“Hiểu biết phụng sự nhân sinh”

Chương trình Hội ngộ Liên tôn lần VIII đã diễn ra tại Trung tâm Mục vụ TGP TPHCM vào ngày 27.10.2018. Hiện diện có Ðức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên – Giám mục giáo phận Cần Thơ, đặc trách Ðối thoại Liên tôn và Ðại kết của HÐGMVN; linh mục Phanxicô Xaviê Bảo Lộc – Trưởng ban Mục vụ Ðối thoại Liên tôn TGP TPHCM; cùng nhiều linh mục, tu sĩ và các chức sắc thuộc tôn giáo bạn.

Từ năm 2011, Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn đã tổ chức một chương trình để thành viên các tôn giáo có dịp gặp gỡ, giao lưu với nhau. Mỗi năm, đến ngày 27.10, mọi người lại cùng ngồi lại để trao đổi, chia sẻ dựa trên một chủ đề chung. Năm nay, Hội ngộ Liên tôn cũng là dịp kỷ niệm 120 năm ngày mất của cụ Petrus Trương Vĩnh Ký. Trong lời khai mạc, Đức cha Stêphanô đã nhấn mạnh đến việc tưởng nhớ này, cùng với ý nghĩa của cuộc hội ngộ thứ VIII, theo truyền thống hằng năm. Ngài nói: “Ba nhân vật mà chúng ta nhớ đến cách đặc biệt trong ngày hôm nay, trước hết là cụ Petrus Trương Vĩnh Ký, danh nhân văn hóa Việt Nam. Tiếp đến là hai vị chức sắc của Công giáo và Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ: Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc – cố Tổng Giám mục TGP TPHCM và ngài giáo sĩ Huệ Ý – cố Tổng thư ký Cơ quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo. Cả ba vị đều quá vãng, nhưng những gì mà các ngài đã sống và đã làm đáng cho chúng ta là hậu duệ, những người đồng đạo, tiếp tục trong hiện tại và hướng về tương lai. Hai vị chức sắc của Công giáo và Cao Đài từ trần trong năm 2018 đều tha thiết với công cuộc gặp gỡ giữa tín hữu các tôn giáo để xây dựng công ích. Danh nhân văn hóa Petrus Ký thôi thúc chúng ta đào sâu tri thức, tích lũy hiểu biết đạo – đời để phục vụ cho con người và xã hội”.

Giao lưu giữa các tham dự viên

Trong buổi hội ngộ, mỗi thuyết trình viên trình bày một đề tài riêng nhưng đều hướng về chủ đề chung là “Hiểu biết phụng sự nhân sinh”. Hội đồng tinh thần tôn giáo Baha’i đã có bài chia sẻ về “Tương quan giữa khoa học và tôn giáo”, chỉ ra sự gắn kết, đồng hành giữa tôn giáo và khoa học bằng những ví dụ, chứng minh cụ thể được trích dẫn từ Kinh Thánh, giáo lý của nhiều tôn giáo khác nhau. Nếu tôn giáo thiếu đi khoa học sẽ dễ dàng rơi vào mê tín, ngược lại khoa học mà thiếu tôn giáo thì sẽ lạnh lùng, dã man, đồng thời tạo ra những gánh nặng cho xã hội. Hình ảnh cụ Petrus Ký được gợi lại một cách sống động qua đề tài của đạo hữu Huệ Khải – tín đồ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Dẫn ra câu nói “vô tri bất mộ, hữu tri đắc đạo”, toàn bộ phần trình bày của ông là một mạch tưởng nhớ vị danh nhân được nối liền bởi những giải thích, minh chứng cho tấm gương hiểu biết đạo làm người. Dù sống trong hoàn cảnh lịch sử nghiệt ngã, cụ Petrus Ký vẫn giữ lòng thanh bạch và cống hiến trí tài của mình, sống trọn vẹn đạo làm người.

Mục sư Trần Thanh Truyện – Hội thánh Cơ Đốc Phục Lâm diễn giải về “Đức khôn ngoan theo Kitô giáo”. Trích dẫn và bám sát vào Kinh Thánh, mục sư đưa cả hội trường đến với niềm tin sâu sắc vào Chúa và kêu gọi mọi người cầu xin Chúa cho mình đức khôn ngoan, chăm sóc nhiều hơn về phần hồn thay vì tích trữ của báu thế gian.

Các tham dự viên cũng đã được nghe đạo trưởng Đại Bác – Trụ trì Tam Tông Miếu thuộc Minh Lý Đạo nói về “Chữ trí trong Nho giáo”. Cùng chia sẻ về chữ trí, vị đại diện phật giáo là sư cô Thích Nữ Hương Nhũ – giảng viên Học viện Phật giáo TPHCM lại cho thấy một góc nhìn khác của đạo Phật. Nhưng rồi, tất cả những quan điểm ấy đều quy về tầm quan trọng của trí tuệ cũng như sự hiểu biết. Qua mỗi phần trình bày, hội trường lại tiếp tục tưởng niệm cụ Petrus Ký, một nhân vật được nhắc đi nhắc lại suốt từ đầu chương trình.

Bên cạnh những đề tài bám vào chủ đề chính, chương trình còn có nhiều tiết mục văn nghệ được trình diễn bởi các cá nhân, nhóm đến từ những tôn giáo khác nhau tạo thêm màu sắc và điểm nhấn cho ngày hội ngộ. Sau cùng, các vị đại diện từng tôn giáo bước vào nghi thức cầu nguyện để kết thúc buổi trao đổi. Ngày hội liên tôn lần VIII khép lại bằng một bữa cơm chay thân tình.

Trần Chân

Exit mobile version