Kho Báu và Viên Ngọc

(Mt 13, 44-46)

1. Các dụ ngôn về Nước Trời


Khi nói về Nước Trời, Đức Giê-su dùng nhiều dụ ngôn. Thực vậy, trong bài Tin Mừng của những ngày vừa qua, Đức Giê-su nói toàn các dụ ngôn : dụ ngôn Người Gieo Giống, dụ ngôn Cỏ Lùng, dụ ngôn Hạt Cải, dụ ngôn nắm men ; và trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, Đức Giê-su nói thêm hai dụ ngôn nữa : dụ ngôn Kho Tàng và dụ ngôn Viên Ngọc.

Như thế, một dụ ngôn không thể diễn tả hết được mầu nhiệm Nước Trời ; và để hiểu và sống mầu nhiệm Nước Trời, chúng ta cần lắng nghe nhiều dụ ngôn ; vì mỗi dụ ngôn nói cho chúng ta một khía cạnh về mầu nhiệm Nước Trời. Chẳng hạn trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, hai dụ ngôn khá giống nhau, vì đều nói đến thời gian sống hôm nay và đến hành động của con người, hành động này là sự lựa chọn dứt khoát, triệt để và trong niềm vui hướng về điều rất cao quí mình hằng ao ước và tìm kiếm ; tuy nhiên, nếu chúng ta chú ý lắng nghe, chúng ta sẽ nhận ra rằng, mỗi dụ ngôn có điểm nhấn riêng.


Để hiểu và sống mầu nhiệm Nước Trời, chúng ta cần lắng nghe nhiều dụ ngôn, vì mỗi dụ ngôn nói cho chúng ta một khía cạnh về mầu nhiệm Nước Trời và soi sáng cho nhau. Thật vậy, nếu dụ ngôn dụ ngôn cỏ lùng và dụ ngôn mẻ lưới (là nội dụng của bài Tin Mừng ngày mai) chất vấn chúng ta và làm cho chúng ta sợ hãi, bởi vì ở giữa và ở trong chúng ta, có sự lẫn lộn sự thiện và sự dữ, điều tốt và điều xấu, thì hai dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay lại chỉ ra cho chúng ta con đường vượt qua sự sợ hãi, đó là lòng khao khát và tìm kiếm « Điều Cao Quí », là khám ra « Điều Cao Quí », được diễn tả bởi hình ành « kho tàng » và « viên ngọc » trong các dụ ngôn, chính là Đức Ki-tô, là lựa chọn và dấn thân trọn vẹn, triệt để và dứt khoát để có được « Điều Cao Quí », như kinh nghiệm của chính thánh Phao-lô :


Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người.

(Phil 3, 7-8)

2. Dụ ngôn kho báu


Một người đi bán tất cả những gì mình có để mua một thủa ruộng. Hành động của người này vừa tận căn và vừa kì lạ.

Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.


Tận căn
, vì người này bán tất cả những gì mình có ; tính tận căn hệ ở « tất cả », chứ không phải một phần. Kì lạ, bởi vì người này đi bán tất cả những gì mình có, nhưng rốt cuộc là để mua một thủa ruộng, bề ngoài xem ra rất bình thường ; hơn nữa, anh ta còn thực hiện việc mua bán này trong niềm vui. Đúng là thủa ruộng này không giống như các thủa ruộng khác, nhưng không ai biết chuyện này, chuyện thủa ruộng mà người này mua có ẩn chứa kho tàng. Người này có kinh nghiệm đích thân khám phá ra kho tàng và chôn dấu lại.


Như thế, điều làm cho người này dấn thân trọn vẹn và dứt khoát, đó là khám phá ra một cách đích thân điều thuộc bình diện bí ẩn, chứ không phải lộ ra bên ngoài, nhưng có giá trị rất lớn lao, lớn lao đến độ mang lại cho anh niềm vui, đi bán tất cả, từ bỏ tất cả để sống với kho tàng được chôn dấu trong thủa ruộng.


Đó là gì nếu không phải là Ngôi Vị tuyệt vời của Đức Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa hiện diện cách kín ẩn trong những trang sách có vẻ bình thường của Kinh Thánh, trong thế giới sáng tạo kỳ diệu những cũng rất tự nhiên, Ngài hiện diện trong cuộc đời và hành trình ơn gọi của chúng ta, và nhất là Ngài cũng hiện diện nơi những gì và những ai bé nhỏ, hiền lành và khiêm tốn.


3. Dụ ngôn ngọc quí


Dụ ngôn viên ngọc quí dường như có cùng một sứ điệp như dụ ngôn kho báu :

Một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.


Giống như dụ ngôn kho tàng, dụ ngôn này đến thời gian sống hôm nay của chúng ta và đến hành động của con người, hành động này là sự lựa chọn dứt khoát, triệt để hướng về điều rất cao quí mình hằng ao ước và tìm kiếm. Tuy nhiên, nếu chúng ta để ý, vẫn có sự khác biệt đầy ý nghĩa giữa hai dụ ngôn: trong dụ ngôn thứ nhất, Đức Giê-su nói: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn dấu trong ruộng…”; nhưng trong dụ ngôn thứ hai: “Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp”. Như thế, dụ ngôn thứ nhất nhấn mạnh đến đối tượng được tìm thấy, còn dụ ngôn thứ hai mời gọi chúng ta chú ý đến người đi tìm.


Như thế, ngang qua quyết định bán tất cả, người thương gia trong dụ ngôn dấn thân hoàn toàn và dứt khoát. Và chúng ta có thể nói rằng, ở đâu có sự dấn thân hoàn toàn và dứt khoát vì điều gì đó, có giá trị lớn lao và cao quí, ở đó có sự hiện diện của Nước Trời.

* * *

Vậy khi lắng nghe các dụ ngôn, chúng ta cần để ý, đó là, để giúp chúng ta hiểu Nước Trời, ngang qua các dụ ngôn, Đức Giê-su khởi đi từ những điều rất đời thường ở dưới đất, đó là hạt giống, cây lúa, cọng cỏ, đánh bắt cá, kho tàng, viên ngọc. Do đó, chúng ta được mời gọi « bắt chước » Đức Giê-su, và nhất là dưới ánh sáng đến từ ngôi vị của Ngài, từ lời nói và hành động của Ngài và nhất là từ mầu nhiệm Vượt Qua, chúng ta được mời gọi nhìn, nghe và sống những thực tại đời thường trong thiên nhiên và trong đời sống của chúng ta, như là những « dụ ngôn » nói về Nước Thiên Chúa và nói về chính Thiên Chúa.

(Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc, S.J., dongten.net 29.07.2014)

Exit mobile version