Hiệp nhất trong Tình Yêu

LoiChua - Hiệp nhất trong Tình Yêu

Chương 17 Tin Mừng theo thánh Gioan là lời nguyện hiến tế của Chúa Giêsu trước khi Ngài bước vào cuộc thương khó.

Khi đọc chương 17, có thể nói đây là những lời cầu nguyện đẹp nhất trong toàn bộ kinh thánh, trong đó, Chúa Giêsu với tư cách là thượng tế, là đầng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người đã dâng lên Thiên Chúa lời khẩn nguyện. Ngài chẳng những cầu nguyện cho các tông đồ, mà còn cầu nguyện cho tất cả chúng ta là những kẻ đã nghe lời giảng dạy của các Tông Đồ và của Giáo Hội mà tin theo Chúa. Chúng ta có thể nhận ra điều đó trong bài Tin mừng hôm nay.

Trang Tin Mừng hôm nay là phần kết thúc lời cầu nguyện hiến tế Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha trước khi Ngài lên Giêrusalem chịu khổ nạn. Chúa Giêsu cầu nguyện không chỉ cho sự hiệp nhất giữa các tông đồ nhưng còn cho tất cả chúng ta – những người tin vào Thiên Chúa qua lời rao giảng của các tông đồ và những người kế vị các ngài. Chính tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con là nền tảng cho sự hiệp nhất giữa mọi tín hữu trong cộng đoàn. Một cộng đoàn lấy tình yêu của Ba Ngôi làm sức sống năng động sẽ đứng vững bền bỉ giữa những biến động thăng trầm của cuộc đời dương thế.

Thật vậy, Giáo Hội mời chúng ta nghe đoạn Lời Chúa này trong tuần cuối của mùa Phục sinh chuẩn bị mừng Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chính Chúa Thánh Thần là nguyên lý của sự hiệp nhất.

Mỗi chúng ta có trách nhiệm góp phần xây dựng sự hiệp nhất trong Hội Thánh, qua việc xây đắp tình hiệp nhất nơi cộng đoàn chúng ta đang sống. Cái tôi kiêu ngạo, ích kỷ thường là nguyên nhân gây chia rẽ trong cộng đoàn. Không ai trong chúng ta dám tự hào bản thân không bị chi phối bởi cái tôi xấu tính này. Nó khiến chúng ta coi bản thân là trung tâm của vũ trụ, mà quên đi sự hiện hữu đáng tôn trọng của những người xung quanh.

Lời cầu nguyện của Chúa cho chúng ta biết: chứng tá mạnh nhất và có tính thuyết phục nhất về Thiên Chúa Chí Thánh là sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Chúa cầu nguyện cho chúng ta được hiệp nhất với nhau như Chúa Con ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Chúa Con. Sự hiệp nhất này đặt trên nền tảng tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con.

Và rõ ràng, khi các Kitô Hữu hiệp nhất với nhau và hiệp nhất với Chúa Kitô, thì được tham dự vào sự hiệp nhất thần linh của Ba Ngôi. Họ được mời gọi tham dự vào cuộc sống vĩnh cửu, chiêm ngưỡng vinh quang của Ba Ngôi Thiên Chúa. Còn những ai đã sống đẹp lòng Chúa và khát khao nước Thiên Chúa mà chưa có cơ hội lãnh nhận bí tích Rửa Tội, thì lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cũng là lời mời gọi, đưa tất cả hiệp nhất với các Kitô hữu và với Thiên Chúa trong tình yêu và ơn cứu độ của Ngài.

Và rồi, Chúa cầu xin cho tất cả chúng ta được kết hợp với nhau và yêu thương nhau. Thật ra đây chỉ là kết quả của lời nguyện trước, vì nếu chúng ta kết hợp và yêu mến Thiên Chúa, thì chúng ta cũng phải kết hợp và yêu thương nhau. Mến Chúa yêu người không phải là một luật sống chỉ dựa trên lý trí, nhưng là một thực tại thiết yếu và cụ thể. Chúng ta không thể nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại không yêu thương lo lắng cho người khác, nhất là những người nghèo khổ và bất hạnh. Chính vì thế, đây là điều răn chúng ta nhận được từ Thiên Chúa là “ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu mến anh em mình”.

Cuối cùng, Chúa Giêsu còn cầu nguyện cho Giáo hội được hiệp nhất trong Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, để thế gian tin nhận ơn cứu rỗi, tin nhận Thiên Chúa Cha đã sai con một mình là Chúa Giêsu Kitô đến trần gian để cứu rỗi con người. Đây là sự hiệp nhất có đặc tính truyền giáo, và sự hiệp nhất này là một chứng từ hữu hiệu cho chính Chúa Giêsu Kitô và cho sứ điệp của Ngài.

Sự hiệp nhất không phải là hành vi cố nhịn nhục, nhịn nói những câu mất lòng nhau, hay cố nhịn tránh những va chạm để đánh lừa người đời. Sự hiệp nhất mà Chúa muốn chúng ta sống là tình yêu thương bao dung, để sẵn lòng tha thứ cho lầm lỗi của nhau. Một tình yêu khiêm cung tha thứ tất cả, nhịn nhục tất cả và trên hết là yêu thương vô vị lợi với hết mọi người. Một tình yêu có thể xoá tan mọi ngăn cách để sống hoà hợp với nhau trong tình tương thân tương ái.

Chúng ta cần để Chúa Thánh Thần soi sáng cõi lòng, giúp ta chân nhận sự bất toàn yếu đuối nơi con người chúng ta. Tự nguyện sống trong ân sủng của Chúa Thánh Thần, cuộc sống chúng ta sẽ trổ sinh hoa trái thánh thiện góp phần xây dựng tình hiệp nhất nơi môi trường chúng ta sinh sống. Qua những nỗ lực dấn thân không mệt mỏi cho tình hiệp nhất, sự hiện diện của chúng ta sẽ trở nên dấu chứng cho tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong thời đại hôm nay.

Để trở nên những người thuộc về Thiên Chúa, cùng hiệp nhất với nhau trong tình yêu Thiên Chúa, thì chúng ta cần phải tránh mọi điều gây chia rẽ, hận thù, ganh ghét, nói hành nói xấu và tập những thói quen tốt: quảng đại, vị tha, nói những lời tốt đẹp cho người khác và cố gắng duy trì sự hiệp nhất huynh đệ để làm chứng cho Chúa.

Huệ Minh

Exit mobile version