Khi đang lễ mà có sự cố khẩn cấp y tế thì sao?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.


Hỏi: Trong một Thánh lễ ngày thường, một giáo dân té bất tỉnh trong phần Lời nguyện Tín hữu. Một người gọi điện thoại cho bệnh viện địa phương xin cấp cứu. Đội cứu hộ tới, mang theo chiếc băng-ca, hỏi han người bệnh, lấy huyết áp của ông, đưa ông lên băng-ca và khiêng ra xe cứu thương đang chờ sẵn bên ngoài nhà thờ. Trong khi đó, vị chủ tế vẫn tiếp tục với Thánh lễ, ngay trong phần truyền phép và Rước lễ, trong khi mọi việc diễn ra cách bàn thờ chỉ vài bước. Và một trường hợp khác, cách đây vài năm khi đến một nhà thờ, con đã chứng kiến một phản ứng khác đối với một trường hợp khẩn cấp y tế rõ ràng. Trong Thánh Lễ Chúa Nhật, vị chủ tế nhìn thấy một phụ nữ đang có nguy cơ xỉu; cha rời bàn thờ và kịp nắm phụ nữ ấy trước khi bà té hẳn; cha đưa bà vào phía sau nhà thờ và giao cho các người dẫn chỗ chăm sóc; các ngưởi này, do không ở vị trí thuận lợi, đã không kịp biết được tình huống đang diễn ra. Sau đó, cha tiếp tục cử hành Thánh Lễ. Điều này có vẻ là quan tâm và có tính cộng đồng hơn là chỉ bỏ qua một trường hợp khẩn cấp y khoa rõ ràng. Thưa cha, có tuyên bố nào nói về hiệu lực rằng không có gì có thể làm gián đoạn Thánh Lễ không? – C. A., Urbana, Illinois, Hoa Kỳ.

Đáp: Không có quy tắc tổng thể, ngoài cảm thức chung và sự xử trí mục vụ khéo léo, để đáp trả cho các trường hợp khẩn cấp như vậy.

Mặc dù nói chung Thánh Lễ không nên bị gián đoạn, các tình trạng như được mô tả trên đây có thể dẫn tới sự gián đoạn tạm thời, mà không thiếu sự tôn trọng.

Nó cũng phụ thuộc vào thời điểm đặc biệt khi trường hợp khẩn cấp y tế xảy ra. Thí dụ, một linh mục dễ nhận thấy một giáo dân đang ngất xỉu trong phần các bài đọc, hơn trong phần Kinh nguyện Thánh Thể, vì khi ấy nhiều linh mục không nhìn về phía cộng đoàn.

Phản ứng của tôi trong trường hợp này có thể là cho gián đoạn Thánh Lễ ít nhất trong thời gian đội cấp cứu làm công việc của họ. Một phần là bởi vì các tình huống như vậy làm phân cực sự chú ý của mọi người, và không ai theo dõi Thánh Lễ sốt sắng. Hơn nữa, nếu một giáo dân có nguy cơ tử vong và không có linh mục nào khác ở đó, thì chủ tế cần rời khỏi bàn thờ và ban các bí tích cho người ấy.

Nói thế rồi, tôi không muốn trách cứ vị linh mục trong trường hợp đầu tiên, vì tôi không biết tất cả các tình huống, vốn dẫn đến quyết định rằng điều thích hợp nhất là ngài tiếp tục Thánh Lễ. Vị linh mục trong thí dụ thứ hai phản ứng với sự chú ý đáng khen ngợi và sự bén nhạy cho một tình huống cụ thể, nhưng các hoàn cảnh khác nhau có thể dẫn đến các phản ứng khác nhau.

Một trường hợp đặc biệt là khi chủ thể của trường hợp khẩn cấp y tế là chính vị linh mục. Nếu một linh mục không thể tiếp tục cử hành Thánh Lễ do bệnh bất thình lình, thì một linh mục khác có thể tiếp tục Thánh Lễ từ phần tạm dừng ấy. Điều này bao gồm trường hợp mà một linh mục chỉ mới truyền phép bánh; vị linh mục thay thế vẫn tiếp tục Thánh Lễ từ phần truyền phép rượu.

Còn trong trường hợp không có linh mục thay thế thì sao?

Mặc dù có rất ít sách vở hiện đại nói về vấn đề này, các sách giáo khoa cũ về thần học luân lý thường đề cập đến các vấn đề ấy, và trong nhiều trường hợp các tiêu chuẩn cơ bản liên quan vẫn còn có giá trị ngày nay.

Do đó, câu trả lời hiện nay của tôi sẽ một phần dựa trên ấn bản thứ tám của một luận văn về thần học luân lý và mục vụ, được Cha Henry Davis, SJ, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1935.

Các lý do đằng sau các kết luận thực hành được đưa ra là rằng Giáo Hội đã không bao giờ giản lược tính cách hiến tế của Thánh Lễ vào việc truyền phép, và luôn luôn đòi hỏi rằng một khi việc truyền phép hai hình đã diễn ra, linh mục phải hoàn thành hiến tế của Thánh lễ bằng cách đọc Kinh Nguyện Thánh Thể và Rước lễ.

Như thế việc linh mục Rước lễ, mặc dù là không thiết yếu cho sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong hai hình, là phần không thể tách rời với bản chất của Thánh lễ như một bữa tiệc hiến tế.

Mặc dù có thể các tín hữu Rước Lễ ngoài Thánh Lễ, các Bánh thánh được rước phải là kết quả của một Thánh Lễ hoàn tất.

Vì lý do này, Điều số 927 của Bộ Giáo luật, trong các từ ngữ mạnh mẽ nhất, nghiêm cấm việc truyền phép hai hình bên ngoài Thánh Lễ, hay chỉ truyền phép một trong hai hình trong Thánh Lễ. Việc cấm này sử dụng từ ngữ “nefas”, một từ ngữ được sử dụng bốn lần trong Bộ Giáo luật. Kết quả là rằng trong thực tế không có ngoại lệ cho điều luật này, thậm chí là với lý do để cho người nguy tử Rước lễ.

Nhớ kỹ như thế, chúng tôi có thể nói rằng linh mục phải gián đoạn Thánh Lễ do bệnh tật hoặc lý do nghiêm trọng nào khác, sau khi ngài đã truyền phép bánh hoặc cả hai hình, – và dường như ngài không thể hồi phục được trong vòng một giờ – thì một linh mục khác có nghĩa vụ cử hành tiếp tục Thánh lễ.

Trong các trường hợp khẩn cấp nghiêm trọng, ngay cả một linh mục đã bị vạ tuyệt thông, ngưng chức hoặc bất bình thường thể khác, đều có thể hoản tất Thánh Lễ.

Nếu vị linh mục đầu có thể Rước lễ, ngài có thể Rước lễ tử bánh rượu đã truyền phép trong Thánh lễ.

Nếu không có linh mục nào khác, Bánh thánh và rượu (dù chưa được truyền phép) phải được đặt trong nhà tạm, cho đến khi một linh mục có thể đến để hoàn tất Thánh Lễ.

Khoảng cách thời gian giữa hai phần có thể là bất kỳ thời lượng nào, nhưng phải càng sớm càng tốt.

Nếu rượu chưa được truyền phép có nguy cơ bị hỏng, hoặc chắc chắn sẽ bị hư hỏng, trước khi linh mục truyền phép rượu này, thì rượn có thể được đổ xuống giếng thánh, và thay thế bằng rượu mới (và thêm nước), khi linh mục đến.

Chỉ trong các trường hợp cực kỳ hiếm hoi và nguy hiểm, bánh rượu được truyền phép của một Thánh lễ chưa hoàn tất được Rước vào lòng. Thí dụ, các dịp như vậy có thể là mối nguy hiểm sắp xảy ra của việc xúc phạm hai hình, hoặc sự bất khả kháng trong việc gìn giữ an toàn hai hình, chẳng hạn như trong thời chiến, hoặc khí hậu, mà ở đó rượu chắc chắn sẽ bị hỏng, trước khi một linh mục đến hoàn tất Thánh lễ.

Nếu sự gián đoạn xảy ra trước khi truyền phép, và không có linh mục nào để tiếp tục cử hành Thánh lễ và không có Thánh Lễ nào khác, thì một phó tế, thầy Giúp lễ đã được trao tác vụ, hoặc một thừa tác viên ngoại thường, có thể cho các tín hữu Rước lễ từ Bánh thánh ở Nhà tạm, bằng cách dùng Nghi thức cho Rước lễ ngoài Thánh lễ.

Nếu sự gián đoạn xảy ra sau khi linh mục đã Rước lễ, thì các thừa tác viên nêu trên có thể cho các tín hữu Rước lễ từ Bánh đã truyền phép, bằng cách cũng dùng Nghi thức cho Rước lễ ngoài Thánh lễ.

Nguyễn Trọng Đa

Exit mobile version