiếu” (2Cr 8,14-15).

“Thảm kịch đói khát trên thế giới mời gọi các Kitô hữu đang cầu nguyện trong chân lý, phải có trách nhiệm hữu hiệu đối với các anh em, trong các hành động cá nhân của họ, cũng như trong sự liên đới của họ với gia đình nhân loại. Lời cầu xin này trong kinh Lạy Cha không được tách biệt với các dụ ngôn anh Ladarô nghèo khó (x. Lc 16,19-31) và cuộc phán xét chung (x. Mt 25,31-46)”.[4]

“Đối tượng cầu xin là lương thực của “chúng con”: “một” điều cho “tất cả”. Tinh thần khó nghèo theo các mối phúc là nhân đức chia sẻ: nó thúc đẩy thông chia và phân phát những của cải vật chất cũng như tinh thần, không vì cưỡng bách nhưng do tình yêu, ngõ hầu sự dư thừa của người này bù đắp sự túng thiếu của những người khác (x. 2Cr 8,1-15)”.[5]

Ý nghĩa đặc thù Kitô giáo của lời cầu xin thứ tư này liên quan đến Bánh trường sinh: đó là Lời Chúa được đón nhận trong đức tin, và Mình Thánh Chúa Kitô được lãnh nhận trong bí tích Thánh Thể (x. Ga 6,26-58). Vì thế có thể nói lời cầu xin lương thực hằng ngày hướng về sứ vụ ngôn sứ và tư tế của linh mục, bởi Lời Chúa và Thánh Thể liên quan chặt chẽ với chức linh mục.

Được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, linh mục phải sống theo Lời Chúa và đem chia sẻ cho kẻ khác để nuôi dưỡng đức tin của họ. Linh mục cũng phải trở nên con người của Thánh Thể, phải sống theo khuôn mẫu của Thánh Thể, sẵn sàng để cho mình bị ăn. Khi đọc “Này là Mình Thầy”, “này là chén Máu Thầy”, linh mục không lặp lại một cách máy móc lời của Chúa trong bữa tiệc ly, nhưng phải hiểu đây là một hành động chịu đóng đinh, chịu đâm thủng của linh mục, một sự tự hiến chính mình. Do đó, linh mục cũng trở nên lương thực mà kinh Lạy Cha dạy phải kêu cầu.

ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi

CÁC ĐỀ TÀI THẢO LUẬN

1. Phải trình bày cho giáo dân về sự quan phòng của Thiên Chúa như thế nào để họ vừa khỏi rơi vào thái độ ỷ lại lười biếng, vừa không quá lo lắng đến những nhu cầu vật chất?

2. Trong xã hội chịu ảnh hưởng nặng nề của văn hóa hưởng thụ như tại Việt Nam hôm nay, đâu là ý nghĩa và tầm quan trọng của đức khó nghèo nơi các linh mục?

3. Tại các giáo phận chúng ta, đâu là mức sống vừa phải mà các linh mục cần có để có thể sống xứng đáng và chu toàn nhiệm vụ của mình?

4. Những phương thế nào hữu hiệu và thích hợp để các linh mục trong giáo phận có thể tương trợ lẫn nhau, nhất là giúp đỡ các linh mục đang sống trong hoàn cảnh khó khăn hoặc đang phục vụ tại những giáo xứ nghèo nàn thiếu thốn?


[1] Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, số 2828.

[2] BÊNÊĐICTÔ XVI, Porta fidei, số 3.

[3] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Presbyterorum ordinis, số 17.

[4]Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, số 2831.

[5]Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, số 2833.

+ GM Matthêô Nguyễn Văn Khôi

Exit mobile version