Không bao giờ tôi nghĩ đời này tôi sẽ là một linh mục

AnthonyFerguson - Không bao giờ tôi nghĩ đời này tôi sẽ là một linh mục
Linda Davidson/The Washington Post

Các viên ngọc qúy trên dường như càng ngày càng nhiều và trong một tương lai gần, có lẽ trở thành thông thường dù vẫn rất qúy. Ít nhất thì chiều hướng đó cũng đang diễn ra tại Hoa Kỳ nói chung, và tại tổng giáo phận Washington D.C. nói riêng, nơi liên tiếp được báo chí nói đến những trường hợp tu muộn rất đáng lưu ý: đó là trường hợp Thầy Jaime Maldonado-Aviles, một cựu khoa học gia của Đại Học Yale, và Cha Roy Edward Campbell, một trong các cựu phó chủ tịch của Ngân Hàng America, người vừa được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá của Đức Hồng Y Wuerl.

Tuần này, nữ ký giả Ellen McCarthy của tờ Washington Post đề cập tới một trường hợp tu muộn đáng lưu ý khác nữa, đó là trường hợp Thầy Anthony Ferguson, một người từng nói rằng “tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ là một linh mục”.

Câu nói đó, dù sao, cũng vẫn đúng cho tới lúc này khi thầy còn đang tu học tại Chủng Viện của Đại Học Công Giáo America.

Thực vậy, vào một sáng thứ sáu, trong thành phố quanh thầy, những người cùng trang lứa thiên niên kỷ với thầy đang thức giấc, bừng dậy khỏi các giấc mơ luẩn quẩn, rà các tin nhắn trên áp dụng hẹn hò và sẵn sàng lên đường nhập vào dòng sinh hoạt trần thế, thì Thầy Ferguson bước ra khỏi cửa phòng, mình mặc cùng một chiếc sơmi mầu đen với cổ cồn trắng, vào ngồi trong một nhà nguyện dưới ánh sáng ấm áp tràn vào qua các cửa kính mầu rự rỡ. Trước 8 giờ sáng, thầy sẽ được nghe một bài giảng nói về các ơn phúc của hôn nhân, về việc chúng giúp các người phối ngẫu yêu thương nhau ra sao theo cách Thiên Chúa yêu thương mỗi người họ.

Thầy biết đó là một kinh nghiệm mãi mãi sẽ chỉ có tính lý thuyết, nếu thầy tiếp tục tiến bước trên con đường này: con đường đưa thầy tới chức linh mục.

Năm nay 28 tuổi, thầy lắc đầu với ý nghĩ đang nói với cái bản thân trẻ hơn của thầy rằng một ngày kia thầy sẽ kết cục ở lại đây, ở trong chủng viện này. Cậu trai chuyên vẽ hoạt họa từng sống ở Richmond không bao giờ có thể tin được điều này. Mà cái cậu thiếu niên có tâm hồn hướng nội vốn cảm thấy mình có định mệnh làm một họa sĩ cũng không bao giờ tưởng nghĩ như thế. Cái người vô thần mà thầy từng là hồi còn ở cao đẳng hẳn cười nhạo đến nỗi thầy phải chạy ra khỏi phòng.

Nhưng thầy đang ở đây, sống tại một phòng ngủ chung với 80 thanh niên khác, đang học cách giảng cho đám đông và phục vụ người hấp hối. Và vẫn còn đang vật lộn với những gì vốn tiềm ẩn, và không tiềm ẩn, trong đời một người làm linh mục.

Bối cảnh hỗn hợp

Tôn giáo luôn là tấm phông trong đời Thầy Ferguson. Khi thầy còn là một đứa bé, gia đình thầy tham dự Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật và cầu nguyện mỗi khi một thành viên nào đó trong gia đình ngã bệnh. Nhưng vì cha của thầy trước đây vốn được dưỡng dục trong truyền thống Thệ Phản, nên các điểm căn bản chung của Kitô Giáo đã được nhấn mạnh nhiều hơn là các điểm đặc thù của Đạo Công Giáo. Ngoài ra, các trình thuật trong Thánh Kinh cũng chỉ làm thầy lưu ý giống như các nhân vật trong “The Lord of the Rings” hay như các sinh vật từ óc tưởng tượng của thầy nhẩy xổ ra trên các bản vẽ nháp.

Nhưng khi tính chân thực của đức tin bị thách thức, nó làm thầy ngỡ ngàng. Lúc đang học ngành nghệ thuật tại Đại Học Richmond, thầy có theo một vài giảng khóa về các tôn giáo thế giới. Các giảng khóa này trình bầy các viễn tượng khác về Thiên Chúa, trong đó, có cả khả thể không có Thiên Chúa nữa.

Thầy nhận định: “tôi rất ngạc nhiên trước việc trên. Tôi không thể nào tin rằng một ai đó lại có thể tin một điều gì khác… Tôi vốn được che chở. Trường Cao Đẳng làm tôi mất sự che chở này”.

Và vì thầy không đưa ra được câu trả lời an toàn nào đối với những người vô thần thầy gặp, nên thầy đã gia nhập hàng ngũ của họ. Thầy bảo: “nhưng cô thấy đó, tôi vẫn muốn tin Thiên Chúa. Tôi muốn được tin”.

Ước muốn trên khiến thầy tham gia một nhóm học hỏi Thánh Kinh trong khuôn viên cao đẳng. Do các người Tin Lành hướng dẫn, các buổi học hòi này trình bầy một quan điểm thân mật về Kitô Giáo hơn hẳn Đạo Công Giáo xem ra xa cách của thời thầy còn là một đứa trẻ.

Thầy bảo: “Điều tôi bắt đầu thấy trong cuộc học hỏi về Thánh Kinh này là: nếu tôi bước chân theo Đấng Giêsu này, thì hẳn tôi phải thay đổi gần như mọi sự”.

Các biến chuyển

Và quả như thế. Sau năm đầu ở đại học, thầy thôi không đàn đúm nữa và xa lánh các bạn bè tỏ ra gây ảnh hưởng tiêu cực. Để bước sang giai đoạn hai ở đại học, thầy mô tả tâm sự của mình trên một tấm gỗ dán 5 bộ Anh. Thầy bảo: “tôi ném lên đó mọi cuộc vật lộn của tôi, mọi câu hỏi về linh đạo, về Thiên Chúa, lên tác phẩm nghệ thuật của tôi. Nó trở thành chỗ tẩy rửa mọi thứ rác rưởi của tôi”.

Nhưng viễn kiến đôi chút lãng mạn của thầy về cuộc đời trong tư cách nghệ sĩ sẽ chạm trán với thực tế chỉ mấy tháng sau ngày tốt nghiệp. Lúc ấy, thầy nhận được việc làm của một nghệ sĩ đồ họa (graphic artist) và dọn ra ở riêng. Có thì giờ và sống một mình, thầy bắt đầu đọc các bài suy niệm tôn giáo của C.S. Lewis và của Thánh Augustinô.

Thầy nhận định: “đó là một cuộc thâm hậu hóa việc hồi tâm, một thứ mở mắt để tôi thấy rằng ‘à, đây mới là điều tôi có thể dành hết đời mình cho’. Các câu hỏi kia đã được trả lời, và tôi thấy mình tự tin hơn. Và cũng có tinh thần cầu nguyện hơn”.

Thầy giúp thiết lập một thừa tác vụ tuổi trẻ trong giáo phận Richmond và không lâu sau đó, đã dành hầu hết các buổi tối để cùng sinh hoạt với các người Công Giáo tuổi đôi mươi cùng một tâm trí, hoặc học hỏi Thánh Kinh hoặc làm việc thiện nguyện trong cộng đồng. Trong khi ấy, thầy bảo, thầy mong gặp “một cô gái thích hợp. Tôi muốn hẹn hò và kết hôn – đó là mục tiêu của tôi”.

Đường nào cũng là đường

Nhưng những lúc về đêm, khi hết bận rộn và chỉ còn một mình, thầy cũng bắt đầu nghĩ tới việc làm linh mục. “Tôi đổi các trang mạng EHarmony qua các trang mạng ơn gọi. Có một cục than hồng tò mò nho nhỏ ngày càng lớn dần. Thoạt đầu, nó làm tôi hoảng sợ. Hoảng sợ thật”.

Một linh mục bạn cảm thấy thầy Ferguson lưu ý như trên. Nên năm 2012, vị này đã mời thầy tham gia buổi phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh. Thầy được nhờ cầm cây thánh giá lớn để giáo dân tôn kính. Thầy bảo: “Đứng ở đó, cầm cây thánh giá đó tưởng như bị đẩy té bởi những người cúi xuống hôn nó, tôi xúc động đến hết lòng thương yêu họ. Và tôi nhớ đứng ở đó, giữa lòng nhà thờ, tự nghĩ: ‘ôi lạy Chúa, nếu Chúa muốn con dành hết đời con để phục vụ những người này, con sẽ sẵn sàng”.

Nhưng quyết định dấn thân không đến dễ dàng như thế. Thầy gần như không cho ai biết mình đang nghĩ tới đời sống linh mục. “Tôi như người khùng. Tuần thì ‘à, mình thực sự quan tâm tới chức linh mục. Tuần thì lại khiếp đảm trước ý nghĩ đó. Đây thực là một trải nghiệm núi cao/vực thẳm”.

Vấn đề trở nên cấp thiết vào năm 2013, trước lễ Giáng Sinh. Lúc đó, thầy đang hẹn hò với một cựu đồng nghiệp đã được mấy tháng và xem ra người này sẵn sàng tiến vào một liên hệ nghiêm túc hơn. Thầy bảo: “Tôi cảm thấy như có một khúc rẽ ở trên đường. Tôi có thể chọn một là sống với người con gái thực sự tốt lành này hai là nạp đơn xin vào chủng viện. Tôi biết tôi phải quyết định, và tôi biết nếu tôi quyết định theo lối này, thì lối kia sẽ phải đóng lại”.

Trong Thánh Lễ Chúa Nhật, thầy cầu nguyện xin được hướng dẫn. “Câu trả lời mà tôi thực sự cảm thấy như nhận được, và theo tôi, đây không phải là giọng nói của Charlton Heston, mà là một nhận thức rất êm dịu, âm thầm như rót vào tận đáy lòng rằng tôi chọn đường nào cũng không quan trọng. Chúa muốn đường nào cũng được”.

Biết được điều đó khiến thầy dễ dàng hơn trong việc cân nhắc điều thầy thật sự muốn. Thầy bảo: “và khi tôi nghĩ đến việc làm linh mục, tôi thực sự cảm thấy có một cảm thức bình an đầy ấm áp”.

Bởi thế, tháng Giêng năm 2014, thầy bắt đầu nạp đơn xin vào chủng viện và tháng Tám năm đó, thầy trình diện tại Cao Đẳng Thần Học của Đại Học Công Giáo America ở Brookland. Đến nay đã được 2 năm rưỡi, với các lớp về tôn giáo, Thánh Lễ hàng ngày và dùng bữa với các bạn đồng chủng sinh. Và những cuộc đàm đạo tâm linh với các vị hướng dẫn về cuộc sống phía trước.

Thầy cho rằng “Thời gian chủng viện dành cho việc hiểu ra điều làm bạn cấu kết quả là tuyệt vời. Theo tôi, đây là việc hiểu rõ mình là ai trước nhan Thiên Chúa”.

Điều trên không hề có nghĩa thầy hết quan tâm tới những điều thầy đã hy sinh bỏ đi. “Vẫn có câu hỏi ‘các lợi ích của chức linh mục có đủ làm tôi hạnh phúc hay không? Liệu các ơn phúc của chức linh mục có đủ hay không?’ Đôi khi khó được gặp gia đình. Một đứa nhỏ chạy tới với cha em. Có một sự gần gũi ở đó mà chúng ta đã được dựng nên để có… Và điều đó đôi khi khó thấy được. Có một cái đau nhói ở đấy”.

Nhưng khi cái đau nhói ấy xuất hiện, thầy cũng nghĩ tới mình đang dâng Thánh Lễ trên bàn thờ và nghĩ đến các cảm nghiệm được phục vụ tại các bệnh viện và sử dụng nghệ thuật để dạy cho trẻ em về Thiên Chúa. Phần lớn, thầy nghĩ tới Thiên Chúa. Và thầy thấy mình hết còn hoài nghi.

Thầy bảo: “tất cả hệ ở việc buông tay và để Thiên Chúa thực hiện việc Người làm”.

(Vũ Văn An, Vietcatholic 29.03.2017)



Exit mobile version