Khoảnh khắc riêng với Tân Giám Mục

1. Chiều ngày Thường huấn Linh mục cuối cùng quý Cha tập trung Nhà nguyện Tòa Giám mục chuẩn bị Chầu Thánh Thể, tớ… kẹt việc riêng nên … chậm chân một chút.

Tớ tăng tốc với những bước chân thoăn thoắt… Khi đến gần khu bậc thềm tam cấp lên Nhà nguyện, tớ chợt nhận ra tướng người cao ráo thân quên đang đi tốp cuối với một số cha cố…

Vị Cha giáo khả kính, mới được Đức Thánh Cha Phanxico bổ nhiệm làm Tân Giám mục Phụ tá giáo phận.

Tớ ngang qua kính cẩn chào và xin mừng chúc riêng Tân Giám mục.

Ngài đưa tay bắt và nói:

– Cha T. Nhớ cầu nguyện cho mình nhiều nhé.

– Dạ. Con cầu nguyện cho Đức cha một xin Đức cha cầu nguyện cho con và giáo xứ mười ạ.

Tớ vốn là học trò, chuyện trò thân tình cởi mở như con cái ngày nào.

2. Ngài du học về, được giao phụ trách Cha Đồng hành lớp tớ.

Lớp tớ, có thể nói là lớp cuối cùng hội tụ bảy giáo phận của Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn.

Sau khi được ‘đày tớ’ cho phép mở cơ sở hai ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn tại Giáo phận Xuân Lộc, (do ĐCV Thánh Giuse trên Sài Thành chật chội), sau những năm Triết, lớp tớ chia đôi. Anh em thuộc bốn Giáo phận Đà Lạt – Phan Thiết- Bà Rịa- Xuân Lộc sẽ về ĐCV cơ sở II học tiếp (ít năm sau, cơ sở II này được nâng cấp độc lập, hữu danh ĐCV Thánh Giuse Xuân Lộc).

Cha Đồng hành cao ráo, mảnh khảnh nhưng dồi dào sức khỏe (ngài vốn là võ sư) để nhiều ấn tượng đẹp cho lớp tớ về sự thánh thiện, đơn sơ, hiền lành, cởi mở…

Trong những giờ Huấn đức, khi cần điều chỉnh mặt tiêu cực nơi anh em ngài đầy tế nhị, tin tưởng trong lời nói.

Trong một giờ huấn đức, ngài ‘xin phép’ đọc bài ‘Thằng Khùng’ của tác giả Phùng Quán.

‘Thằng Khùng’ trong nhà tù cộng sản ở đây chính là Linh mục Chính Vinh (Cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh), từng ở Nhà Thờ Lớn Hà Nội. Ngài là một vị Linh mục, tài cao Đức trọng, từng là giáo sư dạy Latinh tường Đại Học Y Khoa Hà Nội…

Thế rồi Ngài bị tù với lý do…trời ơi của ‘kiêu tớ’ lạm quyền thời ‘đỉnh cao trí tuệ’ mới manh mún.

Và đây là lý do:

‘Năm 1957, Nhà nước muốn tỏ cho dân chúng trong nước và thế giới thấy là ở Việt Nam đạo Công giáo vẫn được tự do hành đạo và tổ chức được những lễ nghi long trọng, tưng bừng. Dịp Lễ Noel, chính quyền tự động cho người đến chăng dây, kết đèn quanh Nhà Thờ Lớn, sau lễ họ vào đòi nhà xứ Hà Nội phải thanh toán một số tiền chi phí lớn về vật liệu và tiền công.

Năm 1958 cũng thế, gần đến lễ Noel, không hề hỏi han, xin phép, một số người của Nhà nước ngang nhiên đưa xe ô tô chuyển vật liệu, tự động bắc thang, chăng dây treo bóng điện màu trang trí ở mặt tiền và trên hai tháp Nhà Thờ Lớn. Cha xứ thời đó là cha Trịnh Văn Căn bảo vệ chủ quyền Giáo Hội trong khuôn viên cơ sở tôn giáo, không đồng ý, nhưng họ cứ làm. Để phản đối, cha Căn liền cho kéo chuông nhà thờ cấp báo, giáo dân kéo đến quảng trường nhà thờ rất đông ủng hộ cha xứ, hai bên to tiếng.

Cha Căn gọi Cha Vinh ra can thiệp… Vụ giằng co lộn xộn kéo dài suốt buổi sáng, công cuộc trang trí không thành. Cha Căn, cha Vinh cùng một số giáo dân bị cơ quan an ninh thẩm vấn, đem ra xét xử. Tòa án Hà Nội tuyên án: Cha Trịnh Văn Căn, Chính xứ Nhà Thờ Lớn, người chịu trách nhiệm tổ chức lễ Noel năm 1958 chịu án 12 tháng tù treo. Cha Chính Nguyễn Văn Vinh chịu án 18 tháng tù giam, với tội danh: “Vô cớ tập hợp quần chúng trái phép, phá rối trị an, cố tình vu khống, xuyên tạc chế độ, gây chia rẽ trong nhân dân” (!)”.

(Nhớ vụ ‘đấu tố’ mới đây ‘y nguyên thói kiêu tớ’ thời cách đây hơn ½ thế kỷ đối xử với các Linh mục (…) Hà Tĩnh dám lên tiếng bảo vệ công lý hợp hiến và hợp pháp… vì Fomosa, ngay trong thế giới phẳng, càng rõ… ngao ngán hành trình vẫn trong mù mịt đen tối của ‘đầy tớ’ trở về với Chủ Dân).

Ngài từng bị giam tại nhà tù Cổng Trời- nơi được coi hỏa ngục trần gian, nơi giam giữ những tử tội.

Một tài đức được coi tinh hoa đân tộc bị tù giam- chết trong ngục tù- vì chính nghĩa sẽ là bản ản chế độ muôn thủa!

Trong nhà tù, vị Linh mục can trường này chọn làm công việc không ai muốn làm, chẳng ai dám làm: Lo hậu sự cho người lâm tử, tẩm niệm. Ngài làm với tất cả chân trình, trân trọng; ngài thương khóc nạn nhân chết như người nhà thân ruột…

Một việc làm từ Trái tim bao giờ cũng dễ làm lay động lòng người !

Tớ ngưỡng mộ vị Mục tử can trường trong câu truyện; tớ khâm phục Cha Đồng hành đọc mà như đang kể câu chuyện của chính mình trong cuộc, đầy cảm xúc, sống động.

3. Xa hơn một chút…

Thời gian đợi chờ đi học Đại Chủng Viện…

Tranh thủ thời gian đợi chờ, lâu lâu các thầy, các em dự tu như tớ được quy về học…

Ngài dạy triết học.

Tớ rất ấn tượng bài làm ở nhà với đề tài, đại khái: Bạn nghĩ gì về câu nói của Hiền triết Socrates[1]: ‘Thà làm con người đau khổ hơn làm con heo sung sướng’.

Sau khi đã hoàn tất bài làm, đề tài ‘độc đáo’ này còn làm tớ tiếp suy tư, cưu mang, rồi dùng quan niệm nhà Phật để… đẻ ra một truyện ngắn ‘con heo sung sướng’ (bút danh Trương Ái Nhiệm), đăng trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay; Chưa hết, tớ còn… ăn tham lại tiếp …đẻ ra ‘con heo sung sướng’ dạng truyện mini, đăng trên báo Mực Tím.

(Hỏi bác Google, thấy ‘con heo mini’ khối người bê về trang nhà mình nghiền gẫm, lại còn được dựng làm phim hoạt hình, oách thế!)

Xin tặng Bạn ‘con heo sung sướng’ mini, kể như thay lời kết câu truyện ‘vụn vặt’:

CON HEO SUNG SƯỚNG.

Vằn nằm ủ rũ cạnh cửa chuồng, Heo khà khịt đến hỏi thăm:

– Nè, chú mày có tội gì sao bị nhà chủ đánh dữ vậy?… Nãy nghe chú kêu ăng ẳng thảm thiết quá!

– Em chẳng biết mình phạm tội gì nữa, tự dưng nhà chủ gọi em lên, rồi đánh tới tấp…

Tội nhà Chó quá, vẫn thường bị nhà chủ la đánh vô tội vạ vậy đó… Thương nhất là đêm hôm chẳng dám ngủ, cứ phải thấp thỏm thức canh nhà cho chủ yên giấc.

– Ta thương chú mày quá, làm việc xả thân, quên mình cho nhà chủ mà vẫn bị đối xử bạc hoài. Số chú mày thiệt là… Muốn được tí chút sung sướng như tớ cũng chẳng có… Hà, thương chú mày quá!

Đích thực, số con Heo sướng thật, được chủ cung phục tận cửa miệng, ăn ở bê bối bẩn thỉu mà chủ chẳng dám la chửu, ngày nào cũng vài ba bận tắm rửa, làm vệ sinh cho “cơ ngơi” của Heo… Lâu lâu, Heo chán ăn, nhà chủ lo lắng ra mặt. “Nhà chủ thật bất công!”…, Nghĩ vậy Vằn buồn càng buồn hơn!



Heo nằm ủ rũ trông thật thảm hại. Vằn nhảy vào chuồng thủ thỉ:

– Bác Heo ơi, mọi ngày luôn thấy bác ồn ào, vui lắm mà sao nay thấy bác buồn quá vậy?

– Vằn ơi, tớ sắp chết rồi!

– Bác nói sao, trông bác mập khỏe thế chết sao được, sống chán!

– Thế mới đau! Tớ đang trai tráng khỏe mạnh thế này, đang dồi dào sức sống thế này mà nhà chủ sắp đưa tớ đi lò mổ đấy. Tớ sắp bị người ta làm thịt rồi, hu… hu… hu, Heo khóc- Bây giờ tớ muốn sống như Chó, có khổ trăm lần hơn Vằn tớ vẫn thấy thích…

Heo nói chưa dứt lời, có tiếng xe lam lò mổ chạy vào…

Vằn nghiệm ra: Không biết hy sinh, sống ích lợi cho người khác, dễ chết lắm! Vằn mỉm cười mãn nguyện. Thế ra, đời mình còn sung sướng hơn Heo gấp vạn lần!

***

Tạ ơn Chúa !

Cảm ơn Cha giáo – Tân Giám mục.

xX

[1] Hiển triết Socraté (469-399 TCN) người tạo ra bước ngoặc triết học, có công kéo triết học từ trời xuống đất, cha đẻ triết học chính trị; Hiền triết này là thầy dạy của các triết gia Hy Lạp cổ thời danh: Aristoteles, Platon… những triết gia có công rất lớn trong việc hình thành nên Dân Chủ- nghị trường phương Tây ngày nay.

Exit mobile version