Hội đường

“Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường” (Mc 1,21)

Hội đường, tiếng Hy Lạp là synagôgê, có nghĩa là cuộc hội họp, về sau chỉ nơi cộng đoàn hội họp để cầu nguyện và giáo huấn. Hội đường mọc lên như kết quả của việc tiêu hủy đền thờ Giêrusalem năm 587, và người Do Thái bị phân tán (diaspura) khỏi Palestina nhằm bảo tồn sự hiệp nhất đức tin và thờ phượng (x. Tv 74,8). Không thể định rõ được thời điểm lần đầu hội đường xuất hiện, nhưng vào thời Tân Ước, hội đường đã được thiết lập và là một phần cốt yếu trong đời sống và việc phụng thờ của người Do Thái. Nơi nào có người Do Thái, tại các thành phố làng mạc ở Palestina hoặc ở nước ngoài, đều có hội đường. Ở Capharnaum, hội đường do một lương dân xây tặng (Lc 7,15). Trong thành phố lớn có nhiều hội đường, chẳng hạn ở Giêrusalem có hội đường của những người được phóng thích (Cv 6,3).

hocca3i duong 600x353 - Hội đường

Hội đường không phải là nơi Thiên Chúa ngự, nhưng là nhà hội họp để cầu nguyện và học luật. Vì thế, nếu có một tư tế có mặt, họ cũng chỉ như mọi người. Viên trưởng hội đường thường là niên trưởng, lo bảo vệ và giữ trật tự (Lc 8,41 Cv 18,8). Hội đường có một chút ít quyền xét xử và trừng phạt (Mt 10,7 23,34 Mc 13,9 Lc 21,12 Cv 9,2 . 22,19. 26,11). Không có viên chức chỉ định lo việc sinh hoạt mà chỉ có những người được mời, từ những thành viên hay những người khách. Sinh hoạt tại hội đường diễn ra vào mỗi ngày thứ bảy (sabbat) và những ngày lễ. Khởi đầu là kinh Shema (Đnl 6,4tt), kinh tin kính của người Do Thái. Tiếp theo là một kinh nguyện dài, do một người trong cộng đoàn đọc, thường ứng khẩu nhưng theo một hình thức đã định được ghi trong các thủ bản. Một đoạn sách luật được đọc lên, và được phiên dịch sang tiếng bản xứ, rồi một bài thuyết giải dựa trên đoạn văn vừa đọc, do một thành viên trong nhóm hội tự phát (Cv 15,21). Việc đọc sách các tiên tri sớm được thêm ngay sau việc đọc sách luật (Lc 4,17). Nếu có các tư tế hiện diện sự việc kết thúc với việc đọc lời chúc lành của tư tế (Ds 6,24-26). Sự việc dần dần mở rộng bằng việc thêm vào các kinh nguyện khác hay việc hát các thánh vịnh. Sách Ngũ thư được phân phối thành chu kỳ 3 năm.

Hội đường có tầm quan trọng chủ yếu trong những khởi đầu và phát triển Kitô giáo. Chúa Giêsu thường đến hội đường giảng dạy (Mt 4,23. 9,25. 12,9 Mc 1,39. 3,1. Lc 4,15. 6,6. 13,10 Ga 18,20). Tiến trình sinh hoạt tại hội đường là dịp để Ngài loan báo Tin Mừng, chẳng hạn tại Nazareth (Lc 4,16-20) hay Capharnaum (Mt 1,21t Ga 6,59). Thánh Phaolô bắt đầu việc rao giảng tại hội đường Đamas (Cv 9,20). Đến đâu, trước hết thánh nhân vào giảng tại hội đường: tại Salamis miền Cyprô (Cv 13,5) Antiokia (Cv 13,14) Iconia (Cv 14,1) Thessalonica (Cv 17,1) Corintô (Cv18,4) và Êphêsô (19,8).

Việc thờ phượng của cộng đoàn Kitô giáo chuyển từ ngày Sabbat sang ngày hôm sau Chúa Nhật và được tổ chức như sinh hoạt tại hội đường và thêm vào bữa tiệc huynh đệ (agape) và thánh thể. Đó là nghi thức thánh lễ.

Lm. Phạm Quốc Túy – Giáo phận Phú Cường

Exit mobile version