Năm Căn, … 1973
Sáng nay mình đến Chà Là để tìm manh mối lập một giáo điểm. Chà Là được coi như một trung tâm giao lưu quan trọng. Tàu đò từ Cà mau đi về hướng Nam và ngược lại đều ghé qua đây. Mình nhờ một ông chủ tàu đò liên lạc mời một số thân hào nhân sĩ đến tọa đàm tại một quán giải khát.
Trước mặt mình là một cử tọa trên dưới 50 tuổi. Mọi ánh mắt nhìn về mình. Không ai quen thân. Mình tự giới thiệu là một linh mục truyền giáo rất say mê làm nghề giáo. Mình ngỏ ý muốn mở một trường học và muốn trình bày giáo lý của đạo Công giáo. Cuối cùng mình xin mọi người góp ý. Không ai nói một lời nào. Mình bị hẫng. Bầu khí im lặng trở nên trơ trẽn và lố bịch.
Mình ghé tai nói nhỏ với ông chủ tàu đò, người quen duy nhất. Ông bưng đến một ly cối rượu đế. Mình nâng cao ly đế và ngỏ lời :
– Lần đầu tiên tôi được hân hạnh gặp mặt quý vị. Để ghi nhớ ngày này, tôi xin được phép uống với quý vị một ly rượu làm quen.
Mình uống một miếng nhỏ, rồi chuyền ly rượu theo kim đồng hồ. Hơn 30 người uống cạn một ly. Bầu khí vẫn im lặng một cách lạnh lùng.
Mình lại ghé tai ông chủ tàu đò. Lại một ly cối rượu đế nữa và lại quay theo vòng kim đồng hồ.
Ánh mắt mọi người bỗng trở nên thân thiện. Nhiều cánh tay giơ lên xin phát biểu ý kiến.
Buổi tọa đàm kết thúc. Cử tọa mời mình đi thăm một miếng đất mà họ đề nghị là nên cất trường tại đó. Thế là giáo điểm Chà Là bắt đầu thành hình.
Rượu ơi ! Mi làm tan nát cuộc đời, nhưng mi cũng làm hoan hỉ lòng người. Cám ơn mi, vì nhờ mi mà giáo điểm Chà Là đang có thời cơ ra chào đời.
——————————————————————————–
Ban Mê Thuột, …1973
Mình đến thăm ông bạn Y.Xuăn tại Buôn Kpung, cùng với một số anh em truyền giáo Năm Căn. Y.Xuăn bê ra một vò rượu cần. Mọi người nhìn nhau bỡ ngỡ. Uống hay không uống ? Uống thế nào ? Sạch hay dơ ? Say hay không ?
Cuối cùng thì mọi người đều vui vẻ vít cần xuống làm một hơi, vì đó là lịch sự, là tình anh em.
Cũng trên vùng đất này mình được nghe người ta kể về chuyện truyền giáo. Có vài người sắc tộc Rađê và Bana được phong chức linh mục. Nhưng sau đó không thấy có người sắc tộc nào được phong chức nữa. Người ta đồn rằng Đức Giám mục Kontum hối hận vì đã phong chức linh mục cho người sắc tộc, bởi sau khi thụ phong linh mục, các ngài trở về buôn, lại tiếp tục đóng khố và uống rượu cần như mọi người. Tin đồn còn cho biết ngài thề sẽ chỉ phong chức linh mục cho những người sắc tộc được nuôi dạy từ lớp vườn trẻ.
Nếu quả tin đồn ấy là đúng, thì mình tự hỏi :
1- Đóng khố và uống rượu cần giữa các sắc tộc miền cao này có nghịch với ơn gọi và chức năng linh mục không ?
2- Quyết tâm đào tạo ơn gọi linh mục cho miền cao nguyên bằng cách nâng trình độ văn hóa ứng sinh linh mục tới mức độ không còn đóng khố và uống rượu cần, thì là nhân danh văn hóa hay nhân danh Tin Mừng ?
Quả thật các vị thừa sai nước ngoài đã cống hiến cho sự nghiệp truyền giáo trên mảnh đất này bằng biết bao mồ hôi nước mắt và máu đào. Sự hy sinh của các ngài thật là lớn lao. Thế nhưng phương pháp truyền giáo của các ngài vẫn không lớn lao ngang với tầm cỡ của sự hy sinh.
Rồi mình tự nghĩ, trong sự nghiệp truyền giáo của mình đã có và sẽ còn có bao nhiêu thiếu sót, bao nhiêu lỗi lầm ?
——————————————————————————–
Bến Bọng, … 4-1975
Sáng nay mình tản bộ trên mảnh sân nhỏ. Mình đi tới đi lui và lần hạt. Cứ mỗi lần tới đầu sân rồi quay gót, thì đám nhí đứng rình ở gốc dừa lại cười hí hí… Một lát sau bà chủ nhà hỏi vọng ra:
– Anh Tám làm gì mà cứ đi tới đi lui hoài vậy ?
– Tôi đọc kinh, chị ạ.
– Đọc kinh thì vô nhà ngồi mà đọc, ai lại đi tới đi lui kỳ vậy ?
Thầy của mình vẫn vừa đọc sách nguyện, vừa đi tới đi lui trên hành lang dài hun hút. Thầy của mình cũng vừa lần hạt vừa đi dạo trên sân chủng viện. Mình cũng vẫn làm như thế. Đó là hình ảnh quen thuộc mà không một linh mục, một tu sĩ, hoặc một tín hữu nào lấy làm lạ. Bỗng hình ảnh thân thuộc ấy hôm nay lại trở thành trò cười cho trẻ nít và cho bà chủ nhà, người đang có nhiệm vụ quản lý mình.
Mình còn nhớ cách đây ít bữa bà chủ nhà tâm sự với mình:
– Tôi thấy đạo của anh cái gì cũng hay, mà có một cái tôi không chịu, đó là đi vệ sinh cũng đọc kinh.
Thì ra một lần nào đó bà thấy một người công giáo đi vệ sinh vào giờ ngọ. Đúng lúc đó, thì bỗng nghe tiếng chuông “nhật một” từ xa vọng lại….
Vừa đi dạo vừa cầu nguyện, vừa đi vệ sinh vừa đọc kinh, thì có gì là xấu ? Nhưng trình bày Tin Mừng như thế cho người dân ở đây thì có phải là hội nhập văn hóa không ? Mình cảm thấy lúng túng, bèn viết một lá thư ngỏ gởi Thánh Phaolô, vị tông đồ dân ngoại.
Bố kính mến,
Con đang thơ thẩn truyền giáo trên một diện tích thật nhỏ. Con tự ví mình như một con chim cu đang gáy cúc cu trong một cái lồng bít bùng. Chỉ trong một diện tích nhỏ mọn như thế mà con đã cảm thấy lúng túng vô cùng. Tiếng gáy cúc cu của con bỗng trở nên lạc điệu một cách buồn cười.
Con cảm thấy con giống bố quá chừng. Những ngày ấy bố phải trốn khỏi xứ Makêđônia, để một mình thơ thẩn ở Atêna. Bố đi dạo phố. Bố ngứa mắt vì phải thấy các pho tượng dựng lên khắp nơi trên các đường phố. Bố là người Do Thái, bố là người biệt phái, bố ghét ảnh tượng như tà ma. Bố không hòa nhập được vào tâm hồn của người Atêna. Atêna là trung tâm nghệ thuật. Người Atêna say mê nghệ thuật, nghệ thuật hiện thực. Cái làm cho họ say mê, thì lại làm bố nổi giận (Cv 17,16). Bố bóp trán suy nghĩ, bố vận dụng triết học để quật ngã bọn trí thức đa thần trên đồi Arêôpagô. Nhưng kết quả hôm đó chỉ là một kỷ niệm buồn (Cv 17,32-34). Con hiểu bố và xin chia sẻ với bố trong chuyến đi bất đắc dĩ này. Bố là con chim gáy lạc điệu trong cái lồng Atêna. Con mừng vì bố thất bại. Chỉ khi thất bại, thì bố mới giống con, gần gũi và thân thương với con. Những thành công của bố chỉ làm con nản lòng và thất vọng. Con thật lòng nói thế. Bố đừng giận con nhé.
Con của bố.
P.H
Lm.Piô Ngô Phúc Hậu
Nhật Ký Truyền Giáo