Hội nhập Văn hóa trong Hôn lễ và Tang giỗ

A. Hôn lễ

Những nguyên tắc và luật lệ


A. Gia đình là tế bào và nền tảng của nhân loại. Giáo hội là Tân nhân loại, nên không thể không kiến thiét mình trên nền tảng của gia đình đổi mới.

Nếu gia đình ăn sâu vào lòng nhân loại, thì văn hóa và phong tục của từng vùng cũng ăn sâu vào các nghi lễ đặc trưng của gia đình, mà trước tiên là hôn lễ và tang lễ.

Do đó, việc hội nhập văn hóa trong hôn nhân Công giáo ở mỗi địa phương là điều rất bức thiết.

B. Nếu việc ấy mãi nay mới phần nào được lưu ý tới ở Việt nam, thì thực ra nó đã được Tòa thánh cho phép và khuyến khích từ lâu rồi.

Với nghị quyết của bộ Thần tự và kỷ luật huyền tích ký ngày 19- 3- 1969,được tái xác nhận bởi nghị quyết 19- 3- 1990, Tòa thánh lưu ý ta phải quan tâm (attendatur) đến phong tục địa phương (số 29) và cho phép Hội đồng giám mục thích nghi nghi tiết La mã (Rituale romanum) với những phong tục đó (số 39). Thậm chí Hội đồng giám mục có thể tìm kiếm và ban hành một nghi tiết riêng cho địa phương mình sau khi đã dược Tòa thánh chuẩn nhận (số 42).

Việc thích nghi liên quan trước hết đến lời hỏi đáp (số 41/1), thậm chí có thể bỏ lời hỏi đáp nếu cần, miễn là có cách khác giúp tỏ lộ sự ưng thuận lấy nhau của đôi bên (41/1- 3).

Hướng thích nghi còn cho phép bỏ việc nắm tay và đeo nhẫn cho nhau (41/6), và sau đeo nhẫn, cho phép hoặc đội vòng hoa cho đôi tân hôn (phong tục Hylạp) hoặc trùm khăn cho cô dâu (phong tục La mã)[1].

Cuối cùng,nơi mà theo phong tục hôn lễ được cử hành tại gia và theo những lễ nghi truyền thống sẵn có , thì Hội đồng giám mục có thể cho phép làm hôn lễ công giáo cũng tại gia và theo những nghi thức địa phương ấy, miễn là thích ứng chúng với tinh thần Kytô- giáo và Phụng vụ (số 44).

Xem ra theo tinh thần của nghị quyết, thì việc thêm vào hay thay đổi vài tiểu tiết là tự do . Còn những thay đổi lớn thì do Hội đồng giám mục quyết định. Chỉ khi cần đến một nghi tiết riêng, mới phải có sự chuẩn phê của Tòa thánh .

Hoàn cảnh văn hóa Việt nam

Tại Việt nam và những quốc gia bao quanh, hôn lễ luôn diễn ra ở gia đình. Hôn lễ chẳng thiết lập gia đình và được sống thật sự ở gia đình đó sao ?

Cũng tại Việt nam và hầu khắp các quốc gia Trung Á và Đông nam A[2], tục ăn trầu xưa hoàn toàn phổ biến, và trầu cau là biểu tượng không thể thiếu của hôn nhân suốt từ mấy mgàn năm nay[3].

Những đề nghị cụ thể

1. Hôn lễ thường phải được diễn ra trong thánh lễ, khi mà thánh lễ đã là huyền tích tập hợp (ekkalô) nó thiết lập Dân Chúa (Ekklêsia), trong khi gia đình lại là “Dân Chúa tại gia” (ecclesia domestica).

2.Hôn lễ cốt yếu là của gia đình, nhất là tại vùng trời Á đông, nên hôn lễ (dù trong thánh lễ) không thể không diễn ra tại gia đình[4] , ít là nửa tại gia đình, nửa tại nhà thờ họ đạo , nhưng trong cùng một chuyển động nghi lễ, chứ không phải chính thức chỉ có ở nhà thờ, còn ngoài nhà thờ thì cũng ngoại phụng vụ luôn.

3. Đưa trầu cau vào làm biểu hiệu, ít là ngang hàng với nhẫn cưới. Sau khi đôi bên xỏ nhẫn cho nhau xong, sẽ trao nhau hai miếng trầu têm từ cùng một lá trầu và một trái cau[5]. Rồi đến phần Tiến lễ, cộng đồng dâng khay trầu (cau) tiếp theo khay bánh rượu.


Sơ thảo Diễn tiến Nghi lễ


– Tại nhà gái


1.Người chủ hôn (hoặc một đại diện nhà trai) dẫn chàng rể đến trước gia trưởng nhà gái xin đón dâu. Vị này đưa tất cả tới dâng hương nến và hoa lên bàn thờ Chúa (ca hội hát). Gia trưởng nhà gái đốt hương, nâng ngang trán, tế cáo, xin chúc phúc cho đôi trẻ, rồi lạy thật sâu. Sau khi cắm hương vô bát, gia trưởng sẽ thắp hương trao đại diện nhà trai và đôi dự hôn vái.

2.Gia trưởng mời ngồi nghe giáo huấn của Giáo hội. Một người đứng ra chọn đọc một đoạn trong hiến chế GIÁO HỘI TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY ( Gaudium et spes) trong khoảng các số từ 47 đến 52, hoặc trong một văn kiện nào khác liên quan đến hôn nhân. Tiếp đến, đọc bài đọc một của thánh lễ, để ở nhà thờ ( hoặc ở nhà trai ) chỉ đọc Phúc âm thôi.

3.Gia trưởng dẫn đôi tân hôn đến trước bàn thờ gia tiên để họ dâng hoa, trầu cau, rượu trắng hoặc nước lã, rồi vái hương hoặc vái không hương.

4.Gia trưởng dẫn chú rể (đi cùng cô dâu) đến nhận họ với nhà gái.

5.Đôi dự hôn lạy cha mẹ vợ để từ giã lên đường. Cô dâu lạy chính thức hai lạy để tạ ơn dưỡng dục.

– Tại nhà thờ (hay nhà trai)

1.Sau Phúc âm sẽ diễn ra hôn lễ. Thay vì hỏi đáp,linh mục có thể mời đôi dự hôn tự nói lên quyết định trước Chúa của mình. Đôi bên có thể nói nhỏ,không micro, đủ cho linh mục và những người làm chứng nghe. Hoặc họ ứng khẩu,hoặc viết trước và đọc lên quyết nguyện thực sự của mình, đại để như : – – Trước mặt Chúa và Giáo hội, anh (hay em) hôm nay nhất quyết nhận em(hay anh) . . . làm vợ (hay chồng) để suốt đời yêu thương và cùng nhau chia sẻ mọi buồn vui của cuộc sống.

2. Sau khi đeo nhẫn cho nhau rồi,sẽ nắm tay nhau tỏ tình yêu thương và trao nhau hai miếng trầu têm từ cùng một lá trầu và một trái cau. Đoạn cùng lạy Chúa sâu và bên nhau âm thầm cầu nguyện. Kế đó quay sang lạy nhau.

3. Khi tiến lễ, đôi tân hôn cùng gia đình sẽ dâng lên :khay bánh rượu, khay trầu cau,cùng hương nến,trái cây và hoa.

Nếu thánh lễ cử hành ở nhà trai, thì liền sau hôn lễ, cô dâu chú rể đến lạy gia tiên và cha mẹ chồng ngay. Rồi đến khi chúc bình an,sẽ đến nhận họ với nhà trai. Lúc chịu lễ, đôi tân hôn uống chung chén rượu (giao bôi).

– Tại nhà trai

Giống như bên nhà gái,với mấy nghi thức riêng :

1.Đại diện nhà gái ký thác cô dâu cho gia đình đằng trai, rồi đến lạy trước bàn thờ Chúa và bàn thờ gia tiên.

2.Đọc một đoạn cổ thư phương đông liên quan đến đạo đức gia đình,như Gia huấn ca .Cũng có thể đọc đoạn Tobia quen thuộc của hôn lễ.

3.Sau khi gia trưởng hay người đại diện khuyên bảo mấy câu, họ sẽ dẫn đôi trẻ đến tế cáo và vái trước bàn thờ Chúa và bàn thờ gia tiên. Rồi cha mẹ chồng ngồi lên ghế để đôi tân hôn lạy[6]. Kế đó, chàng dẫn nàng đi nhận họ với nhà trai.

B. Tang gi


30 ban tho gia tien - Hội nhập Văn hóa trong Hôn lễ và Tang giỗ

Mẫu : Bàn thờ Gia tiên

Để mang bầu khí thiêng liêng vô gia đình, thì hôn lễ Kytô- giáo nó thiết lập gia đình thành “giáo hội tại gia”,hôn lễ ấy phải được tổ chức, toàn phần hay một phần, tại nhà trai, nhà gái.

Để bầu khí nói trên càng thiêng liêng hơn, khiến gia đình do đó càng bền chặt thêm, thì cả nhà phải sống quây quần xung quanh bàn thờ Chúa và bàn thờ tiên tổ.

Để bàn thờ gia tiên hiện tỏ là Kytô- giáo, hãy mang vô đó thánh giá (với ý nghĩa : chết trong cái chết của Chúa) và nến Phục sinh (với hy vọng phục sinh với Ngài).

Để thêm sắc thái Á đông, ngoài bài vị (hay ảnh) và bát nhang, nên có đôi hạc hay hình cánh hạc (:giá hạc qui thiên). Bàn thờ gia tiên này có thể là tủ thờ hay ban thờ treo (coi mẫu ở trang cuối), đặt bên ban thờ Chúa ở một vị trí thấp hơn.

Trước tang lễ

Sau khi tắm lau và mặc quần áo thích xứng cho người chết rồi, hãy khiêng linh sàng (giường tang) ra gian giữa (để đầu quay ra ngoài thì tốt hơn). Phía đầu giường hãy để bài vị hay ảnh, ghi rõ năm sinh và ngày tháng chết. Phía trước giường sẽ là linh tọa : một bàn thờ nhỏ phủ vải trắng, trên thắp đôi nến trắng, giữa có bình nước phép và bát nhang.

Thật sớm trước khi đó, phải cử ngay : người tang chủ,người tướng lễ (sắp đặt và hướng dẫn các nghi lễ),người tư thư (lo việc cáo phó, ghi chép), người tư hóa (coi sổ sách phúng điếu và thu chi).

Sau một đôi ngày để người chí thân kịp về nhìn mặt lần cuối,sẽ làm lễ Nhập quan[7] . Lúc cử hành lễ Nhập quan cũng nên là lúc chính thức mặc tang phục cho tiện. Và đây là lễ Thành phục.

Tang phục là khăn sô và áo sô (vải thô,không phải vải láng),vì không nhuộm nên trắng, vì may sơ sài nên xổ gấu và sống lưng may lộn ra ngoài .Sự trễ nải trong ăn mặc này nhằm nói lên nỗi buồn của người thụ tang : không để ý đến mặc,cũng chẳng thiết ăn. . ..[8]Những kẻ chí thân mới dùng cả áo sô lẫn khăn sô, còn người thân vừa vừa chỉ chít khăn sô thôi.

Vận tang phục rồi,người nhà sẽ đứng hai bên trong lúc Nhập quan, kẻ thân nhất đứng gần người chết nhất. Trước hay trong lúc Nhập quan ấy, nên đọc Văn khấn : nhắc lại những chung sống êm đềm xưa, và nói lên với người ra đi nỗi buồn đau của người ở lại; đồng thời thiết tha cầu cho người thân khuất bóng ấy sớm trở về với Chúa, và cầu xin họ khi ở bên Chúa hãy phù hộ cho gia đình.

Sau nghi lễ Nhập quan, người ngoài mới đến phúng viếng và cầu nguyện. Khi viếng, mỗi người sẽ lạy hai lạy hoặc vái hai vái (có thể thêm hai vái ngắn) . Chỉ sau khi chôn, mới vái bốn vái (được kể như chính thức thuộc thế giới thiêng liêng). Nếu phúng hoa, thì vòng hoa sẽ trắng nếu người chết độc thân (tập tục này do bên Tây truyền sang).

Trong các cuộc viếng tập thể, nên suy niệm Thánh kinh,đọc thánh vịnh,hát theo những mẫu có sẵn .Thiết tưởng nên thêm những lời cầu tự phát chúng dễ chân thành hơn. Riêng về việc tấu nhạc, đừng dùng những nhạc khí gây ồn lớn,như trompette, trombone và trống, nhất là tại gia và ở nhà thờ.[9]

Lễ an táng

Trên đường đi,liền sau linh cữu sẽ là con cái và vợ hay chồng người chết. Con trai và con gái có thể chống gậy, trai gậy tre gái gậy vông. Lẽ ra trai phải chống gậy đi giật lùi trước linh cữu bố, nhưng để đơn giản hóa và tránh kỳ thị nam nữ,mẹ cha, tất cả con cái trai gái sẽ đi theo sau, dù linh cữu của cha hay mẹ cũng thế.

Sau nghi lễ an táng tại thánh đường hoặc sau nghi lễ làm phép mộ ở nghĩa trang, người ta có thể đọc điếu văn chính thức để kể công đức và ca ngợi đức độ của người ra đi.

Nếu không chôn mà hỏa thiêu, thì sau tang lễ ở nhà thờ,sẽ đưa quan tài đến nơi hỏa thiêu,xong rước cốt về trong khuôn viên thánh đường giáo xứ[10]. Giáo xứ có thể biến cây tháp nhà thờ thành bửu tháp (stũpa) như ở chùa[11]. Tại bửu tháp ở chùa, cốt được sắp đặt như sau :của tín đồ để ở các tầng dưới, của tăng ni để ở các tầng trên, càng trọng thì tầng càng cao hơn.

Giỗ chạp và để tang

Nay người ta không mang tang phục thường ngày nữa, mà thay bằng một dấu hiệu đơn giản hơn, như băng đen chả hạn. Thật ra , người Việt và Tàu kiêng màu đen, mà màu trắng cũng không phải màu tang đâu. Sở dĩ trắng là vì buồn nên không nhuộm, thế thôi. Vậy tốt nhất theo tôi nghĩ, nên dùng một băng trắng hay huy hiệu trắng, với thánh giá xám hay nâu ở giữa.

Thời gian để tang nên chia ra : đại tang ba năm đối với cả cha lẫn mẹ, và tang một năm dù đối với vợ hay chồng. . .[12]

Giỗ thì có Tiểu tường (tròn một năm), rồi Đại tường (tròn hai năm). Trước Tiểu tường, người ta cúng cơm (trong 49 hay 100) ngày cho đến Tốt khốc : ngưng khóc và ngưng cúng cơm. Lại sau Đại tường chừng ba tháng sẽ diễn ra lễ Trừ phục để bỏ áo tang. Để đon giản hóa, người Công giáo chúng ta nên họp nhau đọc kinh mỗi tối trong đôi ba tuần hay một tháng (như nhiều vùng vẫn làm), kế đó xây và viếng mộ sau một trăm ngày, rồi giỗ đầu sau một năm, giỗ cuối sau 27 tháng (gồm cả Đại tường và Trừ phục làm một). Ngoài ra hằng năm, gia đình hãy dành ra một ngày để giỗ mọi gia tiên cho đến đời thứ năm,cùng với ông tổ của dòng họ.

Cũng hằng năm vào cuối tháng chạp (chính là Lạp, có nghĩa dãy mả), ta nên đến quét sửa mộ và thắp nhang. Cũng có thể làm thế trong ngày lễ Cầu siêu[13] đầu tháng 11 và lễ Thanh minh tháng ba ta.

Trong những dịp giỗ chạp như thế, không nên ăn uống lớn, mà chỉ họp mặt để cầu cho người quá cố cũng như để gặp gỡ anh em,họ hàng. Không những cầu cho gia tiên, chúng ta còn cầu với gia tiên nữa, nhờ đó cảm nghiệm sự có mặt của gia tiên giữa gia đình.

Một vài mẫu văn khấn, tế,. . .

Văn Kỵ (Giỗ) Bố mẹ

Năm. . .tháng. . .ngày. . .tại. . .

Chúng con(kể tên) cùng với các cháu
Hướng về cha tên. . .,mẹ tên. . .
Nhân ngày giỗ. . .
Tưởng nhớ ơn sâu dưỡng dục
Tình thương không bờ bến
Với bao hy sinh thầm kín không tên.
Đã xa rồi năm tháng thần tiên
Chúng con sống vui vầy dưới bóng
Mới ngày nọ buổi chia lìa đau đớn
Dạ nhớ thương từng lúc vẫn không nguôi
Nay tuần hương nghi ngút khói u hoài
Xin kính thỉnh (bố ,mẹ) về đây cùng con cháu
Xin phù hộ cho trong ngoài an hảo
Xin cầu cho gia đình êm ấm,các cháu hiền ngoan
Để mai sau cùng xum họp thiên đường
Vui gặp gỡ thỏa tình thương nỗi nhớ
NAY CẨN KHẤN

Văn thỉnh ông bà đêm trừ tịch

Năm (Bính thìn) đêm trừ tịch(ngày tất niên)

Các con cháu (kể tên)
Hướng về ông bà và. . . .
Nhân hôm nay,trước ngưỡng cửa năm. . . .
Kính thỉnh ông bà và. . . về chung vui
Trong dịp đầu xuân cả nhà đây họp mặt
Tạm quên đi những buồn lo năm sắp hết
Hướng về tương lai trong đức Vọng siêu nhiên
Noi gương đức độ ông bà,quyết vững đi lên
Xin phù trợ cho trong ngoài tốt đẹp
Cho sống biết thương nhau,chết hẹn phải gặp nhau
Nơi chỉ có một mùa xuân vĩnh viễn.

KINH KHẤN CẦU CHO NGƯỜI THÂN ĐÃ KHUẤT

(Hai bè đọc : Nam dấu dương – , Nữ dấu âm – – )

– Xưa Chúa đã chịu đói khát,đàn áp và đánh đập
– – Xin cho người thân xưa từng vác chữ thập thường ngày
Cũng đạt tới chỗ dành cho trong Nước Chúa /
– Xưa Chúa đến chia sẻ số phận phải chết của chúng con
– – Xin cho người thân được có phần trong Sự sống củaNgười/
– Xưa Chúa từng sợ hãi ở Vườn dầu,cô đơn trên Đỉnh sọ
khiến phải kêu : Sao Cha nỡ bỏ con
– – Xin cho người thân,xưa đã nếm mùi sợ và cô đơn khi chết
cũng được giải cứu nhờ kinh nghiệm sự chết của Người
– Xưa Chúa đã chết đau nơi cái chết thảm sầu của chúng con do tội
– – Xin giải thoát người thân khỏi hậu qua trầm luân
– Xưa Chúa đã chết để tiêu diệt sự chết
– – Xin cho người thân được hưởng phúc vĩnh hằng /Amen

VĂN TẾ KHẤN TRỜI LÚC GIAO THỪA[14]

Nay giã năm (Dậu) sang năm (Tuất)

Tại (tên nơi) , giữa trời và đất
Thay mặt cộng đồng (tên),con (tên)
Xin cung chúc đấng Hóa công trường phúc
Đã tạo nên trời đất bằng Lời (Gio.l.3),
Sự sống bằng Khí (Stt.1.2) ,
Loài người bằng Hơi thở thần linh (Stt.2.7)
Xin cung chiêm hầu tỏ dạ tri ân
Xin cầu phúc hòa an trên thế giới
Cho đất sinh trái ngọt, cho trong lành sinh thái
Cho người người tốt nhịn biết thương nhau
Cho nhà con đây lấy đức làm đầu
Hầu xum họp mai sau trên Cõi phúc. . .

Lm. Giuse Hoàng Sỹ Quý, S.J.


[1] Việc trùm khăn nói lên sự lệ thuộc của vợ vào chồng : không thích hợp.
[2] Đó là Lào, Campuchia, Malaisia,Thái lan, Miến điện, Inđônêsi, Phi luật tân, Ấn độ, Sri Lanka, Micrônêsi, phần lớn Milanêsi, Việt nam và Nam Trung quốc.
[3] Xx. HSQ,Tục ăn trầu trên thế giới, trong Phương đông tháng 2- 3 năm 1972.
[4] Xưa bên GH đông phương , hôn lễ KTG luôn cử hành ở gia đình, có giám mục đến chứng kiến.
[5] Trong hôn lễ Campuchia, cô dâu đưa miếng trầu cho chú rể cắn. Trong hôn lễ ở Maharashtra (Ấn độ), cô dâu cắn chung với chàng rề vào một miếng trầu. Còn trong hôn lễ Chăm, đôi tân hôn mỗi người ăn một miếng trầu riêng nhưng têm từ cùng một lá trầu và một trái cau.
[6] “Nhất bái thiên địa, nhị bái gia tiên, tam bái phụ mẫu, phu thê giao bái”.
[7] Nhiều nhà Công giáo hôm nay, sau Nhập quan, còn bày thêm Động quan, gây thêm tốn kém và phiền phức.
[8] Sách Lễ ký (ch.XV:Tang phục tiểu ký) giải thích rõ như thế. Nay nhiều người không biết, lầm tưởng đây là vấn đề mầu, nên cũng thì trắng, nhưng lại dùng vải láng và may đẹp. Thậm chí còn bày thêm màu vàng hay gì đó nữa để phân hạng. Riêng về màu đen, Tàu và Việt rất kiêng.
[9] Bùi văn Nên, trong tác phẩn Gia lễ của ông, cũng phàn nàn như thế.
[10] Khác với Nhật, người Việt và Tầu kiêng để cốt trong nhà.
[11] Tháp hay bảo tháp (stupa) là nơi thờ xá lợi (tro tàn) đức Phật, sau này cũng để tro tàn tăng ni và tín đồ nữa.
[12] Không nên trọng cha hơn mẹ hay chồng hơn vợ, như tục lệ bất công xưa.
[13] Cầu siêu là cầu cho Siêu linh tịnh độ, cũng như Cầu lộc cầu tài là cầu cho phát tài và phúc lộc. Nói Cầu hồn thì vô nghĩa.
[14] Dịp Tết tế ông bà cũng là dịp tế Trời cho chúng ta. Người ta bày hương án giữa trời mà lạy ra bốn phương. Người thì bảo đây là tế trời đất, kẻ lại bảo tế để tống tiễn ông Hành khiển (thần coi sóc trái đất) năm cũ và nghênh đón ông Hành khiển năm mới. Cha sở và các chủ gia đình Công giáo có thể tế Chúa trời đất và cầu cho quốc thái dân an.

Exit mobile version