Không có tình, không có gia đình

Tuy nhiên để tình yêu được lâu bền, triển nở thì đòi hỏi người ta phải hy sinh, vượt qua nhiều thử thách, cam go. Những ai đã bước vào đời sống hôn nhân gia đình đều nhìn nhận rằng tình yêu trong cuộc sống lứa đôi nhiều khi chỉ còn là một thực tại mờ mờ ảo ảo và hạnh phúc không khác gì một cái bóng. Thế nên người ta đã than thở: “Hôn nhân là mồ chôn tình ái” (Chamfort) và “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở!”.

Vì thế sẽ là bất hạnh nếu ta phải sống trong môi trường và bầu khí gia đình thiếu vắng tình yêu. Như một danh nhân đã nói: “Hôn nhân là con đường dắt ta vào địa ngục hay đưa ta vào thiên đàng” (Balzac). Tại sao lại có loại hôn nhân đem ta vào địa ngục? Vì cuộc hôn nhân ấy không có tình yêu. Gia đình trở nên lạnh lẽo, niềm tin biến thành khô cứng, hy vọng bị thui chột, nụ cười tắt lịm, vàhạnh phúc thì biến mất…

Để thoát khỏi bi kịch này, tốt nhất là chúng ta nhìn vào thực tế, chấp nhận sự thay đổi, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn nhờ tình yêu, nghị lực và sự hợp tác chân thành. Như có ý kiến sau: “Trong hôn nhân, gặp nhau là bước đầu, sống chung với nhau là bước kế tiếp, làm việc chung với nhau mới làm nên một gia đình êm ấm” (James Thurber). Khi thực hiện việc này, chắc chắn chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn. Kể cả phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Kể cả mang lấy những thương tích trên mình. Để bảo vệ tình yêu và hạnh phúc gia đình, người ta không có con đường nào khác ngoài sự cảm thông và hi sinh.

Tình yêu trong gia đình vượt ra khỏi thứ tình yêu quy ngã, vị kỷ, để hướng tới một tình yêu vô vị lợi, bao dung và vị tha. Tình yêu ấy không đóng khung trong ngôn ngữ sáo rỗng hay qua những khái niệm trừu tượng, mà rất thực tiễn, cụ thể và sinh động. Tình yêu ấy sẽ được thể hiện và minh chứng qua sự hòa hợp, hòa điệu trong đời sống chung vợ chồng. “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”…

Thực vậy, sự hòa thuận vợ chồng chứng tỏ tình yêu đã đạt mức trưởng thành và có ý nghĩa. Khi sống hòa hợp với nhau, vợ chồng không làm mất đi cái “Tôi” của riêng mình, trái lại điều đó sẽ giúp hai người bổ túc, hoàn thiện nhau. Xét một cách cụ thể thì sự hòa hợp ấy sẽ được thể hiện và minh chứng qua các việc sau:

1.- Tôn trọng sự khác biệt của nhau (giới tính, cá tính, sở thích…);

2.- Luôn tôn trọng nhau, biết trân trọng những ý kiến cá biệt của nhau;

3.- Thường xuyên bàn bạc, thảo luận các vấn đề chung, quan trọng trong gia đình;

4.- Nếu có tranh luận thì tranh luận trên tinh thần bình đẳng và cảm thông;

5.- Luôn biết áp dụng triệt để “Nghệ thuật nhượng bộ”;

6.- Hãy biến những mâu thuẫn, bất đồng thành sức mạnh để cải tiến và thăng tiến;

7.- Biết nhận ra những điểm mạnh của nhau, đồng thời biết bỏ qua những điểm yếu của nhau;

8.- Hãy nằm lòng điều này: “Phân nửa những vấn đề trong hôn nhân được giải quyết bằng cách giữ im lặng”.

Một mái ấm tràn ngập hạnh phúc luôn là một thực tại hiển nhiên đối với những ai khao khát hạnh phúc và sẵn sàng hành động vì tình yêu và vì người mình yêu thương. Nếu hôn nhân là kết quả của tình yêu chân chính thì gia đình là môi trường để tình yêu lớn lên và sinh hoa kết trái. Đúng như nhận định sau: “Hôn nhân không phải là điểm đến. Nó chỉ là một cuộc hành trình tiến đến một gia đình hạnh phúc, nơi đây tình yêu là điều quan trọng nhất”./.

Aug. Trần Cao Khải

Exit mobile version