Tôi xin thêm điều này: tôi rất thích đi xưng tội; tôi luôn thấy việc này đầy giải thoát, tươi mát và gợi hứng. Thường thì tôi đi xưng tội tại nhà thờ địa phương. Nhưng đôi khi, nhân đi qua nhà thờ St Patrick và gặp giờ giải tội là tôi bước vào, vì điều tuyệt diệu về nhà thờ St Patrick là bạn sẽ không bao giờ biết bạn sẽ được xưng tội với vị linh mục nào, có thể đó là một vị linh mục già người Ái Nhĩ Lan từ Boston tới, hay một nhà huyền nhiệm từ Phi Luật, hay một nhà trí thức trẻ mới xuất thân từ Rôma. Có lần, qua chiếc màn của tòa giải tội, tôi còn được nghe giọng nói hân hoan của Đức Hồng Y New York. Nhưng bất kể tôi gặp vị nào, vị ấy cũng đều nói một điều gì đó tôi cần được nghe.
Dù sao, mùa hè năm trước, tôi cũng đã có mặt ở nhà thờ St Patrick vào buổi chiều của một ngày trong tuần và tôi tiến tới khu vực tòa giải tội để xếp hàng. Trong các tòa giải tội ở nhà thờ St Patrick, bạn qùy tại một bàn qùy nhỏ, tối và nói qua một chiếc màn. Bạn chỉ thấy bóng vị linh mục ở phía bên kia.
Cửa mở ra và tôi bước vào, qùy gối xuống. Tôi kể hết các tội mình nhớ được, thổ lộ bất cứ những gì tôi lo lắng hay bối rối hoặc cảm thấy sung sướng. Rồi thinh lặng, chờ xem điều gì sẽ được nêu ra sau đó. Điều được nêu ra là vấn đề thiêng liêng cốt lõi vẫn làm tôi băn khoăn xưa nay. Chúng tôi đề cập tới vấn đề đó, rồi với một giọng Mỹ đặc, trạc chừng trung niên, vị linh mục nói “con sẽ không phải vật lộn với vấn đề này nếu con hiểu Thiên Chúa yêu thương con trọn vẹn biết chừng nào”.
Giữ im lặng một lúc, tôi thưa lại “Nhưng thưa cha, lúc nào con cũng phải vật lộn với vấn đề này”. Tôi nghĩ vị linh mục hẳn sẽ nhã nhặn giải thích cho tôi hiểu tôi đã lầm lẫn ra sao khi hoài nghi. Nhưng không, ngài ôn tồn bảo tôi “Tất cả chúng ta ai cũng vật lộn như thế cả! Ai trong chúng ta cũng bối rối về vấn đề này”. Tôi hỏi: “ngay cả cha à?” “Đúng, cả các linh mục nữa, tình yêu Thiên Chúa là điều tất cả chúng ta ai cũng thấy khó mà hiểu và tin được”. Điều này làm tôi ngạc nhiên hết sức.
Rồi bỗng nhiên trong cảnh thinh lặng ấy, ở phía bên kia bức màn, tôi thấy lóe lên một tia sáng. Tia sáng ấy lớn dần rồi rực rỡ trong bóng tối, lại còn di động nữa. Một phép lạ chăng? Nhưng rồi tôi thở nhẹ. “Thưa cha, có phải cha vừa mở chiếc ipad?”. Ngài trả lời: đúng thế, và cả hai chúng tôi phá lên cười. Ngài lưu giữ một số bài đọc trong đó để sử dụng khi gặp những câu hỏi đặc biệt. Ngài muốn tôi đọc một số câu trích khi trở về nhà.
Tôi thưa: “Xin lỗi, con không có giấy bút ở đây, chắc con không nhớ nổi điều cha dặn đâu. À, xin cha đợi một chút, con có chiếc BlackBerry ở đây. Cha cho con biết số chương và số câu, con sẽ e-mail chúng cho chính con”.
Thế là ngài chuyển trục xuống (scrolled down) và đọc to các bài đọc cho tôi nghe, đó là các thư của Thánh Phêrô và của Thánh Phaolô. Tôi cứ thế ghi lại các chi tiết và e-mail về cho chính mình.
Quả là chuyện hiện đại và kỳ diệu. Thiên tài kỹ thuật quả đã bước vào tòa giải tội trong một nhà thờ chính tòa vĩ đại của năm 2012. “Thiên Chúa thấy ánh sáng và ánh sáng thật là tốt lành”.
(Vũ Văn An, Vietcatholic 02-01-2013)