Hỏi đáp công giáo: Thiên Chúa có trả thù không?

Hỏi:

Em thấy trên mạng hoặc đôi lần biết có người bị Thiên Chúa trừng phạt vì dám xúc phạm đến Ngài. Nếu ai đó làm điều tàn ác, họ sẽ gặp tai ương và bị quả báo? Nhiều người cho rằng đó là do Thiên Chúa ra tay. Nếu vậy, Thiên Chúa không nhân từ chút nào! Ngài muốn trả thù? Như thế Thiên Chúa thật ích kỷ, vì ai không tin vào Chúa là Ngài tìm cách giết người đó!

Trả lời:

Cảm ơn em về những băn khoăn trên đây. Đâu đó nhiều người trong chúng ta cũng nghe có hiện tượng như em hỏi. Thậm chí có người còn nguyền rủa cho những ai làm điều ác, lộng ngôn và chống đối Thiên Chúa. Khi họ gặp nạn, người ta dán nhãn: họ bị quả báo, bị Thiên Chúa trừng trị. Như thế mới công bằng.

Em có thể đọc thấy vài câu chuyện dường như tương tự trong Kinh Thánh về vấn đề này: “Phải chăng Thiên Chúa ích kỷ hoặc thích trả thù, nếu ai đó xúc phạm đến Ngài?” Chẳng hạn, khi Ađam và Eva không nghe lời Thiên Chúa, họ ăn trái cấm. Thiên Chúa đã đuổi họ ra khỏi Vườn Địa Đàng. Khi dân Do Thái muốn rời đất Ai Cập, vua Pha-ra-ô không đồng ý. Thiên Chúa đã cho biết bao tai ương xảy ra, thậm chí các con đầu lòng của người Ai Cập phải chết. Nhiều người cho rằng Thiên Chúa thật bất công khi muốn giúp dân Do Thái, nhưng lại sát hại nhiều người!

Môsê là người thành công dẫn dân Do Thái ra khỏi Ai Cập, nhưng chính ông lại không được vào Đất Hứa. Người ta cho rằng có lần Môsê ngập ngừng làm theo lời Thiên Chúa, nên ông phải chịu hậu quả như thế (Ds 20,12). Khi vào Đất Hứa, vua Đa-vít thành công xây dựng vương quốc và tôn thờ Thiên Chúa. Sau đó, con ông là Salômon (làm vua 970-931 TCN) lúc đầu hằng thờ phượng Thiên Chúa. Nhờ đó, vương quốc của ông thịnh vượng và giàu có bậc nhất trong thiên hạ. Tuy nhiên, về sau ông thờ thần ngoại bang. Thiên Chúa không làm ngơ trước thái độ khinh thường và bất trung của vua. Hình phạt chẳng bao lâu đã xuất hiện. Sau khi Salômon chết, vương quốc hùng cường và phồn thịnh của ông ly khai về chính trị và tôn giáo. Nam Bắc phân tranh, huynh đệ tương tàn.

Một điệp khúc trong thời Cựu Ước là: Nếu không tuân lệnh, trung thành với Giáo Ước Sinai, con cái Do Thái sẽ gặp hoạn nạn, đất nước sẽ lụi tàn. Đó có phải là sự trả thù của Thiên Chúa? Hoặc như lời em nói: “Như vậy là Chúa ích kỷ, vì ai không tin vào Chúa là Ngài tìm cách giết người đó!” Nói cách khác, Thiên Chúa hay ghen tuông. Nếu ai đó thờ thần ngoại bang, chối Chúa, họ sẽ bị trừng phạt, vì họ không làm theo lời của Thiên Chúa. Bởi đó, nhiều người sợ Thiên Chúa, vì Ngài ruồng bỏ những ai không tin theo Ngài.

Em thân mến,

Thực ra, chúng ta đang đi vào một khía cạnh của Thiên Chúa: trả thù, ghen giận và trừng phạt. Tuy nhiên, có biết bao chuyện nói lên lòng thương xót và yêu thương của Thiên Chúa. Khi Ađam và Eva phạm tội, Thiên Chúa hứa ban một Đấng Cứu Chuộc đến để giải thoát dân. Khi thấy dân đau khổ bên Ai Cập, Thiên Chúa muốn cứu dân. Khi thấy dân không có người hướng dẫn, Thiên Chúa gửi các ngôn sứ, các tư tế và phong vương để đồng hành với dân. Chính những người này giúp dân thấy Thiên Chúa thật công bình. Nếu dân theo đường lối của Thiên Chúa, họ sẽ được bình an. Nếu không theo Thiên Chúa, nhiều khó khăn và thử thách sẽ xảy đến. Trước tình cảnh ấy, đúng là Thiên Chúa thời Cựu Ước có vẻ uy quyền, xa lạ và thưởng phạt nghiêm minh. Thời đó, dân sợ Thiên Chúa lắm! Họ không dám gọi Tên của Ngài. Dĩ nhiên, người dân chẳng thể gặp, hay nói chuyện trực tiếp với Ngài. Thiên Chúa lúc ấy dường như xa cách muôn trùng. Dân dường như sợ Thiên Chúa, như em nói.

Tuy nhiên, em biết không, thời Tân Ước, tức là từ thời Chúa Giêsu lại hoàn toàn khác. Lúc này, Đức Giêsu đến từ Chúa Cha để trình bày Thiên Chúa đầy lòng thương xót và luôn ở với con người. Ngài là đấng Emmanuel và là Tình Yêu. Em nhớ Đức Giêsu kể câu chuyện đứa con hoang đàng (x. Lc 15,11-32), là chúng ta, từ khước người cha nhân hậu, là Thiên Chúa. Dù vậy, Thiên Chúa vẫn chờ đợi người con quay trở về, và sẵn sàng tha thứ tất cả. Ngài còn mở tiệc ăn mừng vì đứa con ấy nay trở về sống chung với Cha. Bất cứ khi nào chúng ta ăn năn, giao hòa với Thiên Chúa, Ngài đều tha thứ và đón nhận chúng ta.

Hơn nữa, cả cuộc đời Đức Giêsu, chúng ta thấy Thiên Chúa luôn đi tìm những con chiên lạc trở về (Lc 15,1-7). Ngài mời gọi tất cả những ai mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ngài để được nghỉ ngơi, bồi dưỡng. Chính Đức Giêsu thường lui tới với người tội lỗi, quân thu thuế để giúp họ sống tốt hơn (Lc 7,36-50). Đặc biệt, chính Đức Giêsu phải chịu chết để cứu độ con người. Trong cuộc thương khó, nếu chúng ta là Thiên Chúa, chắc chúng ta trừng phạt những kẻ đang hành hạ, và giết mình. Nhưng Chúa Giêsu không phản kháng; trái lại, Ngài sẵn sàng xin Chúa Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm. Ngài đã bị đóng đinh và chịu chết. Nhưng Ngài đã sống lại!

Một trường hợp nữa để thấy lòng nhân từ của Chúa: đó là thánh Phaolô. Khi Chúa Giêsu sống lại, nhiều người bỏ đạo Do Thái để tin vào Đức Giêsu là Đấng đã chết và nay đã phục sinh. Phaolô là một trong những thủ lãnh bách hại những người theo Giêsu. Tuy nhiên, chúng ta thấy Thiên Chúa không trả thù hay giết hại ông. Ngược lại, trên đường Phaolô đi bách hại tại Đa-mát, Thiên Chúa đã khiến ông ngã ngựa. Sau đó, Ngài nói cho ông biết kẻ ông đang bách hại là Đức Giêsu. Chúa đã không phạt ông nhưng lại yêu thương và chọn gọi ông làm tông đồ của Người. Sau lần đó, ông tin vào Chúa Giêsu và hăng say rao giảng Nước Trời. Ông là một trong hai vị thánh lớn nhất của Giáo Hội (cùng với Phêrô).

Như em nói, chúng ta thật khó để thoát ra lối suy nghĩ rằng Thiên Chúa hẹp hòi, ích kỷ và hay trả thù. Chẳng hạn, những người làm điều ác, xúc phạm đến Thiên Chúa, Ngài có trừng trị họ không? Thật khó để trả lời rốt ráo! Nhiều trường hợp chúng ta thấy họ gặp tai ương và đối diện với cái chết. Phải chăng đó chỉ là sự trùng hợp, hay “lưới trời lồng lộng”? Hoặc ít ra đó là lời cảnh giác, nhắn nhủ cho những ai xúc phạm đến Thiên Chúa hoặc làm điều dữ. Những gì chúng ta thấy, chỉ là suy diễn của con người.

Em có thể hỏi thêm: “Nếu Thiên Chúa biết mọi sự và có thể làm được mọi sự, tại sao Người không ngăn cản được sự dữ ?” Thưa, “Thiên Chúa vẫn luôn có thể rút ra những điều tốt lành từ những sự dữ. Chẳng một đau khổ nào ta có thể giải mã được. Nhưng nó vẫn luôn đặt nền tảng trên sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa.” (Youcat, số 51). Khó hiểu quá! Điều ấy nghĩa là Thiên Chúa luôn muốn tốt cho con người. Chúng ta có thể cảm nhận: “Thiên Chúa thì thầm trong những lúc ta vui, Người thì thầm trong lương tâm ta. Nhưng Người nói lớn và mạnh trong những đau khổ của ta. Những đau khổ đó là cái loa tăng âm để làm thức tỉnh một thế giới mê ngủ.” (Clive Staples Lewis 1898–1963, văn sĩ Anh, tác giả cuốn Ký sự Namia).

Tóm tại, đây quả là đề tài thú vị để chúng ta suy nghĩ và cầu nguyện với Thiên Chúa. Ngài là thẩm phán đáng sợ hay là Thiên Chúa giàu lòng thương xót? Giống như tương quan giữa người con với cha mẹ, chúng ta chỉ hiểu được khi có tương quan với Thiên Chúa. Hy vọng em để Thiên Chúa chất vấn, để những thắc mắc ấy là cơ hội cho Thiên Chúa giãi bày. Chính trong Kinh Thánh, ước gì chúng ta có thể hiểu hơn về Thiên Chúa đang muốn nói gì.

Chúc em nhiều bình an và luôn mạnh khỏe với ơn của Thiên Chúa. Xin Thiên Chúa hằng yêu thương và chăm sóc cho em trong mọi biến cố vui buồn. Xin đừng tránh xa Thiên Chúa, nhưng hay để Thiên Chúa kết bạn với em. Chúa không gọi chúng ta là tôi tớ, nhưng Ngài gọi chúng ta là bạn hữu (Ga 15,15). Ngài là một người bạn hằng yêu thương và tha thứ!

Chào em.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

(dongten.net 19.08.2019)

Exit mobile version