Hợp tan… tan hợp!

Tớ bất ngờ và ngạc nhiên với số gọi nhỡ này, vì tớ nghĩ ‘đang rất ghét’ tớ.

Chắc phải có chuyện quan trọng nên người này mới… đặng chẳng đừng gọi tớ.

Tớ gọi lại.

– Thưa cha, bây giờ con lấy chồng, làm lễ cưới có được không?

Tớ trả lời:- Về mặt Đạo, cô không có ngăn trở gì hết, vì cô chưa làm lễ cưới, chưa nhận Bí tích hôn phối. Còn về mặt đời, thì có trục trặc đấy, bởi theo luật nhà nước chỉ một vợ một chồng… Cô phải hủy tờ giấy đăng ký kết hôn vội vàng ngày trước…

Tớ nhấn mạnh: Trường hợp cô hơi đặc biệt, cô cứ vào trình bày, bàn hỏi chân tình với cha xứ. Ngài sẽ có cách giải quyết tốt nhất cho cô…

2. Nàng- một thiếu nữ thôn quê, dễ thương cả vóc dáng, cả tính nết, cả chút dại khờ…

Rồi nàng quen và yêu một chàng lương dân. Chàng đã học xong giáo lý Dự tòng và Hôn nhân, chỉ đợi ngày nhận Bí tích Rửa Tội, dự tính một tuần trước ngày cưới.

Tớ phụ trách làm hồ sơ hôn phối…

Theo giấy giới thiệu của cha xứ bên trai, theo tờ khảo cung hôn phối đương sự tự làm có tính pháp lý, mọi sự đều tốt đẹp, không có ngăn trở gì.

Sau khi kiểm tra một vài điều căn bản về Giáo lý Hôn nhân, tớ làm tờ Rao hôn phối. Tớ dặn kỹ: Sau ba tuần rao công khai trên Nhà thờ, nếu không có gì trục trặc mới tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn, phần đời.

Sau hơn hai tuần rao, có phản hồi: Chàng trai đã có vợ và đã ly dị…

Tớ liền báo cho cha bên nhà trai…

Và biết ngài làm chánh xứ, lại phụ trách nhiều việc của giáo hạt rất bận, nên mạn phép xin ngài cho tớ đi ‘điều tra’ và lấy khảo cung người vợ trước (theo trách vụ, đương sự bên nào thì cha xứ bên ấy phải chịu trách nhiệm, tớ không tự tiện… lấn sân).

Việc ‘điều tra’ thì đúng… sở trường viết báo của tớ…

Qua tìm hiểu, mới biết chàng không phải dạng vừa… và ít nhiều có tính … rất cáo (bằng chứng, chàng dụ khị thế nào, đi ký giấy kết hôn rất sớm trước khi hạn rao hết)

Đời vợ trước có một con chung, tòa xử bên chồng phải có trách nhiệm hỗ trợ nuôi con, 200.000đ/tháng (có thể thay đổi theo thời giá), ấy mà đến 6-7 năm liền chàng vẫn ‘vô tư’, chưa một lần chu toàn trách nhiệm… ‘tối thiểu’ của người cha ấy.

– Hai trăm mỗi tháng, số tiền bây giờ chả đáng bao nhiêu, một bữa nhậu của anh không chừng còn thiếu, sao anh không lo chu cấp với mẹ cháu để chu toàn trách nhiệm người cha như tòa định.

– Dạ, không phải con không muốn chu cấp, do tại công việc sửa xe thu nhập còn khó khăn. Con còn nợ hơn chục triệu chưa trả hết…

– Nghĩa là công việc anh làm thu nhập chưa ổn định. Kinh tế rất quan trọng trong việc xây dựng gia đình. Kinh tế anh chưa đảm bảo, ngay cả cho riêng mình, nợ chưa trả xong, thì liệu có nên lấy vợ lúc này không ?

Chàng chối phăng:

– Không, đấy là con nói lúc trước, giờ tiệm sửa xe còn tốt lắm. Con nợ vì con chuẩn bị lo đám cưới.

– Thu nhập tốt, sao chỉ có hai trăm mỗi tháng mà anh không chu toàn, chưa một lần chu cấp ?

Chàng im lặng…

Tớ gợi ý, đại khái điều đó cho thấy anh thiếu trách nhiệm, nếu không muốn nói vô trách nhiệm với đứa con của mình….

Chàng công nhận làm người cha thiếu trách nhiệm.

Lần gặp khác, tớ hỏi thu nhập tiệm sửa xe.

– Dạ mỗi ngày con kiếm được khoảng một trăm, hơn một trăm (ngàn).

– Như vậy thu nhập không phải cao, nếu không muốn nói… bèo. Nếu trừ đi giá cả đồ đạc, giá thuê nhà, không biết anh còn được bao nhiêu mỗi tháng, không biết đủ lo cho riêng anh ?

(Nói thế bởi tớ biết, chàng vẫn nương cậy cha mẹ việc ăn uống; không phải lo đóng góp phụ gia đình, tiền kiếm bao nhiêu, cha mẹ cho giữ tất)

Tớ đặt vấn đề theo kiểu… ngạc nhiên chưa: Anh mở tiệm sửa xe, 6-7 năm, thời gian không phải ngắn, hơn cả thời gian nhiẹm kỳ thủ tướng- tổng thống có thể làm thay đổi đất nước. Thời gian như thế mà tiệm sửa xe của anh vẫn lèo bèo là sao ?

Chàng ngồi im…

Tớ đưa ra 3 giả thuyết… mở đường: Thứ 1. Tiệm sửa chưa có uy tín vì một lý do nào đó, chẳng hạn giá cả, chất lượng…. Thứ 2. Nếu về chất lượng, thì chứng tỏ tay nghề sửa xe của anh có vấn đề; Thứ 3: Có thể tiệm anh có uy tín, tay nghề cao song vẫn nghèo vì ham chơi hơn ham làm, ăn nhiều hơn làm…

Tớ gợi ý: Thiên vì lý do thứ ba, bởi anh người miền Nam, vốn ‘vô lo’ làm đồng nào xào đồng ấy, thậm chí còn mượn nợ để mà …xào.

Anh lí nhí:- Dạ con còn ham chơi hơn ham làm.

Gặp vợ trước…

Và biết thêm nhiều sự thật của chàng về gái gú, về ăn chơi, những mẩu tình dụ gái non dạ…. Lý do ly dị: Nói hoài nói mãi không được nên phải làm đơn ly dị.

Tệ nhất chàng có tính hay dựng chuyện, vu cáo, đổ thừa người khác…

Cái vấn đề ‘tệ nhất’ này người vợ không hề nói. Cái mà tớ ‘khám phá’ từ thực tế sinh động. Bằng chứng, tớ chưa hề gặp cô vợ này, chưa biết gì về cô vợ này… thế mà chàng đã nhắn tin, gọi điện khủng bố, đổ tội cô chuyện này chuyện nọ, bảo cô làm đơn kiện ở Nhà thờ để cản trở hôn nhân lấy người bên Đạo; thậm chí còn gọi điện đến mẹ- cha vợ cũ đe dọa, có những lời bất xứng với cha mẹ vợ một thời… (thật là quá đáng !)

Một số tin nhắn mới khủng bố, vu khống may vẫn còn chưa xóa. Tớ liền lấy máy ra chụp lưu như một bằng chứng, nếu cần.

Tớ nhận thấy cô…vợ bỏ này có sự ngay thật, nhất là không thấy ‘oán hận’ gì sau bao khổ đau chàng gây ra. Bằng chứng, khi nói về chàng, cô một lời hai lời dùng tư ‘anh í’ đầy trân trọng. Ấn tượng nhất, dạy dỗ đứa con vẫn quý mến người cha… Nghĩa là người mẹ không có chuyện ‘kể xấu’ gì về người cha !

(Tớ tiếc cho chàng, có vợ đẹp con ngoan không biết trân giữ…!)

Tớ trình bày, bàn hỏi với Linh mục khôn ngoan, thánh thiện và có thẩm quyền.

Đôi hôn nhân này có thể được hưởng đặc ân Phaolo, do Đấng bản quyền là Giám mục Giáo phận quyết định.

3. Trước khi hoàn tất hổ sơ gởi lên Tòa Giám mục, tớ mời hai đương sự cùng cha mẹ hai bên vào nhà xứ, lần cuối…

Tớ trình bày minh bạch tất cả những gì quan trọng tìm hiểu được. Để cho đương sự biện giải…

Phía cha mẹ bên nhà gái khi biết ‘chàng rể’ như thế… có chút đắn đo. Họ tế nhị:

– Con xin cha cho các cháu có thêm thời gian tìm hiểu, thử thách rồi làm lễ cưới cũng không muộn.

Tớ chuyển mục vụ nơi khác. Tất cả hồ sơ hôn phối tớ bàn giao cả cho cha Chánh xứ mới. Tớ lưu ý ngài đến hồ sơ đặc biệt đang…dang dở.

Bẵng đi một thời gian khá lâu, tớ được tin ‘đôi bạn’ này… tan đàn xẻ gánh.

Có người nói ‘cám ơn’ tớ, nhờ thế mới biết rõ chàng… không thì lấy vào họa cả đời. (tớ nói tạ ơn Chúa và cảm ơn cha xứ, tớ chỉ là… lính (Linh mục phó), làm dưới sự bàn hỏi, hướng dẫn của cha xứ)

Tớ nghĩ ‘đương sự’ nữ chắc đang… giận tớ lắm vì sự tận tình đưa đến kết quả…đổ vỡ, chia tay.

Song tớ không hề …mất ngủ. Xét mình làm chân tình và hết trách nhiệm dẫu.. khả năng còn hạn hẹp. Chuyện hôn nhân chuyện cả đời người, càng không thể qua loa, làm chiếu lệ…

Tớ cầu nguyện và tin, rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp, kết thúc có hậu thôi.

Với đương sự- tớ dành nhiều hơn thời gian điều tra để nghe nàng trải lòng, tâm sự và để tớ…tư vấn… Kể cả cùng Lần hạt… Tớ tin rồi sẽ hiểu tớ và hết…ghét tớ thôi.

4. Có chuông báo… Tớ ra…

Lại bất ngờ, người mà tớ nghĩ ‘đang ghét tớ’ xuất hiện, với một chàng trai khác.

À… thì ra… họ đến mời… đám cưới.

Còn nhớ, lại mời cả đi đám cưới, chứng tỏ ‘đương sự’ hết… giận- ghét tớ.

Tớ hứa chắc ngày ấy, giờ ấy theo thiệp mời sẽ đến… nhậu tiệc mừng.

Đến tối cầu nguyện và suy nghĩ, tớ lại thay đổi:- Hiện diện của tớ trong đám cưới sẽ không tiện. Chắc chắn lại có tiếng…xầm xì, biết đâu lại khơi lại câu truyện ‘chồng hờ’ lần trước… (chả hay ho gì, nhất là trong Ngày Cưới).

Thôi thì, tớ liệu một ngày nào đó trước ngày cưới đến hay chuyển gởi quà và cáo lỗi.

Tớ mừng cho ‘đương sự’. Chàng trai sắp chính thức là chồng không chỉ đồng Đạo- đồng quê (cùng người miền Bắc) mà còn cho thấy có trách nhiệm trong việc làm ăn.

Chàng cũng từng trải thăng trầm cuộc sống; từng giã quê nghèo trảy đi phương xa làm ăn… với tư cách…ông chủ.

Hiện chàng đang sống với mẹ, thuê nhà và mở lò làm bánh mì. Nghe nói, cũng triển vọng lắm.

Tạ ơn Chúa. Xin Chúa chúc lành cho Đôi Bạn.

Sau những thăng trầm, va vấp cuộc sống, họ hiểu nhau, cảm thông và yêu nhau thêm nhiều hơn, sẽ nên ‘cặp đôi hoàn hảo’ giữa cuộc sống.

Lm.Đaminh Hương Quất

Exit mobile version