Không hiểu nhau

khong hieu nhau - Không hiểu nhau

CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA THẤT – NĂM C

Bài đọc 1: 1Sm 1,20-22.24-28;  Bài đọc 2 : 1 Ga 3,1-2.21-24;  Phúc Âm Lc 2,41-52

Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ bảo Người rằng: “Con ơi, sao con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha con và mẹ đây đã đau khổ tìm con”. Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con ư?”. Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói.

Ròng rã 12 năm sống trong cùng một mái ấm gia đình chẳng rời nhau bước nào, thế mà giờ đây chỉ lạc xa nhau mới có 3 ngày mà cả cha lẫn mẹ chẳng hiểu con mình nói gì và muốn gì.

Điều ấy cũng phản ánh thực trạng các gia đình hiện nay và thậm chí còn đi xa hơn thế nữa. Các bậc làm cha mẹ dường như không hiểu nổi và cũng không thể chấp nhận được ngôn ngữ, lối suy nghĩ và lối sống của các con mình. Chẳng còn chút nào gọi là tôn ti trật tự, thuần phong mỹ tục, luân thường đạo lý. Cha mẹ đánh giá về con cái mình như thế. Ngược lại lớp trẻ lại nghĩ các cụ giờ đã lạc hậu và không có khả năng thích nghi kịp với đà tiến nhanh đến chóng mặt của thời @. Và cứ thế, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, mạnh ai nấy sống, hồn ai nấy giữ.

Từ mỗi gia đình là tế bào căn bản của xã hội chuyển sang gia đình giáo xứ và Giáo hội cũng thế. Tất cả dường như cũng đều “không hiểu nhau”. Chủ chăn không hiểu con chiên và con chiên cũng chẳng đoái hoài đến chủ chăn nói gì và muốn gì. Chính vì thế mà Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII khi chuẩn bị triệu tập Công đồng Vatican II lưu ý: “Giáo hội cần phải nhìn vào “những dấu chỉ của thời đại”, để có thể đáp ứng nhu cầu cần thiết của thời đại”. Ngài đã sử dụng một thuật ngữ tiếng Ý là aggiornamento, có nghĩa là “cập nhật hóa”. Ngài muốn Công đồng này là một aggiornamento, một sự canh tân, chính xác hơn là việc làm cho “Giáo hội Công giáo thành hợp thời hơn”.

“Tôi muốn mở lớn các cửa sổ Giáo hội cho chúng ta nhìn ra được và công chúng nhìn vào được”.

Thực ra ngay từ thời Đức Giáo Hoàng Lêô XIII qua Thông điệp Centessimus Annus (Bách chu niên) trong chương VI có tiêu đề “Con người là con đường của Giáo hội”, hay nói cách khác, mọi con đường của Giáo hội đều dẫn tới con người. Ngài nói: “Giáo hội không quan tâm tìm cách phục hồi những đặc quyền trong quá khứ hoặc tìm cách áp đặt quan điểm của mình. Mối quan tâm của Giáo hội là con người, con người cụ thể, mỗi con người được Đức Kitô kết hợp. Con người là con đường đầu tiên Giáo hội phải đi qua để chu toàn sứ vụ của mình”. Về sau, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong thông điệp đầu tiên của ngài là “Đấng Cứu chuộc con người” cũng tái khẳng định “con người là con đường của Giáo hội”.

Không ai hiểu con bằng cha, bằng mẹ. Nhưng muốn hiểu sâu và tường tận để yêu thương và hướng dẫn, cha mẹ cũng cần cập nhật hóa, canh tân và thích nghi với thời đại.

Cũng thế, về phần Mẹ Giáo hội, để có thể đồng hành và dẫn dắt các con cái, Giáo hội không thể không cập nhật hóa, canh tân và thích nghi với thời đại. Nói theo Hiến chế Vui mừng và Hy vọng: “Không có gì thực sự là của con người mà không gieo âm hưởng trong lòng người môn đệ Chúa Kitô”.

Tóm lại, cả gia đình nhân loại và gia đình Hội Thánh cần không ngừng cập nhật hóa để có cùng một ngôn ngữ, suy tư và hành động cách thích hợp để dễ dàng hiểu nhau hơn trong sự cảm thông và tương kính.

LM PHAOLÔ DƯƠNG CÔNG HỒ, CHÁNH XỨ THÁNH TÂM – GP ÐÀ LẠT

Exit mobile version