Sửa soạn thế nào cho việc thiết lập hội đoàn/phong trào.
Để sửa soạn thiết lập một phong trào/hội đoàn, linh mục chánh xứ cần gửi một số người có lòng đạo đức và tinh thần tông đồ đi dự những khoá huấn luyện để được học hỏi về mục đích, tôn chỉ và đường lối hoạt động của phong trào/hội đoàn liên hệ. Thường linh mục chánh xứ có khuynh hướng gửi những người có tên tuổi, có địa vị trong giáo xứ đi dự khoá huấn luyện để hy vọng khi trở về, họ dùng ảnh hưởng giúp thành lập phong trào/hội đoàn nào đó trong giáo xứ. Tuy nhiên trên thực tế, khi về giáo xứ, họ có thể trở thành ‘gà rù’ đối với phong trào/hội đoàn liên hệ. Còn những người mà linh mục chánh xứ nghĩ rằng gửi họ đi huấn luyện thì khi về cũng không giúp được gì, thì họ lại là những người hoạt động nhiệt thành cho hội đoàn/phong trào mà linh mục chính xứ thành lập. Lúc đầu có thể giới thiệu những người mới được huấn huyện đến sinh hoạt chung với một hội đoàn/phong trào của giáo xứ bên cạnh để học hỏi, làm quen với sinh hoạt của hội đoàn/phong trào và rút kinh nghiệm.
Có hội đoàn/phong trào thích hợp cho người này mà không thích hợp cho người kia.
Mục đích của việc thiết lập hội đoàn/phong trào là để giúp cá nhân thăng tiến hoá đời sống thiêng liêng của hội viên. Lập hội đoàn/phong trào còn giúp giáo xứ đẩy mạnh những chương trình mục vụ hay hoạt động tông đồ trong giáo xứ. Tuy nhiên hội đoàn/phong trào không phải dành cho hết mọi người. Có hội đoàn/ phong trào thích hợp với người này mà không thích hợp cho người kia, tuỳ theo cá tính, sở thích, thời giờ có thể hay cách thế sống đạo và làm việc tông đồ của người đó. Cũng không phải hễ giáo xứ này có hội đoàn/phong trào này, thì giáo xứ kia cũng phải lập phong trào/hội đoàn ấy. Lý do là có hội đoàn/phong trào thích hợp cho giáo xứ này mà không thích hợp cho giáo xứ kia. Nói cách khác giáo xứ này có đủ điều kiện như nhân lực/tài lực để thiết lập hội đoàn/phong trào nào đó mà giáo xứ kia không có; hoặc giáo xứ này có nhu cầu thiêng liêng để thiết lập phong trào/hội đoàn nào khác mà giáo xứ kia không cần hay chưa cần.
Lập hội đoàn/phong trào không phải là đòi hỏi hội viên làm theo ý riêng của linh mục chánh xứ khi ý riêng có tính cách đi ngược lại những sở thích cá nhân của hội viên về những vấn đề cá nhân. Hồi mới di cư từ Bắc vào Nam năm 1954, có linh mục chánh xứcủa một giáo xứ di cư lập ra hội đoàn Con Đức Mẹ – mà bọn con trai trong giáo xứ gọi trại ra là ‘Con gái Đức Mẹ’, áp đặt hội viên cắt tóc một kiểu, chấm ngang vai giống nhau. Về phương diện này thì mỗi người phụ nữ có khuôn mặt khác nhau, có cái nhìn khác nhau và có sở thích khác nhau nên không thể ép theo một kiểu tóc được mà nên cổ võ cho hội viên theo chính sách ‘trăm hoa đua nở’ trong việc làm đẹp kiểu tóc. Lập hội đoàn/phong trào cũng không phải chỉ để giúp làm tiền cho giáo xứ bằng cách đòi hội đoàn/phong trào phải đóng góp hay gây quỹ cho giáo xứ. Có những hội đoàn/phong trào mà có những hội viên không phải là người công giáo mà đòi hội đoàn/phong trào cũng phải phục vụ giáo xứ, hoặc gây quỹ cho giáo xứ để được sử dụng phòng ốc nhà thờ thì e rằng đó là cách bắt chẹt họ chăng?
Chuyện khác được kể lại rằng có linh mục chánh xứ kia đặt máy nghe lén khi hội đoàn/phong trào nọ họp trong phòng ốc giáo xứ. Đang họp thì mọi người sửng sốt nghe giọng cha xứ từ một loa giấu trong phòng: ‘Sao đang bàn tính gì đấy?’. Việc cha xứ đặt máy nghe lén chỉ làm mất lòng tin tưởng nơi hội viên của một phong trào/hội đoàn mà thôi, nên cần phải làm thế nào để lấy lại sự tín nhiệm. Còn về phía hội đoàn/phong trào thì không phải vì thế mà tránh né, không họp trong phòng ốc giáo xứ nữa – nếu giáo xứ còn phòng trống – để duy trì bầu khí lành mạnh giữa cha xứ/tuyên úy và hội đoàn/phong trào trong giáo xứ. Nếu giáo xứ còn phòng ốc có thể sử dụng được mà một hội đoàn/phong trào luôn họp tại nơi khác, mà không họp tại phòng ốc của giáo xứ, thì người ta phải thắc mắc và có quyền đặt câu hỏi tại sao?Một số vấn đề khác cũng cần nêu lên là khi hội đoàn mời một linh mục ngoài giáo phận hay một linh mục dòng đến mở những khoá huấn luyện hội viên chẳng hạn, thì có thông qua với linh mục chánh xứ không? Rồi hội đoàn/phong trào có báo cáo ít là đại lược về sinh hoạt của hội đoàn cho linh mục chánh xứ không?
Dùng hội đoàn/phong trào như là những bàn đạp hay đầu tầu để phát động và cổ võ đường lối sống đạo trong giáo xứ là việc đáng khuyến khích. Còn việc lái phong trào/hội đoàn để làm hậu thuẫn cho cá nhân cha sở hoặc những chương trình không thực tế cho giáo xứ là điều không thích hợp. Trong một giáo xứ Mỹ kia với đa số giáo dân đã mang màu tóc muối tiêu. Còn những giáo xứ chung quanh thì tương đối giáo dân còn trẻ hơn, đã có một loại hội đoàn – tạm gọi là Hội Đoàn A – của riêng từng giáo xứ hay liên giáo xứ. Hội Đoàn A có cơ cấu tổ chức chặt chẽ với ban chấp hành hơn cả chục người. Cách điều hành buổi họp lại có tính cách nghi thức theo sát nội qui và hội đoàn phải hoạt động theo chương trình của trung ương đề ra, hầu có thể đạt chỉ tiêu về hoạt động xã hội cũng như gây quỹ cho hội đoàn địa phương và cho trung ương. Trong những dịp lễ đặc biệt mà Hội Đoàn A của một giáo xứ không có đủ hội viên cấp cao với trang phục đặc biệt làm thành hàng chào danh dự thì phải nhờ hội viên cấp cao của Hội Đoàn A bên cạnh để tăng cường.
Tuy nhiên ông cha sở Mỹ của giáo xứ mà giáo dân đã có màu tóc muối tiêu kia vì gặp khó khăn với giáo dân và với cả giáo phận do cách điều hành và cách tiêu tiền cho giáo xứ nên quyết định lập Hội Đoàn A giống như mấy giáo xứ bên cạnh để giúp làm bàn đạp và hậu thuẫn cho chương trình cha sở. Theo nội qui thì trưởng Hội Đoàn A phải do hội viên bầu lên. Thế mà cha sở lại đặt một người làm công cho giáo xứ. Trong lễ tuyên hứa tân ban chấp hành lần đầu vì thiếu người có đủ khả năng, dấn thân hoạt động nên người ta thấy có cả những thiếu niên mới lớn lên trong ban chấp hành. Chỉ sau mấy tuần lễ thì cha sở được lệnh thuyên chuyển.
Còn mấy giáo xứ Việt Nam tại hải ngoại mặc dầu với số giáo dân khá khiêm tốn, mà khi thấy Hội Đoàn A ở những giáo xứ Mỹ hoạt động xã hội trong giáo xứ và mang đồng phục có vẻ nổi trong những dịp lễ lớn trong giáo xứ, cũng quyết định thành lập Hội đoàn A trong giáo xứ VN. Tuy nhiên mỗi năm Hội Đoàn A phải bầu lại ban chấp hành nên có những giáo xứ VN nhỏ, không kiếm ra đủ người vào ban chấp hành, lại còn gặp khó khăn trong việc điều hành buổi họp Hội đoàn theo nội qui của buổi họp, cũng như khó khăn trong việc gây quỹ cho Hội Đoàn địa phương và trung ương để sao đạt chỉ tiêu mà Ban chấp hành trung ương Hội Đoàn A đề ra. Có những việc gây quỹ phải làm hàng năm cho trung ương mà số hội viên không đủ và số giáo dân lại khiêm tốn, nên người quyên tiền cũng như người được quyên, người này than van, người kia kêu rêu. Theo sát nội qui buổi họp của hội đoàn cũng làm tăng trưởng căn tính của hội viên nói riêng và của hội đoàn nói chung. Khi mà không theo sát được nội qui buổi họp của hội đoàn hay không muốn theo sát thì làm sao tạo được căn tính cho hội viên / hội đoàn được? Không biết có hội đoàn A nào của người Việt Nam theo đúng được đến trên 50% cơ cấu của buổi họp hội đoàn A không? Theo khuyng hướng ‘Tấp tểnh người đi tớ cũng đi’ mà lập hội đoàn/phong trào là như vậy. Có khi còn phải giải tán nữa.
Bàn đến một hội đoàn khác thì tại một quốc gia ở hải ngoại có hai giáo xứ Việt Nam ở hai giáo phận khác nhau cũng như hai tiểu bang khác nhau, nhưng lại toạ lạc gần nhau. Một giáo xứ cho mời một linh mục sáng lập phong trào nọ về giúp thành lập phong trào. Sau đó mấy năm giáo xứ kia cũng mời linh mục đó về giúp thiết lập cùng một phong trào. Nhận thấy việc tổ chức những ngày huấn luyện cho khoá sinh gồm nhiều thứ như tìm người chuyên chở, tìm phòng họp, phòng ngủ, nấu ăn và nhiều thứ lỉnh kỉnh khác, một linh mục đề nghị nên mở khoá huấn luyện chung cho hai giáo xứ để tiết kiệm về nhân lực, vật lực và thời giờ. Điều đó có nghĩa là một năm giáo xứ này mở khoá huấn luyện cho khoá sinh của giáo xứ, rồi mời khoá sinh của giáo xứ kia sang dự khoá huấn luyện. Năm sau mở khoá huấn luyện tại giáo xứ kia rồi mời khoá sinh của giáo xứ trước sang dự. Vì lí do gì đó, giáo xứ kia vẫn muốn mở khoá huấn luyện riêng. Kết quả là có năm giáo xứ muốn mở khoá huấn luyện riêng chỉ có hai khoá sinh tham dự. Thật là nản lòng cho linh mục huấn luyện và những người liên quan.
Đối với hội viên dòng ba của một số dòng tu, tuy có lời khấn hứa, nhưng hội viên lại sống đời hôn nhân và sống ngoài đời, nên có những dòng ba của một dòng tu được coi là một hiệp hội như hội đoàn/phong trào trong giáo xứ. Đời nay có những dòng tu không còn gọi là dòng ba nữa, nhưng bằng một tên gọi mới. Lập hội dòng ba không phải để nhắm đạt con số hội viên cho đông đảo, cũng không phải chỉ để góp niên liễm, nhưng để giúp thăng tiến hoá đời sống thiêng liêng của người giáo dân theo tôn chỉ, mục đích và đường lối của dòng ba.
Áo dòng ba, thường chỉ được bận cho hội viên khi tẩm liệm. Vậy mà vào dịp đi kiệu của vài giáo xứ Việt Nam ở hải ngoại, thấy có mấy linh mục chánh xứ kia cũng khuyến khích hội viên dòng ba bận áo dòng ba đi rước kiệu, trông cũng giống áo dòng của linh mục tu sĩ nam nữ của dòng đó. Giáo dân trong giáo xứ quen biết họ trông thấy liền biết họ là ai, rồi bình luận họ bận áo giống như áo dòng chính hiệu con nai vàng của linh mục, tu sĩ nam nữ dòng đó, nhưng điệu bộ, cách đi đứng và tâm thức của hội viên dòng ba lại lạc lõng, trông có vẻ nửa nọ nửa kia, không giống ai cả. Trong khi cha xứ thì tự hào, khoe với giáo dân không phải là người Việt rằng: con số hội viên đã khấn của dòng tu của dòng này bây giờ (gộp cả dòng ba vào) đạt con số cao nhất trong các thứ dòng tu trên thế giới.
Nói đến việc lập hội đoàn/phong trào, thì cũng nên đi lướt qua việc lập hội dòng, tu hội, tu đoàn để gọi là có đề cập. Lập hội dòng, tu hội hay tu đoàn lại càng phải nghiên cứu đường lối tuđức riêng cũng như đường hướng hoạt động tông đồ, chứ không phải chỉ lập hội dòng, tu hội, tu đoàn như kiểu ‘góp gạo thổi cơm chung’. Nếu có hai, ba hội dòng, tu hội hay tu đoàn có những linh đạo hoặc đường hướng hoạt động tông đồ giống nhau thì có nên sát nhập, để tiết kiệm về nhân sự, vật lực và đẩy mạnh việc hoạt động đông đồ của tập thể hội dòng, tu hội, tu đoàn không? Sát nhập không có nghĩa là một hội dòng, tu hội hay tu đoàn này bỏ những gì là của mình để theo những gì là của người khác. Sát nhập làm sao khả dĩ có thể giữ lại những tinh hoa của mỗi hội dòng, tu hội, tu đoàn để phối hợp làm thành của chung.
Cá nhân có nên gia nhập nhiều hội đoàn/phong trào không?
Để tránh tình trạng có tên mà không hoạt động hay ít hoạt động, người giáo dân có nên tham gia nhiều phong trào/hội đoàn không? Xét về thời giờ, khả năng và sức người chỉ có giới hạn mà tham gia nhiều hội đoàn/phong trào thì công việc hoạt động cho mỗi hội đoàn/phong trào sẽ bị phân tán. Thử vào làm hội viên của hết hội đoàn/phong trào này đến hội đoàn/phong trào kia, mà chỉ đến sinh hoạt theo kiểu ‘đá gà đá vịt’, hoặc bắt cá hai tay để xem may ra có được vị thế hay ‘đặc sủng’ này nọ, chứ không thực sự cố gắng đổi mới tâm hồn và đời sống nội tâm và dấn thân để xây dựng và hoạt động tông đồ theo đường hướng của hội đoàn/phong trào, thì e rằng không biết có bắt được con cá nào không?
Có những phong trào/hội đoàn mà thành viên của họ nằm trong những cơ cấu tổ chức khác nhau của giáo xứ rồi và thành viên của họ cũng đang hoạt động trong môi trường giáo xứ cũng như môi trường xã hội. Một phong trào/hội đoàn như vậy thường không hoạt động theo danh nghĩa hội đoàn/phong trào của họ, nhưng thành viên của họ đã nằm trong những tổ chức khác nhau của giáo xứ và họ được khuyến khích dùng đường lối và tinh thần của phong trào/hội đoàn của họ đề ra, để hoạt động trong các tổ chức trong giáo xứ và cộng đồng. Như vậy thì phải coi những hoạt động của các thành viên của phong trào/hội đoàn này cũng là hoạt động và đóng góp của hội đoàn/phong trào của họ cho giáo xứ rồi. Nếu cứ đòi hỏi hội đoàn/phong trào như thế cũng phải đóng góp theo danh nghĩa hội đoàn/phong trào của họ thì e rằng khả năng và thời giờ của họ chỉ có giới hạn thôi.
Vai trò của linh mục chánh xứ/tuyên úy.
Để có thể hướng dẫn hội đoàn/phong trào cách hữu hiệu, linh mục tuyên uý cũng cần học hỏi về mục đích, tôn chỉ và đường lối của hội đoàn/phong trào. Nếu cần, linh mục tuyên uý nên đi dự những khoá huấn luyện do hội đoàn/phong trào tổ chức, đặt mình ngang hàng với khoá sinh là giáo dân của mình. Nếu cảm thấy mắc cở vì dự cùng khoá huấn luyện với giáo dân của mình, thì linh mục tuyên uý có thể giàn xếp đi dự khoá huấn luyện về hội đoàn/phong trào được tổ chức ở nơi khác.
Khi một hội đoàn/phong trào do một dòng tu nào đó sáng lập, thì cha tuyên uý hay cha sở của cùng dòng sáng lập hội đoàn/phong trào, có thể có khuynh hướng đánh bóng/tô mầu cho hội đoàn/phong trào đó. Việc làm đó là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên tuỳ cách đánh bóng và tô mầu. Nếu đánh bóng và tô màu quá đáng và không đúng kiểu sẽ thành bóng loáng và màu mè. Và khi giới thiệu những hoạt động của phong trào/hội đoàn của dòng tu mà mình thuộc về, người ta có thể bị cám dỗ để trình diễn hoặc gây chú ý, hoặc chiều theo khuynh hướng ‘con hát mẹ khen hay’. Có những cám dỗ dễ chống trả, có những cám dỗ thì lại khó đối đầu. Chống trả cám dỗ để trình diễn và gây chú ý cho hội đoàn/phong trào nào đó, là tuỳ thuộc vào mức độ khiêm tốn và tinh thần mưu cầu lợi ích chung và tinh thần tự kỉ luật hoá của người lãnh đạo hoặc hướng dẫn phong trào/hội đoàn. Đánh bóng và tô mầu cho dòng tu hoặc cho giáo phận mình cách thái quá có thể làm phát sinh ra óc địa phương tính: địa phương tính của hội dòng, tu hội hoặc địa phương tính của giáo phận, nghĩa là cái gì cũng coi hội dòng, tu hội, giáo phận mình là hay, là giỏi hay cái gì cũng muốn cho hội dòng, tu hội hay giáo phận mình đứng nhất.
Vai trò của linh mục tuyên uý hội đoàn/phong trào là hướng dẫn hội viên thế nào hầu tránh cảnh chia rẽ, đố kỵ hay bè phái trong nhóm hoặc trong cộng đồng dân Chúa, chứ không phải chỉ cổ võ sao cho có nhiều hội viên. Trong bất cứ hội đoàn/phong nào, cũng có thể có những hội viên khi học biết được vài lối sống đạo mới hay được ‘đặc sủng’ nọ kia, thì sinh ra tự hào ta đây, coi mình biết hơn ai hay đạo đức hơn người khác, hơn cả linh mục, rồi coi thường người khác và do đó đi theo sinh hoạt tách biệt. Nói như vậy không có nghĩa là không có hội viên nào được đặc sủng nọ kia, hoặc biết hơn hay đạo đức hơn người khác, hay hơn cả linh mục.
Trong bất cứ hội đoàn/phong trào nào hay hội đồng mục vụ giáo xứ nào, người ta cũng có thể nhận ra cái tôi, ý hướng tham vọng về chức tước, địa vị và quyền lực tiềm ẩn trong thâm tâm hoặc được biểu lộ qua lời nói và việc làm của hội viên. Người ta có thể thấy được những lời nói nịnh bợ, tâng bốc người trên và những gièm pha, chỉ trích nhằm hạ giá người khác. Do đó vai trò của linh mục tuyên uý hay giảng phòng cho hội đoàn/phong trào là hướng dẫn sao để phong trào/hội đoàn đi theo đường lối Phúc âm cũng như tôn chỉ, mục đích và đường lối của phong trào/hội đoàn để phong trào/hội đoàn khỏi trở thành con dao hai lưỡi cho linh mục sở tại nói riêng và cho giáo xứ nói chung. Nói như vậy không có nghĩa là hội viên không được quyền bất đồng ý kiến với linh mục chánh xứ hay không được quyền phê bình xây dựng. Do bất mãn, hội viên có thể lợi dụng phong trào/hội đoàn để kéo bè, kéo cánh chống đối nhau hay chống đối cha sở, gửi thư nặc danh, thư rơi thư rụng, không những trong giáo xứ mà còn phổ biến đi xa nữa.
Nói đến chuyện gây bè phái chống đối cha sở và chống đối lẫn nhau thì có lẽ nhiều độc giả có thể nhớ laị vào cuối thập niên ’70 và đầu thập niên ’80 của thiên niên kỷ 1900, tại quốc gia có đông tị nạn Việt Nam nhất thế giới, dấy lên trong những cộng đoàn/giáo xứ VN, những vụ chống đối cha sở và chống đối lẫn nhau tựu trung cũng vì quyền tiêu tiền,chi tiền và việc điều hành trong cộng đoàn/giáo xứ. Về phía linh mục cũng như đại diện giáo dân đều nghĩ rằng mình có quyền chi tiêu tiền và quyền quyết định. Tuy nhiên rồi sự việc cũng đến lúc chung cục khi cả hai bên hiểu vị thế, thế đứng và quyền hạn của mình. Khi một linh mục chính xứ dù nhắm đến lợi ích chung trong việc điều hành giáo xứ thì cũng có thể chạm đến tự ái hay quyền lợi của cá nhân hay nhóm người nào đó trong công đoàn hay giáo xứ.
Do đó nếu vì những lời nói hay hành động của một vài hội viên không đi theo đường lối Phúc âm, cũng như mục đích, tôn chỉ và đường lối của hội đoàn/phong trào thì linh mục giảng phòng, tuyên uý hay linh mục sở tại nên bàn hỏi với hội đồng tham vấn trong giáo xứ để nhắc nhở nhẹ nhàng. Nếu không hiệu nghiệm, thì hai hay ba vị nên hội ý xem nênáp dụng biện pháp nào dưới ánh sáng của lời Chúa dạy trong mấy câu Thánh Kinh trong ngoặc này (Mt 18:15-17), hầu tái lập mối liên hệ lành mạnh giữa các hội viên và cha sở và bầu khí bình an trong nhóm, phong trào, hội đoàn nói riêng cũng như cộng đoàn giáo xứ nói chung.
Lm Trần Bình Trọng