Khôn ngoan của Thập Giá

Bài đọc:I Cor 1:17-25; Mt 25:1-13.

Con người thường có khuynh hướng không chấp nhận gian khổ và tìm cách tránh né, nhưng không có gian khổ sẽ không có vinh quang. Chẳng hạn, người lực sĩ thế vận phải hy sinh sức khỏe, thời giờ, tiền bạc, sở thích… trước khi có thể có huy chương vàng quàng quanh cổ của mình. Thánh Phaolô nhận xét: họ hy sinh tất cả để có một huy chương vàng sẽ mục nát; còn chúng ta hy vọng sẽ được phần thưởng không bao giờ mục nát: đó là cuộc sống đời đời. Vì thế, chúng ta sẵn sàng hy sinh chịu mọi gian khổ để chiến thắng cho được phần thưởng không mục nát này.

Các bài đọc hôm nay muốn làm nổi bật sự khôn ngoan theo cách thức của Thiên Chúa. Trong bài đọc I, thánh Phaolô đề cao sự khôn ngoan của Thập Giá, cho dẫu người Do-thái cho là một xỉ nhục và dân ngoại cho là một điên rồ. Chính nhờ cây Thập Giá mà Đức Kitô đã gánh mọi tội cho nhân loại và đem lại ơn cứu độ cho tất cả những ai tin vào Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu ví Nước Trời như 5 cô khôn ngoan đi đón chàng rể, họ mang theo đèn và mang cả bình đựng dầu; vì thế, khi chàng rể đến, họ theo chàng rể vào dự tiệc cưới; chứ không bị loại ra ngoài như 5 trinh nữ khác.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:


1/ Bài đọc I
: So sánh khôn ngoan của con người với khôn ngoan của Thiên Chúa.


Thánh Phaolô có lý do để nhận xét: “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.”


Đối với các triết gia Hy-lạp là những người yêu mến sự khôn ngoan, họ không thể hiểu được sự khôn ngoan của Thập Giá. Họ không thể chấp nhận một Thiên Chúa khôn ngoan lại mặc lấy thân xác con người; vì theo họ thân xác là ngục tù của linh hồn, mà họ đang dùng khôn ngoan để tìm cách thóat ra (Plato). Hơn nữa, Thập Giá biểu lộ sự dại khờ dưới mắt con người: Tại sao không dùng khôn ngoan để tìm ra cách nào dễ dàng hơn để đạt được sự bất tử? Đối với họ, một Thiên Chúa khôn ngoan sẽ không chọn con đường Thập Giá!


Đối với đa số Luật-sĩ và Biệt-phái Do-thái là những người yêu mến những điềm thiêng dấu lạ, họ không thể hiểu được uy quyền sức mạnh của Thập Giá. Họ cho rằng một Thiên Chúa chọn Thập Giá là một Thiên Chúa không uy quyền. Người Do-thái hy vọng Đấng Messiah sẽ đến trong uy quyền và vinh quang, sẽ đánh dẹp tất cả các quân thù, và sẽ cai trị dân chúng đến muôn đời. Chính ma quỉ đã bày kế cho Chúa trong sa mạc trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng của Ngài: Ông hãy biến đá thành bánh, hãy làm những dấu lạ chưa từng xảy ra để biểu lộ quyền năng, và cho hưởng phú quí vinh quang. Đó là những cái mà con người đang mong muốn, họ sẽ tin vào ông qua những dấu chỉ này.


Nhưng đối với Phaolô và những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đức Kitô chính là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người. Con người muốn chọn những con đường rộng rãi thênh thang, nhưng những con đường này chỉ dẫn đến sự hủy diệt. Con người muốn chứng kiến những phép lạ chưa từng xảy ra, nhưng những phép lạ này đã không dẫn đến niềm tin đích thực vào Chúa. Thiên Chúa dùng Thập Giá để biểu tỏ tình yêu của Ngài dành cho con người, và con người cảm nhận được tình yêu này mỗi khi họ ngước nhìn lên Thập Giá. Thiên Chúa đã dùng Thập Giá để tiêu diệt kẻ thù cuối cùng và mạnh nhất của con người là sự chết bằng cách gánh tội lỗi để chết thay cho nhân lọai. Như vậy, Thập Giá được dùng để chứng tỏ tình yêu và công bằng của Thiên Chúa.

2/ Phúc Âm: Khôn ngoan và khờ dại.


Để nhấn mạnh cho con người biết sự cần thiết của việc chuẩn bị sẵn sàng, Chúa Giêsu so sánh Nước Trời giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn. Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. Nửa đêm, có tiếng la lên: “Chú rể kia rồi, ra đón đi!” Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. Theo tục lệ của Do-Thái, đám cưới thường xảy ra ban đêm, và chàng rể muốn tạo sự bất ngờ bằng việc không cho biết giờ đến. Đèn là nguồn ánh sáng duy nhất cho các gia đình trong thời này.

Năm cô khôn ngoan là những người biết nhìn xa và chuẩn bị: không những vừa mang đèn mà còn vừa mang chai dầu theo. Và khi được hỏi để cho mượn dầu, các cô khôn đáp: “Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn.” Không phải các cô ích kỷ không cho mượn, nhưng các cô không biết là tiệc cưới sẽ kéo dài bao lâu. Và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại.


Năm cô khờ dại là những người chỉ thấy những gì trước mắt và không phòng xa: các cô mang đèn mà không mang dầu theo. Khi được báo ra đón chàng rể, các cô năn nỉ với các cô khôn rằng: “Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi!” Khi không vay mượn được, các cô chạy đi mua dầu; đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới. Sau cùng, các cô cũng đến gọi: “Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với!” Nhưng Người đáp: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!”

Và Chúa cảnh cáo: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.”


Nhiều nhà chú giải áp dụng dụ ngôn này cho người Do-thái vì họ là những người đã được kêu gọi và chuẩn bị cho ngày của Đấng Thiên Sai tới, nhưng khi Ngài tới họ đã không sẵn sàng để đón tiếp, nên đã bị lọai ra ngòai. Nhưng cách chú giải đúng hơn là dành cho mọi người về sự cần thiết để chuẩn bị cho ngày về với Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:


– Chúng ta cần cẩn thận khi so sánh khôn ngoan của con người với khôn ngoan của Thiên Chúa: Hầu hết các khôn ngoan và sức mạnh của con người là khờ dại và yếu hèn trước mắt Thiên Chúa. Ngược lại, những gì con người cho là khờ dại và yếu đuối thì Chúa lại dùng để dạy con người biết khôn ngoan (Thập Giá, người quan trọng nhất, khiêm nhường, phục vụ…).

– Cần biết phòng xa và chuẩn bị thích đáng; đừng để nước đến chân mới nhảy.


– Có những thứ không thể vay muợn: tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, công bằng xã hội.


Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Exit mobile version