Khoa học là gì?

ciencia - Khoa học là gì?

Thứ nhất, khoa học là nỗ lực tìm hiểu, giải thích, và dự đoán thế giới. Thế nhưng, tôn giáo tuy cũng tìm hiểu và giải thích thế giới, nhưng tôn giáo lại thường không được coi là ngành khoa học. Chiêm tinh học cố gắng dự đoán tương lai, nhưng hầu hết mọi người không coi nó là ngành khoa học. Các sử gia cố gắng hiểu và lý giải những gì xảy ra trong quá khứ, nhưng sử học thường được coi là môn nghệ thuật, không phải môn khoa học.

Thứ hai, có thể nhận ra một số đặc tính của khoa học, dựa vào các phương pháp mà các nhà khoa học sử dụng để tra vấn thế giới. Phương pháp thực nghiệm đánh dấu bước ngoặt trong sự phát triển của khoa học hiện đại. Không phải tất cả các khoa học đều có thể thực nghiệm. Các nhà thiên văn không thể làm thực nghiệm trên bầu trời, nhưng họ có sự quan sát kỹ lưỡng. Một đặc tính khác là sự xây dựng các lý thuyết. Nhà khoa học không chỉ đơn thuần ghi lại các thí nghiệm và các quan sát, họ còn đề ra các lý thuyết, và họ ngày càng đưa ra các lý thuyết tổng quát hơn. Điều lý thú là, bằng cách thức nào, mà với quan sát, thực nghiệm, và xây dựng lý thuyết, các nhà khoa học đã nỗ lực cho thấy quá nhiều bí ẩn của tự nhiên.

Thứ ba, có thể nhận diện đặc tính của khoa học, nhờ phân biệt khoa học với triết học về khoa học. Nhiệm vụ chính của triết học khoa học, là phân tích các phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong các nghành khoa học. Nhà triết học đặt câu hỏi cho chính các giả định của nhà khoa học. Nhà khoa học có thể làm thí nghiệm, đạt được kết quả. Sau khi kiểm định chắc chắn, ông công bố kết quả. Nhưng triết gia có thể hỏi: Tại sao nhà khoa học lại có thể thừa nhận là kết quả trong tương lai đúng như dự kiến? Bằng cách nào chúng ta biết điều ấy là đúng? Triết gia có thể đặt câu hỏi cho chính các giả định đã được thừa nhận bởi cộng đồng các nhà khoa học. Tuy nhiên, không phải các nhà khoa học thiếu thái độ triết học, mà nhiều người vừa là khoa học gia vừa là triết gia, ví như Newton và Einstein. Một loạt câu hỏi quan trọng của triết học về khoa học là: Khoa học nên phát triển thế nào? Khoa học nên sử dụng phương pháp nghiên cứu nào? Chúng ta nên tin bao nhiêu phần trăm vào các phương pháp ấy? …

Thứ tư, để hiểu rõ hơn khoa học là gì, cần nhận diện thế nào là mạo danh khoa học. Theo Karl Popper, một đặc tính căn bản của lý thuyết khoa học là: lý thuyết khoa học có thể sai lầm. Khi nói một lý thuyết có thể sai, không có nghĩa nói là nó sai. Lý thuyết đưa ra các dự đoán, nhưng dự đoán cần kiểm chứng bằng kinh nghiệm; nếu các dự đoán sai thì lý thuyết sai. Một số lý thuyết không thỏa mãn điều kiện này, nên chúng không xứng đáng gọi là khoa học. Vì những người theo thuyết phân tâm học của Sigmund Freud, không bao giờ chấp nhận họ sai, họ giải thích được ‘mọi sự’, nên Popper gọi lý thuyết này là mạo danh khoa học. Lý thuyết về lịch sử của Karl Marx cũng thế. Khi lịch sử không xảy ra như dự đoán của lý thuyết, những người theo chủ nghĩa Marx không chấp nhận mình sai, mà lại giải thích là cần thời kỳ quá độ. Không giống lý thuyết của Freud và của Marx, thuyết tương đối tổng quát của Enstein đưa ra dự đoán và được khẳng định bằng quan sát thực nghiệm. Nếu sai thì sửa, nhưng ‘không thể sửa’ thì không phải là khoa học. Đặc nét của khoa học là cần chân thật và khiêm tốn. Lịch sử của khoa học tự nhiên trong việc lý giải “Ánh sáng là gì?” cho thấy rõ đặc tính ‘có thể sai lầm’ của khoa học.

Như thế, khoa học theo nghĩa hẹp là khoa học tự nhiên với thao tác, phương pháp, nghi vấn về phương pháp, và tính có thể sai lầm. Khoa học theo nghĩa rộng có nhiều định nghĩa, với nhiều trường phái. Tuy không có định nghĩa nào là hoàn hảo, nhưng tính ‘chưa hoàn hảo’ cũng là đặc tính của khoa học thực thụ, của nhà khoa học chân chính. Thời đại học, tôi theo chuyên ngành toán. Tôi không gọi toán là khoa học, cho bằng toán là ngôn ngữ của khoa học tự nhiên.

Vinhsơn Vũ Tứ Quyết, S.J.

dongten.net 09.07.2015

(Sách tham khảo: A.F. Chalmers, What is this thing called Science, Indianapolis: Hackett Publishing 1999, tr. 1-18)

Exit mobile version