THÁNH BỘ TRUYỀN GIẢNG PHÚC ÂM CHO CÁC DÂN TỘC
HUẤN THỊ
COOPERATIO MISSIONALIS
về việc CỘNG TÁC TRUYỀN GIÁO
01/10/1998
*****
GIỚI THIỆU CHUNG
Huấn thị VỀ SỰ CỘNG TÁC TRUYỀN GIÁO
Ngày 13/11/1998, Bộ Truyền Giáo, hay cũng gọi là Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho các dân tộc, đã công bố Huấn thị “Cooperatio missionalis” (Cộng tác truyền giáo), thay thế Huấn thị “Quo Aptius” ban hành cách đây 29 năm (1969) dưới thời Đức Phaolô VI. Huấn thị mới được sửa soạn dưới ảnh hưởng của bộ giáo luật mới và Thông điệp “Redemptoris Missio” (Sứ Vụ Đấng Cứu Chuộc), do Đức thánh cha Gioan-Phaolô II ban hành 8 năm trước (1990).
Huấn thị “Cooperatio missonalis” được soạn thảo trong vòng ba năm qua : trước hết, Khóa họp khoáng đại của Bộ Truyền Giáo, hồi cuối tháng 4 năm 1995 (25-28.4.1995) đã cứu xét vấn đề và đưa ra những đề nghị cụ thể. Tiếp đến, vấn đề này được bàn đến trong khóa họp đặc biệt vào năm sau đó (29.4-1.5.1996) tại Rôma với sự tham dự của các giám mục Chủ tịch Uỷ ban Giám mục về Truyền giáo cùng với các vị giám đốc toàn quốc các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo được chọn theo tiêu chuẩn đại diện cho toàn Giáo Hội.
Huấn thị mới của Bộ Truyền Giáo, tuy duy trì nòng cốt của Huấn thị cũ, nhưng canh tân cho hợp với hoàn cảnh và những nhu cần mới ngày nay. Huấn thị về việc cộng tác truyền giáo nhắm tới ba mục tiêu : 1/ tái khẳng định những nguyên tắc đạo lý làm nền tảng cho sự cộng tác truyền giáo trong Giáo Hội ; 2/ đề ra những quy định về sự cộng tác truyền giáo, đặc biệt là về các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, nhất là về tương quan giữa Bộ Truyền Giáo và các Hội Đồng Giám Mục ; 3/ khích lệ và xác định việc thực hiện một số sáng kiến cộng tác truyền giáo của các giáo phận thuộc Bộ Giám Mục nhằm hỗ trợ các Giáo Hội trẻ.
Văn kiện mới của Bộ Truyền Giáo dài 14 trang khổ lớn, chia làm 21 đoạn : ngoài phần nhập đề và kết luận, Huấn thị lần lượt trình bày các nguyên tắc đạo lý căn bản, và các quy định thực hành, trước hết về vai trò của các Hội Giáo Hoàng trong việc cộng tác truyền giáo ; tiếp đến về cơ cấu của các Hội Đồng Giám Mục để cộng tác truyền giáo ; sau đó là sự phối hợp các tổ chức cộng tác truyền giáo ; sau đó là sự phối hợp các tổ chức cộng tác truyền giáo tại các nước ; tương quan giữa Bộ Truyền Giáo và các Hội Đồng Giám Mục về việc cộng tác truyền giáo ; sau cùng là những hình thức đặc biệt và mới mẻ trong việc cộng tác truyền giáo.
Sau đây, chúng tôi xin gửi đến quý vị một số ý tưởng và quy định nổi bật trong văn kiện mới của Bộ Truyền Giáo.
Sau khi nhắc lại nguyên tắc truyền giáo là điều thuộc về bản chất của Giáo Hội ; tất cả mọi tín hữu đều có nghĩa vụ và quyền lợi được tham gia vào sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội, Huấn thị mới nhấn mạnh rằng Quyền Bính tối cao trong Giáo Hội đã đặt để Bộ Truyền Giáo là tổ chức trung ương duy nhất để hướng dẫn và phối hợp các sáng kiến và các hoạt động truyền giáo tại bất kỳ nơi nào trong toàn Giáo Hội. Các Giáo Hội địa phương cũng có vai trò tương tự : Uỷ ban về Truyền giáo thuộc Hội Đồng Giám Mục lo cho toàn quốc, và Ủy ban giáo phận lo cho địa phận của mình (n. 3).
Huấn thị đề ra một loạt các quy định thực hành về sự cộng tác truyền giáo. Trước hết là vai trò của bốn Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo :
– Thứ I : Hội Truyền Bá Đức Tin nhắm khơi dậy mối quan tâm của toàn thể các thành phần Dân Chúa đối với công cuộc truyền giáo và cổ võ các Giáo Hội địa phương trợ giúp tinh thần và vật chất cũng như trao đổi nhân sự truyền giáo.
– Thứ II : Hội Nhi Đồng Truyền Giáo giúp khơi dậy nơi các thiếu nhi ý thức truyền giáo.
– Thứ III : Hội Thánh Phêrô Tông Đồ giúp dân Chúa ý thức về tầm quan trọng của hàng giáo sĩ địa phương nơi các miền truyền giáo và cộng tác tinh thần và vật chất vào việc đào tạo hàng giáo tu sĩ thuộc các xứ truyền giáo.
– Thứ IV : là Liên Hiệp Truyền Giáo, nhắm huấn luyện và giúp các linh mục, chủng sinh, các tu sĩ nam nữ cũng như giáo dân về nghĩa vụ truyền giáo.
Tóm lại, cả 4 Hội trên đây đều có chung mục đích cổ võ tinh thần truyền giáo phổ quát giữa lòng Dân Chúa (n. 5). Việc điều khiển các Hội này, ở cấp cao nhất, được Đức thánh cha ủy thác cho Bộ Truyền Giáo ; và ở cấp địa phương, hoạt động của các Hội này được uỷ cho Hội Đồng Giám Mục và các giám mục giáo phận, phù hợp với quy chế của mỗi hội (n. 6)
Huấn thị quy định rằng : “Tại mỗi quốc gia, thường thường chỉ có một vị Giám đốc toàn quốc cho cả 4 Hội Giáo Hoàng truyền giáo. Trong một số trường hợp, một vị Giám đốc có thể đặc trách các hội này tại nhiều quốc gia. Việc bổ nhiệm vị Giám đốc toàn quốc các Hội Giáo Hoàng truyền giáo thuộc thẩm quyền của Bộ truyền giáo, theo danh sách 3 ứng viên do Hội Đồng Giám Mục đệ trình, qua trung gian của vị Đại Diện Tòa Thánh tại quốc gia liên hệ. Nhiệm kỳ của vị Giám đốc toàn quốc là 5 năm, và chỉ có thể gia hạn thêm một nhiệm kỳ thứ hai mà thôi” (n. 7)
Huấn thị mới của Bộ Truyền Giáo truyền rằng : “Các vị Giám đốc toàn quốc các Hội Giáo Hoàng truyền giáo, không thể vì bất cứ lý do nào, mà được phép dùng vào mục đích khác, các ngân khoản đã quyên góp cho các xứ truyền giáo, trong Ngày Thế Giới Truyền Giáo hoặc trong những dịp đặc biệt khác. Đó là một nghĩa vụ theo lương tâm và điều tối hệ trọng để không làm thương tổn sự phân phối công bình và phổ quát các khoản tài trợ mà các Hội Giáo Hoàng truyền giáo đảm trách nhân dân Đức Giáo Hoàng và Hội Đồng Giám Mục” (n. 8).
Về điểm này, trong đoạn số 13, Huấn thị quy định rằng : “Về việc trợ giúp tài chánh, kết quả của ngày thế giới truyền giáo hoặc các cuộc lạc quyên, thu góp khác có tính chất truyền giáo, cần lưu ý mỗi giáo phận phải mau lẹ chuyển cho các Văn Phòng Tổng Thư Ký các Hội Giáo Hoàng truyền giáo ở Rôma, qua trung gian của Ban giám đốc toàn quốc các Hội Giáo Hoàng truyền giáo, tất cả số tiền các tín hữu tự nguyện dâng cúng cho các Hội Giáo Hoàng truyền giáo và gửi cho Bộ Truyền Giáo số tiền đóng góp của giáo phận theo tỷ lệ lợi tức của giáo phận, chiếu theo đường hướng của Hội Đồng Giám Mục. Rồi cũng phải luôn luôn tuân hành nguyên tắc : “Tiền dâng cúng của các tín hữu cho một mục đích nào đó, thì có thể được dùng vào mục đích đó mà thôi” (n. 13).
Sang đến các cơ cấu của các Hội Đồng Giám Mục để thực hiện sự cộng tác truyền giáo, Huấn thị, do Bộ Truyền Giáo công bố khẳng định rằng : “Vì trách nhiệm chung của các giám mục đối với công cuộc truyền giáo, nên trong tất cả các Hội Đồng Giám Mục phải thiết lập một Uỷ Ban Giám Mục về truyền giáo, với nhiệm vụ tăng cường việc truyền giáo cho dân ngoại, linh hoạt và cộng tác truyền giáo trong những hình thức khác nhau, duy trì liên lạc với Bộ Truyền Giáo và với Hội Đồng Giám Mục, để bảo đảm sự thống nhất trong hoạt động (n. 10).
Trong số các công tác của Uỷ ban giám mục về truyền giáo, có điều khoản này là : “Phải lo liệu sao cho tất cả các ngân khoản quyên góp được cho công cuộc truyền giáo phải được trao hoàn toàn cho quỹ chung cho các xứ truyền giáo nơi các Văn Phòng Tổng Thư Ký các Hội Giáo Hoàng truyền giáo, hầu phân phối một cách công bằng các khoản tài trợ cho các Giáo Hội trẻ và các hoạt động liên hệ tới công cuộc truyền giáo hoàn vũ” (10,c)
Uỷ ban giám mục này cũng có nhiệm vụ đề nghị với Hội Đồng Giám Mục số tiền mà mỗi giáo phận phải đóng góp hàng năm, theo tỷ lệ lợi tức của mình, cho công cuộc truyền giáo, và gửi về Bộ truyền giáo. Sự đóng góp này là điều cần thiết, xét vì những nhu cầu phát triển truyền giáo ngày càng gia tăng và những ngân khoản các tín hữu tự quyên góp không đủ (10,d).
Bộ Truyền Giáo cũng yêu cầu mỗi Hội Đồng Giám Mục thành lập một “Hội đồng toàn quốc về truyền giáo” để đề ra chương trình, hướng dẫn và duyệt xét những hoạt động chính trong sự cộng tác truyền giáo trên bình diện quốc gia. Thành viên của Hội đồng này gồm có vị Chủ Tịch Uỷ Ban Giám Mục về truyền giáo, vị Giám đốc toàn quốc các Hội Giáo Hoàng truyền giáo ; các vị tổng thư ký toàn quốc các Hội Giáo Hoàng truyền giáo, các linh mục giáo phận do Ủy Ban giám mục chọn, các đại biểu của các dòng Truyền giáo và các dòng tu khác hoạt động tại các xứ truyền giáo, Đại biểu của các hội thừa sai giáo dân” (n. 12)
Về liên hệ giữa Bộ Truyền Giáo và các Hội Đồng Giám Mục trong việc cộng tác truyền giáo, Huấn thị mới cho biết Bộ Truyền Giáo mời gọi tất cả các Hội Đồng Giám Mục và mỗi giám mục giáo phận gặp gỡ, thông tin và thiết lập chương trình về truyền giáo, trong dịp các vị về Rôma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Toà Thánh. Ngoài ra, các vị Chủ tịch các Uỷ ban Giám mục về Truyền giáo, ngoài các cuộc thăm viếng cá nhân tại Bộ truyền giáo, còn được mời tham dự các cuộc gặp gỡ về cộng tác truyền giáo mà Bộ này tổ chức theo định kỳ hoặc không định kỳ tại Rôma hoặc các trung tâm khác. Cũng vậy, các đại diện của Bộ truyền giáo cũng tham dự các cuộc gặp gỡ quốc gia hoặc đại lục, về truyền giáo để trao đổi kinh nghiệm và sáng kiến, củng cố mối dây hiệp thông và cộng tác giữa Tòa Thánh và các Giáo Hội địa phương.
Sau cùng, Huấn thị của Bộ Truyền Giáo bàn đến các hình thức mới về sự cộng tác truyền giáo, như gửi các linh mục giáo phận, các tu sĩ và giáo dân đi hoạt động tại các xứ truyền giáo, sự kết nghĩa giữa các giáo phận với nhau, tuy nhiên không nên vì thế mà giới hạn địa bàn hoạt động truyền giáo của giáo phận, hoặc giảm bớt sự cộng tác với các Hội Giáo Hoàng truyền giáo. (nn. 16. 18).
THÁNH BỘ TRUYỀN GIẢNG PHÚC ÂM CHO CÁC DÂN TỘC
HUẤN THỊ
COOPERATIO MISSIONALIS
về việc CỘNG TÁC TRUYỀN GIÁO
NHẬP ĐỀ
Để hưởng ứng ngày càng tích cực hơn mệnh lệnh của Đức Giáo Hoàng là tổ chức và phối hợp công cuộc Phúc Âm hóa và cộng tác truyền giáo trên khắp thế giới, bằng mọi nỗ lực, Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc đã khẳng định rằng : “một khi đã có đầy đủ tinh thần truyền giáo và ý thức trách nhiệm của mình, Dân Chúa sẽ cộng tác vào hoạt động truyền giáo một cách hiệu quả qua lời cầu nguyện, qua việc minh chứng bằng chính đời sống, tham gia các hoạt động và hỗ trợ về mặt tài chính” (1) .
Nhận thấy Công Đồng Vatican II đã hết sức nhấn mạnh tới trách nhiệm của Đức Giáo Hoàng, của Giám Mục Đoàn cũng như của mỗi giám mục trong việc loan báo Tin Mừng (2), Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc mới rút ra kết luận là phải coi việc tìm hiểu các lý do thần học và nhất là tìm hiểu cách áp dụng chủ đề cộng tác truyền giáo là trách nhiệm và dấn thân chung của Toà Thánh cũng như của các Giáo Hội địa phương. Công việc này đã được thực hiện trong phiên họp khoáng đại của Thánh Bộ từ ngày 25 đến ngày 28 tháng 6 năm 1968, và từ đó đưa ra Huấn thị “Quo Aptius”, đã được Đức Phaolô VI phê chuẩn (3).
Nối gót cao trào mới do bộ Giáo Luật (4) và Thông điệp “Redemp-toris Missio” của Đức Gioan Phaolô II làm dấy lên (5), Thánh Bộ lại đưa đề tài này ra thảo luận trong phiên họp khoáng đại năm 1995 của mình, từ ngày 25 đến 28 tháng 4, và từ đó đã đưa ra một số “đề nghị cuối cùng” rất cụ thể và có giá trị.
Đề tài này một lần nữa lại được đem ra cứu xét, trong khuôn khổ đồng trách nhiệm, qua một hội nghị đặc biệt được tổ chức tại Rôma từ ngày 29 tháng 4 đến ngày 1 tháng 5 1996, với sự tham dự của một số giám mục chủ tịch các “Uỷ ban giám mục đặc trách việc truyền giáo” và các vị giám đốc các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo cấp quốc gia (PMS : “Pontifical Mission Societies”) được chọn theo tiêu chuẩn đại diện toàn thể Giáo Hội.
Cả phiên họp khoáng đại của Thánh Bộ năm 1995 và hội nghị năm 1996 đều góp phần cho chúng ta mở cuộc duyệt xét Huấn thị “Quo Aptius”, tuy vẫn còn hiệu lực nếu xét về nội dung căn bản, nhưng rất cần xem xét lại toàn bộ.
Thế nên, qua Huấn thị này, Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc muốn nhắm tới ba mục tiêu :
1. Xác nhận lại những nguyên tắc giáo thuyết, làm nền tảng cho việc cộng tác truyền giáo.
2. Cung cấp những chỉ dẫn cho việc cộng tác truyền giáo, có tham khảo đặc biệt các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, và những chỉ dẫn cho việc thiết lập quan hệ giữa Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc và các Hội đồng Giám mục.
3. Cổ võ và xác định những phương cách cụ thể giúp thực hiện một số sáng kiến trong việc cộng tác truyền giáo tại các giáo phận thuộc các lãnh thổ theo luật chung, sao cho các Giáo Hội trẻ được lợi.
Một số giám mục thuộc các “Ủy ban giám mục đặc trách việc truyền giáo” và nhiều vị giám đốc các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo đã cùng nhau soạn ra Huấn thị này, trong đó có nội dung của Huấn thị “Quo Aptius” đã được duyệt lại hoàn toàn.
Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc hy vọng rằng kết quả duyệt xét lại trên đây sẽ góp phần tạo ra một cao trào mới cho việc cộng tác truyền giáo. Điều này rất cần thiết để Giáo Hội có thể mở một “Mùa Xuân mới của Tin Mừng” trong công cuộc truyền giáo cho các dân ngoại (6), như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng mong muốn.
NHỮNG NGUYÊN TẮC GIÁO THUYẾT
1. Nền tảng và việc triển khai liên tục sứ mạng truyền giáo cho các dân ngoại (“ad gentes”)
“Tự bản chất Giáo Hội lữ hành vốn là Giáo Hội truyền giáo” (7). Giáo Hội ấy đã nhận được lệnh xúc tiến kế hoạch cứu độ toàn cầu, là kế hoạch từ đời đời đã được khai sinh từ “nguồn của mọi tình yêu”, hay từ tình yêu thương của Chúa Cha. Trước mặt thế giới, Giáo Hội xuất hiện để tiếp tục mầu nhiệm và sứ mạng của Đức Kitô, đấng Cứu Chuộc duy nhất và nhà Truyền Giáo đầu tiên của Chúa Cha. Giáo Hội đúng là “bí tích phổ quát của ơn cứu độ”(8). Giáo Hội khắp nơi trên thế giới được thống nhất lại là nhờ Chúa Thánh Thần, cũng là nhân vật chính yếu xúc tiến công cuộc truyền giáo. Nhờ Chúa Thánh Thần, Giáo Hội có được sự sáng suốt và mạnh mẽ để công bố sự thật của Đức Kitô và Chúa Cha qua sự mặc khải của Ngài. Thế nên, tự bản chất, công cuộc truyền giáo của Giáo Hội vốn đã có tính “Ba Ngôi”.
Giáo Hội ý thức rất sâu xa bản sắc và sứ mạng của mình. Giáo Hội có được kinh nghiệm này là qua sự cam kết dấn bước của con cái mình.
Nay chúng ta lại có dịp nghe vọng bên tai mình một cách hết sức mạnh mẽ và rõ ràng mệnh lệnh mà Chúa Phục Sinh đã ban cho các Tông Đồ xưa kia : “Hãy đi và dạy dỗ muôn dân, đồng thời làm phép Rửa cho họ” (Mt 28,19). Giáo Hội không thể và sẽ không sao lãng trách nhiệm ấy vì xác tín rằng mọi người đều có quyền được gặp Đức Kitô Cứu Thế thông qua sứ vụ của mình như chính Giáo Hội đã được. Thế nên, việc truyền giáo cho các dân ngoại, cụ thể là loan báo về Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài, xây dựng Giáo Hội địa phương, đẩy mạnh các giá trị của Nước Trời (9) vẫn có hiệu lực, vẫn quan trọng và vẫn mang tính thời sự. Thật vậy, nếu nhìn vào thực tế dân số cũng như thực tế tôn giáo và xã hội của thế giới hiện nay, có thể nói việc truyền giáo cho các dân ngoại chỉ mới bắt đầu (10). Trước thềm Ngàn Năm Thứ Ba, công việc truyền giáo của Giáo Hội chẳng những không chấm dứt mà còn đang đứng trước những chân trời ngày càng rộng lớn (11).
Giáo Hội toàn cầu, tất cả các Giáo Hội địa phương, mọi tổ chức và hiệp hội của Giáo Hội, cũng như mỗi thành viên trong Giáo Hội đều có nhiệm vụ quảng bá sứ điệp của Chúa tới tận cùng trái đất (x. Cv 1,8), để Nhiệm Thể Chúa Kitô đạt được mức trưởng thành viên mãn trong Ngài (x. Ep 4,13). Những lời nói sau đây của các Tông Đồ, được Giáo Hội lặp đi lặp lại không ngừng với niềm xác tín, là những lời tồn tại mãi với thời gian : “Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4,20) (12).
2. Cộng tác truyền giáo là việc của mọi kitô hữu
“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Lời tuyên bố này của Đức Kitô vừa gắn liền, đồng thời vừa diễn tả cách hết sức tuyệt vời tính cách duy nhất và liên tục trong sứ mạng truyền giáo. Thật vậy, việc “sai phái Giáo Hội” bắt nguồn từ sự “sai phái của Thiên Chúa”.
Toàn thể Giáo Hội đều được kêu gọi dấn bước vào công cuộc truyền giáo bằng cách tích cực cộng tác. Vì đã được rửa tội và thêm sức, Kitô hữu nào cũng đều như đã bước vào dòng hoạt động siêu nhiên, theo kế hoạch muôn đời là cứu độ muôn loài muôn vật. Đây chính là kế hoạch của chính Thiên Chúa, đang được hoàn thành dần dần cho các thế hệ sau, là những thế hệ sẽ làm thành đại gia đình nhân loại trong tương lai.
Có thể gọi sự tham gia của các cộng đoàn Giáo Hội và từng cá nhân tín hữu vào việc hoàn thành kế hoạch thần linh ấy là “cộng tác truyền giáo”. Việc cộng tác này có thể được diễn ra dưới nhiều hình thức : cầu nguyện, làm chứng, hy sinh, cống hiến sức lực và trợ cấp. Sự cộng tác ấy chính là hoa trái đầu tiên của việc làm sống lại tâm hồn truyền giáo, tức là làm sống lại một tinh thần và một sức sống thúc đẩy các cá nhân cũng như các tổ chức và cộng đoàn của Giáo Hội mở lòng tiếp nhận trách nhiệm chung, có ý thức truyền giáo và hướng lòng đến các dân tộc. Thế nên, sáng kiến nào của việc làm sống lại tâm hồn truyền giáo cũng đều nhắm mục đích là đào tạo Dân Chúa biết thi hành sứ mạng chung “hết sức đặc biệt”, là nuôi dưỡng các ơn gọi truyền giáo thật sự và khuyến khích mọi hình thức cộng tác vào công cuộc Phúc âm hóa (13).
Cộng tác, một điều kiện cần thiết để Phúc Âm hóa thế giới, là một nhiệm vụ và là một quyền hạn của mọi Kitô hữu đã chịu phép rửa (14). Nó xuất phát từ bản sắc của họ – là những chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô – và được cụ thể hóa dưới nhiều hình thức khác nhau, được thực hiện tuỳ theo mức độ về tinh thần trách nhiệm và sự cống hiến khác nhau. “Nhất là sự cộng tác truyền giáo bắt nguồn và được thi hành trước tiên trong việc từng cá nhân kết hợp với Đức Kitô … Nhờ đời sống thánh thiện, mỗi Kitô hữu đều có thể tham gia một cách kết quả vào sứ mạng của Giáo Hội” (15).
Việc cộng tác truyền giáo cần phải được phối hợp cách thích đáng trong tinh thần hiệp thông Giáo Hội và có trật tự lớp lang thì mới đạt được mục đích. Cũng như sự hiệp thông của Thiên Chúa, một Chúa mà Ba Ngôi thì giữa các Giáo Hội địa phương với nhau, giữa Giáo Hội địa phương và Giáo Hội toàn cầu, giữa các thành phần Dân Chúa cũng cần có sự phối hợp nhịp nhàng để có sự thống nhất bên trong và sự trao đổi hỗ tương. Sự hiệp thông giữa các bên ấy sẽ là sự hiệp thông hỗ tương, hay nói cụ thể hơn, là sự hiệp thông để thực hiện hoạt động truyền giáo đặc biệt. Không được ngăn cản ai thực hiện mối tương quan giữa đức ái trong Giáo Hội và nỗ lực truyền giáo. Thật ra, nét đặc trưng nhất của sự hiệp thông trong Giáo Hội là tính cụ thể của sự hiệp thông ấy, để rồi ai cũng có phần trong sự hiệp thông vì sự hiệp thông luôn đụng chạm tới từng cá nhân cụ thể trong hoàn cảnh sống thật của họ.
Hôm nay, khi nhắc tới các cộng đoàn Kitô hữu dấn thân vào công cuộc truyền giáo chung, chúng ta cũng có thể nói họ đã hoạt động “với một lòng một dạ” (Cv 4,32).
3. Các cơ quan chịu trách nhiệm về sự cộng tác truyền giáo
Đã hiệp thông thiêng liêng trong Giáo Hội thì cũng cần phải hiệp thông một cách có tổ chức và trông thấy được, để các trách nhiệm và chức năng có khác nhau đến đâu đi nữa cũng có thể thống nhất và liên kết với nhau (16). Dựa vào kinh nghiệm đã có từ lâu và hết sức tích cực, Đức Giáo Hoàng đã quyết định chỉ nên có một cơ quan trung ương “tổ chức và phối hợp” các sáng kiến cũng như các hoạt động cộng tác truyền giáo khắp nơi, đó là Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc (17).
Vì hoạt động theo lệnh của Đức Giáo Hoàng và hoạt động trên toàn cầu, Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc, hay cơ quan trung ương, có nhiệm vụ tổ chức và phối hợp việc Phúc Âm hóa và cộng tác truyền giáo, sẽ đẩy mạnh sự hiệp nhất giữa những người chịu trách nhiệm công việc cộng tác truyền giáo ở các cấp khác nhau và sẽ bảo đảm cho các hoạt động của những vị ấy được diễn ra trong trật tự để ai ai cũng “có thể cống hiến sức mình một cách nhịp nhàng cân đối vào việc xây dựng Giáo Hội” (18).
Các Giáo Hội địa phương, cả Uỷ Ban Truyền Giáo của Hội Đồng Giám Mục ở cấp quốc gia, cũng như ở cấp giáo phận, đều có vai trò tương tự như thế tại địa phương của mình.
Ngoài ra, còn có nhiều cơ quan Giáo Hội hoạt động theo sự phối hợp và điều khiển của Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc, cũng lấy việc cộng tác truyền giáo làm mục tiêu riêng của mình, có thể nhắm tới toàn bộ mục tiêu hoặc chỉ một phần. Các cơ quan này chính là dấu hiệu cho thấy sự hiện diện rất đa dạng của Chúa Thánh Thần ; Ngài chính là Đấng củng cố Giáo Hội từ bên trong, giúp Giáo Hội thực hiện công cuộc Phúc Âm hóa cho toàn thể nhân loại. Trong số các cơ quan ấy, ta không thể không nhắc tới các tu hội thuộc đời sống thánh hiến, các tu đoàn thuộc đời sống tông đồ, các hiệp hội giáo dân, các phong trào Kitô giáo, các nhóm thiện nguyện và nhiều tổ chức khác nữa. Căn cứ trên hiến pháp hay Nội Quy của mình, họ sẽ làm việc cách hiệu quả trong cánh đồng truyền giáo hết sức bao la và đa dạng ấy, bằng cách sử dụng các phương thế và phương pháp riêng, dựa vào những cơ cấu và tổ chức độc lập của mình.
Nhờ sự hỗ trợ và phối hợp của Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc ở cấp toàn cầu và của các Hội Đồng Giám Mục cũng như của mỗi giám mục ở cấp địa phương, các cơ quan tham gia công cuộc cộng tác truyền giáo ấy sẽ tìm được sự thống nhất trong tinh thần và hoạt động.
Để hỗ trợ việc khơi dậy và tổ chức sự cộng tác truyền giáo ấy, Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc sẽ đặc biệt dựa vào bốn Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo (19).
NHỮNG CHỈ DẪN THỰC HÀNH
I. VAI TRÒ CỦA CÁC HỘI GIÁO HOÀNG TRUYỀN GIÁO TRONG VIỆC CỘNG TÁC TRUYỀN GIÁO
4. Mối liên hệ giữa công cuộc cộng tác truyền giáo và bốn Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo
Trong việc cộng tác truyền giáo các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo đóng một vai trò nổi bật và đặc biệt. Những hội này đã được khai sinh từ những sáng kiến có tính đoàn sủng của các giáo dân và linh mục, nhằm hỗ trợ hoạt động của các nhà truyền giáo, cổ động và lôi kéo các linh mục, những người tận hiến và giáo dân tham gia cầu nguyện, dâng hiến các hy sinh, cổ võ các ơn gọi và tham gia các hoạt động bác ái cụ thể.
Một đàng, cần lưu ý tới nguồn gốc mang tính đoàn sủng của các Hội ấy. Nhưng đàng khác, cũng đừng quên rằng các Hội ấy đã được Giáo Hội chính thức công nhận là các tổ chức của chính Giáo Hội, nhờ sự can thiệp của Đức Giáo Hoàng.
Có bốn Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo :
Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo truyền bá đức tin, có mục đích cổ động mọi tầng lớp Dân Chúa quan tâm tới việc Phúc Âm hóa toàn cầu và xúc tiến việc trợ giúp vật chất và tinh thần trong các Giáo Hội địa phương, cũng như trao đổi nhân sự truyền giáo.
Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo của tuổi thơ, có mục đích giúp các thầy cô khơi dậy từ từ ý thức truyền giáo nơi các trẻ em, khuyến khích trẻ em chia sẻ đức tin và vật chất với trẻ em thuộc các miền và các Giáo Hội thiếu thốn, cổ võ ơn gọi truyền giáo nơi các Kitô hữu ngay từ khi còn nhỏ.
Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo thánh Tông Đồ Phêrô, có mục đích giúp các Kitô hữu ý thức hơn tới tầm quan trọng của hàng giáo sĩ địa phương tại các giáo xứ truyền giáo và mời gọi các Kitô hữu dùng các phương tiện vật chất và tinh thần góp phần đào tạo các ứng viên cho chức linh mục và cho đời tu.
Liên Hiệp Giáo Hoàng Truyền Giáo, có mục đích cổ võ ý thức truyền giáo và cổ võ việc đào tạo các linh mục, chủng sinh, tu sĩ các tu hội thuộc đời sống thánh hiến và thuộc các tu đoàn tông đồ, cũng như các giáo dân tham gia trực tiếp vào hoạt động truyền giáo trên toàn cầu. Tổ chức này có thể được coi là linh hồn của các Hội trên đây, vì hội viên của tổ chức này được huấn luyện đặc biệt để làm công tác cổ võ tinh thần truyền giáo nơi các cộng đoàn Kitô hữu và cổ võ những sự hợp tác sâu rộng hơn.
Cả bốn Hội này đều được gọi là các Hội Giáo Hoàng, phát triển được nhờ sự hỗ trợ của Toà Thánh ; khi xem đây là các tổ chức của mình, Toà Thánh đã mặc nhiên ban cho các Hội này tính cách toàn cầu. “Dù đây là các Hội của Đức Giáo Hoàng, nhưng các Hội này vẫn là của tất cả các giám mục và toàn thể Dân Chúa” (20).
5. Vai trò ưu tiên của các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo
Để tạo ra và gia tăng sự cộng tác truyền giáo trong Giáo Hội, đích thân Đức Giáo Hoàng, hay thông qua Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc, luôn khuyến khích mọi sáng kiến xuất phát từ sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần và từ lòng quảng đại của các kitô hữu. Tuy nhiên, ngài vẫn đặc biệt dựa vào các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo vì những tổ chức này “cùng theo đuổi một mục tiêu là cổ võ tinh thần truyền giáo phổ quát nơi Dân Chúa” (21) , và có nhiệm vụ ưu tiên là thúc đẩy sự cộng tác, phối hợp các nỗ lực truyền giáo và bảo đảm cho viện trợ được phân phối công bằng. “Vì được đặt dưới sự bảo trợ của Đức Giáo Hoàng và giám mục đoàn, nên các Hiệp Hội này rất đáng được dành cho một vị trí ưu tiên, kể cả trong khuôn khổ của một Giáo Hội địa phương …” (22).
Mỗi Hội có bản chất, mục tiêu và nhiệm vụ thế nào, điều ấy đã được tái xác nhận hay đã được ấn định trong bản Nội Quy riêng của mình, mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phê chuẩn ngày 26 tháng 6 năm 1980, và kể từ đó có hiệu lực trong toàn thể Giáo Hội. Trong hoàn cảnh hiện nay, đây chính là một lợi thế cho ta phát triển sự cộng tác truyền giáo trong các lãnh vực riêng của mỗi Hội.
Sau khi đã biết bản chất và giá trị của các Hội ấy, cần phải làm sao cho các Hội ấy có mặt và hoạt động tại các Giáo Hội địa phương, bất kể đó là Giáo Hội có lâu đời hay mới thành lập. Nhờ vậy, sự dấn thân vào việc cộng tác truyền giáo mới trở thành “ý thức chung của Giáo Hội”.
6. Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo lệ thuộc thế nào đối với Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc và các HĐGM ?
Đức thánh cha đã giao việc điều khiển chung các Hội này cho Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc. Thánh Bộ được mời gọi hãy “tổ chức và phối hợp công việc Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc và cộng tác truyền giáo trên khắp thế giới, trừ những gì thuộc thẩm quyền của Thánh Bộ đặc trách các Giáo Hội Đông Phương” (23). Thế nên, các Hội này sẽ thuộc quyền Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc. Thánh Bộ phải hướng dẫn các Hội này cách cẩn thận, cổ võ sự phát triển và phổ biến các Hội này trong từng giáo phận (24).
Khi xét tới hoạt động của các Hội này tại nhiều nơi khác nhau, Giáo Hội cũng đã giao chúng cho Hội đồng Giám mục các nước và mỗi giám mục hướng dẫn trong phạm vi giáo phận mình, miễn là phù hợp với Nội Quy của các Hội ấy (25).
Nếu muốn, cùng một lúc, các Hội ấy lệ thuộc Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc, Hội Đồng Giám Mục các nước và mỗi giám mục giáo phận thì phải có một kế hoạch quy củ để làm việc. Cần phải tiến hành công việc này trong tinh thần cộng tác cụ thể ở các cấp trách nhiệm khác nhau, cùng dùng chung các phương thế và cùng nhắm một mục tiêu chung.
Mặc dù phải theo nguyên tắc lệ thuộc Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc và các giám mục, nhưng các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo này, một cách nào đó vẫn được quyền tự trị như một cơ quan thẩm quyền đã được công nhận và như Nội Quy của mỗi Hội đã chỉ rõ. Sự tự trị này được thấy rõ qua việc mỗi Hội có quyền tìm kiếm các đường lối thích hợp để tổ chức việc cộng tác truyền giáo, hay để đáp ứng các nhu cầu của thực tế truyền giáo hằng thay đổi và luôn đòi hỏi có những sự can thiệp dưới những hình thức mới.
7. Giám đốc các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo
Trong mỗi nước, thường chỉ nên có một vị giám đốc quốc gia cho cả bốn Hội Truyền Giáo nếu có cả bốn, hay cho cả bốn mục tiêu nếu chưa có đủ bốn Hội. Cũng có khi một giám đốc chịu trách nhiệm trên một vài nước.
Quyền bổ nhiệm vị giám đốc quốc gia là của Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc, tốt hơn là sau khi Hội Đồng Giám Mục đề cử một danh sách gồm ba ứng viên (une “terna” de candidats), qua trung gian của một vị đại diện Toà Thánh.
Giám đốc quốc gia sẽ thi hành nhiệm vụ trong thời hạn năm năm, thường chỉ có thể được tái cử một lần cho nhiệm kỳ kế tiếp.
8. Nhiệm vụ của vị giám đốc quốc gia các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo
Nhiệm vụ chính của giám đốc quốc gia là phát triển và điều khiển các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo trong nước và phối hợp hoạt động của các Hội ấy giữa các giáo phận.
Khi thi hành nhiệm vụ trong khi đương nhiệm, giám đốc quốc gia phải tuân thủ các Nội Quy, các chuẩn mực của Toà Thánh và các chỉ thị đặc biệt của Hội Đồng Giám Mục.
Tất cả các giám đốc quốc gia sẽ tích cực tham gia vào các đại hội, như đã được quy định trong các Nội Quy, được triệu tập để xem xét các vấn đề chung và hoạch định việc phân phối ngân quỹ, quan tâm thích đáng tới các nhu cầu của mỗi Giáo Hội thuộc các nước truyền giáo, dựa theo những tiêu chuẩn công bằng và những quyền ưu tiên. Sau đó các giám đốc quốc gia sẽ đệ trình lên các vị Tổng Thư Ký của mình những báo cáo tài chính và thông tin liên quan đến các hoạt động của các Hội, như đã được chỉ dẫn.
Các giám đốc quốc gia không bao giờ được sử dụng, vào các mục tiêu hay các công trình đặc biệt, những của cải mà các tín hữu đã quyên góp cho việc truyền giáo các dân ngoại vào ngày Chúa nhật truyền giáo hay vào các dịp đặc biệt khác. Đây là một nghĩa vụ ràng buộc tận lương tâm và rất cần thiết để bảo vệ sự phân phối viện trợ cho công bằng và đều khắp, như các Hội đã thay mặt Đức Giáo Hoàng và giám mục đoàn chịu trách nhiệm.
9. Giám đốc các Hội cấp giáo phận
Trong mỗi giáo phận, thường giám mục sẽ đặt một người duy nhất làm đại diện giám mục trông coi việc truyền giáo và làm giám đốc các Hội cấp giáo phận. Vị này nên là một người trong Hội Đồng Linh Mục hay Hội Đồng Mục Vụ giáo phận. Nếu vì một lý do nghiêm trọng nào đó mà phải đặt hai vị, thì chính vị đại diện giám mục sẽ phải hỗ trợ tối đa cho giám đốc giáo phận ; có như thế các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo mới thực sự là những phương thế ưu tiên được dùng để khơi dậy tinh thần truyền giáo và tổ chức sự cộng tác truyền giáo trong giáo phận (26).
II. SẮP ĐẶT CƠ CẤU CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC CHO VIỆC CỘNG TÁC TRUYỀN GIÁO ?
10. Thành lập Ủy Ban Giám Mục đặc trách việc truyền giáo (27)
Vì các giám mục có nhiệm vụ truyền giáo chung với nhau nên cần phải thành lập ngay trong mỗi Hội Đồng Giám Mục một “Ủy ban Giám mục đặc trách việc Truyền giáo”(28) . Nhiệm vụ của Ủy ban này là cổ võ việc Phúc Âm hóa các dân ngoại, khơi dậy tinh thần truyền giáo và tổ chức việc cộng tác truyền giáo dưới nhiều hình thức khác nhau, cũng như giữ liên lạc với Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc và với Hội Đồng Giám Mục, hầu bảo đảm cho có sự thống nhất trong hành động giữa các bên với nhau. Nếu năng động và có khả năng phối hợp, Ủy ban ấy sẽ giúp rất nhiều cho việc cộng tác truyền giáo trong nước.
11. Nhiệm vụ của Ủy Ban Giám Mục đặc trách việc truyền giáo
Các nhiệm vụ chính của Uỷ ban này là :
a) Đề xuất và khuyến khích các sáng kiến thích hợp để đào tạo các giáo sĩ về công tác truyền giáo, hỗ trợ các Tu hội truyền giáo và gia tăng ý thức truyền giáo trong các Giáo Hội, nhờ đó các tín hữu có thể đích thân tham gia hoạt động cho các dân ngoại và dấn thân cộng tác truyền giáo.
b) Xúc tiến thành lập các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo tại mỗi giáo phận, miễn là bảo đảm Hội nào cũng giữ được bản chất đặc thù của mình và tạo được ảnh hưởng thật sự, đúng với Nội Quy của mỗi Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo.
c) Lo sao để toàn bộ các của cải được quyên góp đầy đủ cho ngân quỹ chung của công tác truyền giáo do các Văn phòng Tổng Thư Ký của các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo quản lý, hầu có thể phân phối viện trợ cách công bằng và thích đáng cho mọi Giáo Hội non trẻ và cho các hoạt động có liên quan với việc truyền giáo cho các dân ngoại trên khắp thế giới (29).
d) Mỗi giáo phận đề xuất với Hội Đồng Giám Mục ngân sách xứng với mức thu nhập của mình, phải dành cho hoạt động truyền giáo mỗi năm để gởi về cho Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc. Sự đóng góp này rất cần thiết vì những yêu cầu đặt ra cho hoạt động truyền giáo càng ngày càng tăng và những sự dâng cúng tự phát của các tín hữu không đủ thỏa mãn các yêu cầu ấy (30).
e) Lo sao để mọi sáng kiến phục vụ việc cộng tác truyền giáo được xúc tiến và bổ sung cho nhau cách hài hòa, sao cho sáng kiến này được thực hiện không làm tổn hại cho sáng kiến khác mà vẫn giữ được nét đặc trưng toàn cầu và ưu tiên của các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo.
f) Cổ động và sắp xếp những sự đóng góp của các tu hội thuộc đời sống thánh hiến và các tu đoàn thuộc đời sống tông đồ, để tất cả đều phục vụ cách hoàn toàn hay từng phần các mục tiêu truyền giáo. Trong chương trình này có thể bao hàm cả việc đào tạo và khơi dậy tinh thần truyền giáo cho các tín hữu, đồng thời tổ chức các việc cộng tác cụ thể, phối hợp một cách chặt chẽ với các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo. Ta cũng nên cho các tu hội và tu đoàn ấy cơ hội được cộng tác một cách có lợi cho các công trình riêng của họ, dĩ nhiên trong phạm vi riêng của họ, đồng thời vẫn tôn trọng những yêu cầu chung của công cuộc truyền giáo cho các dân ngoại. Ta phải đánh giá cao không những sự tham gia tích cực và những kinh nghiệm hữu ích của họ trong lãnh vực truyền giáo (31), mà cả sự thích nghi của họ khi giới thiệu với giới trẻ một ơn gọi truyền giáo “cả đời”, phù hợp với tinh thần riêng của họ, vì đây đúng là kiểu mẫu cho việc dấn thân truyền giáo của toàn thể Giáo Hội (32).
12. Hội đồng truyền giáo quốc gia
Để có được sự thống nhất và hoạt động hữu hiệu hơn khi khơi dậy tinh thần truyền giáo và tổ chức việc cộng tác truyền giáo, cũng như để tránh sự cạnh tranh và làm việc chồng chéo lên nhau, Hội Đồng Giám Mục nên thành lập một “Hội đồng truyền giáo quốc gia”, có nhiệm vụ hoạch định, tổ chức và duyệt xét các hoạt động cộng tác truyền giáo chính yếu ở cấp quốc gia.
Không kể vị chủ tịch Uỷ ban Giám mục đặc trách Truyền giáo, cũng là chủ tịch Hội Đồng này, Hội Đồng nên gồm các thành phần sau đây : giám đốc quốc gia của các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo ; các thư ký cấp quốc gia của các Hội ấy và đại biểu của các Hội này ; các linh mục giáo phận được Uỷ Ban Giám Mục đặc trách truyền giáo tuyển chọn ; các đại biểu của các tu hội truyền giáo, các tu hội thuộc đời sống thánh hiến, các tu đoàn thuộc đời sống tông đồ đang làm việc tại các vùng truyền giáo do Hội Đồng Quốc Gia các bề trên thượng cấp đề cử ; các đại biểu của các hiệp hội truyền giáo của giáo dân do cấp phụ trách chỉ định. Hội Đồng Truyền Giáo Quốc Gia gồm bao nhiêu người và tỉ lệ thế nào, điều ấy sẽ do Hội Đồng Giám Mục hay Uỷ ban Giám mục đặc trách Truyền giáo quyết định (33).
Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo có thể đệ trình cho Hội đồng này những vấn đề có tầm mức quốc gia, được cho là quan trọng, cần xem xét và giải quyết do những người đang tham gia vào việc cộng tác truyền giáo nêu lên, trong tinh thần hiệp nhất. Hội đồng này sẽ có nhiệm vụ đệ trình các vấn đề ấy trước Hội Đồng Giám Mục để các ngài đưa ra những quyết định thích đáng.
Nơi nào còn có các Hội đồng cấp miền thì cũng tổ chức cơ cấu và công việc như Hội Đồng cấp quốc gia.
Ngoài Hội Đồng Truyền Giáo quốc gia do Hội Đồng Giám Mục thành lập, các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo cũng nên có Hội Đồng quốc gia riêng của mình, theo đúng với Nội Quy.
III. VIỆC PHỐI HỢP CÁC TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CỘNG TÁC TRUYỀN GIÁO TẠI CÁC NƯỚC
13. Những chỉ dẫn giúp phối hợp các tổ chức ở cấp quốc gia
Để bảo đảm cho có sự phối hợp tốt đẹp giữa các hoạt động của Tòa Thánh và của các Hội Đồng Giám Mục trong chương trình cộng tác truyền giáo, các Ủy Ban Giám Mục đặc trách truyền giáo phải lưu ý đến các chỉ dẫn sau đây :
a) Trước hết, chúng tôi xin nhắc lại lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng gửi cho các giám mục và các tổ chức tham gia hoạt động truyền giáo cho các dân ngoại, là hãy tích cực và trung thành cộng tác với Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc. Sự cộng tác này có nền tảng pháp lý ở chỗ nó dựa trên quyền hành mà Đức Giáo Hoàng đã trao cho Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc (34) và đó cũng là một hệ luận rút ra từ sự hiệp thông rất cần thiết giữa các tông đồ với nhau như Chúa đã cầu xin trong Bữa ăn cuối cùng : “Lạy Cha, xin hãy làm cho họ trở nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,21). Một cách thực tế, các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo cần liên hệ với Hội Đồng Giám Mục và với các giám mục chịu trách nhiệm về chương trình cộng tác truyền giáo cấp địa phương, cũng như Hội Đồng Giám Mục và các giám mục ấy cần liên hệ với các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo.
b) Các chương trình làm việc của các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo phải nằm trong kế hoạch mục vụ chung của quốc gia. Muốn thế, ta có thể đưa ra những đề án hợp tác giữa Ủy Ban Giám Mục đặc trách truyền giáo và Văn phòng các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo cấp toàn quốc thuộc về Hội Đồng Giám Mục. Mục đích nhắm tới là phải làm sao đưa chương trình cộng tác truyền giáo vào trong kế hoạch mục vụ chung, chứ không phải là một công tác riêng biệt (35).
Những gì vừa nói trên đây đối với việc đẩy mạnh truyền giáo trên khắp nước đều có thể áp dụng cho mỗi giáo phận, vì giám đốc các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo của giáo phận cũng là thành viên trong Hội Đồng Mục Vụ giáo phận.
c) Phải nhìn nhận và bảo đảm cho các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo được đóng trọn vai trò của mình là trở thành một công cụ chính thức của Giáo Hội toàn cầu, như đã được thiết lập tại các nước và các giáo phận. Có được dụng cụ để thực hiện việc cộng tác truyền giáo này, ta sẽ có thể nối kết và thi hành cách hài hoà các trách nhiệm của Đức Giáo Hoàng (thông qua Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc), của các Hội Đồng Giám Mục và mỗi giám mục (36).
d) Đối với sự trợ giúp tài chính, từ quỹ quyên góp của ngày Chúa nhật Truyền giáo và các sự quyên góp khác, hoặc từ một nguồn thu nhập nào đó mang tính chất truyền giáo, ta cần phải bảo đảm sao cho giáo phận nào cũng gởi về cho các Văn phòng Tổng Thư Ký của các Hội, thông qua các Văn phòng quốc gia của các Hội, tất cả những sự dâng cúng tự nguyện của các tín hữu cho các Hội. Cũng thế, mỗi giáo phận cần gửi về cho Thánh Bộ Phúc âm hóa các dân tộc phần đóng góp tương xứng với thu nhập của mình, theo như các chỉ dẫn đã được ban cho các Hội Đồng Giám Mục. Phải luôn luôn giữ nguyên tắc “của dâng cúng cho mục tiêu nào thì chỉ có thể dùng vào mục tiêu ấy”.
e) Giám đốc quốc gia của các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo nên nhờ Ủy ban giám mục đặc trách truyền giáo thực hiện công tác này ; cần phải đưa công tác ấy vào chương trình của các tổ chức khác có trách nhiệm hay có liên hệ với chương trình cộng tác truyền giáo, thay vì cạnh tranh nhau.
f) Thật là có ích khi giám mục chủ tịch Uỷ Ban Giám Mục đặc trách truyền giáo được mời tham dự các kỳ họp hằng năm của các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, nhờ đó ngài có thể theo dõi các hoạt động của các Hội này một cách sâu sát hơn, từ giai đoạn lập kế hoạch đến giai đoạn duyệt xét.
g) Ngược lại, giám đốc quốc gia các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo cũng cần được thông báo về các quyết định và sáng kiến truyền giáo của Ủy Ban Giám Mục đặc trách truyền giáo, nhờ đó ngài có thể thi hành nhiệm vụ của mình trong tinh thần hiệp nhất với các chỉ thị và chọn lựa của các giám mục và Giáo Hội địa phương. Phải làm sao cho giám đốc quốc gia các Hội ấy và Uỷ Ban Giám Mục này hợp tác với nhau cách hữu hiệu nhất.
14. Những phương hướng liên kết giám đốc quốc gia các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo với Ủy ban giám mục đặc trách truyền giáo
Để thỏa mãn nhu cầu hợp tác giữa giám đốc quốc gia các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo với Uỷ Ban Giám Mục ấy, ta có thể có một phương hướng giải quyết rất tích cực, không phải chỉ dừng lại ở thái độ hiệp thông với nhau, mà còn qua cách tổ chức các đoàn thể quốc gia ấy (37).
Về việc này, Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc hết sức cổ võ sự hiểu biết toàn diện giữa các vị phụ trách các cơ quan đoàn thể ấy và các vị có tham gia vào chương trình cộng tác truyền giáo ở cấp quốc gia, nhường lại cho Ủy Ban Giám Mục và các giám đốc quốc gia quyền ấn định các phương cách cụ thể để thực hiện việc cộng tác này. Trong bất cứ tình huống nào, cũng nên nhớ rằng :
a) Không thể ấn định “theo cách suy diễn” (à priori) một cơ cấu chính xác điều khiển các mối quan hệ giữa Uỷ Ban Giám Mục đặc trách truyền giáo và Văn phòng các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo một cách như nhau cho tất cả các quốc gia, nhưng phải thực hiện thông qua sự đối thoại với nhau.
b) Một cách cụ thể là chỉ định Giám Đốc Quốc Gia các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo làm Thư ký cho Uỷ Ban Giám Mục đặc trách truyền giáo.
c) Được phép tự do lựa chọn những phương cách khác, miễn là phải nhắm tới sự hiệp nhất trong tinh thần và hành động, và phải tránh mọi sự mơ hồ lẫn lộn giữa các chức vụ hay vai trò khác nhau.
IV. QUAN HỆ GIỮA BỘ TRUYỀN GIẢNG PHÚC ÂM CHO CÁC DÂN TỘC VÀ CÁC HĐGM TRONG VIỆC CỘNG TÁC TRUYỀN GIÁO
15. Một vài đề nghị để cải thiện các mối quan hệ hai bên
Để đẩy mạnh sự cộng tác truyền giáo, cần phải làm sao cho quan hệ hỗ tương giữa Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc và các Hội Đồng Giám Mục được sâu đậm, mang tính sáng tạo và năng động. Do đó, cần phải khen ngợi và khuyến khích bất cứ sáng kiến nào giúp hai bên tiếp xúc với nhau, vì tự nó đó đã là một sức mạnh thúc đẩy hoạt động truyền giáo rồi.
Bởi đó, chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho các Hội Đồng Giám Mục và từng giám mục, khi sang Rôma theo lịch “ad limina”, gặp được các vị hữu trách của Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc ; các vị này luôn sẵn sàng trao đổi thông tin và soạn ra các chương trình cùng với các giám mục. Những buổi họp mặt này sẽ ưu tiên dành để đề cập đến việc cộng tác truyền giáo dưới nhiều góc cạnh, cũng như sự hiệp thông và trao đổi bác ái giữa các Giáo Hội.
Ngoài ra, các vị chủ tịch của các Ủy Ban Giám Mục đặc trách truyền giáo không những được mời đến thăm Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc, mà còn tham dự các phiên họp bàn về việc cộng tác truyền giáo do Thánh Bộ tổ chức, các phiên họp định kỳ hay bất thường, tại Rôma hay tại một nơi trung tâm khác. Cũng thế, các đại biểu của Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc nên được phép tham dự các phiên họp cấp quốc gia hay lục địa bàn về chương trình cộng tác truyền giáo do Hội Đồng Giám Mục tổ chức. Việc tham dự các phiên họp của nhau bàn về việc truyền giáo, với những kinh nghiệm và các sáng kiến trao đổi cho nhau, sẽ giúp ích rất nhiều cho công tác Phúc Âm hóa toàn cầu của Giáo Hội và sẽ thắt chặt hơn mối quan hệ hiệp thông và cộng tác giữa Toà Thánh và các Giáo Hội địa phương, cũng như giữa các cộng đồng Giáo Hội với nhau, từ đó hỗ trợ cho việc cộng tác truyền giáo.
V. NHỮNG HÌNH THỨC ĐẶC BIỆT VÀ MỚI MẺ TRONG VIỆC CỘNG TÁC TRUYỀN GIÁO
16. Gửi nhân sự đến các vùng truyền giáo
Trong các tu hội truyền giáo, những ơn gọi truyền giáo “cả đời” đang được chứng minh là rất có ý nghĩa và giá trị. Một hình thức đặc biệt để các Giáo Hội cộng tác truyền giáo là gửi một số linh mục giáo phận, gọi là các linh mục “Fidei donum” (“hồng ân đức tin”), và một số nam nữ tu sĩ, hay giáo dân, đến một vùng truyền giáo để hoạt động tông đồ chung với nhau, có khi chỉ trong một thời gian. Hình thức ấy đã được nhìn nhận là hữu ích và nên ngày một phát triển thêm (38). Để thực hiện hình thức hiệp thông giữa các Giáo Hội và cộng tác truyền giáo như trên đây, ngoài việc tuân thủ các quy định giáo luật (39), ta còn cần phải tham khảo ý kiến với Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc và Hội Đồng Giám Mục của mình.
17. Các tiêu chuẩn giúp cho việc gửi các nhân sự được hữu ích
Để cho việc gửi nhân sự tới một vùng truyền giáo được ổn định, ngoài các điều kiện đã nói trên đây, ta còn cần phải theo các tiêu chuẩn sau :
a) Để làm dấu chỉ độc đáo nói lên sự hiệp thông giữa các Giáo Hội, các linh mục “Fidei donum” phải là những người được chọn trong số các ứng viên thích hợp nhất và phải được chuẩn bị thích đáng cho công tác đặc biệt mà họ sắp thi hành tại vùng truyền giáo(40). Ngoài ra, khi thi hành công tác xong và trở về hẳn, họ phải được đón tiếp nhiệt tình và được tái hội nhập vào linh mục đoàn, cũng như vào chương trình mục vụ chung của giáo phận. Giáo phận sẽ tận dụng những kinh nghiệm của họ để hỗ trợ việc đào tạo tinh thần truyền giáo cho cộng đoàn.
b) Hội viên các tu hội thuộc đời sống thánh hiến, dù là chiêm niệm hay hoạt động, đều được tham gia hoạt động truyền giáo, nhưng vẫn giữ đặc sủng của mình. Qua việc thánh hiến cho Thiên Chúa, họ sẽ làm chứng cách đặc biệt cho các giá trị Tin Mừng mà Giáo Hội đang cưu mang. Noi gương Đức Kitô, lối sống này sẽ góp phần tôn vinh Chúa và phục vụ loài người (41).
c) Cả các giáo dân, bất luận là nam hay nữ, đã có trách nhiệm truyền giáo từ trong căn gốc do đã lãnh nhận bí tích rửa tội, cũng có chỗ đứng trong công cuộc truyền giáo, nhất là khi sống trong những hoàn cảnh mà chỉ có nhờ họ người khác mới biết được Đức Kitô, miễn sao phù hợp với bản tính trần thế chuyên biệt của họ, nhờ đó họ có thể tìm kiếm Nước Thiên Chúa ngay trong khi giải quyết các vấn đề trần thế và hướng dẫn chúng theo các nguyên tắc của Kitô giáo (42).
18. “Kết nghĩa với nhau” để cộng tác vào việc truyền giáo
Sự cộng tác trực tiếp giữa các Giáo Hội dưới hình thức “kết nghĩa với nhau” cũng rất hữu ích. Tuy nhiên, cần lưu ý để không giới hạn tầm hoạt động của mình vào mục tiêu duy nhất hay để không tự cô lập mình trước các sáng kiến khác liên quan đến việc cộng tác truyền giáo, đặc biệt là những sáng kiến của các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, nhờ đó bảo vệ được nguyên tắc công bằng khi phân phối các ngân quỹ. Ngoài ra, khi tổ chức hình thức cộng tác này, ta không được bỏ qua bối cảnh Giáo Hội tại chỗ, cung cách sống của con người địa phương và việc đối thoại giữa các chức quyền của giáo phận. Nên thông báo cho Văn Phòng quốc gia của các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo biết những sáng kiến kết nghĩa do giáo phận và giáo xứ tổ chức.
19. Những hoàn cảnh mới đòi có sự can thiệp đặc biệt
Những xã hội mới, những hiện tượng mới, nhất là những hoàn cảnh có liên quan đến tình trạng di chuyển của dân cư khắp nơi, đòi ta phải đưa ra những đáp ứng hợp thời hay biến đổi thành những hình thức cộng tác mới mẻ trong việc truyền giáo. Cần phải nghiên cứu và hoạch định cẩn thận các hình thức mới mẻ ấy, nhất là ở cấp địa phương. Ngoài ra, ta cũng phải cẩn thận tuân thủ các chỉ dẫn sau đây, đã được thẩm quyền tối cao của Giáo Hội phê duyệt :
a) Hiện tượng du lịch thế giới mang tính đại chúng, cũng như tình trạng di dân ngày càng tăng, khiến người Kitô hữu phải tận dụng cơ hội để minh chứng về đức tin và đức ái Tin Mừng, cũng như tỏ lòng tôn trọng đối với các sự trao đổi văn hóa.
b) Nếu muốn các cuộc thăm viếng các vùng truyền giáo, kể cả những cuộc thăm viếng để làm việc, nhất là của giới trẻ, đạt được mục tiêu là giúp họ có kinh nghiệm trực tiếp thế nào là truyền giáo, thì phải làm sao hướng dẫn họ làm việc này theo chiều hướng Tin Mừng, chuẩn bị họ và đồng hành với họ trên bình diện thiêng liêng lẫn mục vụ, và nhận được sự uỷ thác rõ ràng của Đức Giám Mục. Muốn đào tạo tinh thần truyền giáo thì không thể coi nhẹ việc tạo điều kiện cho chính các linh mục và các giám mục có kinh nghiệm trực tiếp về việc truyền giáo ấy.
c) Vì những lý do như học hành và làm việc, nhiều Kitô hữu của các Giáo Hội non trẻ đã phải sang các vùng Kitô giáo lâu đời, hoặc nhiều Kitô hữu của các Giáo Hội trẻ lẫn già đến định cư tại các vùng mà Kitô hữu chỉ là thiểu số, Kitô giáo chưa được biết tới bao nhiêu hay thậm chí đang bị quấy nhiễu. Trước những tình cảnh ấy, Hội Đồng Giám Mục nên quan tâm đặc biệt để bảo đảm cho các tín hữu không bị bỏ rơi hay thiếu những sự trợ giúp cần thiết về mặt tôn giáo (43). Còn nếu như hiện tượng này làm liên luỵ quá nhiều người thì các Giáo Hội xuất xứ của những người ấy rất nên can thiệp vào bằng cách liên lạc với những ai đang tiếp nhận những người của mình.
d) Tại những nơi có truyền thống Kitô giáo lâu đời, ta thường thấy nhiều nhóm không phải Kitô giáo được thành hình, đôi khi không dễ thấy ngay hay không thể xác định được con số. Những người ấy cũng đáng được ta Phúc Âm hóa sơ khởi, chứ không phải chỉ đón tiếp và trợ giúp về mặt xã hội. Dù rằng mỗi bên làm mỗi cách nhưng trách nhiệm truyền giáo đều là của các giám mục, các linh mục và những người đồng nghiệp với họ cũng như của toàn thể cộng đoàn Kitô hữu. Uỷ Ban Giám Mục đặc trách truyền giáo, thông qua các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, cần phải coi đây là bổn phận của mình, đó là quan tâm tới những người nhập cư, tận dụng sự cộng tác của những nhà truyền giáo đã hồi hương từ các nước ấy, cũng như sự cộng tác của những người cùng quê quán với những người nhập cư ấy. Không kể những người nhập cư không phải là Kitô hữu đang có mặt trong các Giáo Hội có truyền thống Kitô giáo lâu đời ấy, ta còn thấy nhiều người lớn quê quán ngay tại chỗ đấy vẫn chưa được rửa tội. Những người này cũng phải được kể vào số các đối tượng cần Phúc Âm hóa sơ khởi. Những tình huống vừa kể trên đây thật phức tạp, là một thách đố mới đặt ra cho nhiều Giáo Hội, làm thay đổi ranh giới của việc truyền giáo cho dân ngoại cũng như việc cộng tác truyền giáo.
20. Cộng tác truyền giáo là một sự trao đổi các ân huệ giữa các Giáo Hội với nhau
Mọi người cần ý thức rằng “cộng tác vào việc truyền giáo không phải chỉ là ban phát mà còn là nhận lãnh nữa. Tất cả mọi Giáo Hội địa phương, dù non trẻ hay đã già tuổi, đều được mời gọi hãy cho đi và sẽ được lãnh nhận về trong bối cảnh của cuộc truyền giáo toàn cầu này ; ai nấy không nên khép kín trước những nhu cầu của những người khác” (44). Chúng ta phải lưu ý tới nhu cầu “mở lòng với Giáo Hội phổ quát và tránh mọi hình thức cục bộ hay cá nhân, hoặc tự mãn” (45). Hơn nữa, cần phải khuyến khích mọi Giáo Hội địa phương giữ “ý thức về tính phổ quát của đức tin, biết cho đi và nhận lại những ân huệ thiêng liêng, những kinh nghiệm mục vụ trong công cuộc Phúc Âm hóa hay rao giảng Tin Mừng ở bước đầu, cũng như những nhân sự để làm việc tông đồ cùng những nguồn vật chất khác” (46).
Về phần mình, Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc khuyến khích sự trao đổi này trong nội bộ Giáo Hội, coi đó là hoa trái cụ thể của sự hiệp thông đại đồng mà Đức Kitô đã bảo đảm sẽ tạo ra trong Giáo Hội bằng chính sự hiện diện tích cực và sống động của Ngài. Tuy nhiên, Thánh Bộ thấy cũng cần phải lưu ý mọi người về một hiện tượng mới. Các ơn gọi đã trở nên khan hiếm trong một vài Giáo Hội vốn có từ lâu và vì thế người ta phải quay ra tìm nhân sự, nhất là các linh mục và nữ tu, ở các vùng truyền giáo, để đổi lại những sự trợ giúp khác, đặc biệt là trợ giúp tài chính. Và hậu quả là, dù có thiện chí đến đâu, các Giáo Hội non trẻ cũng trở nên thiếu thốn lực lượng tông đồ hết sức cần thiết để phục vụ đời sống Kitô giáo của mình và để đẩy mạnh việc Phúc Âm hóa giữa đồng bào mình, mà tuyệt đại đa số là những người chưa chịu phép rửa. Chính vì phải tăng cường sự hiệp thông trong Giáo Hội, nhưng không được vì thế mà gây trở ngại cho việc truyền giáo dân ngoại, cũng như cho sự tăng trưởng của các Giáo Hội còn trẻ, nên cần phải hạn chế và tổ chức lại phương cách hành động vừa mô tả trên đây.
KẾT LUẬN
21. Công cuộc truyền giáo cho dân ngoại vẫn tiếp diễn và không hề bị gián đoạn
“Từ thời các Tông Đồ, sứ mạng của Giáo Hội trong lòng gia đình nhân loại vẫn luôn tiếp diễn, không chút gián đoạn. Vì thế, trong tương lai Giáo Hội cũng phải tiếp tục là Giáo Hội truyền giáo. Thật vậy, truyền giáo ra bên ngoài là một phần bản chất của Giáo Hội” (47). Được những lời thẳng thắn của Đức thánh cha Gioan Phaolô II khích lệ, Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc một lần nữa khẳng định sự đánh giá cao và tín nhiệm hoàn toàn của mình đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi và được Giáo Hội uỷ nhiệm đã quảng đại xả thân cho công việc truyền giáo cho dân ngoại, một công việc chẳng những hiện nay vẫn còn giá trị mà còn khẩn cấp hơn bao giờ hết. Thế nên, Thánh Bộ cổ võ tất cả những ai đang tham gia vào chương trình cộng tác truyền giáo dưới nhiều hình thức, một khi đã ý thức rằng làm công việc ấy sẽ phải có tinh thần đức tin, lòng quảng đại và sự hy sinh.
Những chuẩn mực và đường hướng nêu ra trong Huấn thị này chỉ dừng lại với một số khía cạnh thực tiễn, nhằm cổ võ một sự kết hợp càng ngày càng tăng giữa các lực lượng khác nhau trong khi cùng nhau truyền giáo, nhất là giữa các Hội Đồng Giám Mục và các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo. Những chuẩn mực và đường hướng đó vừa làm nổi bật kinh nghiệm tích cực của những năm qua, vừa tiếp tục theo dõi và sẵn sàng đón nhận những thách đố do hoàn cảnh hiện nay đặt ra, đồng thời cổ võ những sáng kiến và nỗ lực mới.
Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc cảm thấy rằng mình vẫn đóng góp đáng kể vào việc khơi dậy và khôi phục công cuộc cộng tác truyền giáo ; đây lại là một phương thế không thể thay thế được nhằm nâng đỡ hoạt động truyền giáo cho dân ngoại. Từ đó, Thánh Bộ tin tưởng và trao công cuộc này cho Đức Maria, là ngôi sao sáng bảo vệ dẫn đường cho công cuộc Phúc Âm hóa, xin trao cho ngài tất cả những ai trong Giáo Hội còn đang hoạt động để mang Tin Mừng của Đức Kitô đến tận cùng trái đất (x. Cv 1,8).
Huấn thị này đã được Đức Hồng Y Bộ Trưởng ký tên dưới đây giới thiệu trong buổi hội kiến Đức thánh cha ngày 10 tháng 9 năm nay, sau đó được Đức thánh cha phê chuẩn và ra lệnh công bố.
Ban hành tại Văn Phòng của Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc ở Rôma, nhân ngày kính thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Bổn mạng các xứ Truyền Giáo, ngày 1 tháng 10 năm 1998.
Hồng Y TOMKO Jozef
Tổng trưởng
+ Marcello ZAGO, OMI,
Tổng giám mục hiệu tòa Roselle, thư ký
Notes:
(1) Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastor Bonus (28.6.1988), số 87 ; Xem Giáo luật điều 781, 791.
(2) Xem Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen gentium, số 23; sắc lệnh Ad Gentes, về Truyền giáo, số 23 ; sắc lệnh Christus Dominus về chức giám mục, số 6.
(3) Xem Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, Huấn thị Quo aptius (24-2-1969) : AAS 61 (1969), tr. 276-281.
(4) xem GL 781,782, 791.
(5) xem Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio (7.12.1990), số 77-86 : AAS 83 (1991), tr. 324-333.
(6) Như trên, số 86.
(7) Sắc lệnh Ad Gentes về Truyền Giáo, số 2.
(8) Hiến chế Lumen gentium, số 1, 45 ; sắc lệnh về Truyền Giáo, số 5. Xem Tông huấn Evangelii nuntiandi, số 15 ; xem Thông điệp Redemptoris missio, số 9-10.
(9) Sắc lệnh về Truyền Giáo, số 6 ; Thông điệp Redemptoris missio, số 34 ; xem như trên, số 20.
(10) Như trên, số 1.
(11) Như trên, số 31-35.
(12) Như trên, số 11 ; GL 791,1.
(13) Như trên, số 77-86 ; GL 781.
(14) xem GL 781.
(15) xem Thông điệp Redemptoris missio, số 77 ; xem như trên, số 90.
(16) Như trên, số 75.
(17) xem Sắc lệnh về Truyền Giáo, số 29 ; Tông hiến Pastor bonus, điều 85.
(18) Sắc lệnh về Truyền Giáo, số 28 ; Thông điệp Redemptoris missio, số 75.
(19) Tông hiến Pastor bonus, điều 91.
(20) Đức Phaolô VI, Sứ điệp nhân ngày Chúa nhật truyền giáo 1968 (2/6/1968) ; xem Sứ điệp nhân ngày Chúa nhật truyền giáo 1976 (14/4/1976) : Enchiridion delle Chiesa Missionaria, II, tr. 240.
(21) Thông điệp Redemptoris missio, số 84.
(22) Như trên, xem Sắc lệnh về Truyền Giáo, số 38.
(23) Tông hiến Pastor bonus, điều 85.
(24) Như trên, điều 91.
(25) Thông điệp Redemptoris missio, số 84.
(26) xem GL điều 791, 2o.
(27) xem như trên, 782.
(28) Sắc lệnh về Truyền Giáo, số 38 ; Tông thư Ecclesiae sanctae, III, điều 9.
(29) xem Tự sắc Romanorum Pontificium, số IX ; Tông thư Ecclesiae sanctae, III, điều 7.
(30) xem GL điều 791, 4o ; Tông thư Ecclesiae sanctae, III, điều 8 ; Sắc lệnh về Truyền Giáo, số 38.
(31) xem Sắc lệnh về Truyền Giáo, số 27.
(32) xem ĐTC. Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, số 66.
(33) ĐTC. Phaolô VI, Tông thư Ecclesiae sanctae (6-8-1966), III, điều 11.
(34) xem Tông hiến Pastor bonus (28/6/1988), điều 85-92.
(35) xem Thông điệp Redemptoris missio (7-12-1990), số 83.
(36) xem GL 782, 791.
(37) xem như trên, điều 1267 •3 ; xem điều 791, 4o.
(38) xem Sắc lệnh về Truyền Giáo, số 38 và 41 ; Sắc lệnh về Giám mục, số 6 ; Thông điệp Redemptoris missio, số 68 và 85.
(39) xem GL điều 271, 790.
(40) ĐTC. Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, số 68.
(41) xem GL điều 574 •2 , 676, 783 ; Thông điệp Redemptoris missio, số 69.
(42) xem GL điều 225.
(43) ĐTC. Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, số 37, 82.
(44) xem GL điều 792.
(45) ĐTC. Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, số 85.
(46) Như trên.
(47) ĐTC. Gioan Phaolô II, Tông thư Tertio Millennio adveniente, số 57 : AAS 87 (1995), tr. 39-40.