‘Kẻ sĩ’… một thân phận!

1. Về quê, tớ ghé thăm Cha cố đáng kính. Gặp ông Chánh giáo xứ HB, hỏi thăm ‘kẻ sĩ’ thì được tin… sét đánh: Đã chết và chết rất thảm !

‘Chết rất thảm’ ở chỗ, chết không ai biết… Thấy mùi xú uế của xác chết, hàng xóm phá cửa vào thì phát hiện Anh chết từ lúc nào, xác đáng trương sình, thối rửa… Người nhà Anh vội đưa đi hỏa thiêu, tẩy uế nhà… Bây giờ vẫn còn mùi…

2. Thời sinh viên, tớ quen Anh một lần vào Cha cố thấy anh đi xe đạp cà tàng vào… bán sách cũ. Cha cố ‘mua’ mà thực thầm giúp đỡ tế nhị… Và thường thì ngài trả rất hậu hĩnh, thường vượt trội so với giá trị thật (hèn chi thấyAnh hay…. thăm Cha cố)

Qua nói chuyện, tớ thấy Anh xem ra am tường Đông Tây kim cổ, thời cuộc… Tớ vốn thích sách… nói bữa nào có sách hay mời vào nhà ngay sau Nhà xứ xem sao.

Thú thực tớ nói kiểu …xã giao, thế mà Anh vào thật, không phải bán sách mà là bán đĩa hát, mấy tờ báo cũ….

Nhìn đống đĩa CD- VCD cũ, mấy tờ báo cũ, xuống màu, nói thật tớ… phát ngán (!), song cũng mua hai đĩa nhạc CD ca nhạc không trả giá, dẫu mắc so với đĩa mới bán đầy cửa tiệm (âu cũng là cách giúp đỡ, tự an ủi thằng sinh viên nghèo vẫn ‘giúp đỡ’ mới có thêm giá trị).

Hỏi thăm, Anh cho biết không có vợ, ở một mình…

Thấy trên bàn tớ có quyển sách xem tướng pháp- chỉ tay gì đó, ‘kẻ sĩ’ xin mượn về nhà… Tớ nói thật, sách mượn người khác, đã đến hẹn trả, nếu cần thì cho mượn vài ngày rồi trả em. Anh hứa trả ngay sau hai ngày.

‘Kẻ sĩ’ quên lời hứa, cả hơn tháng vẫn quên lời hứa.

Khi gặp lại (vẫn trong nhà Cha cố), tớ ‘đòi thẳng’… Kẻ sĩ bảo… mất rồi và đền trả bằng tờ báo cũ mèn và ghi vài chữ đề tặng. Đối với kẻ sĩ, ‘món quà’ có lời đề tặng và chữ ký của mình là quan trọng lắm, quý lắm và như thế kể như đền trả quá lời cho tớ.

(Sau này có người nói tớ biết ‘kẻ sĩ’ có cái tật mượn sách chỗ này đem… bán chỗ khác).

Anh còn thêm cái tật… kẻ sĩ khác: nếu không có hẹn, đến thăm nhà ngẫu hứng, nhất định không tiếp. (Thời tớ mới là Linh mục, có dịp thăm cha cố, ngang qua nhà ‘kẻ sĩ’, thấy cổng mở, ngẫu hứng ghé thăm, Anh ra nói không có hẹn không tiếp, đang bận và đóng… sập cửa trong tiếng sủa inh ỏi của mấy con chó).

Có lần thời ‘lông nhông’ làm báo, tớ đã vào nhà ‘kẻ sĩ’… Tớ tiếc hùn hụt- một đống sách đóng bìa cứng, toàn tiếng Anh- Pháp và cả Nga nữa đã thành mồi cho bọn mối do ẩm mốc.

Anh cho biết ngoài tiếng Anh- Pháp còn nói thông thạo được tiếng Liên Xô (Nga), thứ tiếng một thời đại quan nào đó đạt trình ‘đỉnh cao trí tuệ’ bắt học, coi như ngôn ngữ thứ hai (còn tiếng Anh quốc tế, dẹp bỏ!; sau thất anh Nga không hợp với xu thể phổ quát thế giới, lại quay lại tiếng Anh như ‘ngụy quyền’ thời trước 1975 ở miền Nam… Thế là đi… luôn mấy thế hệ lỡ nhịp với thế giới).

Anh tự học. Nể ở chỗ đấy !…

– Anh giỏi ngoại ngữ thế, nhất là tiếng Anh đang thời hot sao không mở lớp dạy thêm, hay dạy ở các trung tâm ngoại ngữ vừa có thu nhập ổn định, vừa đỡ phải lông nhông xe đạp bán sách, bán linh tinh; vừa có tiền để sửa nhà cửa, có kệ sách cao ráo, đảm bảo đống sách quý không ẩm ướt, mối mọt…

Hình như lời nói chân tình từ trực quan sinh động của tớ làm ‘kẻ sĩ’ phật lòng… Rồi anh bảo số Anh thập niên gần 50 tuổi sẽ phát tài, giàu lắm… Hãy đợi xem !

– Sao Anh không lấy vợ ?

Tớ lại hỏi câu trong … ‘vùng cấm’ làm anh khó chịu ra mặt…

Anh không trả lời, nói sang chuyện văn chương… Nào là quen thân nhà văn này, nhà thơ nọ (nổi tiếng trước năm 1975), nào là có bài thơ đăng trên báo này, tạp chí nó…

(Lúc này tớ đang làm báo, định ‘nổ’ để kẻ sĩ … tịt ngòi, đừng sống mơ mộng, đại khái : Ối giời, đăng báo thì có gì lạ ! Em có hàng trăm tin bài đăng báo, kể cả những tờ báo hàng đầu ở Việt Nam. Còn truyện ư, em không dám mình là nhà văn, lều văn cũng chẳng dám nhưng cũng được đăng nhiều truyện ngắn, thậm chí có hai truyện ngắn đọc trên đài quốc tế Hoa kỳ (Việt ngữ)… Nhưng tớ lại bỏ ý định…. chọc giận Anh).

Anh có vẻ đang bất mãn với thời cuộc, thời người trí thức, người tài không có đất dụng võ; thời ‘đỉnh cao tí tuệ’ của hạng rừng rú…

3. Anh có vợ, em gái của một người Bạn.

Nhưng tính Anh hoang tưởng, mơ mộng nên vợ Anh rất vất vả…

Là thằng đàn ông, anh không làm điểm tựa đảm bảo cuộc sống cho vợ đã là cái tội lớn, thế mà Anh còn đòi hỏi, chiều chiều hay ít ra những ngày cuối tuần bắt vợ dạo công viên, tay vòng tay tình tứ như hàng quý tộc ở các nước văn minh…

Vợ anh không chịu được, đành bỏ về nhà mẹ,

Anh tự ái, chẳng thèm xuống xin lỗi, rước vợ…

Thế là vợ chồng ‘ly thân’ từ ấy, dù khoảng cách nơi vợ ở chưa đầy 10 cây số, nhưng Anh nhất quyết không chịu ‘hợp phố’, có đến mấy chục năm, đến khi Anh mất trong cảnh đơn độc.

4. Tớ gọi Anh là ‘kẻ sĩ’[1] hiểu theo là người có ‘trí’ mà không ‘thức’ (thời), ảo tưởng về mình, xơ cứng trong ảo tưởng (không có khả năng biến đổi)… vừa hiểu theo kiểu… sĩ rỏm, ra vẻ.

(‘Kẻ sĩ’ như Anh dườn như xã hội hiện đang gọi độc từ là…‘lú’, dẫu là giáo sư, tiến sĩ)

Chiều nay tớ Dâng Lễ cầu nguyện cách riêng cho Anh- một ‘kẻ sĩ’.

Lm.Đaminh Hương Quất

[1] ‘Kẻ sĩ’ theo Từ điển Tiếng Việt chỉ người trí thức thời Phong kiến

Exit mobile version