Bởi vì theo tôi biết thì bất kỳ nhà thờ nào cũng có thể là thành viên của Hiệp hội Công giáo Yêu nước do chính phủ Trung Quốc kiểm soát và không hiệp thông với tòa Rôma. Chúng tôi có nên bỏ tham dự Thánh Lễ không? Chúng tôi có nên tham dự Thánh Lễ nhưng từ chối rước lễ được không? Tôi giả định rằng, việc rước lễ tại các nhà thờ này sẽ không có giá trị. Tôi biết một số giám mục và linh mục thuộc Hiệp hội Yêu Nước đã bí mật hòa giải với tòa Rôma, nhưng chúng tôi không có cách nào nhận ra họ là ai. Ngoài ra, thật là chuyện khó khăn và không khôn ngoan nếu cố gắng đi tìm Thánh Lễ tại một nhà thờ hầm trú. Chúng tôi không bao giờ bỏ lễ khi đi du lịch nhưng trong trường hợp này quả là hi hữu. Xin cho chúng tôi lời khuyên hữu ích.
Giải đáp: Tình trạng của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc đang phức tạp và mông lung. Vì vậy, tôi sẽ cho bạn một số lời khuyên rõ ràng và sau đó là lời giải thích. Trước tiên, bạn không nên bỏ tham dự Thánh Lễ. Nếu bạn có thể tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật một cách an toàn do một linh mục “hầm trú” trung thành với tòa Rôma cử hành thì đó có thể là lựa chọn hàng đầu của bạn. Nhưng bạn không nên giả định rằng, mọi giáo sĩ do chính quyền Trung Quốc công nhận thì đều không hiệp thông với tòa Rôma. Lương tâm bạn vẫn tốt khi tham dự Thánh Lễ do một linh mục hay giám mục là thành viên của Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc cử hành nếu như bạn không thể có chọn lựa nào khác. Không có gì chỉ rõ rằng bí tích như thế là không hợp lệ.
Năm 2005, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã từng mời ít nhất hai giám mục thuộc Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thánh Thể tại Rôma, và năm 2006, Bắc Kinh cùng với Tòa Thánh đồng thuận trong việc bổ nhiệm một giám mục mới. Đến năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã viết như thế này trong thư gửi tín hữu Trung Quốc: “Các giáo dân cũng vậy, những người được linh hoạt bởi lòng yêu mến chân thành Đức Kitô và Giáo Hội, anh chị em đừng ngần ngại tham dự Thánh Lễ được cử hành bởi các Giám Mục và linh mục hiệp thông hoàn toàn với Đấng Kế Vị Thánh Phêrô và được chính quyền dân sự nhìn nhận.”
Như vậy, những người “được chính quyền dân sự công nhận” là thành viên của Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc, bạn có thể cho rằng họ vẫn hiệp thông với tòa Rôma, trừ khi bạn chắc chắn là không phải.
Thực tế, một số giám mục đã được tấn phong mà không có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng. Trong lá thư đó, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cũng đề cập đến điểm này: “Cuối cùng, có một số Giám Mục nhất định, một số rất nhỏ, đã được phong chức mà không có sự phê chuẩn của Đức Thánh Cha, đã không yêu cầu, hay chưa nhận được, việc hợp thức hóa cần thiết. Theo giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, các vị này được xem là bất hợp lệ, nhưng việc thụ phong của họ là thành sự nếu như các vị được tấn phong bởi các Đức Giám Mục đã được tấn phong hợp lệ, và việc tấn phong giám mục diễn ra theo đúng nghi thức Công Giáo. Do đó, dù không hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, họ thi hành thừa tác vụ của mình cách thành sự khi ban các phép bí tích, ngay cả khi các vị này không có quyền làm thế”.
Vì vậy, bạn có thể giả định rằng các bí tích do một giáo sĩ nào đó thuộc Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc cử hành là thành sự.
Khi việc giao thương với Trung Quốc ngày càng gia tăng, thắc mắc này của bạn thường xuyên được hỏi. Đúng ra, Giáo Hội tại Trung Quốc đang bị phân ly, nhưng đó không thực sự là lỗi của những người Công giáo ở Trung Quốc, và cũng không phải là mong muốn của tòa Rôma. Đó là hệ quả của việc chính quyền cộng sản Trung Quốc không cởi mở với tôn giáo từ nước ngoài. Trung Quốc coi Giáo hội Công giáo Rôma như là một tổ chức nước ngoài, và họ không nhận ra “sự tách biệt giữa Giáo Hội và Nhà nước” giống như ở Hoa Kỳ. Vì lý do này, Trung Quốc độc chiếm cho họ quyền bổ nhiệm giám mục. Không phải Trung Quốc là quốc gia đầu tiên làm như thế. Thời trung cổ, Hoàng đế của Thánh Chế La Mã tự cho mình quyền bổ nhiệm các giám mục địa phương và đây chính là khoảng thời gian mà mối quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước bị khủng hoảng, đỉnh điểm là cuộc mâu thuẫn năm 1075 giữa Đức Giáo Hoàng Grêgôriô VII và Hoàng đế Heinrich IV.
Nhiều người Công giáo Trung Quốc bị đàn áp tàn bạo vì lòng trung thành của họ với tòa Rôma. Ngay cả các linh mục và giám mục nước ngoài cũng bị đàn áp và bị cầm tù ở Trung Quốc, đáng chú ý nhất là Đức Giám Mục Maryknoll James Walsh.
*Phần giải đáp trên của Linh mục Francis J. Hoffman, JCD (Fr. Rocky) – Giám đốc điều hành của Relevant Radio. Cha được Đức Chân Phước Gioan Phaolô II truyền chức linh mục thuộc hội Opus Dei vào năm 1992, cha có bằng tiến sĩ Giáo Luật của Đại Học Giáo Hoàng Thánh Giá, bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh Doanh (MBA) của Đại học Notre Dame, và bằng Cử nhân Lịch sử của Đại học Northwestern. Các câu trả lời của cha xuất hiện trong nhiều tờ báo và tạp chí Công giáo trên khắp Hoa Kỳ.
(Vietcatholic 21-8-2012/ Catholic News Agency)