Đơn giản, ngày xưa chưa có các phần mềm chỉnh sửa hình ảnh thì cứ “có sao ra vậy”. Ngày nay hoàn toàn khác hẳn, có khi khuôn mặt méo mó và thậm chí nhiều khiếm khuyết nhưng với tài nghệ của các cao thủ cộng với phần mềm thì sau những cú “cà cà con mouse” thì một cô bé lọ lem bỗng dưng trở thành một nàng công chúa.
Chính vì lẽ đó mà nhiều chàng thật chưng hửng khi bên kia giọng nói ngọt ngào truyền cảm lại là một khung hình “trơ đáy”. Hay có những chuyện nực cười của 2 kẻ thả thính nhau trên mạng xã hội, đến lúc gặp nhau thật thì hỡi ôi !
Vì chạy theo trào lưu của xã hội để rồi các nấc thang giá trị của con người về cái đẹp, về đạo đức, về luân thường đạo lý cũng bị đảo lộn.
Chưa bao giờ, có thể nói chưa bao giờ mà đứa trẻ ngày hôm nay bị áp lực học nặng nề đến như thế !
Thầy cô thì dùng hai sổ điểm : một để báo cáo cho trường để chạy thành tích, một để báo với phụ huynh như ngầm gợi ý phụ huynh cho con em đi học thêm dù học thêm bây giờ đang bị cấm. Thế là biết bao nhiêu tiêu cực xảy đến với chuyện bảng điểm đối phó và bảng điểm thực tế. Và, dĩ nhiên bảng điểm đối phó lúc nào cũng cao ngất để cô hay thầy đạt danh hiệu giáo viên dạy tốt chứ không sẽ bị cắt tiên tiến thi đua.
Hình như chưa bao giờ người ta lạm dụng mạng xã hội đến như thế. Bảng điểm của con, thành tích của con được các mẹ đua nhau khoe lên mạng để tăng thêm phần áp lực cho con cái.
Chính vì ép và con cái phải cố gắng bằng mọi cách để đạt được nên đằng sau phần thưởng – giấy khen đó quả là một hành trình gian nan khốn khó và cả cay đắng nữa. Cay đắng nhất là đứa trẻ không có dịp để sống thật với chính mình. Chính vì không thật ngay từ bé để rồi lớn lên làm sao có thể sống thật được nữa.
Hơn một lần cách đây vài tháng một gia đình phải đón nhận cái chết đắng của con vì áp lực học. Đứa con quá đau khổ, không tìm được nơi giải bày để rồi tìm đến cái chết cho thanh thản.
Hình như thấy phụ huynh chỉ khoe cái bảng điểm nhưng không hề nghĩ tới đàng sau cái bảng điểm đó là đủ thứ chuyện như ích kỷ, ghen tương và có khi là thù oán nhau khi tuổi của chúng còn quá nhỏ. Có trẻ, chỉ vì muốn điểm cao nên đã không ngần ngại dối cha dối mẹ rằng môn đó mình được cao điểm nhưng trong thực tế lại không phải như thế. Vô hình chung, cha mẹ tạo cho con cái của mình nói dối ngay từ nhỏ ngang qua chuyện học hành.
Chỉ vì đặt nấc thang giá trị của cuộc đời, của con người sai vị trí để rồi biết bao nhiêu hậu quả kèm theo đó.
Sau chuyện khoe bảng điểm là khoe nhà, khoe xe, khoe du học sinh, khoe đẳng cấp …
Thật ra, chuyện con người cần xây dựng đó chính là luân thường đạo lý, nhân văn, nhân cách và đạo đức của con người chứ không hẳn chỉ đánh giá ở trình độ tri thức.
Hẳn mọi người còn nhớ câu chuyện của một người kia đi phỏng vấn bị rớt chỉ vì tội nói dối dù trình độ tri thức của người đó thật cao. Khi bị từ chối, cô ta mới chợt nhận ra kẽ hở của mình là đã nói dối với vị lãnh đạo cao cấp. Thế là cô tiu nghỉu đi về vì cứ nghĩ rằng bằng cấp của mình thì không bao giờ bị loại bỏ. Điều người ta vẫn cần chọn một ứng viên vào bất cứ lãnh vực nào vẫn là đạo đức và lòng trung thực.
Đảo ngược thang giá trị của con người ngày hôm nay có lẽ người Việt Nam không học hỏi kinh nghiệm của những người ở đất nước phát triển.
Chẳng hạn như ở Mỹ, chuyện xe cộ, nhà cửa … ngay cả chiếc iphone của họ cũng là bình thường. Họ ở nhà thuê, đi xe cũ và xài điện thoại cùi bắp họ chả thấy gì là ngạc nhiên. Ngược lại, Việt Nam ta thì săm soi xem ở nhà gì, đi xe hiệu hay không và xài phone loại chi ?
Có một chuyện thật mà cứ tưởng như đùa đó là ở cái chợ Phúc Lộc Thọ ở Cali có người đi con Mẹc bóng loáng nhưng trong cốp xe lại là mì gói. Hóa ra rằng họ đánh bóng bề ngoài của họ bằng con xe thiệt đẹp nhưng bên trong hoàn toàn trống rỗng.
Cuộc đời là như thế đó ! Có người chỉ sống theo bề ngoài và chạy theo bề ngoài theo kiểu mà ngày nay ngươi ta gọi là sống ảo. Họ chỉ muốn khoe mẽ để cho người đời ngưỡng mộ họ nhưng thật sự bên trong họ chẳng có cái gì.
Có cô bé kia, nghĩ ra cũng tội. Cũng chỉ vì ham vui, mới sở hữu được đôi giày mới liền hí ha hí hửng cho lên khoe trên mạng xã hội. Trong khi đó, kẻ sở hữu cả con xe bạc tỷ, biệt thự triệu đô nhưng chả hề ai biết.
Vẫn là sự tự do để đặt để, định nghĩa giá trị sống của con người. Mà khổ cái ngày hôm nay người ta lại thích ảo hơn thích thật, thích chạy theo thành tích hơn là giá trị nhân văn, đua đòi vật chất hơn là vun đắp đạo đức của con người.
Người Giồng Trôm