Bốn tôn-giáo, hay nói đúng hơn, những người theo bốn tôn-giáo họp nhau đối-thoại, đó là cái mơ ước của người xưa, và cũng là nguyện-vọng của người ngày nay.
Ở nước Việt-nam ta tam giáo là di-sản văn-hóa cổ-truyền. Di-sản ấy là do người Trung-hoa trước đây đã đem chia-sẻ với chúng ta. Và đó là lẽ thường trong cuộc giao-lưu văn-hóa giữa các dân-tộc. Trong khi trao đổi như thế, việc truyền-đạo hay truyền-giáo còn có một ý nghĩa sâu-xa hơn : người ta muốn đem niềm tin và lẽ sống của mình, nghĩa là những cái mà mình cho là quí nhất trong đời, để chia-sẻ với mọi người. Cũng như trước đây đã có các vị cao-tăng, trong tinh-thần tự giác giác tha, đem Phật-giáo từ ngoài truyền vào Trung-quốc, Việt-nam và các nước Á-châu. Và cũng như ngày nay, có nhà sư đưa Phật-pháp từ Á-châu sang giảng cho người phương tây. Khi các giáo-sĩ tây-phương sang truyền-giáo ở Việt-nam vào đầu thế-kỷ XVII, thì cũng theo một tinh-thần như thế. Trong hoàn cảnh đó, nói đến tứ giáo, tức là muốn đóng góp thêm vào tam giáo một di-sản khác cũng từ xa đưa tới.
Nhưng khi được truyền-bá vào đất Đại-Việt, đạo Thiên-Chúa không phải như là đi vào vườn hoang, vì ngoài tôn-giáo dân-gian ra thì từ lâu đã có tam giáo. Đạo Phật lúc đó đã có cơ-sở vững-bền trong dân-gian, vì trong hơn ba thế-kỷ đã được các triều đại Lê Trần nhiệt-liệt ủng-hộ, nào là xây chùa, đúc chuông, chép kinh, nào là cấp ruộng đãt, cấp diệp-độ cho tăng-sĩ. Đạo giáo cũng được nâng đỡ trong thời Lê Trần, các đạo-sĩ cũng được xây quán và được chức tước như giới tăng-sĩ. Mãi cuối thời nhà Trần và nhất là từ thời nhà Hậu-Lê, mới có một số nho-sĩ lên tiếng chỉ trích Phật giáo, ví-dụ như các sử-gia Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên. Chính quyền nho-giáo đã nhiều lần công kích Phật-giáo, Đạo-giáo và đồng bóng trong dân gian, cho rằng đó không phải là chính-đạo, nhưng thường chỉ kiểm soát chứ không bách-hại.
Vào thời nam bắc phân-tranh, khi các giáo-sĩ Âu-châu tới Việt-Nam, chính-quyền vẫn suy-tôn tư-tưởng Khổng Mạnh, tam cương ngũ thường, tu tề trị bình, được đưa ra làm tiêu-chuẩn cho đời sống cá-nhân, gia-đình và quốc gia.
Còn trong dân-gian thì đạo Phật và đạo Lão cũng vẫn còn thịnh. Trong hoàn-cảnh đó, các giáo-sĩ đạo Thiên-chúa không thể không nói đến tam giáo. Cho nên khi nói đến tứ giáo, tức là ý-thức được chỗ đứng và phần đóng góp của mình trong nước Đại-Việt.
Nhưng chỗ đứng đó chưa có cơ-sở vững chãi như tam giáo, cho nên có nhiều việc phải làm. Đối với ngườì ngoài thì phải chú-trọng vào việc minhgiáo, đem đạo mình giải-thích cho dân-chúng còn đang theo tất cả các tôn giáo cổ-truyền và cho chính-quyền đang tựa trên nho-giáo. Còn việc trong nội-bộ, có phần quan trọng hơn, là giảng-giải giáo-lý cho dân mới theo đạo, để họ biết đạo của mình khác các tôn-giáo chung quanh ở chỗ nào. Vì lẽ có ai theo đạo nào mà lại cứ cho rằng đạo ấy là sai lạc ? cũng như nhà Phật thì đinh-ninh rằng những người không theo Phật-pháp tức là ở trong chỗ “vôminh’’, nhà nho thì cũng cho đạo Khổng là chính đạo, trái ngược lại với tả đạo.
Đó là lẽ đương-nhiên, ai cũng hiểu được. Chỉ khi nào có người dùngquyền lực mà bắt người khác theo hay là không được theo đạo nầy đạo khác, thì mới là không đương-nhiên.
Vấn-đề minh-giáo là phải biết lập-trường của mình như thế nào, và biết trả lời khi người khác hỏi hay là bắt-bẻ. Khi bị trách là theo đạo ngoại-quốc, thì trả lời rằng đạo là đạo chung cho mọi người, và trước đó thì tam giáo cũnglà từ Trung-quốc và Ấn-độ du-nhập vào Việt-nam. Khi bị nhà nho gán cho cái tội bỏ rơi cương-thường, bất chấp nghĩa vua tôi, tình cha con, thì viết sách minh-chứng rằng đạo Thiên-Chúa giữ đủ cả nhân nghĩa lí trí tín, đồng thời lập ra thuyết tam phụ, chủ-trương thờ kính cha mẹ là hạ-phụ, vua quan là trungphụ, và thờ phụng thiên-địa chân Chúa là thượng phụ. tuy thế người theo đạo Thiên-Chúa cũng không tránh được thái-độ tranh-luận : người ta cho mình là tả-đạo, thì mình cho mình là chính đạo và người ta là mê-tín, là sai lầm, là thờ dông-dài.
Nếu cho rằng con đường mình đi là đường chính, thì dĩ-nhiên cũng nghĩ rằng những người đi đường khác tất có chỗ sai lầm. Vào giữa thế-kỷ XVIII, thì ở địa-phận Đông Đàng Ngoài có cuốn sách viết tay, nhan đề là Tam giáo chư vọng. Nghĩa là những cái sai làm của tam-giáo. Sách viết tay, không in ra, chỉ để lưu-hành nội bộ, giúp cho người theo đạo giữ đúng lập-trường, không để họ bạ cái gì cũng tin cũng làm, nghĩa là không trở lại những sai lầm mà mình đã bỏ. Lập-trường đó được trình-bầy trong các sách giáo-lý, viết có hệ-thống cẩn-thận.
Ai cũng biết rằng đạo Thiên-Chúa, về mặt thực-hành, quả là có nhiều điểm cũng giống như trong tam giáo. Ví dụ như con đường xuất gia và nếp sống tu hành bên nhà Phật, cái ước vọng trường sinh bất tử của Đạo-gia, và luân-lý tam cương ngũ thường trong đạo nho. Nhưng trong hoàn-cảnh nói trên, sách vở chú trọng vào những cái khác nhau hơn là vào những điều giống nhau, thành ra khi căn cứ vào sách vở, người ta có cảm giác là xa lạ đối với văn-hóa Việt-nam.
Sách Hội đồng tứ giáo cũng nằm trong khuôn-khổ như thế, nhưng được trình-bầy theo lối đối thoại, muốn lấy cái lý mà suy xét các điểm dị-biệt. Chứ không ai dại gì mà viết sách khiêu-khích cả nước, trong khi mình chỉ là một thiểu-số, nhất là vào thời bị cấm cách, có một điều không mấy ai để ý, làngay từ buổi đầu đạo Thiên-Chúa đã được giảng-giải và sách vở đã được viết ra ngay bằng tiếng Việt. Trong khi đó thì kinh sách của tam giáo đều dùng chữ Hán cả, và còn giữ như thế rất lâu. Đầu thế-kỷ XVII, có giáo-sĩ dòng tên, người Ý, là Girolamo Maiorica, đã sọan chừng bốn chục cuốn sách đạo, viết tay bằng chữ Nôm, nay chỉ còn hơn chục cuốn. Năm 1651, giáo-sĩ Alexandre de Rhodes cho in ở Rôma sách giáo-lý, tên là Phép giảng tám ngày, viết bằng tiếng Việt theo lối chữ quốc ngữ, có đối-chiếu tiếng la-tinh. Nhưng cũng chỉ là để dùng trong nội-bộ, đồng thời để giúp cho các giáo-sĩ mới tới học tiếng Việt. Các thầy giảng và thầy cả (linh-mục) Việt-nam thời đó đều có học chữ Hán, chữ Nôm, cho nên họ còn đọc thêm được một ít sách giáo-lý viết bằng chữ Hán, do các giáo-sĩ Âu-châu đem từ Trung-quốc sang bên ta.
Những sách chữ Hán đó nhiều khi cũng làm tăng uy-tín cho đạo Thiên-Chúa : Nho-sĩ và vua quan đang trọng đạo nho, thấy sách đạo viết bằng chữ thánh hiền, thì cũng có thể bớt đi đôi chút cái thiên-kiến rằng cái thứ đạo mà sách vở viết bằng lối chữ của người tây-di, hay là bằng thứ chữ nôm na là cha mách qué, thì chỉ là để gạt loại ngu phu ngu phụ mà thôi.
Sách Hội đồng tứ giáo được soạn và in ra cả bằng chữ Hán lẫn chữ Nôm, chắc cũng có cái dụng-ý là muốn cho độc-giả biết đây là truyện lý-sự đứng đắn. Đứng đắn là vì nó trình-bầy một cuộc hội-đàm giữa bốn đại-diện của bốn tôn-giáo, về những vấn-đề nhân-sinh căn bản : một là gốc-tích người ta bởi đâu mà ra, hai là người ta thủa bình-sinh ở đời làm sao, ba là cứu-cánh của con người, chết rồi đi đâu. Lý-sự là vì nói truyện với nhau trên căn bản lý-sự, chứ không phải trên căn bản võ-lực hay uy-quyền, như có nêu lên trong lời kết-luận :’’Lý giả nhân loại chi công sư (Lý là thầy chung cả loài người)’’.
Hình-thức đối-thoại là một thể văn quen thuộc đối với người Âu-châu, nó đã xuất-hiện trong triết-học Hi-lạp, khi Platon viết triết-học bằng thể văn đối- thoại. Nó khác hẳn cái lối dạy ngày xưa (mà bây giờ cũng vẫn còn), theo đó ông thầy nói thì học-trò phải nghe, chứ không được cãi lý, nó khác là vì nhận rằng ‘’Lý giả nhân loại chi công sư’’, mà cái lý, thì như triết-gia Pháp là Descartes nói, ai cũng có như nhau. Hội đồng tứ giáo cũng theo một thể văn như thế.
Có người cho rằng ở bên Trung-quốc và bên ta thì tam giáo hợp nhất, người ta tổng-hợp và đoàn-kết tôn-giáo, chỉ có đạo Thiên-Chúa là không chịu như thế. Sự thực không đơn-giản như thế. Một là vì giữa nhà Nho và nhà Phật thì ở bên Trung-quốc cũng như ở bên ta, không thiếu gì những ý-kiến bất đồng, không thiếu gì những giai-đọan tranh-chấp. Hai là vì chưa bao giờ có ai tổng-hợp tam-giáo, đem các niềm thâm-tín và các nghi-lễ khác nhau, làm thành một hệ-thống duy nhất và không có mâu-thuẫn. Còn trong dân-gian, thường thường chỗ nào cho là thiêng thì thờ cả, không phân-biệt, từ Phật tiên thánh, Ngọc-hoàng, Bồ-tát, cho đến tứ phủ công đồng, và còn nhiều hơn nữa, cho đến nỗi táo-quân, thái-dương và thái-âm cũng được gọi là bồ-tát.
Nhưng có lẽ không ai nghĩ đến một hệ-thống theo một cái nhìn nhất-quán. Có lẽ chính vì cái tính-cách hợp nhất của tam giáo nó lỏng-lẻo như thế, cho nên một số người công-giáo Trung-hoa thế-kỷ XVII đã đưa ra chủ-trương tứ giáo hợp nhất 1, và ở Việt-nam người công-giáo cũng chủ-trương những người theo tứ giáo có thể họp nhau trao đổi ý-kiến.
Về cách kết-cấu thì sách Hội đồng tứ giáo không phải là những ghi-chú của một viên thư-ký viết tốc-ký, hay là của máy ghi-âm, nhưng là một lối dàn cảnh. Vì thực ra theo như hoàn-cảnh lịch-sử thời ấy thì không chắc gì đã có cuộc hội-đàm trong hòa-khí như thế, và nếu có thì chưa hẳn đã diễn ra đúng như các chi-tiết nói trong sách.
Về hoàn-cảnh tạo ra cuộc hội-đàm đó thì trong cuốn sách nôm Chân đạo yếu lý quốc ngữ in năm 1829, có kể thêm một chi-tiết không nói lên trong Hội đồng tứ giáo :’’năm quí-tỵ, Tịnh-đô-vương cấm đạo, dạy bắt hai thầy, một thầy tây phương, một thầy an-nam’’ (tr 129a). năm quí-tỵ đây là năm 1773. theo như các thư-từ của các giáo-sĩ gửi về Âu-châu 2, thì hai thầy cả (linh-mục) bị bắt đó tên là Jacinto Castaneda, gọi là Cố Gia, và Vincent Liêm, gọi là Cố Liêm. Cố Gia đi giúp cho một người bị bệnh nặng sắp chết, về thuyền nửa chừng thì bị một người bên lương tổ-chức bắt ngày 17-7-1773 và nộp lên quan. Quan cho đóng cũi để đòi tiền chuộc, nhưng giáo-dân nghèo không có tiền chuộc. Sau đó lại bắt thêm Cố Liêm, cũng đóng cũi. Đến ngày 27-10-1773 thì quan cho giải về kinh. Chứ chúa Trịnh không có trực-tiếp dạy bắt hai thầy. Trong khi thẩm-vấn thì Cố Gia có đọc các kinh trong đạo, nhất là kinh Tin-kính để giải nghĩa giáo-lý : như thế kể là có đối đàm ít nhiều với người ngoại giáo. Sau đó các cố bị cáo là phản-nghịch, bị kết án tử-hình và bị trảm-quyết ngày 7-11-1773. Biến-cố đó in sâu vào ký-ức người công-giáo Bắc-Hà. Nửa thế-kỷ sau, trong Sách sổ sang chép các việc viết tại Lisboa (Bồ-đào-nha) năm 1822, linh mục Philiphê Bỉnh, khi nhắc tới năm 1773, có viết :’’(…) vì mới chém Cố Liêm Cố Gia dòng ông thánh Domingo vừa rồi’’ (tr 2-3).
Vì thế nếu gọi cuộc thẩm-vấn tù-nhân đang bị gông cùm tù rạc là một cuộc hội-đàm, thì tức là nói cho nó đẹp, nói theo như lý-tưởng mà thôi.
Riêng về nhân-vật được coi là đã đứng ra tổ-chức ba ngày hội-đàm, thì có chứng-cớ là nhân-vật ấy có thực, và người đương-thời gọi là ‘’nhà quan sáu’’. Trong bức thư viết bằng chữ quốc-ngữ ở Trại Lồi ngày 9-5-1763, gửi cho linh-mục Jean Davoust (sau làm Giám-mục coi sóc địa phận Tây Đàng Ngoài, 1780-1789), thì linh mục Phanchicô Hậu có viết như sau :’’nhà quan sáu là em chúa thượng bây giờ, khi chúa thượng ngự qua làng trại, thì nhà quan có lên lạy đức cố, cùng ở nhà ta một đêm một ngày, cùng làm thuốc cho đức cố xơi, khỏi một ngày mới ngự đi chầu chúa thượng’’ 3. Chúa thượng lúc đó là Trịnh Doanh, mà đức cố là Giám-mục Néez, coi sóc địa phận Tây Đàng Ngoài. Như thế nhà quan sáu đúng là chú chúa Trịnh Sâm, như kể trong sách Hội đồng tứ giáo. Thế nhưng trong thư viết ngày 6-6-1763 gửi cho linh-mục Hody, thì linh-mục Bricart báo tin vị quan đó mới chết, và trước khi chết có xin theo đạo Thiên-Chúa và được chịu phép thánh-tẩy 4. Như thế dĩ nhiên là nhà quan sáu đó không thể đứng ra tổ-chức cuộc hội đàm mười năm sau đó ; Nhưng có điều chắc, là vị quan đó đã có đối-thoại nhiều với các linh mục công-giáo.
Vì thế thiết-tưởng câu truyện kể trong phần mở đầu sách Hội đồng tứ giáo là một lối dàn cảnh để trình bầy cho có thứ-tự mạch-lạc cái nội-dung của những cuộc trao đổi ý-kiến thực sự đã có giữa các giáo-sĩ Âu-châu và một số người đang theo, hay là trước đã theo các đạo Nho, Lão, Phật.
Cần phải nói thêm rằng sách ấy là do người theo đạo Thiên-Chúa sọan ra, cho nên dĩ-nhiên là không nói đến những cuộc tranh-luận không đưa tới kết quả, mà chỉ nói đến những người sẽ đồng-ý với mình, không nhắc tới những phản-ứng tàn bạo của vua quan, những cuộc thẩm-vấn và tra-tấn, mà chỉ muốn dàn ra cảnh một cuộc hội-đàm nghiêm-trang, thanh-bình, lý-tưởng, đồng thời trình-bầy đạo Thiên-Chúa như là đạo hợp tình, hợp lý nhất. Cuộc hội-đàm đưa tới kết-quả lạc-quan như thế cũng là vì chính người theo đạo Thiên-Chúa đứng ra dàn cảnh, theo như cách đặt vấn-đề và đường lối suy luận của Âu-châu, hơn nữa lại lên tiếng nói thay cho những người đại-diện các tôn-giáo khác.
Có thể là có những điều không đúng hẳn như lối tư-tưởng của người theo tam giáo. Nhưng cũng nên chú ý rằng vào thời đó, các giáo-sĩ ngoại quốc hiểu biết và viết sách về tam giáo, nhiều hơn là người Việt theo tam giáo hiểu biết về đạo Thiên-Chúa. Những điều hiểu biết ấy, một phần thì căn cứ vào sách vở, một phần thì tựa vào những việc quan-sát được trong đời sống dân-gian. Hoàn-cảnh Việt-nam khác xa bên Trung-quốc : vì ngay từ thế kỷ XVII thì ở bên đó đã có nhiều sách đạo mà vua quan cũng như người dân có học đều đọc được cả. Có người ưng ý xin theo đạo, có người thì phi-bác và viết thành sách, nhưng phi-bác có lý-sự, tỏ ra là họ đã hiểu biết khá nhiều.
Còn ở bên ta thì sĩ-phu ít người được đọc sách đạo viết bằng chữ Hán từ bên Trung-quốc đưa sang. Hơn nữa, các sách đạo viết bằng chữ nôm hay chữ quốc ngữ, thì mãi cuối thế-kỷ XVIII mới in ra, cho nên cũng không có nhiều người biết đến, mà có biết đến thì chưa chắc đã muốn đọc. Cho nên nếu có khá nhiều điều nói sai, hiểu lầm về đạo Thiên-Chúa, thì cũng dễ hiểu.
Trở lại cái ước mơ gặp-gỡ đối-thoại, ta thấy ngày xưa đã khó thực-hiện, mà ngày nay cũng còn gặp nhiều trở-ngại, không những là vì đôi khi có tranh chấp quyền-lợi, mà còn là vì khó hiểu nhau. Những người đã có chút kinh nghiệm đối-thoại, đối-thoại về ý-thức-hệ nói chung và về tôn-giáo nói riêng, đều nhận thấy rằng muốn đối-thoại cho nghiêm-chỉnh, cần phải có điều-kiện xã hội thuận-tiện, tức là một chế-độ dân-chủ, biết tách rời tôn-giáo ra ngoài chính-trị, không kỳ-thị tôn-giáo, mà cũng không nhận đạo nào hay ý-thức-hệ nào làm quốc-giáo.
Nhưng ai cũng thấy là cần trao-đổi đối-thoại để xây-dựng và chung sống hòa-bình. Không phải đối-thoại giữa những hệ-thống nhân-sinh-quan có tính-cách siêu-hình trừu-tượng, mà là đối-thoại giữa những con người có những nhu-cầu vật-chất và tinh-thần như nhau, để thỏa-thuận về mặt thực hành. Người ta có thể có nếp sống như nhau, có những lễ-nghi giống nhau, nhưng cái nhân-sinh-quan đem lại cho đời người cái ý nghĩa sâu xa của nó lại có thể khác nhau, vì cách nhìn và cảm-nghiệm về vũ-trụ không hẳn giống nhau, mà lý-luận lại thường theo truyền-thống lịch-sử văn-hóa riêng cho từng miền, từng môn-phái. Cho nên phải biết nhẫn-nại, công-phu lắm mới có thể đi sâu vào tư-tưởng người khác. Thiết-tưởng nên bắt đầu từ chỗ chia sẻ những nỗi lo-âu và những dự-định chung, có biết cộng-tác để giải-quyết những vấn-đề cụ-thể, mới có thể tín-cẩn vào nhau, rồi dần-dần mới hiểu được nhân-sinh-quan của người khác, như là động-lực vừa thúc-đẩy vừa định hướng cho hành-động, và làm cho nó có ý-nghĩa. Chứ nếu bắt đầu đối-thoại từ nhân-sinh-quan, thì dễ sinh ra cãi-cọ vô ích, vì mình chưa hiểu ngay được lập-trường của người khác, mà lập-trường của mình nhiều khi cũng còn lờ-mờ.
Chính vì lờ-mờ như thế, mà trong thế-giới này có một số người, tuy rằng chưa chịu tốn công tìm hiểu cho đích xác về các tôn-giáo, cũng dám tự xưng mình đã hiểu hết và đã tổng-hợp được tất cả các tôn-giáo làm thành một đạo pháp duy nhất, và không cần có đối-thoại tôn-giáo nữa.
Nay cho in lại sách Hội đồng tứ giáo là đưa ra một trang lịch-sử của đạo Thiên-Chúa ở Việt-nam. Dĩ nhiên là ngày xưa, trước khi có đối-thoại lý-thuyết, thì người ta đã có gặp-gỡ nhau trong cuộc sống thường-nhật rồi. Trong sách có những chứng-lý mà ngày nay không ai dùng đến nữa, có những điều quan-sát về tam giáo ngày xưa mà nay đã có thay đổi, có những tín-điều của đạo Thiên-Chúa ngày nay không còn trình bầy và giải-thích như xưa, vì ngôn ngữ, trình độ văn hóa và hoàn-cảnh lịch-sử đã đổi đi nhiều. Tuy-nhiên căn-cứ vào đó ta cũng hiểu được rõ hơn trong hòan-cảnh nào người theo đạo Thiên- Chúa đã dùng những phương-tiện như thế nào, để giải-thích những điều cốt yếu trong niềm tin của mình. Rất có thể là nỗ-lực đối-thoại của người xưa còn có chỗ khiếm-khuyết, có điều bất-cập, nhưng thiết tưởng cũng nên ghi lấy cái điều-kiện căn bản, không có không được, tức là cái thiện-chí muốn tìm hiểu và trao đổi. nhưng cũng phải có ai đối đáp theo tinh-thần như thế, mới thực sự có trao đổi, đối-thoại.
GS. Trần Văn Toàn
Tiến sĩ triết học, Cử nhân thần học
Cựu giáo sư Đại học Công giáo Lille (Pháp)
nguồn: WGP.Qui Nhơn