Thứ Năm Tuần XXVII Mùa Thường Niên Năm chẵn (Gl 3, 1-5; Lc 11, 5-13)
Cuộc sống hôm nay có nhiều thứ cho con người lựa chọn nên họ dễ dàng từ bỏ những gì khó khăn, không mang lại kết quả trước mắt. Thái độ thực dụng này có thể thấy cả trong đời sống cầu nguyện khi các tín hữu muốn Chúa thực hiện một cách mau chóng những gì họ cầu xin và theo cách thức họ nghĩ. Qua trang Tin Mừng hôm nay, Chúa mời gọi mỗi người chúng ta cần kiên trì hơn trong cầu nguyện với trọn tâm tình vì tấm lòng cần tương xứng với của cho.
Rất đơn giản và dễ hiểu : Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ được mở cho. Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, Người sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin Người.
Qau Trang Tin Mừng này, Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho”. Ngài đưa ra hai dụ ngôn để nhắc nhở chúng ta kiên tâm trong lời cầu nguyện và siêng năng cầu nguyện cùng Chúa. Ngài đoan hứa Thiên Chúa là người Cha tốt lành sẽ ban cho chúng ta những gì chúng ta cầu xin, đặc biệt Ngài sẽ ban cho chúng ta món quà tuyệt hảo là Thánh Thần, nhờ đó chúng ta sẽ tìm được hạnh phúc đích thực.
Để nói về tương quan giữa Thiên Chúa Cha và chúng ta, đặc biệt là trong cách Ngài làm thỏa mãn lòng ước ao của chúng ta, Đức Giê-su khởi đi từ kinh nghiệm sống của người nghe, là chính chúng ta. Đó là kinh nghiệm về tình bạn và nhất là tình phụ tử:
Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn?(c. 7-10)
Trong thực tế, có lẽ chúng ta đã cầu xin rất nhiều, thế mà nhiều khi chúng ta chẳng nhận được. Tại sao thế? Thánh Giacôbê trả lời: “Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc”.
Do đó, khi cầu nguyện, chúng ta hãy ý thức điều chính yếu chúng ta phải nhắm tới trước hết, đó là “Xin cho Ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Thiên Chúa là Cha, Ngài khôn ngoan thấu suốt những nhu cầu của chúng ta và sẽ ban cho những gì lợi ích cho phần rỗi chúng ta. Ðiều cần thiết là phải kiên trì trong niềm tin và xác tín Thiên Chúa yêu thương và ban cho những điều vượt quá sự mong ước của chúng ta.
Biết bao lần chúng ta xin mà chẳng thấy cho, tìm mà không thấy, gõ cửa mà chẳng mở! Chúng ta biết rõ rất nhiều người với đức tin chân thành mạnh mẽ – và có lẽ đó là trường hợp của chúng ta – trong suốt nhiều năm cầu khẩn Chúa … và chẳng được đoái thương. Họ cầu nguyện cho người thân yêu được khỏi bệnh. Họ cầu nguyện cho người yêu trở về đường ngay nẻo chính … và chẳng thấy gì. Có phải họ cầu nguyện vô ích chăng? Có phải Đức Kitô đã nói quá khi Người quả quyết: “Hễ ai xin thì nhận được”. Có phải thời đó Người đã hứa mà thời nay Người không thể giữ lời hứa chăng?
Khi ta xin điều này hay những điều tương tự, đó là lúc chúng ta “làm khó” Chúa rồi, nếu không muốn nói là thử thách Chúa. Bởi lẽ, chúng ta xin Chúa thỏa mãn những nhu cầu của chúng ta ; giống như dân Do Thái trong sa mạc, đòi Chúa cho ăn bánh, ăn thịt…
Và như chúng ta đều biết, nhu cầu hưởng thụ của con người, nhất là thời nay, thì vô cùng vô tận : được cái này, thì sẽ thèm cái kia ; được một, thì sẽ đòi hai ; được cái nhỏ, thì sẽ đòi cái lớn… Và nếu chúng ta xin Chúa những thứ này, thì không sớm thì muốn chúng ta sẽ kêu trách Chúa, nghi ngờ tình thương của Chúa và bỏ rơi Chúa, bỏ rơi Chúa ở trong tim, trong nội tâm chúng ta. Bởi vì trong thâm tâm chúng ta hay có tiếng nói này : “Nếu Chúa không ban, thì con sẽ bỏ Chúa, con đi thờ thần khác, Chúa khác linh hơn”. Chắc chắn, đây là tiếng nói của Con Rắn, của Ma Quỷ.
Lòng tin vào tình thương của Thiên Chúa còn đòi chúng ta phải thể hiện bằng sự nhẫn nại, bền chí trong khi cầu nguyện như người kia ban đêm đến vay bạn mình ba chiếc bánh. Dẫu biết là đêm, nhưng vì tin rằng, bạn mình thế nào cũng phải dậy lấy bánh cho mượn, nếu không phải vì tình bạn thì ít nhất cũng vì sợ bị quấy rầy. Trong cầu nguyện, chúng ta kiên nhẫn cầu xin không phải vì tin rằng cuối cùng Thiên Chúa cũng phải chịu thua sự quấy rầy của chúng ta, mà vì chúng ta tin vào tình thương của Ngài, một tình thương không thể làm ngơ trước lời van xin của con người.
Thiên Chúa không bao giờ Ngài chán nghe chúng ta kêu cầu, không bao giờ chán thấy chúng ta chạy đến xin Ngài giúp đỡ. Thiên Chúa vô cùng nhẫn nại hơn tất cả mọi người, hơn bất cứ những người quen thân nhất với chúng ta. Đức Giêsu đã dùng ba mẫu mực khác nhau để nhấn mạnh cho chúng ta biết cầu xin cha chúng ta ở trên trời đến cứu giúp.
Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện và kể một dụ ngôn để chứng minh giá trị của cầu nguyện. Thử nhìn lại đời sống của mình và tự hỏi tôi đã khiêm tốn và kiên nhẫn cầu nguyện ra sao? Tôi đã cầu nguyện theo cách thức và nội dung kinh nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ năm xưa chưa? Và ra cúi đầu nguyện xin Chúa tha thứ mọi lỗi lầm, sự lười biếng và thiếu kiên nhẫn trong cầu nguyện của chúng ta. Xin cho mỗi người chúng ta thêm xác tín rằng nếu chúng ta cầu nguyện đúng, đủ kiên nhẫn và khêm tốn, chắc chắn Chúa sẽ biến lời cầu nguyện của chúng ta thành hiện thực.
Cầu nguyện không có nghĩa là đọc lại một câu kinh, mà chính đi vào tâm tình và cuộc sống của Chúa Giêsu. Một người tín hữu luôn chu toàn thánh ý Thiên Chúa và luôn sống với hai chữ xin vâng hằng sẽ không ngừng kêu lên: Ta đã cầu xin được khoẻ mạnh để làm những điều vĩ đại, thế nhưng Chúa lại ban cho ta những bệnh tật để ta làm những việc tốt hơn. Ta đã xin giàu sang để được hạnh phúc, thế nhưng Chúa đã ban cho ta sự nghèo khó để ta được khôn ngoan hơn. Ta đã không nhận được điều tôi kêu cầu, nhưng ta nhận được niềm hy vọng. Những lời cầu xin mà ta chưa từng thốt lên, tất cả đều được nhận lời. Bởi vì tất cả đều là hồng ân của Chúa.
Huệ Minh