Học hỏi phúc âm Chúa nhật I mùa vọng năm C

Lc 21, 25-28.34-36

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ, phụ trách

1. Đọc cả bài Tin Mừng hôm nay. Hãy cho biết trong bài này, Đức Giêsu nói về biến cố nào sẽ xảy ra?

2. Đọc Lc 21, 25-26. Những hiện tượng thiên nhiên nào sẽ xảy ra trong Ngày đó? Đọc thêm Is 13,10; Ed 32,7-8.

3. Trước những hiện tượng đó, đâu là tâm trạng của những người chứng kiến? Đọc Lc 21,25-26.

4. Những hiện tượng kinh khủng trong Ngày ấy sẽ xảy ra trước mắt ai? Đọc Lc 21,25.35.

5. Nhưng biến cố quan trọng nhất của Ngày đó là biến cố nào? Đọc Lc 21,27. Kinh Tin Kính có nói đến biến cố này không? Đọc thêm Đanien 7,13.

6. Đức Giêsu khuyên các Kitô hữu làm gì khi những chuyện ấy bắt đầu xảy ra? Tại sao họ lại không sợ? Đọc Lc 21,28.

7. Trong khi trông chờ Ngày ấy đến cách bất ngờ, các Kitô hữu cần xa tránh những thái độ nào? Đọc Lc 21,34.

8. Ngược lại đâu là những thái độ chúng ta cần có để sẵn sàng đón chờ Ngày bất ngờ ấy? Đọc Lc 21,36.

9. Tại sao Giáo Hội cho đọc bài Tin Mừng này trong Mùa Vọng?

CÂU HỎI SUY NIỆM:

1. Nếu ngày mai tận thế, điều đó làm bạn sợ hãi hay vui sướng? Tại sao bạn sợ? Tại sao bạn vui?

2. Nếu ngày mai là Ngày Chúa Quang Lâm, bạn sẽ làm gì hôm nay?

3. Đâu là những cám dỗ khiến con người thời nay quên chuẩn bị cho Ngày Chúa trở lại?

PHẦN TRẢ LỜI

1. Chủ đề của bài Tin Mừng hôm nay là về Ngày Quang Lâm của Chúa Giêsu. Ngài báo cho biết những biến cố sẽ xảy ra trước Ngày Quang Lâm (Lc 21,25-36). Còn trong phần trước (Lc 21,5-24), Đức Giêsu nói về sự sụp đổ của thành Giêrusalem và những biến cố xảy ra trước sự sụp đổ đó.

2. Trước Ngày Quang Lâm của Chúa Giêsu sẽ có những “dấu lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao”, “các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển”, và “biển gầm sóng vỗ”. Đây là những hình ảnh mạnh mẽ để chỉ những biến động trong vũ trụ mà các ngôn sứ hay dùng (Is 13,10; Ed 32,7-8). Chúng ta không nhất thiết phải hiểu chúng theo nghĩa đen.

3. Luca 21,25-26 còn cho thấy biến động trong lòng người khi chứng kiến những biến động trong vũ trụ: “Dưới đất các dân tộc sẽ lo lắng hoang mang”, “Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc”.

4. Những hiện tượng kinh khủng sẽ xảy ra trước mắt “các dân tộc” (c. 25), trước mắt “tất cả mọi dân cư khắp mặt đất” (c. 35). Như thế khi Ngày Quang Lâm đến, mọi người đều nhận ra.

5. Nhưng biến cố quan trọng nhất của Ngày Quang Lâm lại không phải là những biến động nơi vũ trụ đang chuyển mình, mà là biến cố “thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang đến trong đám mây” (Lc 21,27). Kinh Tin Kính nói đến biến cố này trong câu: “Và Người sẽ trở lại trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết”.

6. Đức Giêsu khuyên các Kitô hữu “hãy đứng thẳng và ngẩng đầu” để đón Ngài trở lại (Lc 21,28). Họ không được sợ hãi vì đây là Ngày mà họ mong chờ; họ vui vì Đức Giêsu được vinh quang trọn vẹn trước mặt cả thế giới. Họ còn vui vì biết mình “sắp được cứu độ”.

7. Trong khi trông đợi Ngày Quang Lâm, các Kitô hữu cần tránh “chè chén say sưa và lo lắng sự đời” vì những điều ấy làm cho “lòng mình ra nặng nề” (Lc 21,34).

8. Ngày Quang Lâm của Chúa là ngày bất ngờ “ập xuống” trên mọi người. Để có thể “đứng vững trước mặt Con Người” trong Ngày đó, Đức Giêsu khuyên ta chuẩn bị bằng “tỉnh thức và cầu nguyện” (Lc 21,36).

9. Mùa Vọng là Mùa trông đợi, chờ mong. Kitô hữu là người chờ mong Chúa đến. Chúa đã đến lần đầu ở Belem. Chúa sẽ lại đến vào Ngày Quang Lâm. Mùa Vọng không chỉ là thời gian chuẩn bị kỷ niệm Lễ Giáng Sinh, mà còn là thời gian chúng ta chờ mong Chúa trở lại.

Exit mobile version