Kiêng thịt ngày thứ Sáu và các lễ trọng địa phương

Hỏi: Tại Anh và xứ Wales, Hội Đồng Giám Mục đã quyết định tái lập việc kiêng thịt ngày thứ Sáu theo điều 1251 của Bộ Giáo luật. Theo điều luật này, việc kiêng thịt được áp dụng cho mọi ngày thứ Sáu, trừ ra các thứ Sáu có lễ trọng. Như thế, khi lễ bổn mạng của một giáo xứ rơi vào ngày thứ Sáu, và được tổ chức trọng thể tại riêng giáo xứ ấy, liệu mọi tín hữu giáo xứ ấy được ăn thịt vào ngày thứ Sáu ấy không, dù họ đi dự lễ ở nhà thờ khác? Liệu một người không thuộc giáo xứ ấy, nghĩ rằng đó là một lễ trọng tại địa phương, đi đến một tiệm ăn trong khu vực giáo xứ ấy để ăn thịt được không? – S.P., Tổng Giáo Phận Birmingham, Anh

Đáp: Sau đây là các điều luật liên quan về “Các Ngày Thống Hối”: (Bản dịch Việt ngữ của Bộ Giáo Luật do các Linh Mục sau đây thực hiện: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh.)

Ðiều 1249: Luật Chúa buộc mọi tín hữu làm việc thống hối theo cách thức riêng của mỗi người. Nhưng để các tín hữu liên kết với nhau trong một vài nghĩa vụ thống hối chung, luật quy định những ngày thống hối, để trong những ngày ấy, các tín hữu chú trọng đặc biệt đến sự cầu nguyện, thi hành việc đạo đức và việc bác ái, từ bỏ bản thân, bằng cách trung thành chu toàn các bổn phận riêng và nhất là bằng cách giữ chay và kiêng thịt, dựa theo các điều luật sau đây.

Ðiều 1250: Những ngày và mùa thống hối chung cho toàn thể Giáo Hội là các ngày thứ sáu trong năm và mùa chay.

Ðiều 1251: Vào các ngày thứ sáu, nếu không trùng với ngày lễ trọng, thì phải giữ việc kiêng thịt hay kiêng một thức ăn khác theo Hội Ðồng Giám Mục đã quy định. Vào ngày thứ tư Lễ Tro và ngày thứ sáu Tuần Thánh kính nhớ sự Thương Khó và Tử Nạn của Chúa Giêsu Kitô, phải giữ việc kiêng thịt và ăn chay.

Ðiều 1252: Luật kiêng thịt buộc những người đã 14 tuổi trọn. Luật ăn chay buộc hết mọi người đã đến tuổi trưởng thành cho tới lúc bắt đầu 60 tuổi. Tuy nhiên, các Chủ Chăn và các phụ huynh phải lo dạy cho các em chưa đến tuổi buộc ăn chay và kiêng thịt để chúng hiểu biết ý nghĩa đích thực của việc thống hối.

Ðiều 1253: Hội Ðồng Giám Mục có thể xác định rõ rệt hơn việc giữ chay và kiêng thịt, cũng như thay thế chúng cách toàn phần, hay từng phần bằng những hình thức thống hối khác, nhất là bằng những việc từ thiện và việc đạo đức.

Những gì các Giám mục Anh và xứ Wales đã thực hiện là khôi phục việc tuân giữ đầy đủ các điều luật 1250-1251. Trước đây, việc kiêng thịt chỉ áp dụng cho các thứ Sáu Mùa Chay.

Tôi có thể nói rằng do tính chất lãnh thổ của lễ trọng được mừng, luật miễn ăn thịt chỉ áp dụng cho những người ở trong lãnh thổ giáo xứ. Còn giáo dân ngoài giáo xứ ấy phải tuân giữ luật phổ quát.

Ít là về lý thuyết, một người Công giáo, nhận thức rằng một giáo xứ đang mừng lễ trọng vào ngày thứ Sáu, có thể đến đó để ăn thịt. Nên nhớ điều này có nghĩa rằng người đó là một người Công giáo tốt, do đó người ta hy vọng rằng người ấy cũng sẽ chia sẻ niềm vui của giáo xứ bằng cách tham dự Thánh Lễ trọng, trước khi đi đến nhà hàng gần nhất.

Trong mùa thường niên, nhiều giáo xứ chuyển lễ trọng bổn mạng giáo xứ vào chủ nhật gần nhất. Trong trường hợp này, việc miễn kiêng thịt ngày thứ Sáu sẽ không còn áp dụng.

Việc miễn như thế cũng áp dụng cho các lễ trọng của giáo phận. Hầu hết các giáo phận có một lễ trọng bổn mạng hoặc thánh đại diện của mình. Tuy nhiên, việc áp dụng khả năng này không phải là thống nhất. Ví dụ, cả Subiaco và Montecassino đều chọn thánh Biển Đức là thánh bổn mạng chính. Tuy nhiên, trong khi toàn bộ thị trấn Subiaco mừng trọng thể lễ này, tại Montecassino chỉ đan viện chính mừng lễ trọng này thôi. Trong cả hai trường hợp, phần còn lại của giáo phận cử hành ngày lễ.

Mặc dù mỗi ngày thứ Sáu là một ngày thống hối, các ngày thứ Sáu mùa Chay là đặc biệt quan trọng. Vì vậy, nhiều nơi có thói quen kiêng thịt vào ngày lễ trọng trùng với một ngày thứ sáu trong mùa Chay này.



Nguyễn Trọng Đa

nguồn: VietCatholic/ Zenit

Exit mobile version