Nước Trời là một thực tại không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ loài người, và nếu có diễn tả được, thì con người cũng không thể hiểu nổi vì nó vượt khỏi thế giới khả giác này, hay nói như thánh Phaolô, đó là thực tại mà mắt con người chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, lòng người chưa từng cảm nghiệm được.
Mầu nhiệm Nước Trời thì cao siêu sâu thẳm, vì vậy Chúa phải dùng những ví dụ, những hình ảnh quen thuộc trong đời thường của người dân lúc đó như cây nho ai cũng thấy, như hạt lúa ai cũng hay, như mẻ cá ai cũng rõ, như đàn chiên ai cũng tỏ, như đám cưới ai cũng có thể tường và cảm được vv… để diễn tả những mặt của mầu nhiệm Nước Trời.Thực tại ấy không thể thu hẹp trong một vài câu định nghĩa, mà phải diễn tả bằng dụ ngôn, vì cách diễn tả này không giới hạn, nhưng tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu sâu xa hơn.
Dụ ngôn là một thứ ngôn ngữ nói với những người trong cuộc, những người sống trong tình thân với nhau. Ðể hiểu được dụ ngôn, cần phải có hai đức tính quan trọng, đó là tâm hồn rộng mở và ước muốn tìm hiểu. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Về phần các con đã được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không”.
Các dụ ngôn của Chúa Giêsu cũng phải được giải thích và Chúa lại chỉ giải thích cho các môn đệ, nhóm người bé nhỏ. Còn đối với dân thì cứ để họ không hiểu.
Chúa Giêsu là người Israel, sống tại Israel, giảng đạo tại Israel. Đức Mẹ, thánh Giuse, các tông đồ đều là người Israel, vậy mà cho đến hôm nay họ vẫn quyết liệt từ chối Chúa Giêsu và Hội thánh của Người. Hình như “không tin,” “cứng lòng” là định mệnh của họ. Số của họ là vậy.
Ta còn nhớ trong Thánh Vịnh :
Ôi Dân Ta mà chẳng nghe lời,
Israel nào đâu có chịu,
thì Ta đành mặc họ lòng chai dạ đá,
muốn đi đâu thì cứ việc đi. (Tv 80)
Những người cứng tin phải có trách nhiệm gì không trong việc cứng tin của họ. Thánh Phaolô trong Rm 11,25 đã hé cho ta thấy kế hoạch của Thiên Chúa: Sau khi chư dân đã tin, thì tất cả Israel cũng được ơn cứu độ. Việc Israel cứng tin chỉ là sự kích thích cho dân ngoại (dân không phải Do thái) tin vào. Và khi nói đến đó thánh Phaolô đã ca tụng sự khôn ngoan vô lường của Thiên Chúa và ý định của Người. Ôi sâu thẳm muôn trùng – sự khôn ngoan thông minh của Thiên Chúa. Ý định Người không ai dò thấu. Đường lối Người không sức dõi theo.
Khi Chúa Giêsu ở một mình, nhiều người thân cận vây quanh cùng với nhóm Mười Hai bắt đầu hỏi về các dụ ngôn. Ngài nói với họ: “Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn để họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, kẻo họ trở lại và được ơn tha thứ”. Sau đó Ngài nói: “Anh em không hiểu dụ ngôn này, thì làm sao hiểu được tất cả các dụ ngôn?” (Mc 4,10-12)
Các môn đệ đã được chấp nhận vào cộng đoàn của những kẻ tin vào Chúa Giêsu vì các ông có thể hiểu rõ những mầu nhiệm. Còn những kẻ ở bên ngoài, nhất là những kẻ ở bên ngoài vì kiêu hãnh, vì khép kín, vì định kiến, như các Luật sĩ và Biệt phái, thì khi nhìn vào các mầu nhiệm họ chỉ thấy bí ẩn và khó hiểu. Chính cách trả lời của Chúa là tiêu chuẩn để biết được ai là người thuộc về Chúa và ai là người ngoài cuộc: “Nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe. Còn các con, mắt các con thật có phúc vì được thấy, tai các con có phúc vì được nghe”.
Khi nói như thế, Chúa Giêsu muốn mặc khải rằng: Nước Trời chỉ dành cho những người đơn sơ, chân thành và yêu mến. Vì họ là những người bé mọn, đơn thành nên đã có thì lại được đầy dư. Còn kẻ không có nghĩa là không tin như Kinh sư và Pharisêu, thì những cái đang có tức lòng tin truyền thống của họ cũng sẽ bị lấy đi, và mọi việc họ làm đều trở nên vô ích.
Thái độ đón nhận Lời Chúa của Biệt Phát và Luật Sĩ không bao giờ và không thể nhận ra Lời Chúa như là vị mật ngọt ngào hay như dòng suối mát cho tâm hồn. Trong thực tế, ta thấy nực cười bởi họ coi Lời Chúa như một cái gì đó khó ưa, khó dùng, khiến tâm hồn không thể đón nhận, chỉ “vì lòng dân này đã ra chai đá”, nên không còn có chỗ cho Thiên Chúa ngự trị.
Với nhiều người ngày nay, có lẽ đức tin không đến nỗi quá cứng lòng như những Kinh sư và Pharisêu! Nhưng con người đang rơi vào tình trạng thờ ơ, dửng dưng, vô cảm với chính Lời Chúa và những nghĩa vụ liên quan đến đức ái qua anh chị em đồng loại. Đây có lẽ là điều nguy hiểm không nhỏ đến ơn cứu độ, bởi vì có thể nói: đây là căn bệnh “ung thư” thời đại mới nơi tâm hồn rất nhiều người.
Biết Chúa, được nghe Lời Chúa chính là một hồng ân. Bởi lẽ không phải ai cũng được diễm phúc làm con cái Thiên Chúa, được hưởng kho tàng ân sủng được Thiên Chúa thông ban qua Hội Thánh. Thế giới ngày nay lên đến hơn 7 tỉ người, nhưng không phải ai cũng là người Kitô hữu.
Lời Chúa một lần nữa cho chúng ta thấy con người chúng ta cần đến ân sủng để có thể hiểu biết được những mầu nhiệm cao cả từ trời, Chúa sẵn sàng mặc khải, hướng dẫn cho những kẻ bé mọn luôn biết đón nhận Lời Ngài trong sự khiêm hạ.
Và như vậy, ta cầu xin Chúa ban ơn giúp chúng ta không ngừng trau dồi, học hỏi về Lời Chúa và kết hiệp với Ngài trong cuộc sống để nhận được sự chúc phúc từ Thiên Chúa.
Huệ Minh