Họ đi qua cuộc đời tôi một cách bình dị…

Họ là những người giúp dòng đời nhận ra những dấu chỉ của “Đạo yêu thương”, đã rất tự nhiên đưa đến cho Giáo Hội những sáng kiến, những ý tưởng, những phương thức khác nhau, để đi về đỉnh điểm là khắc họa gương mặt Đức Kitô trong sinh hoạt thường nhật.

Tôi rất vui khi biết báo Công giáo và Dân tộc mở thêm mục CHỨNG NHÂN GIỮA ĐỜI THƯỜNG.

Tôi nhớ vài câu nói hay ngạn ngữ rất hay về gương sáng :

– “Người thời nay tin vào chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì thầy dạy ấy cũng đồng thời là chứng nhân” (ĐGH Phaolô VI, Thông điệp Evangelii Nuntiandi, số 41).

– “Lời nói như gió lung lay, gương bày như tay lôi kéo” (Verba volant, exempla trahunt).

– “Trăm lời nói hay, chẳng bằng một hành động tốt”.

Những tư tưởng trên thật xác đáng. Nếu trong đời thường, cần có những mẫu gương để giúp sống đúng và tốt, thì trong đời sống đạo, tôi cũng cần những gương sáng đức tin.

Treem - Họ đi qua cuộc đời tôi một cách bình dị...


Ngày hôm nay, thời đại này, vẫn có không ít những chứng nhân đức tin. Họ đi qua cuộc đời tôi một cách bình dị, không khua chiêng đánh trống, nhưng để lại một ấn tượng rất sâu. Có thể đó là một em bé nhỏ nhít, một bác nông phu, một chị bán vé số, một sinh viên, một y tá, một người H’Mông nghèo hèn chẳng biết đọc biết viết… Có khi chỉ một lời nói đơn sơ, một hành động nhỏ bé nhưng khích lệ niềm tin nơi tôi.

Charles Péguy, một nhà thơ Công giáo Pháp đã để lại những vần thơ tuyệt diệu – khi đang xa lìa đức tin – đã tình cờ bước vào một ngôi thánh đường ở Paris. Ông vừa đi vừa ngắm các pho tượng thánh, lòng dửng dưng không chút tin tưởng. Đến gần Cung thánh, bất chợt ông thấy một bé gái đang quỳ cầu nguyện. Cảnh tượng ấy như một tia sáng lóe lên trong lòng, ông nhớ lại thuở nhỏ vẫn theo mẹ đến nhà thờ trong những buổi chiều tà hoặc lúc sớm mai, khi sương còn đọng trên cỏ hoa… Vậy là bao ký ức của một nền đạo đức gia đình bỗng chốc ùa về. Đức tin sống lại trong ông…

Tôi xin góp vài mẩu chuyện sau đây :

– Một hôm đang đi xe ở vùng Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, tôi chợt thấy một phụ nữ H’Mông đeo nơi cổ cỗ tràng hạt dài. Tò mò, tôi dừng xe bắt chuyện, tay chỉ vào cỗ tràng hạt : “Bà có đạo phải không?”. Bà trả lời rất tự nhiên : “Ừ, mình đeo tràng hạt để mọi người biết mình có đạo”. Tôi cảm thấy thật ấm lòng khi giữa đám người qua lại, có một dấu chỉ đạo Công giáo đang hiện diện nơi đây.


– Một lần khác tôi vào một quán ăn để điểm tâm. Bàn bên cạnh là một gia đình với mấy đứa trẻ cười nói hồn nhiên. Khi người ta đem thức ăn đến, tôi thấy cả nhà nghiêm trang làm dấu thánh giá và cầu nguyện rồi mới ăn, bất chấp những người chung quanh đang tò mò nhìn ngó. Đến lượt tôi, tôi cũng làm dấu tạ ơn Chúa, và chúng tôi nhận ra nhau là người có đạo. Bữa ăn ấy là khởi đầu cho tình bạn giữa chúng tôi.

– Phục Sinh năm 2016, ở giáo phận Hưng Hóa tôi đang phục vụ đã lần đầu tiên có thánh lễ tại Nà Bủng, một xã thuộc vùng biên giới Việt – Lào, nằm ở huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Ở đây chỉ có khoảng hơn 100 người H’Mông Công giáo. Tôi đã rất xúc động khi nhìn thấy các em thanh niên nam quỳ gối chắp tay, nét mặt thành kính tin tưởng. Không ai ngờ rằng cảnh tượng đó là động cơ khiến tôi cử hành thánh lễ hôm đó sốt sắng khác thường, trong khung cảnh nghèo khó đơn sơ, nhưng ấm áp niềm tin.


– Nếu được chứng kiến những người giáo dân H’Mông ở Huổi Bắc (Lai Châu), ở Nậm Pồ hay Mường Nhé (Điện Biên), ở Mường La hay Chiềng Ân (Sơn La), lưng địu con, nét mặt gầy gò vì lam lũ thiếu ăn, áo quần xốc xếch, vượt quãng đường mười, mười lăm cây số núi rừng khúc khuỷu bằng đôi chân trần, để đến tham dự thánh lễ, vốn hiếm hoi, tôi tin rằng những anh chị em giáo dân người Kinh ở miền xuôi sẽ không thể khinh thường những con người bé mọn này, và phải học nơi họ để đức tin mình mạnh mẽ hơn, để không bỏ qua những thánh lễ mà họ chẳng phải nhọc công chút nào mới được dự.

Ước mong độc giả sẽ tìm thấy ở trang mục này nhiều mẫu gương trong đời sống thường nhật để khích lệ đức tin cho nhau…

ĐGM. Anphong NGUYỄN HỮU LONG

Exit mobile version