Tôi xin trích ra đây bức thư từ một tạp chí. Một phụ nữ giải thích tại sao bà khó chấp nhận đức tin Kitô giáo. Bà viết:
Đừng nói với tôi về Chúa hay đem sách giáo lý đến nhà tôi, cũng đừng chặn tôi trên đường để nói về cứu rỗi. Địa ngục chẳng làm tôi đau đớn hơn hiện thực phũ phàng của đời tôi. Tôi thề rằng lửa địa ngục còn tốt hơn thực tế lạnh lẽo mà tôi đang sống.
Cũng đừng nói với tôi về Giáo hội. Họ biết gì về sự thất vọng chán chường của tôi, hay Giáo hội đứng sau những cánh cửa kính và chận những kẻ thấp hèn như tôi? Có khi tôi đã nghe lời nài nỉ mong tôi hồi tâm của họ, họ tìm cách làm cho niềm tin của tôi trở lại giữa các bức tường của họ.
Và tôi thấy Chúa của các người phản ánh trên dung mạo của các người khi các người quay mặt bỏ đi… Sự tha thứ không bao giờ đến… Tình yêu chữa lành mà tôi tìm kiếm thì các người cứ việc giữ khư khư.
Đi khuất mắt tôi và đứng có nói về Chúa nữa. Chúa của các người đã thể hiện nơi các người: một Thiên Chúa không có tình thương. Bao lâu mà Thiên Chúa vẫn còn để tôi ra khỏi hơi ấm tình người thì tôi vẫn không tin. (Marie Livingston Roy)
Khôn ngoan nằm ở sự đơn sơ. Bức thư này có sức mạnh vì nó đơn giản. Khi chúng ta không cảm nghiệm được hơi ấm tình người thì chúng ta sẽ không tin vào Tin mừng.
Sự thực là vậy, rốt cùng, chúng ta không thể trung thực rao giảng Tin mừng khi không thể mang cộng đoàn đến cho cử tọa.
Tôi nói là chúng ta không thể trung thực rao giảng, không phải vì người ta sẽ nhìn vào đời sống cộng đoàn thiếu sót của chúng ta và nói, “Anh không thực hành những gì anh rao giảng”, nhưng vì khi chúng ta không thể đem lại cho người nghe sự thân mật cộng đoàn thì việc lắng nghe Tin mừng làm cho họ ở vào tình trạng không thể chịu nổi và vô vọng. Tin mừng đòi hỏi họ bỏ lại một cuộc sống đàng sau nhưng không mở ra một lối đi rõ ràng cho cuộc sống mới.
Khi giảng dạy như vậy, tất cả chúng ta đang giống như các kinh sư và người Pha-ri-sêu trong Kinh Thánh, lấy lời Chúa mà đặt đủ thứ gánh nặng lên vai mọi người và chẳng làm gì có ích để đưa họ đến đời sống mới cả.
Tôi xin minh họa chuyện này.
Khi người thanh niên giàu có hỏi Đức Giê-su, “Tôi phải làm gì để có được sự sống đời đời?” Người trả lời, “Hãy bán hết của cải, đem cho người nghèo và đi theo Ta.” Tuy nhiên, khi Đức Giê-su nói, “Đến và đi theo Ta,” thì chúng ta có thể hiểu: “Đến và ở với chúng tôi, là thành viên của cộng đoàn này.”
Đức Giê-su đòi hỏi người thanh niên bỏ hết của cải, nhưng ngay lập tức Người đưa ra cho anh một đời sống khác trong cộng đoàn của Người.
Ngày nay, hầu hết chúng ta khi rao giảng đều không thể mang đến cho người khác con đường này. Vì thế lời giảng của chúng ta có thể không trung thực.
Giả dụ như sau bài giảng của tôi về công bình xã hội, một người đến gặp tôi nói: “Tôi đã được thuyết phục. Tôi sẽ bán hết của cải, cho người nghèo và theo Chúa cách trọn vẹn. Nhưng sau đó, tôi sẽ làm gì? Làm sao tôi nuôi sống gia đình tôi?”
Tôi không có câu trả lời. Tôi không thể nói với anh như Đức Giê-su nói, “Đến và sống với chúng tôi!” Tôi không thể cụ thể chỉ cho anh một cộng đoàn đón nhận và nuôi sống anh cùng gia đình. Bởi vậy lời giảng của tôi không trung thực. Tôi đòi hỏi nhưng không có một đường hướng thật sự. Tôi làm cho anh ta cảm thấy có lỗi mà không cho anh một lối thoát.
Điều này cũng đúng với nhiều lời giảng của chúng ta, chẳng hạn về luân lý tính dục.
Gần đây, tôi có nói chuyện với một cô ngoài ba mươi. Cô là người có đạo, thành thật và dấn thân theo cách của cô. Nhưng cô chưa lập gia đình, ở một mình và không có được một đức tin sâu đậm, không có chỗ dựa vững vàng về mặt tình cảm, cô có những chuyện yêu đương tình dục. Cô không thể phân định chúng theo luân lý, mà theo cảm tính.
Cô biết đó là chuyện bù trừ, một cái gì chưa phải là tốt nhất. Nhưng: “Giờ này, với hoàn cảnh của tôi, cô đơn, độc thân, tình dục hụt hẫng, ghen tị với những người lập gia đình có con cái hạnh phúc, thì những cuộc tình này thế chỗ cho những gì mà tôi không có. Thà có còn hơn không!”
Thật khó để đòi hỏi cô ấy về vấn đề này, nếu không mang đến cho cô một cộng đoàn cụ thể có thể nâng đỡ cô về mặt tình cảm, đức tin, để cô không cần phải rơi vào các quan hệ như vậy.
Giống như người thanh niên giàu có trong Kinh thánh, cô cũng buồn rầu bỏ đi, bỏ các mối tình của cô và cả Đức Kitô mà chính cô cũng nhận biết rằng đó là sâu sắc và chân thật hơn. Tuy nhiên mặc cảm tội lỗi của cô ít hơn người thanh niên giàu có.
Chưa một ai hay một nhóm nào thực sự đại diện cho Đức Kitô để nói với cô: “Hãy bỏ tất cả lại phía sau – và đến, sống với chúng tôi!”
Tinh thần Ki-tô giáo sẽ nên mạnh mẽ nếu chúng ta có những cộng đoàn sống động có thể đưa ra một đường hướng cụ thể cho những bù trừ tốt nhất mà thế giới này đem lại.
Khi hơi ấm tình người và cộng đoàn đích thực còn chưa mở rộng vòng ôm, thì chúng ta vẫn mãi còn nhiều người không tin và nhiều chiến đấu nơi những người tin.
Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser
Nguyễn Kim An dịch