Đây là thực tế của việc đi theo Đức Kitô trong hoàn cảnh của thế giới ngày nay. Khi tiến bước theo chân Đức Kitô, chúng ta không được hứa hẹn sẽ được đón tiếp bằng những thảm bông hồng tươi, mà ngược lại là sự bách hại và những đau khổ.
Trang Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu biết trước trong khi thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng Nước Trời. Khi loan báo Tin Mừng Nước Trời, các môn đệ sẽ gặp bách hại, thất bại, ghen ghét và chống đối. Sự chống đối này không chỉ xảy ra bên ngoài mà còn xảy ra ngay trong gia đình nơi thân thương gần gũi với mình. Thế cho nên Chúa Giêsu không những trấn an các ông đừng lo sợ vì có Thiên Chúa ở cùng nâng đỡ mà còn dạy các ông cần phải biết cách sống.
Ta thấy Chúa Giêsu đã tiên báo về các bách hại đó. Những gì Ngài phải chịu thì các môn đệ cũng sẽ phải chịu, vì tôi tớ không hơn chủ, môn đệ không hơn thầy. Hãy để ý đến những động từ nói lên nỗi thống khổ của các Kitô hữu: bị nộp, bị đánh đập, bị điệu ra nơi hội đường và trước mặt vua quan, bị tra hỏi, bị thù ghét và cuối cùng là bị giết, có khi bởi người nhà (c. 21).
Với tất cả những gì Chúa Giêsu nói, không chỉ là nói suông nhưng những điều này Chúa Giêsu đều trải nghiệm ngay trong chính cuộc đời của Ngài. Mọi sự họ chịu đều “vì Đức Giêsu”, “vì Danh Đức Giêsu” (cc. 18. 22). Nơi tòa án, có sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa Ba Ngôi.“ Chính Thần Khí của Chúa Cha sẽ nói trong anh em” (c. 20), để giúp anh em can đảm tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu, Con Cha.
Bởi đó người Kitô hữu ra tòa mà lòng rất bình an, chẳng lo gì (c. 19). Họ được Thiên Chúa dạy điều phải nói và Thần Khí nói qua miệng họ. Với sự nâng đỡ đặc biệt ấy, họ có thể bền chí đến cùng và sẽ được cứu độ.
Kitô hữu vẫn còn và sẽ còn bị bách hại đến tận thế. Họ không phải là những người thích tỏ ra mình anh hùng, đòi tử đạo. Nhưng họ là những người khiêm tốn, khôn ngoan, biết trốn đi thành khác khi bị bắt bớ ở thành này (c. 23). Chịu bách hại là điều nằm trong ơn gọi của người Kitô hữu, là cái giá phải trả để sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Ngay cả ở những quốc gia tây phương tự hào là có tự do tôn giáo, vẫn có những kiểu bách hại ngấm ngầm và tinh vi, khác với kiểu đòi bước qua thánh giá thời vua Minh Mạng, Tự Đức.
Quả thật, thời nào cũng có những cuộc bách hại gây khó khăn cho người môn đệ. Nhất là trong thời đại ngày nay, thời đại đầy dẫy những bất công, con người chỉ muốn sống tự do, hưởng thụ an nhàn tự tại cho riêng mình.
Thời đại mà người công chính, lương thiện, người bênh vực chân lý thì mất dần tiếng nói trong xã hội, trong các công sở. Nếu không khôn ngoan như con rắn để phân định sự kiện. Nếu không đơn sơ như chim câu mở rộng tâm hồn đón nhận sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và trung thành, tín thác vào tình yêu của Chúa. Người môn đệ dễ bị chán nãn thất vọng trước nhựng thất bại, chống đối ghét ghen, phản bội, kết án của xã hôi, bạn bè và ngay cả chính những người thân trong gia đình.,
Các tín hữu được Chúa sai đi vào một môi trường không phải lúc nào cũng thuận tiện cho việc truyền giáo; các Kitô hữu phải đối mặt với tình huống của “một con chiên ở giữa bầy sói”, bầy sói nghi kỵ đang giương vuốt hầm hừ đe doạ đức tin, bầy sói tục hóa đang nhe nanh rú hét làm thất đảm những ai muốn sống thánh thiện….
Đứng trước bối cảnh của bầy sói như vậy, làm sao để người Kitô hữu sống và loan báo Tin Mừng ? Chúa Giêsu cho ta khuôn vàng thước ngọc là “hãy khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu”.
Khôn như rắn là biết vận dụng những phương pháp mới thích hợp để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thời đại trong các lãnh vực văn hóa, xã hội và kỹ thuật; khôn như rắn là biết dùng những cách diễn tả mới để con người hôm nay có thể hiểu và đón nhận Tin Mừng Chúa Giêsu. Và rồi người Kitô hữu còn phải đơn sơ như bồ câu, đó là có một nhiệt tình mới nhưng đơn sơ và trong sáng dựa vào Tin Mừng. Phương pháp và lối diễn tả mới cần nhiệt tình mới và ngược lại.
Có lẽ ai trong chúng ta cũng biết, rắn là loài vật luồn lách rất giỏi, tinh ranh và khôn ngoan, quỷ quyệt (St 3). Nó có thể cắn chết người (rắn lửa trong sa mac) và cứu người (con rắn đồng của Môsê). Xưa cũng như nay, người ta còn dùng rắn để chữa nhiều bệnh. Chúa Giêsu mượn hình ảnh con rắn để dạy các môn đệ cũng như những ai muốn làm môn đệ Ngài khi thi hành sứ vụ phải biết khôn ngoan cẩn trọng nhưng không quỷ quyệt, luồn lách, thâm độc. Sự khôn ngoan này phải xuất phát từ tấm lòng từ bi chân thành, ngay thẳng, đơn sơ như chim bồ câu.
Nói đến chim câu là nói đến sự trung thành (St 8, 8-12), hiền lành, trong trắng , đơn sơ là biểu tượng của Chúa Thánh Thần, của hòa bình, an lành. Chúa Giê su dùng hình ảnh này không những để khuyến khích các tông đồ mà cả chúng ta nữa, những người muốn theo Chúa, làm môn đệ Chúa phải luôn thành thưc, tín trung và phó thác vào tình yêu Chúa trong bất kỳ mọi hoàn cảnh của cuộc sông.
Các tông đồ đã được loan báo cho biết trước để cảnh giác: họ sẽ như chiên hiền lành bị trao nộp vào vòng tay hung tợn của địch thù, chẳng khác chi bầy sói dữ. Nước Thiên Chúa được tỏ hiện trong sự hèn yếu của các sứ giả của Chúa Giêsu. Lịch sử Giáo Hội cũng đầy dẫy những sự thật này: chính những con người bé mọn khiêm tốn lại là những tác nhân Chúa dùng để thực hiện những công trình vĩ đại. Hẳn ta còn nhớ hình ảnh bé mọn, kém cỏi của cha sở họ Ars Gioan Vianey, Thiên Chúa đã dùng Ngài để thể hiện những công việc lớn lao lạ lùng cho Giáo Hội
Xin Chúa ban cho ta đức tin đủ mạnh để dù gặp khó khăn thử thách dù bị thiệt thòi trong cuộc sống, ta vẫn bền đỗ yêu Chúa, tín thác vào Chúa đến cùng và không ngừng gắn bó với Chúa. Có như vậy ta mới chu toàn bổn phận là người Kitô hữu, người môn đệ Chúa và đáng hưởng phần thưởng Chúa ban cho cả đời này và đời sau.
Huệ Minh