Trả lời:
Bạn Hồng Trang thân mến,
Chúng ta vẫn thấy nhiều gia đình treo rất nhiều ảnh tượng như thế, nhất là gia đình bắc di cư khu toàn tòng. Họ thấy hình nào đẹp hay mua về từ những nơi hành hương đâu đó thì treo hết cả ra ngoài phòng khách. Chính vì thế các anh em Tin Lành cũng có lý khi họ nói người Công giáo chỉ biết thờ ngẫu tượng! Chúng ta cũng thông cảm vì ông bà ta trước kia không có nhiều kiến thức về giáo lý, cũng như thói quen của người dân thường chạy theo các vị thánh hơn là đến với Chúa và Mẹ Maria. Vì thế, phòng khách của một số gia đình trở nên như phòng nhiếp ảnh vậy!
Nói về chứng nhận phép lành của tòa thánh (có nơi gọi là bằng Phép lành), đó là giấy có chữ ký của Giám mục phụ trách trong văn phòng xin ơn phúc lành của Đức Giáo Hoàng (dĩ nhiên với sự phê chuẩn của Đức Giáo Hoàng). Phép lành, Benedictio (hay blessing), là lời cầu xin Chúa chúc lành và ban ơn cho các tín hữu. Mọi tín hữu đều có thể cầu xin Chúa chúc lành cho bản thân và tha nhân, dựa trên mầu nhiệm ”các thánh thông công”. Theo lịch sử, việc chúc lành đã có trong Cựu Ước, với sự chúc lành của Thiên Chúa cho dân ngài, cho đến thời Tân Ước và dến ngày nay trong Giáo Hội. Nếu mọi tín hữu đều có thể chúc lành cho nhau, như bên Tây phương, chúng ta thường hay nghe tín hữu chúc lành cho nhau như “God bless you,” hay “God bless.” Người Việt chúng ta thì không có thói quen ấy. Còn sự chúc lành của những vị được Chúa chọn làm mục tử như Đức Giáo Hoàng, giám mục, linh mục càng có sức mạnh hơn nữa.
Lời chúc lành hay phép lành của Đức Giáo Hoàng được gọi là Phép lành Tòa Thánh. Linh mục cũng có thể ban phép lành tòa thánh, nhưng theo quy định của Giáo Luật (ví dụ lễ mở tay linh mục đầu tiên, cho người hấp hối, nguy tử). Việc ban phép lành của Đức Giáo Hoàng, giám mục, hay linh mục là như nhau vì đó chỉ là á bí tích.
Muốn có được giấy chứng nhận này, bạn có thể viết thư thẳng tới Đức Giám mục Oscar Rizzato ở Vatican, kèm theo giấy chứng nhận hạnh kiểm do cha sở, hoặc cha bề trên dòng nếu là tu sĩ. Sau đó, ngài sẽ chuyển đến giám mục đặc trách việc xin ơn phúc này của Đức Giáo Hoàng, và chính ngài sẽ ký, chứ không phải là Đức giáo hoàng ký. Còn khi bạn đến Rôma hành hương, bạn có thể ghé 1 trong 30 của hàng bán ảnh tượng để nhờ các tiệm quanh đền thánh Phêrô viết giấy chứng nhận Phép lành Tòa thánh và đưa vào trong văn phòng ấy của Vatican để xin chữ ký (của giám mục phụ trách) và sau 10 ngày sẽ được nhận lại. Ngoài các cửa hàng ấy, còn có các Dòng kín chiêm niệm nữ cũng đảm nhận việc viết giấy chứng nhận phép lành này.
Giấy chứng nhận phép lành này là sự chứng tỏ việc ban phép lành của Đức Thánh Cha thật sự thông qua văn phòng của ngài tại tòa thánh Vatican. Khi bạn mua (trả chi phí cho giấy, bút, thuê người viết, vẽ… chứ không phải mua giấy chứng nhận này, vì ơn thánh không thể mua bán) giấy chứng nhận Phép lành tòa thánh, có nghĩa là bạn cũng đang giúp và đóng góp vào việc từ thiện. Số tiền (khoảng 10 đô Mỹ) một tờ giấy này sẽ chi trả cho những người làm việc trong văn phòng Vatican, số tiền còn lại sẽ sung vào quỹ cho người nghèo khổ mà tòa thánh thực hiện.
Việc treo giấy này chỉ cho thấy bạn hãnh diện khi được Đức Giáo Hoàng ban phép lành mà thôi, chứ không là bảo chứng ân xá hay toàn xá cho bạn. Thông thường chúng ta đề cao địa vị của Đức Giáo Hoàng, và cho rằng phép lành ấy là hơn tất cả các phép lành của giám mục hay linh mục. Thực sự, phép lành được ban ra đều như nhau (á bí tích, hay phụ tích). Thiên Chúa đã ban cho các linh mục quyền mở kho tàng của trái tim Ngài và đổ vào đó một cơn mưa hồng ân trên các linh hồn. Khi linh mục ban phép lành là chính Thiên Chúa ban. Bởi phép lành của Thiên Chúa qua linh mục (hay Đức Giáo Hoàng, Giám mục), bạn sẽ nhận được hồng ân yêu mến, sự mạnh của chịu đựng sự đau khổ và sự cứu giúp cho thân xác và linh hồn. Dĩ nhiên, bạn phải mở lòng và đón nhận phép lành thì phép lành ấy mới sinh ơn ích cho bạn (sự cộng tác từ hai phía: một phía ban tặng, phía còn lại mở lòng đón nhận với ý muốn tốt lành và muốn trở nên tốt hơn).
Mỗi ngày chúng ta vẫn được ban phép lành qua linh mục chủ tế cuối Thánh Lễ. Ơn ích vẫn tuôn đổ xuống cho loài người, nhưng ngày nay có lẽ càng ngày ít tín hữu yêu chuộng và đón nhận phép lành từ tay linh mục. Khi chúng ta chết đi, chúng ta mới hiểu việc ban phép lành (của Giáo hoàng, Giám mục, và linh mục) tuyệt vời và có giá trị như thế nào khi ơn Chúa ào ạt đổ xuống.
Lm. Khất Tuệ
Hỏi đáp 2:
Xin cho biết ý nghĩa Phép lành Tòa thánh? Ai được quyền ban ngoài Đức Giáo Hoàng?
(ngoctran hỏi qua email)
Đáp:
Phép lành Tòa thánh có 2 loại:
Loại 1/ ban cho một tổ chức trong một biến cố nào đó, chẳng hạn ban cho những người tham dự “Ngày Thánh Mẫu năm 2006” tại Carthage, Missouri. Phép lành này có ban ơn đại xá cho những ai có điều kiện (là người Công giáo , sạch tội trọng, có ý lãnh), như Ban Tổ chức cho biết sau thánh lễ chiều thứ Bảy…
Loại 2/ chỉ là phép lành Đức Thánh cha đương kim ban cho người xin được ghi tên trong tờ phép lành. Đây không ban đại xá hay tiểu xá gì, mà chỉ là “chúc lành” của Đức Thánh cha theo ý người xin, ghi trong tờ chứng chỉ, chẳng hạn: cho Giuse Đoàn Văn A- Phạm Thị B và gia đình con cháu…nhân dịp kỉ niệm 25 năm thành hôn của 2 chúng con…
Dĩ nhiên là Đức Giáo hoàng không kí trực tiếp vào những tờ phép lành này, nhưng ủy sẵn cho một giám mục thay thế, đóng con chấm có chữ kí Đức Giáo hoàng .
Mỗi tờ phép lành mất chừng 20 hoặc 30 đôla, tiền này là tiền bút giấy cho Tòa thánh.
Gia đình có tờ phép lành to, mầu mè, có hình Đức Giáo hoàng, đóng khung, treo lên tường phòng khách gia đình, coi cũng đẹp mắt lắm.
Ý nghĩa việc xin Phép lành Toà Thánh
Tại một số nơi ở Tây phương này, vào những dịp đám cưới, kỷ niệm thành hôn, hoặc những dịp như chịu chức linh mục, kỷ niệm 25 hoặc 50 năm thụ phong linh mục, hay khấn dòng, người ta thường tặng cho đương sự một món quà thật đẹp, đó là tấm bằng Phép lành Tòa thánh được viết giấy da, và trên đó có trang trí tỉ mỉ hình 4 đại vương cung thánh đường ở Roma, với ảnh Đức Giáo hoàng ở giữa, và lời chúc lành của ngài. Mấy lần có dịp đi thăm các gia đình Việt Nam tại Hoa Kỳ, tôi cũng thấy nhiều người có treo bằng Phép lành Tòa thánh một cách hãnh diện.
Làm thế nào để xin bằng phép lành tòa thánh? Đối với những người ở xa, họ có thể viết thư thẳng tới Đức TGM Oscar Rizzato ở Vatican, kèm theo giấy chứng nhận hạnh kiểm do cha sở, hoặc cha bề trên dòng nếu là tu sĩ. Đức TGM Felix Prieto Blanco người Tây Ban Nha hiện là Elemosiniere apostolico, tức là người đặc trách việc làm phúc của ĐTC. Ngài cho biết bất cứ ai cũng có thể xin Phép lành Tòa thánh, chứ không phải là đặc ân của một người nào. Tuy nhiên, cần phải làm sao để tránh lạm dụng. Vì thế, người đứng xin phải là người sống phù hợp với giáo lý của Giáo Hội.
Cũng như trường hợp xương thánh và các thánh tích, giáo luật cấm mọi hình thức buôn bán. Tuy nhiên, nếu bạn thuê làm một vật dụng để đựng xương thánh, thì bạn phải trả phí tổn đó, tùy theo bạn muốn cỡ lớn hay cỡ nhỏ, bằng vàng, bạc hay bằng khảm xà cừ. Cũng thế, Phép lành Tòa thánh trên nguyên tắc hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, kèm theo đó có phí tổn in các bằng phép lành đó trên giấy da, tiền công thuê người viết chữ đẹp và trang hoàng tấm bằng, rồi tiền cước phí gửi. Tùy theo khổ lớn nhỏ và tùy sự trang trí công phu tấm bằng phép lành tòa thánh, người ta phải trả giá khác nhau.
Người ký tên trên tấm bằng phép lành tòa thánh đó, dĩ nhiên không phải là ĐGH, nhưng là Đức TGM Felix Prieto Blanco, người làm phúc của ĐTC.
Một số nữ tu các dòng kín chiêm niệm đảm nhận việc viết các bằng phép lành tòa thánh và các chị trang trí rất đẹp, giống như một tác phẩm nghệ thuật vậy.
Các tín hữu hành hương đến Roma, họ thường thấy các mẫu bằng phép lành tòa thánh trưng bày tại các tiệm bán ảnh tượng đạo gần khu vực đền thờ thánh Phêrô. Họ có thể nhờ các tiệm này viết bằng Phép lành Tòa thánh và đưa vào trong Vatican để xin chữ ký. Thời gian xin Phép lành này từ lúc xin cho tới khi xong, vào khoảng 10 ngày. Có khoảng 30 tiệm có dịch vụ Phép lành Tòa thánh như vậy, và Văn phòng làm phúc của Tòa thánh kiểm soát kỹ các tiệm này, và nếu họ lạm dụng tăng giá, thì sẽ bị rút giấy phép.
Mỗi năm có vài trăm ngàn bằng Phép lành Tòa thánh được cấp và gửi đi các nơi, nhất là Italia, Tây ban nha, Ba Lan, Hoa Kỳ, Đức và Mỹ châu la tinh. Trong thời gian gần đây, có cả các bằng Phép lành Tòa thánh bằng tiếng Nga nữa. Bằng Phép lành Tòa thánh bằng tiếng Việt đã có từ lâu.
Đức ông Alfredo Volpetti, thuộc Văn phòng bác ái của Tòa thánh, giải thích rằng: ”Chúng tôi không bán Phép lành Tòa thánh vì Phép lành Tòa thánh là ơn thiêng liêng, nhưng những người muốn tấm bằng này thì cần phải trả phí tốn cho những người sản xuất, in và viết. Còn lệ phí ký Phép lành Tòa thánh, một phần để trả lương cho những công nhân làm việc trong văn phòng và phần còn lại hoàn toàn được dùng vào việc giúp đỡ những người nghèo. Thực vậy, lợi tức ngày càng gia tăng do dịch vụ bằng Phép lành này đã mang lại phương tiện cho văn phòng bác ái để thực hiện các dự án cung cấp các bữa ăn cho người nghèo và giúp đỡ tài chánh cho họ.
Đức ông Volpetti cho biết thời gian các tín hữu xin bằng Phép lành Tòa thánh đông nhất là mùa Giáng sinh, Phục sinh, khi các tín hữu hành hương tuốn đến Roma, và vào đầu mùa hè, là dịp có nhiều lễ cưới và rước lễ lần đầu.
Nơi một số tín hữu Việt Nam còn có quan niệm cho rằng các bằng Phép lành này là giấy chứng nhận cho tín hữu được ơn toàn xá trước khi chết. Tuy nhiên, trong công thức mới hiện nay đã đổi khác, và chỉ xác nhận việc ĐTC ban Phép lành cho đương sự mà thôi.
Nếu giáo dân xin bằng Phép lành Tòa thánh, thì thường văn phòng Bác ái của Vatican đòi phải có giấy chứng nhận của cha sở hoặc một vị LM. Nhưng nhiều khi các tín hữu hành hương từ nơi xa tới, đích thân ghé xin bằng phép lành, thì các nữ tu ở phòng Bác ái nhìn người và có thể du di, không đòi phải có giấy chứng nhận của LM. Sự cẩn thận này là để tránh mọi sự lạm dụng có thể xảy ra, như ai đó muốn xin một bằng Phép lành Tòa thánh cho người vô thần chẳng hạn.
Phép lành Tòa Thánh được ân ích gì?
Phép lành, Benedictio, là lời cầu nguyện xin Chúa chúc lành và ban ơn cho các tín hữu. Mọi tín hữu đều có thể cầu xin Chúa chúc lành cho bản thân và tha nhân, dựa trên mầu nhiệm ”các thánh thông công”, tất cả mọi phần tử của Giáo Hội như những chi thể có thể mưu ích và giúp đỡ nhau nhất là về đàng thiêng liêng.
Việc chúc lành đã có trong Cựu Ước, với sự chúc lành của Thiên Chúa cho dân ngài, chúc lành của các tổ phụ cho con cháu. Truyền thống chúc lành ấy cũng được tiếp nối trong Tân Ước và trong Giáo Hội. Nếu mọi tín hữu đều có thể chúc lành cho nhau thì lời chúc lành của những vị được Chúa chọn để coi sóc dân Ngài, Đức Giáo Hoàng, các GM, LM, càng có sức mạnh hơn nữa. Trong bối cảnh này, lời chúc lành hay phép lành của ĐTC được gọi là Phép lành Tòa Thánh.
Đức Thánh Cha có ý ban phép lành Tòa Thánh cho tất cả các tín hữu Công Giáo xin ngài. Nhưng có nhiều tín hữu muốn có bằng chứng trên giấy tờ về việc ĐTC ban phép lành cho họ. Vì thế mới có các bằng Phép lành Tòa Thánh, chứng nhận ĐTC thực sự ban Phép lành. Giấy chứng nhận này có thể là một tờ thư, một điện tín hay một tờ giấy thường, nhưng cũng có các tín hữu muốn giấy chứng nhận đó được trang trí thật đẹp. Đó là nguồn gốc của các bằng phép lành Tòa Thánh, xác nhận ĐTC ban phép lành cho tín hữu nào đó.
Việc chúc lành là một á bí tích: chúng tác động nếu người ta thành tâm cầu nguyện và đón nhận.
Cũng nên nói thêm rằng: việc ban Phép lành Tòa Thánh khác với việc ban ơn toàn xá:
– Ơn toàn xá thuộc thẩm quyền của Tòa Ân Giải Tối Cao
– trong khi việc ban Phép Lành Tòa Thánh thuộc Văn phòng Từ Thiện của ĐTC.
Trong một số trường hợp, ĐTC ban Phép lành Tòa Thánh có kèm theo ơn Toàn Xá, như trưa lễ Giáng Sinh và Phục Sinh. Việc ban này được một vị HY tháp tùng ĐTC trong buổi lễ công bố trước để các tín hữu chuẩn bị lãnh nhận.
Lm. G. Trần Đức Anh OP
Ghi chú: Những dòng gạch đậm là ý của người post để giúp nhấn mạnh mà thôi, không phải ý của các tác giả.
(Dân Chúa Đồng Hành )