Hưu mục vụ nhưng không hưu thao thức

huu muc vu nhung khong huu thao thuc - Hưu mục vụ nhưng không hưu thao thức

83 tuổi đời, 51 năm linh mục, suốt quãng đường đó, cha Tôma Phạm Ngọc Dương (giáo phận Mỹ Tho) luôn là con người của công việc và sự lo lắng suy tư. Trải qua thời gian dài phục vụ nhưng với cha, mỗi một ngày trôi qua đều là hồng ân như ngày đầu mới bước chân lên bàn thánh, để ở đó cha luôn trong tâm thế yêu thương, đầy tràn nhiệt huyết…

Một đời vì đàn chiên

Chúng tôi gặp cha Dương tại nhà hưu dưỡng nằm trong Trung tâm Mục vụ Mỹ Tho. So với tuổi thì ông cố vẫn còn khỏe và đầy minh mẫn. Cha vốn là người con gốc Bùi Chu, di cư vào Nam khi còn là cậu thanh niên 18 tuổi. Trong câu chuyện đời mình, cha luôn nhớ về hành trình ơn gọi. Lên 10 tuổi, ngoài tham gia ban giúp lễ, cậu lễ sinh còn được chọn vào ca đoàn để đàn hát. Chính sự nhiệt tình tham gia công việc nhà Chúa, nên cậu bé Phạm Ngọc Dương được cha xứ khích lệ đi tu và được giới thiệu với một cha giáo Ðại Chủng viện nhận làm con tinh thần. Trong cuộc thi tuyển vào Tiểu Chủng viện Bùi Chu năm đó, cậu không chỉ đạt kết quả tốt mà còn đậu thủ khoa, được Ðức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Giám mục Bùi Chu khen thưởng và đón nhận vào Chủng viện để tu học. Bước đường đầu đời tận hiến được nhiều khích lệ nên cha luôn xem đó như một hồng ân.

Tiếp theo quá trình ơn gọi, nhất là trong nửa thế kỷ sau đó làm người tôi tớ chăn dắt đoàn chiên của Chúa, cha hăng say lên đường đến với những miền đất mà giáo phận cắt cử, với đức khiêm tốn vâng lời. Có những xứ đạo nằm giữa khu dân cư ở vùng đồng bằng, nhưng cũng nhiều nơi heo hút xa xôi. Dù ở đâu, cha Dương đều gởi trọn tâm huyết, cộng với kinh nghiệm mục vụ nên các hoạt động trong xứ diễn ra khá êm thấm. Trong bổn phận của mình, cha luôn ý thức trách nhiệm mà Hội Thánh trao cho các thừa tác viên linh mục với ba mục đích là giảng dạy, thánh hóa và quản trị cộng đồng. Chính vì vậy, khi coi sóc đàn chiên các giáo xứ, việc giảng dạy giáo lý được cha quan tâm đặc biệt. Các chương trình tổ chức cụ thể, đội ngũ giáo lý viên được xây dựng bài bản. Riêng với các khóa giáo lý hôn nhân thì trong mỗi tiết dạy, cha đi sát vào thực tế, lắng nghe và chia sẻ cùng các cặp đôi về những băn khoăn, trở ngại. “Chị có đứa con gái lấy chồng là đạo mới nhưng nhờ cách giáo dục của cha đã ăn sâu nên giờ dù con có ở xa gia đình, chị cũng rất tin tưởng vào đức tin của con”, chị Nguyễn Phạm Bích Ngân, một tín hữu giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình (GP Mỹ Tho) tâm sự. Trong từng thánh lễ, mỗi bài giảng cũng được cha chăm chút tỉ mỉ với tâm niệm, lời giảng dạy trong lễ là cách để mọi người nắm vững căn bản, niềm tin sống đạo.

Trong chuỗi ngày dài dấn thân, quãng thời gian gắn bó với giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình, ngôi nhà thờ nằm gọn trong khuôn viên Trung tâm Mục vụ mà ông cố đã từng phục vụ từ năm 1992-2008 trong cả vai trò phó xứ và chánh xứ, được bà con nhắc đến nhiều. Ở thời điểm mọi người phải lo gánh nặng mưu sinh, việc nhà Chúa có tuần phải bỏ dở vì đi làm ăn xa thì cha đứng ra lo liệu tất cả, sáng dạy học, chiều dạy nhạc cho ca đoàn… Bộn bề nhưng tất cả đều tươm tất. “Nói về cha, bản thân tôi chỉ biết gói gọn trong hai từ đơn sơ. Ðơn sơ trong cách sống hằng ngày, còn đổi lại, về chuyện nhà xứ thì ngài lại lo rất chỉn chu. Chỉn chu không phải những thứ cầu kỳ bề ngoài nhưng rất thực tế, đúng suy nghĩ và những điều giáo dân cần”, anh Giang Công Danh, thành viên trong ca đoàn, người từng làm việc với cha trong một thời gian dài nhận xét.

Những nỗi niềm sau một đời tận tụy

Trong buổi trò chuyện, chúng tôi nhận ra giờ đây, dù không còn làm việc chính thức, cha vẫn mang rất nhiều ưu tư. Trong đó, niềm mong ước lớn nhất nơi vị linh mục tuổi ngoài bát tuần là làm sao để mỗi tín hữu xây đắp cho mình lòng mến nhiệt thành. Có lẽ vậy nên trong khoảng thời gian còn coi sóc xứ đạo, cha luôn nhắc nhở bà con mỗi khi tham dự thánh lễ, các Bí tích, hay việc đạo đức… phải trang nghiêm sốt sắng, tránh tình trạng hời hợt, qua loa, vì đó là đỉnh cao trong đời sống đạo của người Kitô hữu. Chính những lời nhắc nhở này, như mưa dầm thấm lâu, đã giúp giáo dân sống đạo cách tích cực hơn.

Vốn là người từng học về mỹ thuật, hội họa nên trong việc kiến thiết xây dựng mỹ thuật thánh, những lần được mời tham gia hay đóng góp ý kiến xây dựng thánh đường hoặc một công trình Nhà Chúa ở nơi này, nơi nọ, cha luôn khuyến khích sự hài hòa, đơn giản, tránh tốn kém. Chỉ cần hướng đến mục đích là nơi quy tụ giáo dân lo việc phượng thờ chứ không phải chạy theo vẻ đồ sộ bên ngoài. “Ngày nay Giáo hội cảnh tỉnh là nhiều thánh đường xinh đẹp tại châu Âu đang không được dùng đến, nên đừng quá lãng phí mỗi khi xây dựng nhà Chúa. Nơi thờ phượng chỉ cần cao ráo thông thoáng, đủ rộng để quy tụ giáo dân lo việc đạo đức, không cản trở tầm nhìn về cung thánh, bàn thờ, giảng đài. Ðặc biệt trang trí cung thánh với hình hài, màu sắc, hoa văn có ý nghĩa liên hệ niềm tin trong đạo”, cha tâm niệm.

Sau ngày thụ phong linh mục, một thời gian cha là cha giáo tại Tiểu Chủng viện Gioan 23. Ngoài trách nhiệm giảng dạy về văn chương, hội họa, âm nhạc, cha còn phụ trách sinh hoạt chung của chủng viện trong mảng phụng vụ, đàn hát. Vậy nên, ở mỗi thánh lễ, thánh nhạc cũng là điều theo cha cần phải đòi hỏi kỹ càng. Nên chọn những bài thánh ca có ý nghĩa, phù hợp với nghi thức phụng vụ cử hành, nhất là giáo dân cần được khích lệ hăng say ca khen chúc tụng Chúa.

Ngần ấy những trăn trở, dù không phải quá nhiều, nhưng thể hiện cho một tinh thần luôn đồng hành, tất cả phát xuất từ lòng mến và sự nhiệt thành của cha với Giáo hội.

PHÚ THỊNH

Exit mobile version